TÌM KIẾM

BÀI KINH JIVAKA.

18/04/2020Admin

TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC
GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT
II.- GIAI ĐOẠN XUẤT GIA

(Tỳ khưu Từ Quang biên tập lời Trưởng Lão giảng trong mùa an cư 1997, được ghi âm ở 61 cassette 90)

 


BÀI KINH JIVAKA.
(Kinh Trung Bộ 2, số 55)

Trước khi trau dồi thân tâm bằng giới hành, quý thầy phải trau dồi cách thức ăn uống cho đúng cách thiện pháp mà trong kinh Jivaka Phật đã dạy.

Khi muốn trau dồi thân tâm bằng giới hành, đầu tiên chúng ta phải trau dồi cách thức ăn uống như thế nào đúng. Vì sao phải trau dồi cách thức ăn uống? Vì theo đạo Phật, cách thức ăn uống của chúng ta chưa đúng cách: ăn uống phi thời. Có những nhà sư tuy ăn không phi thời, nhưng ăn thì còn ăn thịt, ăn cá nữa, mà ngoài giờ ăn lại còn uống thêm sữa hay nhiều thứ khác. Đem bài kinh này ra mổ xẻ xem ông Phật dạy ăn như thế nào mà giới tu sĩ hiện giờ ăn uống như vậy, mà họ cho đó là đúng Phật pháp. Cho nên trước khi hành động giới hành trong các pháp tu, chúng ta phải hiểu được cách thức ăn uống để tu tập giới hành về ăn uống.

Cư sĩ Jivaka hỏi: "Bạch Thế tôn, con nghe người ta nói như sau: vì Sa môn Gotama mà họ giết hại các thú vật và sa môn Gotama tuy biết thế mà vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình và được làm cho mình ăn. Bạch Thế tôn, những người ấy nói như vậy có đúng lời Thế tôn không, họ không xuyên tạc Thế tôn, họ nói như vậy là sự thật".

Đức Phật trả lời "Này Jivaka, những ai nói như vậy là nói không đúng lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, nói không như thật". Nghĩa là đức Phật xác định rằng ai nói như vậy là không nói đúng điều Phật nói.

"Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: nếu thấy, nghe và nghi."

Đức Phật xác định chúng ta không được thọ dụng thịt khi chúng ta thấy, nghe và nghi.

"Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi."

Đức Phật nói như vậy thì chúng ta chỉ được thọ dụng thịt khi chúng ta không thấy, không nghe và không nghi. Như có một mâm cơm người ta cúng dường cho Phật mà trong mâm cơm đó Phật không thấy có thịt thì Phật ăn, nghĩa là trong dĩa đồ ăn nào mà Phậtkhông thấy có thịt hay cá, hay không thấy có con vật nào chết trong đó thì đức Phật ăn. Còn khi thấy có thịt, có cá, có đùi gà, có cục sườn ram nhất định Phật không ăn, tại vì Phật thấy có thịt, cá thì làm sao Phật ăn. Không thấy thì ăn mà thấy thì không ăn. Đó là đức Phật chỉ cho thấy chỗ chúng ta thọ thịt mà không thấy.

Bây giờ không nghe nói trong dĩa đồ ăn này có thịt cá vì thịt, cáđã được bằm nát ra làm chả hết rồi, họ chiên cũng như cái bánh, nhưng nghe người ta nói hồi nãy thịt, cá đã được bằm nát ra làm chả, thì Phật không ăn vì trong đó có thịt chúng sanh. Đã nghe người ta nói trong thức ăn đó có thịt, có chúng sanh chết thì đức Phật không ăn.

Bây giờ đến nghi. Khi đức Phật không thấy có thịt trong thức ăn, không nghe nói trong thức ăn có thịt, nhưng khi cầm một cái bánh hay một miếng đồ ăn bỏ vào miệng ngữi nó tanh mùi thịt thì đức Phật nghi trong này có thịt, có cá rồi, do đó Phật không ăn. Hay chỉ ngữi mùi thịt bò, mùi thịt heo, mùi thịt gà,... thì nhất định không ăn, bởi vì nghi là có thịt chúng sanh trong thức ăn đó, mà khi đã nghi thì không ăn.

Hay dù trong thức ăn đó không có thịt cá đi nữa nhưng người ta làm theo hình thức giống như thịt, như cá; hay có mùi như thịt, như cá thì cũng không ăn. Thí dụ như có người lấy đậu hủ làm như thế nào mà giống như mắm bằm, khi ăn giống như mắm, thì chúng ta cũng nhất định không ăn bởi vì chúng ta nghi có thịt, có cá; mà đã nghi là không ăn dù thật sự trong thức ăn đó không có thịt, không có cá đi nữa. Nghe mùi tanh tanh hôi hôi của thịt, của cá thì chúng ta không ăn mặc dù chỉ làm bằng thực vật hay đậu hủ...  

Tuy nói danh từ thì nghe dễ lắm: thấy, nghe và nghi, nhưng thật ra là quá sâu sát. Khi đức Phật viết ra giới này, viết ra bài kinh này là muốn nói lên giới luật rất nghiêm chỉnh trong sự thọ thực không có thịt chúng sanh. Nếu một người biết pháp tu, khi nghe giới này biết tâm lí của đức Phật sâu xa vô cùng.

"Ở đây, này Jivaka, Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn nào, vị ấy biến mãn một phương với tâm có lòng từ, và an trú tâm từ đó ở đó; cũng vậy phương thứ hai, phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Từ tâm của vị ấy biến mãn cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy luôn luôn biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân và an trú với lòng thương yêu chúng sanh rộng lớn vô bờ bến."

Ở trên chúng ta thấy đức Phật nói vấn đề thọ dụng thức ăn thấy, nghe và nghi rồi, mà bây giờ đức Phật lại nói thêm "Này Jivaka, khi một vị tỳ kheo ở một làng, một thị trấn nào đó mà khi được sự cúng dường món ăn thì vị tỳ kheo đó phải luôn luôn tu tập lòng từ bi hỉ xả".

Người ta thực hiện lòng từ biến mãn khắp mười phương rồi. Ngọn cỏ còn không thể đạp cho nó héo nữa thì làm sao người ta bỏ miếng thịt chúng sanh trong miệng ăn được. Đức Phật muốn nói như vậy.  

Tâm từ của tỳ kheo đã biến mãn khắp cùng như vậy rồi, lòng thương yêu chúng sanh của tỳ kheo rộng lớn vô bờ bến rồi, như vậy nếu một người cư sĩ hay con một người cư sĩ đến tỳ kheo ấy và mời ngày mai thọ trai, thì đức Phật hỏi Jivaka khi Tỳ kheo ấy nhận lời, như vậy thì vị tỳ kheo đó có bỏ tâm từ không. Vị tỳ kheo phải luôn luôn sống ở trong tâm từ biến mãn khắp cùng thì như vậy trước bữa ăn của người cư sĩ hay con người cư sĩ, vị tỳ kheo còn mê thức ăn đó không, dù thức ăn đó làm bằng thịt cá cho thật ngon.

Thầy xin đọc đoạn tiếp: "Một người cư sĩ hay con một người cư sĩ đến Tỷ kheo ấy và mời ngày mai thọ trai. Và này Jivaka, vị tỷ kheo ấy nhận lời, khi vị ấy thọ dụng các món ăn khất thực ấy với tâm không tham trước, không tham đắm, không đam mê, thấy rõ các tai hại, ý thức rõ sự xuất ly".

Thọ dụng thức ăn mà không có sự tham đắm. Không có sự tham đắm thì vị tỳ kheo đó có ham ăn không khi thấy vật thực đó làm bằng thịt chúng sanh? Không ham đâu!

Còn như chúng ta tham đắm ăn thì dù có thấy miếng thịt, chúng ta sẽ nói đây là miếng đậu hủ đó, ăn đi. Mình cứ nói là đậu hủ chứ đừng nói là thịt, nói thịt thì đâu dám ăn. Hay ngửi thấy mùi heo mà cho là mùi của đậu hủ. Như vậy là mình tự gạt mình để mình ăn cho đả cái miệng, tức là mình còn tham đắm ăn. Đó là do cái tâm của mình còn tham đắm ăn cho nên mình không xuất li sự tham đắm ra được.

Này Jivaka, ông nghĩ thế nào? Tỷ-kheo kia, trong thời gian thọ thực, ông ấy có nghĩ đến tự làm khổ mình, hay nghĩ đến làm khổ chúng sanh, hay nghĩ đến làm khổ cả hai?

Nghĩa là một vị tỳ kheo khi thọ thực mà không tham đắm như vậy, họ có nghĩ rằng họ làm khổ họ hoặc họ làm khổ chúng sanh, hay làm khổ cả hai không? Người tu sĩ ăn để nuôi thân mạng của mình là chánh mạng hay tà mạng.

Một khi chúng ta học bát chánh đạo, không lẻ chúng ta không thông suốt điều này, bởi vì nuôi chánh mạng làm sao ăn thịt cá vào trong thân này được. Ăn món ăn có thịt cá này là hại cái thân của mình rồi, thì đó là làm khổ mình rồi. Vì vậy mà khi biết món ăn trong miệng mình làm khổ chúng sanh thì chúng ta không nên ăn (có chúng sanh chết mình mới có thịt của chúng mà ăn). Chúng ta hiểu bài kinh qua câu nói rất rõ ràng này:

- Này Jivaka, ông nghĩ thế nào, Tỷ-kheo kia, trong thời gian thọ thực, ông ấy có nghĩ đến tự làm khổ mình, hay nghĩ đến làm khổ chúng sanh? hay nghĩ đến làm khổ cả hai không?

Câu nói này quá tuyệt diệu, không còn chỗ nào mà một người ăn thịt chúng sanh còn nuốt trôi được. Câu này Phật dạy ăn chay trên ăn chay. Tại sao vậy? Tại vì ông Phật không muốn dạy chúng ta ăn chay theo kiểu ăn chay của bà-la-môn, kiểu của Đại thừa. Nghĩa là như thế nào? Nghĩa là người ta ăn chay mà lấy đậu hủ làm thành giống như đùi gà, giống như khúc cá. Làm sao người đó ăn mà không tưởng như ăn thịt gà, như ăn cá trong khi thực sự ăn đậu hủ, đậu xanh. Làm đồ chay mà làm như cá, làm như thịt vậy đó. Đó là ăn chay của Đại thừa.

Còn ăn chay của Phật là ăn chay trên ăn chay, ăn chay do tâm từ thực hiện trên miếng ăn đó. Như vậy trong thực phẩm mà vị tỷ kheo ăn, luôn luôn có tâm từ nằm trên đó. Cho nên ở đây rõ ràng là ăn không thấy, không nghe, không nghi.

Vậy mà có một số nhà sư ăn thịt, ăn cá. Họ ăn thịt chúng sanh một cách ngang nhiên. Họ còn nói người ta làm ở đâu chúng tôi không nghe tiếng kêu la của con vật, cho nên khi người ta đem cúng dường là tôi ăn. Tôi đâu nghe con vật kêu la, tôi đâu cầm dao giết chúng sanh. Người ta giết nó đâu ở nhà chứ tôi đâu làm, thì tôi cứ ăn. Cho nên tôi ăn thịt không thấy, không nghe, không nghi.

Thật ra bây giờ họ muốn ăn thịt thì dù họ có nghi, cũng chẳng thèm nghi chi hết, để ăn cho thích khẩu. Đó là nước lấy Phật giáo làm quốc giáo mà họ làm như vậy. Do đó giới tu sĩ Nam tông lầm lạc và lầm lạc, vì vậy mà họ cầm gươm cầm súng giết lẫn nhau được, giết con người được. Ăn thịt chúng sanh được thì họ có sá gì việc giết con người. Cho nên có nước Nam tông, Phật tử giết người. Họ diệt chủng họ, diệt dân tộc họ, nếu vì sự độc lập của nước họ, họ giết người nước khác xâm lăng, thì chúng ta không nói đâu.

Chúng ta thấy sự truyền giáo trong các nước Nam tông ăn thịt chúng sanh như vậy có đúng là Phật giáo không? Ngay bài kinh này đã xác định Phật giáo nước đó chưa phải là Phật giáo, mà họ gọi họ là Phật giáo Nguyên thủy. Họ đi lạc đường nào đâu chứ có phải là Phật giáo nguyên thủy đâu. Cho nên họ đã làm sai lệch Phật giáo.

Muốn xây dựng Phật giáo lại, chúng ta thấy chúng sanh quá mê muội, đi lạc lầm đường của đạo Phật quá xa, từ pháp thiện của Phật đi đến pháp ác mà không thấy rằng đó là pháp ác. Quý thầy nghe được bài kinh này mới thấy được lời Phật dạy quá rõ ràng chứ gì. Nghĩa là khi vị tỳ kheo ăn bằng tâm từ như vậy thì làm sao có tâm ác trong đó được, do vậy đức Phật xác định:

- Này Jivaka, tỳ kheo kia trong thời gian thọ dụng các món ăn không có lổi lầm.

Nghĩa là vị tỳ kheo thọ dụng món ăn đó vị tỳ kheo có tội không? Họ đã có sự thọ dụng món ăn không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sanh, không làm khổ cả hai thì khi vị tỳ kheo ăn như vậy phải là thức ăn không có thịt cá. Nếu thức ăn toàn là thịt cá thì họ ăn như thế nào các thầy có biết không? Họ ăn cơm với muối, chẳng thèm ăn thịt cá đó đâu thì họ đâu có lổi lầm? Ăn xong họ đi về nơi tu tập.

Còn một vị tỳ kheo Nam tông thấy thịt cá làm đồ ăn coi bộ ngon quá. Hủ tiếu, phở, cháo lòng này kia. Cứ ăn cho đả đi. Cắn đầu gà mà nhai mà nuốt cho được, không thấy tâm từ chỗ nào hết. Khi ăn như vậy thì có lổi lầm không? Lổi lầm chứ sao không. Khi một vị tỳ kheo biến mãn tâm từ bi của mình khắp mười phương rồi, họ đâu có ăn thức ăn có thịt cá được.

Thử hỏi mấy ông sư Nam tông trong khi ăn có tâm từ không? Hòa Thượng Huệ Hưng nói đến chỗ của mấy ông sư Nam tông họ ăn thịt chúng sanh, xương chất thành đống đống. Đúng vậy, họ ăn gà, ăn vịt, ăn thịt heo, ăn sườn, bỏ xương đống đống. Cho nên Hòa thượng nói với Thầy đến chỗ mấy ông Tiểu thừa Nam tông, vô chùa của mấy ông nghe mùi cá, nghe mùi thịt. Đó là bằng chứng cụ thể.

Chúng ta là những người ăn chay mà vô mấy chùa của mấy ông Nam tông đó không chịu nổi mùi cá mùi thịt đâu; y áo của mấy ông Nam tông đó cũng nghe mùi cá mùi thịt hôi rình. Nếu có dịp ngồi gần họ thì chúng ta nghe hết, nhất là khi tâm của chúng ta đã thanh tịnh thì nghe rất rõ mùi hôi bất tịnh đó. Họ ăn bò thì chúng ta nghe mùi bò, mà họ ăn heo thì nghe mùi heo, ăn cá thì nghe mùi tanh cá, họ ăn thịt gì chúng ta nghe mùi hôi của loại thịt đó.

Khi nào tâm quý thầy thanh tịnh rồi thì ngồi gần người nào ăn gì quý thầy biết liền, mùi mồ hôi của họ toát ra mùi thực phẩm họ ăn vào. Họ ăn tỏi chúng ta cũng biết, ăn rau dấp cá chúng ta cũng biết. Những thứ đó là những thứ hôi cho nên họ ăn rồi ra mồ hôi thì nó hôi mùi đó. Mặc dù chúng ta ăn chay nhiều năm nhưng cái tâm chúng ta chưa thanh tịnh thì chúng ta chưa ngửi được mùi hôi của họ. Người tâm thanh tịnh rồi người đó biết liền. Người không thanh tịnh tâm, tâm chưa an cho nên chưa nghe được mùi đó.

- Thưa không, bạch Thế tôn. Cao thượng thay, an trú lòng từ! Thương xót chúng sanh như vậy, thưa Thế tôn diện kiến thân chứng cho con điểm này, Bạch Thế Tôn, Thế Tôn an trú lòng từ vô bờ bến."

Nghĩa là vị cư sĩ Jivaka nói với đức Phật chứng nhận cho đã thấy được lòng từ của đức Phật vô bờ bến. Vị tu sĩ mà thọ thực như vậy làm sao không có tâm từ vô bờ bến được. Trước món ăn dù có ngon đi nữa cũng không tham đắm đâu. Cho nên chẳng thà ăn cơm lạt hoặc không ăn, chứ nhất định không ăn thịt chúng sanh. Người ta ăn như vậy thì không bao giờ có lổi lầm.

Cho nên những lời mà vị cư sĩ Jivaka này đem hỏi Phật là những lời phỉ báng Phật, những lời nói sai, nói không đúng ý của Phật.

- Này Jivaka, cái gọi là tham, là sân, là si, do đó sân hận khởi lên, tham ấy, sân ấy, si ấy được Như Lại đoạn trừ, chặt cho đến tận gốc, làm cho như thân cây tala, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Này Jivaka, nếu như vậy là ý nghĩa ông muốn nói, thời Ta đồng ý với ông."

Nghĩa là đức Phật nói tâm tham tâm sân tâm si không còn có nữa thì làm sao mà thích món ăn ngon. Tại sao đức Phật không nói ăn chay này kia, mà nói tham là lòng từ của chúng ta đối với chúng sanh như vậy? Là tại vì tâm tham, sân, si của chúng ta hết rồi cho nên trước món ăn này, dù có ngon cách gì đi nữa cũng không cám dỗ được muốn ăn; vì tâm tham không còn.

Bài kinh quá tuyệt. Bước đầu vào đạo Phật mà chúng ta đọc bài kinh này thì chúng ta ăn chay không phải là Đại thừa Bà la môn ăn chay đâu, mà chúng ta phải biết là ăn phải ăn ở trên tâm từ bi của chúng ta. Ăn mà tâm từ bao giờ cũng phủ trùm tràn đầy với chúng sanh hết.

Chúng ta phải hiểu bài kinh như vậy, vì vậy mà chúng ta mới thanh tịnh được thân tâm, nuôi được chánh mạng của chúng ta. Nếu không thấy như vậy là chúng ta nuôi tà mạng. Ăn mà còn chế ra đùi gà, còn chế ra đồ mặn, chế y như đồ mặn, thôi thì lấy đồ mặn ăn cho rồi đi, còn bày đặt ra đồ chay làm chi.

Cho nên nhiều bữa đi thọ trai bên những nhà Đại thừa, Thầy thấy họ làm đồ chay thật, nhưng họ làm như đồ mặn. Vô tiệm cơm chay cũng vậy, họ đem dĩa thức ăn, thấy y như thịt heo vậy, họ làm cũng y như da heo, mở heo... nhưng họ làm chỉ bằng bột thôi. Khi chúng ta thấy như vậy thì nuốt làm sao được, thấy như vậy thì dẹp đi. Dù là thấy cái đó không thật đi nữa, mà thấy giả miếng thịt heo hay giả miếng thịt gà thì làm sao chúng ta dám ăn. Người ta còn lấy mì căn xé ra giống như thịt gà xé, người ta trộn rau răm vô người ta nói làm gỏi gà. Thật sự mình ăn chay thì đừng làm điều đó, làm như là thịt gà xé mà trộn gỏi vậy đó. Người ta ham ăn thịt chúng sanh cho nên ăn chay lại bày ra, làm ra những cái đó để ảo giác chúng ta.

Ngon ở miệng chỉ là ảo giác, nó đâu có thật. Món ăn là bất tịnh cho nên hằng ngày chúng ta tu quán xét thức ăn bất tịnh, chúng ta không còn thích ăn nữa. Còn quý thầy không chịu đặt niệm quán thực phẩm bất tịnh thì nay thèm cái này mai thèm cái kia, mốt muốn ăn cái nọ, điều đó là do thiếu tu tập. Nếu chúng ta tu tập định vô lậu, đặt niệm quán thực phẩm bất tịnh trước mặt hằng ngày thì thực phẩm đến chúng ta không thèm, coi nó như là một món thuốc để chúng ta chửa bịnh đói của chúng ta. Đúng là Phật dạy chúng ta tu tập như vậy, nhưng không biết pháp hành cho nên tới ngày giờ này mà chúng ta vẫn thèm khát, muốn ăn cái này, muốn ăn kia. Hầu hết quý Hòa Thượng đều sống trong cảnh đó, cho nên có những vị bị bịnh như ung thư, tiểu đường là vì nuốt ba đồ độc, ảo giác ngon trong cổ. Thức ăn thì bỏ bột ngọt đầy trong đó. Cuối cùng mang thân rất khổ sở, nuốt ba đồ độc nên tay chân run rẩy. Bởi vì háu ăn nơi miệng cho ngon mà tạo tội cho thân.

Đức Phật nói dục là khổ, tham là khổ mà không chịu li nó ra đi. Tại sao không li, không li thì làm sao mà nhập được Sơ thiền. Vì không chịu li cái ăn nên không có người nào nhập được Sơ thiền.

- Này Jivaka, người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân. Người nào vì Như lai hay đệ tử của Như lai mà giết súc vật để cúng dường thì đó gọi là phi công đức. Bài kinh này rất rõ ràng, nói giết hại chúng sanh mà đem cúng dường thì không được phước đâu. Người nào làm điều đó là phi công đức."

Có 5 nguyên nhân, 5 điều kiện xảy ra khi người đó tạo điều ác đó:

1/- Khi người ấy nói như sau: "Hãy đi và dắt con thú này đến", đó là nguyên nhân ác thứ nhứt, người ấy chất chứa nhiều phi công đức.

Như muốn làm thịt con vật, như khi chúng ta muốn làm thịt con bò hay con heo thì chúng ta phải cột cổ nó lôi đi chứ gì. Đó là phi công đức, tức là ác thứ nhất. Cho nên Phật nói "Hãy đi và dắt con thú này đến chỗ đó",

2/- Con thú ấy khi bị dắt đi, vì bị kéo lôi nơi cổ, nên cảm thọ đau khổ, đó là nguyên nhân ác thứ hai, người ấy chất chứa nhiều phi công đức.

Muốn làm thịt con bò để đải Phật và đệ tử của Phật thì phải cột cổ con vật và lôi nó đến chỗ để đập cho nó chết rồi mới cạo lông nó được. Khi lôi kéo con vật thì thử hỏi nó có đau không. Đó là Phật nói phi công đức, tức chẳng có công đức gì ráo mà lại chất chứa nhiều cái ác.

3/- Khi người ấy nói: "Hãy đi và giết con thú này", đó là nguyên nhân ác thứ ba, người ấy chất chứa nhiều phi công đức.

4/- Khi con thú ấy bị giết, cảm thọ đau khổ, đây là nguyên nhân ác thứ tư, người ấy chất chứa nhiều phi công đức.

Nghĩa là làm hành động đó chất chứa nhiều phi công đức, người mà làm hành động đó đem cúng dường Phật và chư tăng là không có công đức gì cả mà lại chứa nhiều cái ác.

5/- Khi người ấy cúng dường Như Lai hay đệ tử Như Lai một cách phi pháp như vậy, đó là nguyên nhân ác thứ năm, người ấy chất chứa nhiều phi công đức.

Phật dạy rất rõ ràng, không phải Thầy bịa đặt. Trong kinh của đức Phật Thầy đã thấy được đức Phật dạy chúng ta ăn chay bằng thể hiện Tứ Vô Lượng Tâm từ bi hỉ xả. Đức Phật đã dạy chỗ ăn chay này Thầy thấy rất tuyệt vời, vì chúng ta ăn chay đem lại lòng thương yêu rộng lớn.

Cho nên bên nguyên thủy Nam tông, hàng Phật tử hằng ngày đem cúng dường, sớt bát cho quý sư, họ làm thịt, cá, giết hại chúng sanh. Theo bài kinh này, hàng Phật tử làm vậy không có phước báu gì hết. Như vậy là hoài công của họ. Họ đến với đạo Phật, hằng ngày phải tốn hao tiền bạc mồ hôi nước mắt trong việc sớt bát để tạo phước báo, mà làm như vậy chẳng khác gì gieo hạt giống trên đường lát nhựa, làm sao hạt giống lên được! Cúng dường thức ăn thịt cá cho các sư Nam tông như vậy không có công đức gì cả. Các con thấy có 5 điều kiện đưa đến phi công đức, hoàn toàn chỉ có tội ác thôi, không thể chạy trốn đi đâu được để khỏi tội ác này.

- Này Jivaka, người nào vì Như lai hay vì đệ tử của Như lai mà giết hại sinh vật, người ấy sẽ chất chứa nhiều phi công đức do 5 nguyên nhân này."

Bài kinh này tới đây chấm dứt. Người được nghe bài kinh này họ tán thán và ca ngợi Phật hết sức, và Thầy đọc tới chỗ này thấy đúng là Phật dạy cho chúng ta tu Tứ Vô Lượng Tâm đúng cách. Đạo Phật có Tứ Vô Lượng Tâm từ bi hỉ xả thế mà bên Nam tông thực hiện thiếu từ bi hỉ xả đó, và Bát Chánh Đạo có nẽo Chánh mạng, vậy mà bên Nam tông nuôi thân mạng không chơn chánh; không thể nào đem thực phẩm ác mà nuôi thân mạng chơn chánh được.

Đây là kết luận của bài kinh do cư sĩ Jivaka tán thán:

- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo thật sự thọ dụng các món ăn không có khuyết phạm. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng."

Như vậy quý thầy thấy rất rõ ràng khi các vị tỳ kheo thọ các món ăn không bao giờ có khuyết phạm trong tội lổi nào hết, nghĩa là chỉ thọ dụng vật gì làm cho thọ mạng của các vị không bị tà mạng, nếu bị thì nhất định các vị không thọ dụng. Người ta cúng dường thịt cá thì nhất định không ăn.

Ngày xưa, trong khi đức Phật đi khất thực, người ta cho thịt, cho này kia, đức Phật nhận hết nhưng chắc chắn không ăn, ngày đó đức Phật thà nhịn đói chứ không ăn. Không phải đức Phật trả lại thức ăn cho người cư sĩ đó liền đâu. Khi đến chỗ thọ thực mà thấy toàn bộ thức ăn là thịt chúng sanh thì đức Phật bỏ không ăn; cũng không bao giờ bỏ trên cỏ tươi bởi lòng từ của đức Phật không bao giờ làm cho một lá cỏ héo úa, chỉ bỏ ngoài đất trống, để rồi con vật nào ăn thì ăn. Đức Phật không bao giờ nuôi tà mạng.

Qua bài kinh này, chúng ta thấy điều kiện tiên quyết về sự ăn uống là lòng từ. Bên nguyên thủy Nam tông họ gọi là tu theo gốc của đạo Phật mà cách ăn uống lại luận theo kiểu già hàm, lẻo mép của họ để ăn thịt của chúng sanh, cho nên ông sư nào cũng mập ú bằng xương thịt của chúng sanh. Ông sư nào cũng nuôi tà mạng, chẳng ông nào ra ông nào hết. Mấy ông sư còn nói thiền định trong thời mạt pháp này chẳng ai nhập định được. Đó là mấy ông gạt người ta. Nếu người ta tu đúng chánh pháp của Phật li dục li ác pháp, tu tứ vô lượng tâm, người ta không bao giờ nuôi tà mạng thì thiền định của Phật đâu phải là chuyện khó khăn. Thầy nói nhập định đâu phải là chuyện khó, tại vì người tu không đúng cách cho nên khó, chứ tu đúng cách thì không phải khó đâu.