TÌM KIẾM

20 Pháp

18/04/2020Admin

TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC

GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT

II.- GIAI ĐOẠN XUẤT GIA


 20 PHÁP

Trước khi học giới bổn patimokkha, Thầy sẽ giảng trạch thêm 20 pháp cần phải hiểu rõ trong khi thực hành tu tập giới luật. Thế nào là 20 pháp:

1. Có hai pháp có nhiều tác dụng.
2. Có hai pháp cần phải tu tập.
3. Có hai pháp cần phải biến tri.
4. Có hai pháp cần phải đoạn trừ.
5. Có hai pháp chịu phần tai hại.
6. Có hai pháp đưa đến thù thắng.
7. Có hai pháp rất khó thể nhập.
8. Có hai pháp cần được sanh khởi.
9. Có hai pháp cần được thắng tri.
10. Có hai pháp cần được tác chứng.

Tất cả 20 pháp này chúng ta phải hiểu rõ để biết cái nào khó thể nhập, phải tu tập như thế nào để thể nhập được nó.

Như đức Phật nói thân chúng ta là vô thường, khổ, vô ngã thì chúng ta phải biết tu như thế nào để thể nhập vô thường, khổ, vô ngã. Cái đó là cái khó. Nhưng chúng ta phải hằng ngày phải tu tập, tập luyện trau dồi để thấm cái lí đó, mà thấm được cái li là chỉ mới chứng được cái lí chứ chưa ngộ. Bây giờ chúng ta nghe nói thân này là vô thường, khổ, vô ngã. Chúng ta biết đúng như vậy tức là ngộ như vậy chứ chưa có thấu được cái lí, chưa chứng được cái lí vô thường, khổ, vô ngã. Chúng ta trải qua một thời gian tu tập thì chứng được cái lí, và khi chứng được cái lí thì bị người chửi, chúng ta không giận vì mình thấy vô ngã. Mình chứng được cái lí thì mình không còn dính mắc các pháp, cho nên mới thấy các pháp là vô thường. Do chỗ chúng ta cần phải tu tập và cần phải thể nhập, cần phải phải chứng cho được, chúng ta thấy hai pháp nào khó thể nhập thì phải hiểu hai pháp đó để nỗ lực tu cái đó nhiều hơn chứ nếu nói dễ rồi chúng ta tu sơ sơ thì không chứng cái lí đạo, không chứng được pháp, mà không chứng được pháp thì chỉ ngộ rồi lí luận tranh cải nhau, cuối cùng chúng ta đụng đâu cũng dễ bị phiền não, dễ giận hờn, nghĩa là tham sân si vẫn còn, không hết được.

1. Thế nào là hai pháp có nhiều tác dụng. Niệm và tỉnh giác là hai pháp có nhiều tác dụng.

a/ Niệm là gì? Chúng ta biết rằng trong Tứ Niệm Xứ có 4 chỗ niệm; trong Tứ Bất Hoại Tịnh cũng có 4 chỗ niệm, cho nên chúng ta lấy thân thọ tâm pháp của mình mà niệm 4 chỗ gọi là Tứ Bất Hoại Tịnh. Học về giới hành thì chúng ta đi vào 3 giới đầu tiên là Phật Pháp Tăng và giới là giới bổn chúng ta đã học. Do chỗ chúng ta đã thọ tam quy là 3 giới đầu Phật Pháp Tăng thì nghe người ta nói niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Vậy niệm Phật thì thân Phật sống như thế nào thì thân chúng ta phải sống như vậy, Tâm Phật như thế nào thì tâm chúng ta phải sống như vậy, Thọ Phật sống như thế nào thì thọ chúng ta phải sống như vậy, Phật đối với các pháp như thế nào thì chúng ta cũng đối với các pháp như Phật vậy. Đó là chúng ta niệm Phật. Chúng ta niệm Pháp cũng vậy, rồi niệm Tăng cũng vậy. Niệm như thế nào thì Thầy sẽ dạy các pháp hành để các con thực hiện 3 giới đầu tiên Phật Pháp Tăng, rồi kế đó các con sẽ niệm giới.

Ở đây chúng ta thấy pháp đầu tiên có nhiều tác dụng là niệm, mà chúng ta biết Tứ Niệm Xứ có 4 chỗ để niệm: Thân Thọ Tâm Pháp. Vậy thì niệm cái gì thì sau này tới đó chúng ta sẽ biết.

b/ Tỉnh giác. Muốn được chánh niệm thì phải tỉnh giác, không tỉnh giác thì làm sao có chánh niệm. Niệm và tỉnh giác luôn luôn đi đôi nên Phật gọi là Chánh Niệm Tỉnh Giác Định. Như vậy muốn được chánh niệm và tỉnh giác thì phải tu tập định Chánh Niệm Tỉnh Giác; chánh niệm tỉnh giác làm cho chúng ta có sức tỉnh thức, có sức tỉnh táo ở trước các pháp cho nên cái niệm thành cái niệm chơn chính. Vậy thì phải tu tập như thế nào để cho có sức tỉnh, tức là sức tỉnh giác, và đồng thời học hiểu như thế nào để cho cái niệm luôn luôn là chánh niệm.

Đó là hai pháp đầu tiên có nhiều tác dụng để trên bước đường tu tập có lợi ích rất lớn cho sự giải thoát thân. Chúng ta phải nhớ là niệm và tỉnh giác.

Trên lộ trình tu của người cư sĩ đạo Phật thì cũng phải ở trong cái Niệm và tỉnh giác cho nên người cư sĩ đạo Phật dùng Tứ Vô Lượng Tâm đặt Tâm Từ trước mặt, bước đi nhìn xuống đất để tránh vô tình đạp lên chúng sanh dưới chân. Do Tâm Từ đólàm cho tâm người cư sĩ đạo Phật không bị gò bó cách này hay cách khác, không ức chế tập trung tâm vào bước chân. Đi mà không có tâm từ thì bị ức chế tâm trong sự tỉnh thức, lâu ngày bị rơi vào trạng thái vô kí làm chúng ta mê không còn tỉnh nữa. Còn đi với tâm từ thương yêu chúng sanh, chúng ta sợ đạp chết côn trùng cho nên tuy không dùng pháp hướng mà đi mãi chúng ta rất tỉnh thức với lòng thương yêu chúng sanh. Từ đó tâm từ của chúng ta sống mãi và tăng trưởng theo Chánh niệm Tỉnh thức. Do khi chúng ta thực hiện lòng từ thì nó đối trị tâm sân; cho nên đứng trước các pháp ác tâm sân không nổi lên được.

Do chúng ta tu hai pháp mà đạt được nhiều kết quả như vậy, cho nên Phật nói có hai pháp có nhiều tác dụng. Chúng ta tu Chánh niệm và Tỉnh giác sẽ có nhiều tác dụng cho sự giải thoát cuộc đời nếu biết áp dụng vào Tứ Vô Lượng Tâm từ bi hỉ xả, Tứ Chánh Cần vào ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện. Tu những cái đó, chúng ta đi vào lộ trình của nhân quả. Ở đây chỉ có hai pháp Chánh niệm và Tỉnh giác có lợi ích cho cuộc sống tu hành của mình.

Người nào đừng vội vàng ngồi thiền nhập định, cứ ở trong Chánh Niệm Tỉnh Giác này mà tu thì cũng đem lại tâm hồn của họ sống an lạc thanh thản, không còn khổ đau nữa, không còn tham sân si nữa, ngũ triền cái sẽ bị quét sạch ra khỏi tâm họ, và thất kiết sử cũng không trói buộc được họ.

2. Thế nào là hai pháp cần phải tu tập. Và phải tu tập như thế nào đây? - Phật dạy chỉ và quán là hai pháp cần phải tu tập. Chỉ là ngưng lại, như nương vào hơi thở tu tập, và chúng ta chỉ hơi thở. Tại sao chúng ta chỉ hơi thở được mà chỉ cái khác không được? Là tại vì chúng ta có thể bảo hơi thở thở chậm thì chúng ta theo sức thở chậm mà thở chậm được, cho nên chỉ hơi thở không ở trong bình thường, tức là chúng ta làm cho nó chậm. Như hơi thở bình thường thế này chúng ta bảo thở nhẹ, chúng ta thở nhẹ một chút nữa vẫn bình thường an lạc.

Chỉ thì chúng ta phải nương vào hơi thở mà chỉ. Chúng ta muốn chỉ mà không nương vào hơi thở thì rất là khó chỉ. Như đầu tiên đức Phật dạy muốn nhập sơ thiền thì phải tịnh chỉ ngôn ngữ, nghĩa là người tu tập muốn nhập sơ thiền thì không được nói chuyện. Nhờ không nói chuyện mới cách li được mọi chướng duyên, mọi pháp, tâm mới li dục li ác pháp được. Do li dục li ác pháp đó, chúng ta mới nhập được sơ thiền. Như vậy muốn nhập được sơ thiền thì phải tịnh chỉ ngôn ngữ. Mà muốn nhập nhị thiền thì phải tịnh chỉ tầm tứ. Muốn tịnh chỉ tầm tứ thì không thể nào thở hơi thở bình thường như thế này mà chúng ta tịnh chỉ tầm tứ được, do đó phải đi vào lộ trình của hơi thở. Từ hơi thở bình thường chúng ta phải hướng tâm nhắchơi thở phải chậm và nhẹ nữa.Nhưng nhớ chỉ thở chậm và nhẹ theo với sức của chúng ta chứ không được ráng. Nếu ráng quá sức sẽ bị rối loạn cơ thể, sinh bệnh. Còn chúng ta thở với độ chậm nhẹ vừa với sức của mình thì cơ thể không rối loạn, và do nhắc đi nhắc lại pháp hướng tâm, chúng ta sẽ tịnh chỉ được tầm tứ, sự chậm nhẹ của hơi thở làm cho các hành trong thân không còn hoạt động bình thường được cho nên tầm tứ tịnh chỉ, chứ không phải ngồi rồi tự nhiên tịnh chỉ tầm tứ được, mà phải dùng hơi thở chậm nhẹ bằng pháp hướng tâm mới tịnh chỉ tầm tứ.

Như vậy quý thầy rõ được con đường tu tập của đạo Phật cụ thể, cho nên đức Phật mới nói "muốn nhập nhị thiền thì định niệm hơi thở vô hơi thở ra cần phải khéo tác ý", tức là đức Phật dạy chúng ta cần phải dùng hơi thở để tịnh chỉ được tầm tứ. Thậm chí như đến tam thiền li hỉ, tức li 18 trạng thái của hỉ, thì đức Phật cũng dạy: "định niệm hơi thở vô hơi thở ra cần phải khéo tác ý”. Khéo tác ý tức là hướng tâm điều khiển làm cho hơi thở chậm nhẹ, cho nên mới li ra được 18 trạng thái của hỉ. Và tỉnh thức đến mức không còn ngủ, ngủ không còn chiêm bao nữa, thì mới li tất cả trạng thái hỉ.

Hỉ là nổi vui như khi có trạng thái gì trong tu tập thiền làm ta thích thú. Do sự thích thú đó làm chúng ta vui mừng, như thấy hào quang hay thấy gì, đều làm ta thích thú. Sự thích thú đó là sai, đó là trạng thái của 18 loại tưởng. Khi sức tỉnh thức cao độ đến mức ngủ mà vẫn tỉnh thức, không còn mơ, không còn mộng. Mà không còn mộng tức là li tất cả các trạng thái hỉ, vì vậy Phật gọi là li hỉ trú xả nhập tam thiền.

Và đức Phật bảo chúng ta muốn nhập Tứ thiến phải tịnh chỉ hơi thở. Vậy muốn tịnh chỉ hơi thở thì phải làm sao? Hơi thở phải chậm cho đến mức độ nó ngưng thở. Bây giờ hơi thở đang bình thường mà bảo nó ngưng thì có ngưng không được.Khi quý thầy thấy người ngồi thiền còn thở phì phèo mà họ bảo họ đang nhập định thì có đúng không?

Đức Phật dạy pháp mà chúng ta cần tu tập đó là chỉ và quán. Thầy mới dạy cho quý thầy về chỉ, để thấy trên lộ trình tu tập thì phải dùng chỉ hơi thở để nhập 4 thiền của Phật từ sơ thiền cho đến tứ thiền. Thậm chí như Diệt Thọ Tưởng Định cũng phải dùng hơi thở để chỉ ý hành. Đức Phật xác định cho chúng ta biết ý hành là thọ và tưởng. Muốn nhập Diệt Thọ Tưởng Định thì ý hành phải ngưng hoàn toàn, tức thọ và tưởng phải ngưng. Ý hành là hoạt động của bộ óc của chúng ta. Thọ và tưởng ngưng thì ý căn phải hoàn toàn ngưng, thân hành phải ngưng và hơi thở cũng phải ngưng. Khi ý căn là bộ óc của chúng ta còn hoạt động thì chưa nhập Diệt Thọ Tưởng Định. Chỉ khi ý căn ngưng hoàn toàn thì lúc đó mới nhập Diệt Thọ Tưởng Định. Cho nên đức Phật xác định khi chúng ta nương vào hơi thở và hướng tâm để tịnh chỉ ý hành, tức khi ý căn ngưng hoạt động thì thọ và tưởng không còn hoạt động nữa, và như vậy chúng ta nhập Diệt Thọ Tưởng Định, chứ không phải vượt qua Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ rồi nhập Diệt Thọ Tưởng Định. Nói nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ rồi mới nhập Diệt Thọ Tưởng Định là nói cái lí pháp chứ không phải là hành pháp. Nói nương hơi thở để nhập Diệt Thọ Tưởng Định là nói về hành pháp. Chính vậy mà chúng ta biết cái nào là lí pháp, cái nào là hành pháp. Nếu không hiểu rõ như vậy thì chúng ta sẽ không bao giờ tu tập tới Diệt Thọ Tưởng Định được.

Quán là sao? Quán là phải động, phải có sự suy tư, phải dùng tri kiến. Dùng tri kiến gọi là quán.

Chỉ là im lặng, quán là động, vậy sao lại ghép vào nhau, bảo cần phải tu tập. Người không hiểu Phật pháp giải thích theo tưởng giải, bảo khi mình chỉ thì tỉnh táo biết trong đó nên gọi là quán. Đó là người chưa có kinh nghiệm tu.

Quán ở đây đức Phật muốn nói định vô lậu chứ không phải định hiện tại an lạc trú. Còn Chỉ dùng cho chỉ hơi thở để nhập Tứ thiền trong 4 thiền hiện tại an lạc trú.

Quán là tu tập định vô lậu làm cho lậu hoặc bị quét sạch ra. Tức là quán bất tịnh, vô thường, vô ngã là những sự suy tư. Định vô lậu là định dùng tri-kiến và tri-kiến-giải-thoát để quán xét diệt sạch các lậu hoặc ngũ triền cái, thất kiết sử. Quán là dùng định vô lậu chớ không phải là cái biết trong 4 thiền đâu, cho nên Chỉ và Quán phải tu tập, bởi khi chúng ta dùng định vô lậu thì mới li dục li bất thiện pháp, còn chúng ta dùng chỉ thôi thì ngồi im lìm cho nên nó không li các lậu hoặc ngũ triền cái, thất kiết sử được, cho nên tâm không thanh tịnh, mà tâm không thanh tịnh thì pháp hướng tâm không hiệu quả. Pháp hướng tâm không hiệu quả thì chúng ta không chỉ hơi thở được, mà không chỉ hơi thở được thì làm sao nhập Tứ thiền được.

Tâm thanh tịnh là do định vô lậu li dục li bất thiện pháp. Cho nên đầu tiên Định vô lậu giúp chúng ta nhập vào sơ thiền.

Quý thầy đừng hiểu chỉ và quán theo lối của người xưa là trong khi ý ngưng hoạt động không nghĩ ngợi gì hết mà cái biết của chúng ta vẫn còn. Không bao giờ có điều kiện đó được, là vì hơi thở vẫn thở bình thường thì lúc bấy giờ chúng ta chỉ được vọng tưởng, tức là tầm, nhưng ý chúng ta vẫn tác ý, nếu không tác ý thì sẽ rơi vào vô kí, chúng ta quên hết. Không bao giờ ý đứng yên ở chỗ tỉnh thức đó đâu mà gọi là quán.

Cái mà người ta nghĩ ra như vậy gọi là tưởng. Vì vậy mà có loại thiền định chỉ quán; có những pháp môn sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh. Người ta nghĩ rằng trong thời gian chỉ được vọng tưởng rồi thì sức tỉnh thức nằm ở đó liên tục, không mất đi, nên người ta gọi thời gian đó là quán hay tịch chiếu. Người ta dùng những danh từ đó.

Nhưng đứng trong góc độ của đạo Phật nó không phải vậy. Muốn đi vào cái định để làm chủ được thân tâm thì trước phải đi vào cái định để tâm thanh tịnh, rồi sau đó mới đi vào cái định để làm chủ được thân. Có hai pháp rõ ràng, vì vậy chỉ và quán ở đây rõ ràng là hai pháp ở trên hai thứ định, chứ không phải trong một thứ định mà đồng thời một lượt vừa có chỉ vừa có quán.

Có xác định được như vậy thì chúng ta mới thấy con đường của đạo Phật rất cần thiết phải được tu tập hai pháp. Cho nên nếu quý thầy chỉ tu có hơi thở thôi thì quý thầy tu không đủ, tức là tu không đúng; mà quý thầy chỉ chuyên về 4 thiền thôi thì quý thầy cũng tu không đúng là tâm không thanh tịnh được. Quý thầy phải tu quán tức là dùng định vô lậu, trong đó quý thầy ngồi kiết già đặt niệm trước mặt để diệt trừ tham ưu của quý thầy, nhờ đó lậu hoặc tham ưu bị quét sạch, tâm li dục li bất thiện pháp, nhờ thế tâm tịnh. Sau đó quý thầy tu tịnh chỉ các hành trong thân. Đó là hai pháp cần phải tu tập.

3. Thế nào là hai pháp cần phải biến tri. - Danh và sắc. Trong thập nhị nhân duyên có danh và sắc. Vậy danh và sắc là cái gì mà cần phải được hiểu một cách biến tri, nghĩa là trong danh sắc có nhiều sự thay đổi và biến hóa của nó, cho nên chúng ta phải hiểu nó cho rõ ràng. Đức Phật đã dạy "những gì chưa thông hiểu cần phải thông hiểu", hai pháp này là trong số "những gì chưa thông hiểu" đó, cho nên chúng ta phải hiểu biết nhiều hai pháp danh và sắc, nếu không hiểu nó thì chúng ta sẽ bị danh sắc lường gạt. Do người ta không hiểu sự thay đổi và biến hóa của hai pháp danh và sắc nên chấp lầm danh sắc là ngã, là thường hằng, là lạc, là thanh tịnh, là thường còn; người ta không chấp danh thì cũng chấp sắc; không chấp sắc thì cũng chấp danh. Danh sắc chính là thân tâm của chúng ta. Đức Phật đã giảng rất nhiều ở trong kinh để chúng ta hiểu rõ thân tâm thế nào là vô thường, thế nào là vô ngã, thế nào là khổ, Thầy sẽ dựa vào đó giảng rộng ra cho quý thầy hiểu rõ hơn. Sau này khi nói về giới hành thì Thầy sẽ giảng dạy cho quý thầy hiểu rõ về danh sắc

4. Thế nào là hai pháp cần phải đoạn trừ. Đoạn trừ tức là dứt bỏ. Trước kia đức Phật đã dạy chúng ta phải dứt bỏ. Vậy muốn đoạn trừ nó thì phải làm sao và đoạn trừ hai pháp nào? Đức Phật đáp: vô minh và hữu ái. Muốn đoạn trừ vô minh và hữu ái thì chúng ta phải minh. Muốn đoạn trừ vô minh thì chúng ta phải dùng tri kiến hiểu biết, tức là phải trau dồi hiểu biết danh và sắc. Như vậy muốn phá trừ vô minh thì chúng ta phải trau dồi tri kiến hiểu biết danh và sắc, nghĩa là phải đặt niệm danh sắc để tu định vô lậu. Như vậy chúng ta phải dùng tri kiến giải thoát.

Thầy nhắc lại: tri kiến khác với tri kiến giải thoát. Tri kiến là chúng ta được Thầy và Phật dạy cho chúng ta hiểu biết thông suốt được cái lí của đạo. Còn tri kiến giải thoát là khi chúng ta đặt niệm trước mặt rồi quán xét thì trong đầu chúng ta phóng ra những sự hiểu biết làm cho chúng ta thấm được cái lí của đạo, làm cho tâm được giải thoát, quét sạch được lậu hoặc. Cho nên định vô lậu rất cần thiết ở chỗ hai pháp cần tu tập đã nói ở trên, đó là quán. Quán để tri kiến giải thoát phát triển, khai triển tri kiến giải thoát. Khi chúng ta đã phá được vô minh thì đây là đoạn trừ vô minh. Quý thầy phải siêng năng học tập, phải siêng năng tu tập định vô lậu, có vậy quý thầy mới có được tri kiến, từ đó mới có tri kiến giải thoát để phá vô minh làm cho quý thầy không còn lầm chấp nữa. Khi nghe ai chửi mình, mình không giận, tức là phá được ngã chấp, tức phá được kiến chấp.

Từ lâu tới giờ chúng ta nghe nói thiền này thiền kia mà vì chúng ta vô minh không hiểu, cho đó là đúng, là hay cho nên cứ ôm ấp trong đầu cái đó là đúng, vì vậy mà chúng ta lầm, không có xả ra được; ai nói cái đúng chúng ta cũng không nghe, ai nói giới luật chúng ta cũng không chấp nhận vì chúng ta thấy rằng chỉ có Phật Tánh là hơn hết. Do cái lầm chấp đó mà không ngờ rằng chúng ta đã lạc trong 62 lập luận của ngoại đạo, vì 62 lập luận của ngoại đạo vẫn có nói về Bản Thể không sanh không diệt. Kiến chấp đó đã làm chúng ta trở thành vô minh không thấy. Vì vậy bây giờ trở về con đường của đạo Phật chúng ta được giảng dạy cho thông hiểu, làm cho tri kiến thông suốt để phá đi kiến chấp đó. Khi phá đi kiến chấp đó thì chúng ta mới có minh, không còn vô minh nữa.

Hữu áitức là lòng tham muốn. Chúng ta phải đoạn dứt tâm ái, lòng tham muốn của mình. Chẳng hạn khi thấy cái máy này thì Thầy thấy nó khả hỉ khả ái nên khởi lên lòng tham muốn. Đó là hữu ái. Hữu là có, có đối tượng gợi lên lòng ham thích. Chúng ta phải đoạn trừ lòng tham muốn này bằng không thì bị dính mắc nó, mà bị dính mắc thì sẽ có sự đau khổ cho chính mình, và lậu hoặc dính mắc càng nhiều, ngày càng lớn lên làm cho đời sống chúng ta không giải thoát.

Cho nên ở đây hai pháp cần phải đoạn trừ là vô minh và hữu ái.

Khi 6 căn tiếp xúc 6 trần mà đừng cho hữu ái dính vào thì lúc đó chúng ta dứt bỏ lòng tham muốn của chúng ta đối với các pháp, ngay đó đoạn trừ được vô minh và hữu ái. Như vậy chúng ta tu tập rất dễ dàng, làm cho lậu hoặc mau hết và Tứ thiền mau nhập. Nếu ngược lại cứ để hữu ái dính mắc hoài, không chịu đoạn trừ nó thì chúng ta không tu tập được.

Đó là những pháp cần phải đoạn trừ, cần phải dứt bỏ. Không ai có thể dứt bỏ cho mình được, chỉ có mình thông hiểu được thì mình dứt bỏ nó. Mình thấy nó muốn cái gì thì mình không chấp nhận, do đó tự mình phải dứt mà thôi. Nếu mình ham muốn mà có người bảo mình đừng ham muốn thì chẳng nghe đâu, chỉ có mình biết cái làm mình ham muốn đó là cái đau khổ cho cuộc đời mình và nó sẽ kéo dài sang cuộc sống khác, luân hồi mãi mãi với lòng ham muốn đó. Muốn được vậy thì chúng ta phải học hai pháp vô minh và hữu ái này và siêng năng đoạn trừ, lúc nào cũng phải tỉnh thức để biết tâm của chúng ta: tâm tham hay tâm sân, tâm ham muốn vật gì thì phải đoạn trừ nó liền, không được để nó ở trong thân tâm của chúng ta. Đó là hai pháp cần phải đoạn trừ.

5. Thế nào là có hai pháp chịu phần tai hại. Hai pháp mà lúc nào cũng đem đến sự tai hại cho chúng ta, chúng ta biết hai pháp này thì không cho nó ở gần gủi. Đáp: ác ngôn, ác hữu. Ác ngôn là lời nói dữ, lời nói ác. Trong Thập Thiện có các điều kiện sanh ra ác ngôn. Ác hữu là những người bạn ác, không nên gần họ. Đó là hai pháp chúng ta chịu phần tai hại rất lớn. Nếu chúng ta nói ác ngôn thì phải chịu phần tai hại không thể tránh khỏi, và nếu chúng ta ở gần người bạn ác thì không thể tránh khỏi các tai họa, các đau khổ. Gần bạn ác chúng ta luôn luôn có đau khổ, có tai hại. Chúng ta biết như vậy để tránh, để ngừa, để chúng ta dứt bỏ. Chúng ta cần phải xa lánh hai pháp chịu phần tai hại là ác ngôn và ác hữu. Chọn bạn mà chơi, đừng chơi với bạn ác, xa lánh bạn ác; chọn ngôn ngữ mà nói, đừng chọn ngôn ngữ ác nói ra để không đem lại tai hại cho mình và cho người.

6. Thế nào là có hai pháp đưa đến thù thắng. Hai pháp đưa đến an vui, đưa đến giải thoát, ở đây đức Phật dùng là thù thắng. Đáp: thiện ngôn, thiện hữu. Thiện ngôn là lời nói lành;thiện hữu là người bạn tốt. Hai pháp này ngược lại hai pháp vừa nói trên: ác ngôn và ác hữu. Chúng ta biết lời nói lành đem đến cho mình vui, người khác vui, đem đến cho mình được hạnh phúc, người khác được hạnh phúc; ở gần người bạn lành thì chúng ta luôn luôn được hạnh phúc và được sự thanh thản tâm hồn, không có khổ đau.

7. Thế nào là có hai pháp rất khó thể nhập. Đáp: Nhân và duyên làm thanh tịnh các loài hữu tình. Đó là hai pháp rất khó thể nhập. Nghĩa là cái nhân rồi cái duyên đến, thí dụ có duyên gì đến với chúng ta thì chúng ta tạo cái nhân đó liền. Nếu nó là ác nhiễm thì làm cho chúng ta đau khổ, làm cho các loài chúng sanh đau khổ, nếu chúng ta nhận ra được các pháp đó ác nhiễm thì chúng ta chấm dứt nó đi, không để cái nhân, cái duyên đó tạo ra hoàn cảnh đem lại sự đau khổ cho mình, cho các loài hữu tình.

Khi nào có nhân và duyên nào đến làm thành thiện pháp, làm cho tất cả loài hữu tình, mình và người, được giải thoát thì chúng ta phải thấy được hai pháp nhân và duyên này để thể nhập. Nó rất khó thể nhập vì nó vừa xẩy ra, lúc bấy giờ chúng ta phải sáng suốt chứ không khéo thì ngay đó chúng ta thể nhập vào pháp ác liền, khó thể nhập vào pháp thiện. Do đó khi nhân duyên ác đến với chúng ta mà chúng ta biết thì phải dứt bỏ nó liền, không để thân tâm chúng ta tạo thành cái duyên quả tiếp diễn cái duyên của nhân ác đó.

Thí dụ như có đứa bé được mẹ mua cho một trái banh để chơi, rồi một đứa bé hàng xóm không có banh, không được mẹ nó mua cho nó, nó đứng ở cửa nhà nó, nó nhìn. Đứa bé kia chơi banh một mình buồn nên bảo đứa bé kia ra chơi cùng. Đứa bé hàng xóm sức mạnh hơn nên làm đứa có banh bị té đau khóc lên, mẹ đứa có banh tưởng thằng bé hàng xóm giựt banh của con mình mới ra xỉa xói đánh đứa bé hàng xóm khóc. Cha mẹ đứa bé hàng xóm binh con mình. Cả hai bên cha mẹ không biết phải trái ra sao nên hai nhà sinh ra chửi lộn đánh lộn nhau. Như vậy từ duyên ác làm cho ác nhiễm các loài hữu tình, trở thành cuộc ấu đả.

Đó là hai pháp khó thể nhập, làm ta không thể nhập được chỗ giải thoát. Cho nên chúng ta phải dè dặt nhân và duyên, luôn luôn lúc nào hễ có duyên thì có nhân nơi đó, mà có nhân tức là có quả. Đây là hai pháp dạy chúng ta trên lộ trình nhân quả, mà lộ trình nhân quả này tức là đạo đức giải thoát của đạo Phật.

8. Thế nào là có hai pháp cần được sanh khởi. Đức Phật đáp: Tận trí và vô sanh trí là hai pháp cần được sanh khởi. Tận trí là lậu tận trí, hay lậu tận minh, là trí làm cho trí hữu lậu của chúng ta bị quét sạch để được vô lậu. Vô sanh trí là trí không khởi một niệm gì hết. Hai pháp này cần phải được sanh khởi, mà để hai pháp này sanh khởi thì quá trình tu tập của chúng ta phải qua nhiều chặng đường khó khăn vô cùng.

Chúng ta thấy rằng trên con đường tu tập giới định tuệ của Phật, cho đến khi tuệ tam minh được thực hiện thì chúng ta mới có lậu tận trí, tức là lậu tận minh. Vô sanh trí tức là trí không có khởi một niệm gì hết. Vô sanh trí hay bất động tâm giải thoát, là trí thiền định. Cho nên hai trí này cần phải được sanh khởi, cần phải làm cho nó khởi lên. Trong chúng ta hiện giờ chưa có người nào có lậu tận trí và vô sanh trí. Chúng ta cần phải khơi nó dậy, làm cho nó sanh khởi ra. Vậy thì trên bước đường tu tập, chúng ta phải tu gì trước, tu gì sau để đến đó mới sanh khởi hai pháp này.

9. Thế nào là có hai pháp cần được thắng tri. Thắng tri tức là trí chúng ta phải hiểu như thế nào để làm chủ được cuộc sống của chúng ta. Đức Phật đáp: Hữu vi giới và vô vi giới. Hữu vi giới là cái gì có hình sắc, có hình tướng. Vô vi giới là không hình tướng, không hình sắc. Hữu vi giới như sắc thân của chúng ta và các pháp có hình tướng. Còn vô vi giới là do tưởng của chúng ta. Một khi chúng ta nằm mộng thì những hình sắc mà chúng ta thấy đều thuộc về vô vi giới. Còn cái hiện tiền đối với cái thân của chúng ta, chúng ta đứng trước các vật mà thấy là hữu vi giới. Do chỗ tu tập hai pháp này để được thắng tri, để chúng ta làm chủ được hai cái này.

Thí dụ chúng ta diệt tầm tứ nhập Nhị thiền thì lúc bấy giờ chúng ta mới tịnh chỉ được hữu vi giới. Còn vô vi giới thì chúng ta phải đi tới giai đoạn li hỉ trú xả nhập Tam thiền, lúc đó chúng ta không còn mộng mị nữa thì vô vi giới mới không còn nữa. Còn khi nhập tới Tứ thiền rồi thì chúng ta ở vào trạng thái rất thanh tịnh, không còn có vô vi hay hữu vi nữa.

Chúng ta phải thắng tri được pháp hữu vi giới và vô vi giới. Thắng tri pháp hữu vi giới và vô vi giới là làm cho trí chúng ta làm chủ được hữu vi giới và vô vi giới. Đây chính là cái giới tuệ là cái trí tuệ mà Thầy muốn nói tới. Giới tuệ tức là cái trí mà chúng ta bảo hơi thở ngưng thì nó ngưng, nó không thở; chúng ta bảo hơi thở chậm và nhẹ nhập Nhị thiền thì nó làm theo đúng như vậy; chúng ta bảo dứt tầm tứ nhập Tam thiền là chúng ta làm được. Đó là thắng tri được hữu vi giới và thắng tri được vô vi giới. Nếu chúng ta chưa sai khiến được như vậy là chưa thắng tri. Thắng tri tức là làm sao mà chúng ta bảo như thế nào thì thân tâm làm được như vậy, tức là làm chủ được cái giới đó. Cho nên khi làm chủ được hai pháp hữu vi giới và vô vi giới thì gọi là thắng tri các pháp.

10. Thế nào là có hai pháp cần được tác chứng. Đức Phật đáp: minh và giải thoát. Ở đây chúng ta phải hiểu câu hỏi này. Minh, chúng ta phải hiểu là tam minh chớ không phải minh là tri kiến và tri kiến giải thoát như ở câu hỏi số 4 ở trên. Tuy cùng một chữ minh nhưng hai chỗ có hai nghĩa khác nhau. Minh ở đây có nghĩa là tâm giải thoát, là tâm bất động giải thoát; tức là Tam minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh. Hai pháp này cần phải tác chứng tức là phải chứng cho được hai cái này thì tâm của chúng ta giải thoát bất động. Cho nên đức Phật nói phạm hạnh của đức Phật không phải giới luật, không phải thiền định, không phải trí tuệ, mà chính là tâm giải thoát bất động đối trước các pháp, đối trước các thọ. Phạm hạnh của người tu là lõi cây, là mục đích của người tu. Chúng ta phải có minh và giải thoát thì tâm mới bất động giải thoát.

Minh và giải thoát là hai pháp cuối cùng cần phải tác chứng, tức là chứng ngộ được hai pháp đó.

Hai mươi pháp này là con đường tu tập mà chúng ta phải đi. Chúng ta không thể bỏ một pháp nào mà có thể thực hiện được giải thoát. Cho nên nói một người nhập Tứ thiền không cần Tam minh, thì không đúng vì giải thoát thì phải có giới-định-tuệ mà người này chỉ mới tới định chưa có tuệ, thì chưa giải thoát hoàn toàn. Vì vậy mà câu thứ 10 nói hai pháp cần phải tác chứng, tức là cần phải chứng pháp đó là minh và giải thoát thì mới hoàn tất được giới-định-tuệ.

Chúng ta đã học được 20 pháp là thực, chơn, như thị, không phải không như thị, không thể sai khác được, Như lai giác ngộ Chánh Đẳng Giác mới thấy. Ở đây đức Phật đã chánh đẳng giác mới thấy 20 pháp này mà dạy lại cho chúng ta. Chúng ta hãy nhớ khắc ghi mãi để khi chúng ta trau dồi tu tập giới hạnh thì chúng ta phải đem áp dụng hoàn toàn tất cả 20 pháp này, không thể bỏ một pháp nào được vì nó là một con đường, một bản đồ chỉ cho chúng ta phải đi tới đích trên conđường tu hành của chúng ta.

Nếu chúng ta không chịu đi tới đó thì chắc chắn chúng ta chưa hoàn mãn được con đường đã chọn. Chưa viên mãn được sự giải thoát thì chúng ta còn sanh tử luân hồi. Chẳng lẻ nào bây giờ một người tu thiền, nhập được định vô lậu, tâm đã li dục li bất thiện pháp rồi mà cứ ở chỗ li dục li bất thiện pháp nhập Sơ thiền thôi, mà không tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị thiền, thì quả thật người này quá điên, trừ ra tuổi già sức yếu không thể tu tập tới nữa thì phải chịu mà thôi, chứ khi còn mang được thân này thì người ta tiến tới tịnh chỉ các hành để nhập Tứ thiền, có vậy mới hoàn tất được con đường tu tập của đạo Phật. Cho nên hễ tu tới được thì chúng ta cứ đi tới mãi. Bởi chúng ta bỏ hết người thân, tài sản để hoàn toàn trắng bạch như vỏ ốc, chỉ còn 3 y 1 bát, đời sống không nhà, thực hiện đời sống khổ hạnh của một người tu sĩ theo đạo Phật với mục đích giải thoát luân hồi, mà không nỗ lực tận cùng để giải thoát thì ai cứu được mình thoát khỏi luân hồi khổ đau