TÌM KIẾM

10 Pháp

18/04/2020Admin

TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC

GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT

II.- GIAI ĐOẠN XUẤT GIA


10 PHÁP

Đây là bài kệ các tỳ kheo theo đó mà thực hành, nghĩa là chúng ta phải thuộc để nhớ mà nhắc mình thực hành:

Ta nói thập thượng pháp,
Pháp đưa đến Niết bàn,
Diệt trừ mọi khổ đau,
Giải thoát mọi triền phược.

Đức Phật nói thập thượng pháp là 10 pháp cao thượng để cho quý thầy lấy đó mà dứt trừ, mà dứt bỏ, mà tu tập, để cho đến được Niết bàn giải trừ mọi khổ đau, giải thoát mọi triền phược tức là mọi sợi dây trói buộc. Như vậy 10 pháp tối cao thượng này là gì mà chúng ta phải hiểu rõ để thực hành cho bằng được tức là chúng ta phải thực hành theo cho bằng được 10 này?

1.- Một pháp có nhiều tác dụng: nghĩa là một pháp tu tập nhưng có tác dụng nhiều mặt cho cuộc sống chúng ta hằng ngày. Vậy pháp có nhiều tác dụng đó là pháp nào chúng ta phải biết, chứ nếu không biết thì làm sao chúng ta tu tập được. Giới hạnh, giới đức, dt chúng ta thông rồi mà không biết pháp nào đạt được giới luật (giới hạnh, giới đức, giới tuệ) thì làm sao mà chúng ta tu, cho nên Thầy giảng để cho quý thầy thấy từ chỗ lí pháp đến chỗ hành pháp thì chúng ta phải biết một pháp; rồi đây sẽ có hai pháp cho đến 10 pháp cho đến nhiều pháp, nhưng bắt đầu chúng ta chỉ học một pháp mà nó làm cho chúng ta đạt được ba mặt của giới luật (giới hạnh, giới đức, giới tuệ).

2.- Một pháp cần phải tu tập: nghĩa là có một pháp mà chúng ta luôn luôn lúc nào cũng cần phải tu tập chúng ta mới giữ được giới hạnh, giới đức, giới tuệ.

3.- Một pháp cần phải biến tri: biến tri là biết thay đổi khéo léo, hiện xảo trong sự tu tập.

4.- Một pháp cần phải đoạn trừ: nghĩa là chỉ học, chỉ cần tu một pháp mà đoạn trừ rất nhiều đối tượng của chúng ta. Chúng ta phải học pháp đó, pháp đó có tên của nó và tên nó như thế nào để chúng ta biết mà đoạn trừ.

5.- Một pháp chịu phòng tai hại: chúng ta phải thấy pháp nào mà chịu tai hại đối với cuộc tu hành của chúng ta cho nên chúng ta phải biết pháp đó để hoàn toàn chấm dứt phòng tai hại đó, nghĩa là không cho chúng phóng trong tâm chúng ta, dứt bỏ pháp làm tai hại chúng ta.

6.- Một pháp đưa đến thù thắng: nghĩa là chúng ta biết pháp nào đưa đến sự thù thắng của sự tu tập của chúng ta.

7.- Một pháp rất khó thể nhập: tức là nhập vào pháp đó rất khó cho nên chúng ta phải tu tập như thế nào để thể nhập cho được.

8.- Một pháp cần được sanh khởi: nghĩa là chúng ta phải hiểu pháp nào làm cho tâm chúng ta sanh khởi mà chỉ sanh khởi thiện pháp, không sanh khởi ác pháp.

9.- Một pháp cần được thắng tri: nghĩa là một pháp cần phải hiểu cho rõ ràng, hiểu cho thấu suốt.

10.- Một pháp cần được tác chứng: nghĩa là phải chứng cho được lí thâm sâu bởi người ta ngộ lí mà còn phải chứng lí. Còn ở đây chứng lí cho thật chứng nghĩa là chúng ta phải tu tập pháp đó như thế nào để chứng cho được cái lí.

Bây giờ Thầy sẽ giảng từng pháp để quý thầy biết được 10 pháp này như thế nào để quý thầy tu tập.

1.- Thế nào là một pháp có nhiều tác dụng? Đức Phật đáp: bất phóng dật đối với các pháp ác, các bất thiện pháp nghĩa là mình không phóng dật theo các pháp ác, các pháp bất thiện thì đó là pháp có nhiều tác dụng, mình phóng dật chạy theo nó thì muôn ngàn thứ khổ; không phóng dật theo các pháp ác, các pháp bất thiện thì muôn ngàn thứ khổ sẽ chấm dứt. Cho nên tâm không phóng dật thì chứng giải thoát. Tâm có phóng dật là không giải thoát.

Bây giờ chúng ta biết tên của một pháp có nhiều tác dụng là tâm không phóng dật. Tâm quý thầy không phóng dật là giải thoát liền tức khắc, mà tâm quý thầy phóng dật thì bị ác pháp và bất thiện pháp trì quý thầy xuống địa ngục. Mới vào đầu chúng ta được học pháp có nhiều tác dụng là không phóng dật, tâm không phóng dật thì không còn pháp nào tác dụng nào tâm chúng ta được hết cho nên tâm chúng ta được thảnh thơi giải thoát, cho nên Phật thường dạy giữ tâm đừng phóng dật. Một pháp tâm không phóng dật mà đạt được thì đã giải thoát, không còn gì nữa hết.

2.- Thế nào là một pháp cần phải tu tập: Phật đáp niệm thân câu hữu với khả ý. Quý thầy thấy chỉ một pháp tu tập chứ không phải hai pháp, pháp này là niệm thân câu hữu với khả ý tức là Tứ Niệm Xứ, nghĩa là lấy thân của mình mà niệm, bởi Phật nói Thân Hành Niệm, có một pháp thân hành niệm mà quý thầy được giải thoát, cho nên chỉ có một pháp là niệm thân thôi, mà niệm thân câu hữu với khả ý thì lúc bấy giờ chúng ta niệm trên thân của chúng ta mà nó có cái yên ổn. Không đau đớn, không có cái này cái kia là đúng, mà có trạng thái này trạng thái kia là sai, không đúng. Cho nên Phật nói niệm thân câu hữu với khả ý. Khi mình tu lúc nào cũng niệm trên thân mình có sự an lạc, thảnh thơi thanh thản thì mình tu đúng. Nếu nghe nhức nhối, nghe chỗ nào tức lói, hoặc nghe trạo cử, hoặc nghe buồn ngủ thì quý thầy đã tu trên niệm thân sai rồi. Cho nên có chỉ một pháp niệm thân thôi mà kèm theo cái khả ý của nó, tức kết hợp với sự an ổn thân của mình là đúng, mà không như vậy là không đúng. Nó đơn giản vậy. Cho nên tu theo đạo Phật là phải có sự giải thoát. Mình tu theo đạo Phật mà không có sự giải thoát là sai. Khi ngồi mà bị lặn mất tiêu hay bị thùy miên luôn là quý thầy không có câu hữu với khả ý rồi. Khả ý là cái ý của mình đang biết được cái yên ổn của nó, biết được mức độ trong đó thân tâm mình rất an ổn thì đó là khả ý.

3.- Thế nào là một pháp cần phải biến tri: cần biến tri là cần phải linh động của sự hiểu biết đó. Đức Phật đáp: xúc thủ lậu. Xúc là va chạm; thủ lậu là những lậu hoặc có đối tượng của nó, sức va chạm với vật đó. Thí dụ Thầy đụng cái bàn, đụng cái ghế... đụng tất cả mọi cái, tức Thầy xúc chạm nó, mà mỗi xúc chạm đều có cái giữ của nó lại tức là mình phải biến tri để cho đừng dính mắc nó lại, như vậy sự hiểu biết của mình phải theo việc đó, mà mình chủ động điều khiển, như quý thầy thấy trong sự phòng hộ sáu căn là chỗ xuất thủ lậu. Đức Phật nói đó là một pháp phòng hộ sáu căn. Người không tu chứng thì không thể giải thích danh từ này được. Bởi thủ lậu có ba lậu hoặc: hữu lậu, dục lậu, vô minh lậu. Ở đây đức Phật nói mình xuất thủ lậu thì chúng ta phải phòng hộ sáu căn thì mới quét sạch ra các thủ lậu. Hễ nói xuất thủ lậu là chúng ta biết rằng đó là phòng hộ sáu căn hay Thánh Phòng Hộ Sáu Căn. Như vậy tu một pháp Thánh Phòng Hộ Sáu Căn mà chúng ta cũng được giải thoát, cũng đã được chứng Niết bàn.

4.- Thế nào là một pháp cần phải đoạn trừ? Đức Phật đáp ngã mạn. Mỗi tâm niệm mình cho mình hơn người là ngã mạn, đặc biệt khác người là ngã mạn, phong độ tự nhiên thì không có ngã mạn chứ làm có vẻ gì khác người là có ngã mạn; như nghe bài học rồi đi mà không dám đi là ngã mạn của người đó theo pháp mà lớn lên đó. Cho nên chúng ta phải sáng suốt để đoạn trừ ngã mạn của chúng ta, bởi ngã mạn thực hiện cái ngã của chúng ta trong hành động. Chỉ cần một pháp đoạn trừ ngã mạn là quý thầy đã được giải thoát, cho nên người ta nói vô ngã là Niết bàn, còn có ngã mạn thì làm sao chứng Niết bàn được. Đức Phật dạy chúng ta một pháp một thôi mà chúng ta làm đề mục để tu hành thì chúng ta cũng đạt đến sự giải thoát.

5.- Thế nào là một pháp chịu phần tai hại? Chỉ một pháp mà làm chúng ta bị tai hại cái này cái khác thì đức Phật đáp: bất chánh tác ý, nghĩa là pháp làm mình bị tai hại là do ý không chơn chánh, do sự bất chánh tác ý ra, mình khởi ý bất chánh về cái này cái kia, khởi giận người này người kia, nghi điều này điều nọ đều do ý bất chánh tác ý. Ý bất chánh là cái tai hại, trước tiên là hại mình, cũng như nghi người ta làm cái gì đó, đó là bất chánh tác ý rồi. Cho nên phải thuộc lòng điều này để biết từng tâm niệm của mình, để mình điều khiển con voi của mình, mình biết trong đầu mình khởi ý bất chánh thì mình biết con voi của mình muốn theo kiểu rừng rú của nó, không phải là con voi được thuần dạy.

6.- Thế nào là một pháp đưa đến thù thắng? Đức Phật đáp chơn chánh tác ý nghĩa là mình tác ý ra không nghi người đó đã làm điều gì sai trái. Đó là pháp thù thắng làm cho tâm hồn mình giải thoát. Mình không tham, không sân, không si thì mình phải tác ý tâm không tham, không sân, không si của mình ra, hoặc là mình không ham muốn thì mình phải tác ý không ham muốn ra. Thí dụ thấy cái đồng hồ của người mà ham muốn thì phải tác ý "Đừng ham muốn" tức là pháp tác ý chơn chánh, hay thấy bất cứ gì mà khởi tâm ham muốn thì phải tác ý chơn chánh "Đừng ham muốn". Tức là một pháp đưa đến thù thắng là mình phải chơn chánh tác ý.

Những điều đức Phật dạy, Thầy thấy thật là tuyệt vời. Đức Phật dạy từng tâm niệm để chúng ta điều khiển nó làm cho chúng ta thoát ra cảnh khổ của cuộc đời.

7.- Thế nào là một pháp rất khó thể nhập? Nghĩa là trong Phật pháp thì pháp nào khó nhập vào. Đức Phật đáp: vô gián tâm định. Vô gián là liên tục tức là nhập vào đó rồi kéo dài từ ngày này đến ngày khác không bị gián đoạn, thì đó là pháp khó thể nhập, chuyện làm được vậy không phải là chuyện trong một ngày hai ngày mà làm được, cũng không phải chuyện dễ cho một người tầm thường. Bằng chứng là quý thầy muốn nhập vô Nhị thiền, hay Tam thiền, nói chung là các tầng thiền của chánh thiền thì quý thầy phải nhập từng phút rồi xuất ra, rồi nhập vô lại cho quen dần từng chút, rồi mới tăng lên; chứ quý thầy nhập vô gián tâm định mà kéo dài thời gian thì thân của quý thầy tiêu luôn, cho nên phải nhập từng chút rồi tăng lên, có vậy quý thầy mới không bị khổ đau, cơ thể không bị hoại diệt. Cho nên sức thiền định của Thiền Thứ Tư chỉ kéo dài 49 ngày giữ thân thôi, nếu kéo dài hơn 49 ngày thì thân sẽ bị hoại diệt, không còn hồi phục lại được. Cho nên nhập Thiền thứ Tư đến ngày thứ 49 tự động nó xuất ra, dù quý thầy muốn kềm nó, cũng không được vì nó phục hồi sự sống nên nó phải bung ra. Trong mỗi tầng thiền, nếu sức của quý thầy chưa đủ thì đến đó tự động nó bung ra. Thí dụ sức của quý thầy một phút trong tầng thiền nào thì khi hết một phút đó tự động nó bung ra, quý thầy có muốn kéo dài thì phải tu tập kiên trì từng tầng thời gian. Cho nên chữ vô gián tâm định là luôn ở trong định không còn kẽ hở bung ra nhập vào.

8.- Thế nào là một pháp cần được sanh khởi? Đức Phật đáp bất động trí. Mình muốn không có tâm sanh khởi thì phải giữ trí của mình bất động không khởi niệm này niệm kia. Nói thì vậy chứ đâu phải dễ làm được. Muốn đạt được pháp bất động trí thì chúng ta cần phải tu tập các pháp khác. Ngồi tâm không nghĩ mà thanh thản của người nhập Sơ thiền thì đó là bất động trí. Bất động trí của người nhập Nhị thiền ngồi mà tâm im phăng phắc từ một ngày cho đến 7 ngày thì đó là bất động trí, như vậy là quý thầy phải có một công trình tu tập dữ lắm mới đạt được như vậy.

9.- Thế nào là một pháp cần được thắng tri (thắng tri là sanh khởi)? Thắng tri là hiểu cho sâu hiểu cho thấu triệt để làm chủ được pháp đó. Đức Phật đáp: Tất cả loài hữu tình do ăn uống mà an trú, nghĩa là trí hiểu biết thấu suốt của mình phải biết lí do an trú của tất cả các loại chúng sanh đều do ăn uống. Cho nên chúng ta ăn ngày một bữa là chúng ta đã thấu suốt được cái lí của ăn. Đức Phật cũng dạy chúng ta ăn ngày một bữa, không ăn phi thời vì ăn nhiều làm chúng ta không thể an trú được, cho nên chúng ta ăn ngày một bữa làm cho thân và tâm của chúng ta rất an ổn.

10.- Thế nào là một pháp cần được tác chứng? Đức Phật đáp: bất động tâm giải thoát. Bất động tâm giải thoát quý thầy đã hiểu. Mục đích của đạo Phật, sự thành tựu của đạo Phật là bất động tâm giải thoát. Muốn được vậy thì chúng ta phải nỗ lực hết sức mình trên đường tu tập mới đạt được.

Tới đây Thầy sẽ cho hai pháp, rồi ba pháp, rồi bốn pháp... Mỗi bài pháp về giới luật của giáo án Thầy sẽ cho thêm những bài phụ để quý thầy biết mà xen kẽ tu tập.