TÌM KIẾM

Giáo Án Tu Đạo Phật-30 PHÁP

18/04/2020Admin

30 PHÁP

Bây giờ quý thầy tiếp tục học 30 pháp. Quý thầy đã học 10 pháp, rồi 20 pháp, bây giờ 30 pháp:

1.- Có 3 pháp có nhiều tác dụng.
2.- Có 3 pháp cần được tu tập.
3.- Có 3 pháp cần được biến tri.
4.- Có 3 pháp cần phải đoạn trừ.
5.- Có 3 pháp cần phải hiểu tai hại.
6.- Có 3 pháp đưa đến thắng tri.
7.- Có 3 pháp rất khó thể nhập.
8.- Có 3 pháp cần được sanh khởi.
9.- Có 3 pháp cần được thắng tri.
10.- Có 3 pháp cần được tác chứng.

1.- Thế nào là có 3 pháp có nhiều tác dụng. Đây, quý thầy nghe để cuộc đời tu hành của quý thầy phải sống như thế nào nằm trọn trong 3 pháp này để thực hiện con đường giải thoát cho mình.

a/ Pháp thứ nhất: Giao thiệp với người lành tức thiện hữu tri thức, nghĩa là trong cuộc đời tu hành, quý thầy phải chọn người lành, không nên chọn người hí luận, người tà kiến, người chấp kiến. Chơi với người ác, người còn chạy theo danh lợi, người còn chạy theo ăn ngủ, người phá giới thì đó toàn là người ác tri thức. Chỉ chơi với những người giới luật nghiêm chỉnh, có oai nghi tế hạnh, có phạm hạnh của người tu sĩ đạo Phật, người lành, người tốt,... để quý thầy học hỏi và nương theo gương hạnh lành của họ để trở thành người tốt không làm khổ mình không làm khổ người.

b/ Pháp thứ hai: Nghe thiện pháp nhân quả. Nghĩa là nghe ở đâu có giảng về nhân quả, những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện thì hãy mau mau đến nghe cho thông suốt các pháp đó. Đừng nghe các loại thiền xuất hồn, thiền 100 ngày, thiền 38 ngày, thiền niệm thần chú, thiền tối thượng... Hãy tránh xa những cái đó, nó phải là thiện pháp đâu; nếu nghe nó rồi bị kiến chấp trong tâm những tà pháp đó, vì mọi pháp của họ đều có những lí luận nghe thì hữu lí mà thực hiện thì toàn là ác pháp. Chúng ta thấy người đang nói các pháp đó sống chưa đúng phạm hạnh, họ còn thích ngủ phi thời, thích ăn phi thời, thích đời sống tiện nghi sang đẹp của thế gian.

c/ Pháp thứ ba: Hành trì pháp và tùy pháp nghĩa là khi chúng ta nghe các pháp thiện, gần người bạn lành thì chúng ta phải luôn luôn tùy những pháp lành, phải theo pháp lành mà sống.

Đó là 3 pháp có nhiều tác dụng, quý thầy cần phải ghi nhớ: pháp thiện, nghe pháp nhân quả, sống theo pháp lành thì đời sống chúng ta được an vui, được hạnh phúc.

2.- Thế nào là có 3 pháp cần được tu tập. Đây là 3 pháp mà quý thầy phải siêng năng tu tập hằng ngày. Ba pháp đó là 3 định:

a/ Hữu tầm hữu tứ định tức là định có tầm có tứ mà Phật nói là li dục li bất thiện pháp nhập Sơ thiền do li dục sanh hỉ lạc có tầm có tứ. Phật nói định có tầm có tứ tức là Sơ thiền. Ở đây chúng ta chưa đụng đến hơi thở, chỉ có li dục li bất thiện pháp là đã có định có tầm có tứ, là Sơ thiền. Vậy Sơ thiền này đã li dục li bất thiện pháp, cho nên cái tầm cái tứ của nó chỉ còn tác ý ở trong thiện pháp, không còn ác pháp nữa (vì đã li rồi, không còn tầm tứ ác nữa).

Sơ thiền thì chúng ta thở hơi thở bình thường cho nên đầu óc chúng ta vẫn còn suy tư, nhưng suy tư thiện pháp, đầu óc còn tác ý ở trong thiện pháp chứ không tác ý hại ai hết, không khổ mình không khổ người. Cho nên đức Phật nói nhập Sơ Thiền có tầm có tứ, không phải diệt tầm diệt tứ. Thế mà từ lâu quý thầy cứ ngỡ tưởng ức chế hết vọng tưởng là nhập Sơ thiền. Không phải vậy. Chỉ cần li dục li bất thiện pháp, hơi thở chúng ta luôn luôn ở trong hơi thở bình thường, tâm hồn thanh thản, không bị dính mắc ở trong hơi thở hay đối tượng nào. Đó là lúc chúng ta nhập Sơ thiền. Đầu óc chúng ta có suy nghĩ thiện pháp, không phải ác pháp, chúng ta có tác ý nhưng tác ý ở trong thiện pháp, không ở trong ác pháp. Đó gọi là Sơ Thiền.

b/ Định thứ hai là Định Vô Tầm Hữu Tứ. Đây là định làm cho hết tầm, hết vọng tưởng, không còn khởi nghĩ điều gì cả (không còn tác ý). Quý thầy ngồi nương hơi thở, bảo hơi thở chậm và nhẹ, tức là tác ý hơi thở chậm và nhẹ, lúc đó không có vọng tưởng. Quý thầy thở 5, 10 hơi thở tác ý lại câu tác ý trên, tức là chúng ta còn ý tác ý mà tầm thì không còn. Do đó chúng ta thoát ra khỏi Sơ thiền, tức là xuất Sơ thiền để không còn hữu tầm hữu tứ. Chúng ta diệt tầm mà còn tứ, chúng ta nương vào pháp hướng mà tác ý, vì vậy mà trong thời gian 30 phút hay 1 giờ không có tầm, dù tầm ác hay tầm thiện đều hoàn toàn không có, tức là không có niệm, mà do pháp hướng làm chúng ta không tập trung quá căng thẳng, quá gò bó cho nên thỉnh thoảng chúng ta lại nhắc "Hởi thở chậm nhẹ nữa". Sức hơi thở của chúng ta chậm nhẹ được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, chúng ta không ráng mà chỉ dùng pháp hướng để làm cho hơi thở ngày càng chậm và nhẹ thêm mãi mà thôi. Chừng nào pháp hướng có hiệu quả, tức là nhắc tới đâu hơi thở chậm nhẹ dến đó. Pháp hướng có hiệu quả là chúng ta tập thần lực. Chúng ta đang luyện tập thần lực của định, phải dùng pháp hướng để luyện tập, chứ nếu không dùng pháp hướng thì làm sao sau này chúng ta có thần lực, làm sao chúng ta sai khiến được? Cho nên chúng ta tập thần lực bằng như lí của đạo mà tác ý ra. Chúng ta cứ giữ tứ mà diệt tầm.

Đó là cái định thứ hai phải siêng năng tu tập hằng ngày để cho pháp hướng ngày càng có hiệu quả. Do chúng ta tự tu tập như vậy sẽ tạo thành một thần lực để sau này chúng ta ra lệnh cái gì thì nó làm theo cái nấy hết.

c/ Định thứ ba là vô tầm vô tứ định, đây là định Nhị thiền. Khi tu tập định vô tầm hữu tứ mà đã có hiệu quả thì lúc bấy giờ chúng ta đặt câu pháp hướng như vầy: "Hơi thở phải chậm và nhẹ đến chỗ không còn thấy hơi thở nữa". Lúc bấy giờ độ chậm của hơi thở thì còn thở, mà độ nhẹ thì không còn cảm nhận hơi thở nữa, coi như mất hơi thở, không còn thấy hơi thở nữa. Lúc đó chúng ta không còn dùng pháp hướng, không còn tác ý nhắc hơi thở chậm và nhẹ nữa; như vậy là chúng ta không còn tứ mà cũng không còn tầm, như không còn hơi thở nữa, chỉ còn cái tâm yên lặng thanh tịnh.

Trạng thái này là định vô tầm vô tứ, tức là diệt tầm tứ nhập Nhị thiền. Từ Sơ thiền hữu tầm hữu tứ lên Nhị thiền vô tầm vô tứ phải qua giai đoạn tu tập là vô tầm hữu tứ.

Quý thầy sống đúng giới luật thì có tâm thanh thản, nhưng quý thầy phải tu định sáng suốt giữ tâm thanh thản để trợ duyên cho li dục li ác pháp. Hằng ngày khi mới vào tu thì chúng ta tu tập nhẹ nhàng, giữ tâm thanh thản, không gò bó ức chế tâm. Quý thầy hiểu biết ba định này, thì tu từ có kết quả đến có kết quả. Quý thầy phải tu từng bước một. Đừng vội nhập Nhị thiền rồi Tam thiền, rồi Tứ thiền. Nếu lật đật quá độ thì quý thầy sẽ hỏng chân.

Quý thầy nghe ba pháp cần phải tu tập, nghĩa là phải siêng năng hằng ngày nhưng đừng tu tập quá sức, giống như dây đàn quá căng, sẽ bị đứt; tu tập căng quá, siêng năng quá không thành công được. Còn quý thầy lười biếng giải đải, tu tập lấy lệ, cũng như dây đàn chùng quá, không thành tiếng. Vậy quý thầy tu tập vừa với sức của mình, không lười biếng mà cũng không tích cực quá.

Đó là ba pháp mà quý thầy muốn đi vào thiền định, phải hằng ngày siêng năng tu tập, nhất là cần tập luyện rất nhiều định vô tầm hữu tứ. Hữu tứ này là pháp hướng, là pháp làm cho quý thầy có được đại thần lực trên bước đường tu tập. Quý thầy phải hiểu rõ như vậy để siêng năng tu tập. Cái gì cần phải tu tập thì quý thầy phải hiểu rõ.

Ba pháp có nhiều tác dụng thì quý thầy chỉ cần nghe pháp thiện, rồi sống với người lành, rồi quý thầy giữ gìn theo các pháp lành thì quý thầy đâu cần tu tập. Pháp thiện ra sao thì quý thầy chỉ giữ gìn cho đúng vậy thôi, chứ đâu cần tu tập, và nó đem lại lợi ích cho đời sống của mình được an lạc, an ổn, rồi nhờ đó quý thầy li dục li bất thiện pháp, chứ đâu cần tu tập. Nhưng ba pháp định này là ba pháp mà quý thầy cần phải tu tập hằng ngày. Còn khi tới Tam thiền, Tứ thiền là quý thầy đã có thần lực của thiền định rồi, tức là pháp hướng đã có hiệu quả rồi thì quý thầy chỉ ra lệnh thì hơi thở sẽ ngưng nghỉ hoàn toàn để quý thầy nhập Tứ thiền không còn khó nữa.

3.- Thế nào là ba pháp cần phải biến tri: Đó là ba thọ: Thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ. Ba thọ này đức Phật chỉ cho chúng ta cần phải biến tri, cần phải hiểu cho rõ để chúng ta không bị lầm lạc. Nhiều khi ở trong trạng thái bất lạc bất khổ thọ mà chúng ta cho đó là một cái định thì đã lầm lạc vào cái thọ này. Thọ lạc thì chúng ta thích, thọ khổ thì chúng ta sợ, mà thọ bất lạc bất khổ thì chúng ta cho đó là niết bàn. Kiểu đó là kiểu trật.

Cho nên có người nói bây giờ ngồi thiền tôi không có vọng tưởng, luôn luôn giữ cái biết của tôi, tôi ở trong trạng thái bất khổ bất lạc thọ, đó là Phật tánh của tôi, đó là giải thoát của tôi. Sự thật người này bị rơi vào trạng thái bất lạc bất thọ khổ, chứ không phải là trạng thái của người có cứu kính làm chủ. Vì vậy phải biến tri là phải hiểu cho rõ, hiểu cho thấu suốt các thọ này thì chúng ta sẽ không bị lầm lạc một trong ba thọ này.

Chẳng hạn như ngồi thiền mà nghe nó khinh an hỉ lạc thích thú mà cho đây là thiền định ngon rồi. Sự thật đây là lạc thọ của dục chứ đâu phải của li dục đâu, bởi vì khi quý vị chưa biết hỉ lạc của li dục như thế nào thì đâu làm sao biết được. Bây giờ quý vị đang ăn những cái bánh dục lạc thì quý vị biết cái hỉ của dục lạc. Cho nên khi ngồi thiền quý vị nghe khinh an này kia mà có người hỏi thăm về sự tu hành của quý vị thì quý vị nói nay tôi ngồi thiền nghe khinh an, nghe hỉ lạc thì người đó chẳng biết thiền định gì hết. Hỉ lạc mà nghe khoái, nghe thích thì đó là dục lạc chứ đâu phải li dục. Cho nên phải hiểu khi nếm được mùi vị của hỉ lạc li dục rồi thì chúng ta thấy rằng cái lạc của dục lạc chẳng ra gì cả.

Cho nên người tu thiền mà không biến tri được ba cái thọ này thì khi ngồi thiền gặp thọ lạc thì tưởng đó là đúng thiền định rồi, không ngờ đó là thiền ma, chạy theo dục tưởng lạc chứ không phải là chánh thiền. Rồi khi chúng ta ngồi thiền nghe đau nhứt khổ sở, nóng rát vô cùng mà lôi chân xuống thì hết thì đó là thọ khổ thuộc tưởng, nếu đau thật thì lôi chân xuống vẫn bị đau. Đây là ma tưởng đau chứ không có thật. Đó là ba pháp cần phải biến tri.

4.- Thế nào là ba pháp cần phải đoạn trừ. Ba ái: dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Khi khởi ra lòng ham muốn bất kỳ nào đều nằm trong ba cái ái này cả, cho nên chúng ta phải đoạn trừ, dứt trừ liền, không để.

Khi khởi tâm thích thì nó là hữu ái. Thí dụ ngồi đây mà tưởng đến vẻ đẹp của cô gái nào thì phải dứt liền, không để tâm hồi tưởng như vậy. Cho nên luôn luôn phòng hộ sáu căn không để dính mắc, chấp trước sáu trần, đó là đoạn dứt các ái. Có như vậy thì chúng ta mới không bị dính mắc các pháp dục lạc thế gian lôi cuốn.

Cho nên ba pháp này quý thầy nhớ kỹ: dục ái, hữu ái, phi hữu ái phải đoạn dứt, nếu không đoạn dứt, cứ để trong lòng thì sẽ bị dính mắc cái này, cái khác.

Nhớ kỹ, cái gì đoạn dứt thì phải đoạn dứt, không thể nào không đoạn dứt, cứ nuôi nấng trong lòng. Cái gì hiểu rõ thì phải hiểu rõ để không lầm lạc trên bước đường tu tập. Cái gì cần tu tập thì phải tu tập, không được thiếu tu tập.

Ở đây phải đoạn trừ là phải đoạn trừ, tâm khởi muốn gì là phải dứt ngay, không được ham muốn. Chúng ta phải quán xét để xa lìa tâm ái: dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Đó là chúng ta đoạn dứt các ái, có như vậy thì mới không bị dính mắc các pháp dục lạc của thế gian. Cho nên quý thầy nhớ kỹ phải đoạn dứt ba pháp: dục ái, hữu ái, phi hữu ái này. Bất kỳ tâm muốn gì đều là ái dục, phải đoạn dứt vì nó là ái dục.

5.- Thế nào là có 3 pháp chịu phần tai hại. Ba pháp đem đến tai hại cho chúng ta, ba bất thiện căn có 3 gốc ác, gốc bất thiện làm cho chúng ta chịu nhiều đau khổ gọi là chịu phần tai hại, là chịu sự đau khổ phiền não.

a/ Tham bất thiện căn: Tham đem cho chúng ta có nhiều sự đau khổ phiền não. Gốc của nó là tham cho nên làm cho các ác pháp sanh ra làm cho tâm chúng ta bất an, thấy cái gì cũng muốn, cũng thích; điều đó là tham bất thiện căn.

b/ Sân bất thiện căn: Lòng sân hận của chúng ta nổi lên làm cho chúng ta khổ sở, giận hờn. Đó là cái gốc làm cho ác pháp sanh ra làm cho chúng ta khổ sở.

c/ Si bất thiện căn: Chúng ta biết khi nghi ngờ không hiểu rõ làm cho chúng ta lầm chấp cái này, lầm chấp cái kia mà không xả được cho nên có những sự đau khổ do sự si mê này. Thí dụ như người ta chửi mình: Chó. Ngay đó mình tưởng mình là chó thật. Lòng si mê đó mình không thấy nên mình căm tức mà chửi mắng lại người ta. Như vậy là tâm ác pháp khởi lên làm cho tâm mình khổ sở. Thay vì người ta chửi mình: Chó, thì mình biết là người ta đã si, người ta đã lầm, làm sao con người mà là chó được. Tại họ tưởng ra mình là chó như vậy chứ làm sao con người mà là chó. Họ tức quá mà sỉ mạ mình là chó, như vậy mình biết người đó khổ quá khổ, không còn sáng suốt nữa, người ta thấy con người mà tưởng là con chó, cho nên mình phải thương người đó.

Trái lại mình căm tức mà chửi mắng lại người ta, mình đã không thương người đó, mà mình lại ngu si hơn nữa, thấy mình là con chó thật cho nên chửi lại họ. Do đó hai đàng cũng đều si hết. Vì vậy muốn không còn si thì chúng ta cần phải gần thiện hữu tri thức, gần những bậc thánh hiền để học hỏi những pháp thiện, những điều thiện; từ đó chúng ta không còn si nữa, tức là chúng ta có những tri kiến của sự hiểu biết Phật pháp, của thánh hiền thì chúng ta mới hết si. Còn nếu chúng ta không chịu học, không chịu hiểu biết thì chúng ta sẽ mãi mãi muôn đời si mê chứ không bao giờ sáng suốt được.

Đó là ba pháp chịu phần tai hại. Chúng ta biết rằng trong cuộc đời, tham, sân, si làm cho chúng ta rất khổ sở, làm chúng ta bất an trong cuộc đời, làm chúng ta có nhân quả ác chồng chất lên những quả ác nữa là do ba cái độc này. Ba cái căn bất thiện này là tham sân si đưa chúng ta đến khổ sở vô cùng. Như vậy chúng ta biết nó là pháp đưa đến tai hại cho chúng ta, vì vậy từ đây chúng ta phải nỗ lực dứt trừ, đoạn trừ tâm tham tâm sân tâm si của mình, làm cho căn gốc tham sân si không còn nữa, nhờ vậy chúng ta mới giải thoát. Đó là ba pháp mà mỗi con người đều chịu phần tai hại.

6.- Thế nào là có 3 pháp đưa đến thù thắng. Ba thiện căn: vô tham thiện căn, vô sân thiện căn, vô si thiện căn. Ở trên chúng ta thấy tham sân si; còn bây giờ là không tham, không sân, không si; ngược lại trên, đó là ba pháp đưa đến cho chúng ta được thù thắng, được an vui, đưa chúng ta đến được hạnh phúc, đưa đến chúng ta đến được yên vui cho nên gọi là thù thắng. Ba pháp này đem đến cho cuộc sống chúng ta được tốt lành, an lạc. Như vậy từ nay về sau chúng ta cố gắng vô tham, vô sân, vô si. Cố gắng và cố gắng hơn.

Nếu muốn được vô tham vô sân vô si thì hằng ngày chúng ta phải đặt niệm tham, niệm sân, niệm si dùng pháp hướng: "Tham là tai hại, làm khổ đau cho bản thân mình, cho mọi người. Vậy từ đây tham không được xâm chiếm tâm hồn chúng ta nữa, phải dứt trừ. Ta thấy gì cũng không được khởi tham muốn. Tham đem đến khổ cho mình cho người, từ nay phải dứt bỏ". Chúng ta trạch pháp ra một câu để làm pháp hướng hằng ngày nhắc tâm của chúng ta càng lúc càng sâu, càng thấm nhuần để tâm trở thành vô tham vô sân vô si. Như vậy là đời sống chúng ta được hạnh phúc.

Và cũng chính từ tâm vô tham vô sân vô si này chúng ta li dục li bất thiện pháp nhập Sơ thiền sau này.

Đó là ba pháp thù thắng, chúng ta hằng ngày phải tu với như lí tác ý ra bằng cách trạch pháp hướng tâm chúng ta đi đến chỗ vô tham vô sân vô si. Lâu ngày thấm nhuần chơn lí giải thoát đó thì chúng ta mới thành tựu được tâm hồn thanh thản. Muốn cho ba pháp này đưa đến thù thắng thì hằng ngày chúng ta phải đặt niệm tham, niệm sân, niệm si quán xét rồi chúng ta dùng pháp hướng mà đập nó xuống, không để nó ở trong tâm chúng ta, biến tâm hồn chúng ta trở thành như cục đất.

7.- Thế nào là có 3 pháp rất khó thể nhập. Phật dạy có ba xuất yếu giới:

a/ Xuất li khỏi các dục: nghĩa là chúng ta phải xuất ra khỏi lòng dục, lòng ham muốn, gọi là li dục.

b/ Xuất li khỏi các sắc pháp tức là vô sắc, nghĩa là ra khỏi các sắc pháp, những pháp nào có hình tướng (vật chất) làm cho tâm chúng ta khởi lên tham muốn thì phải xuất li khỏi các sắc pháp đó, là chúng ta trở thành vô sắc.

c/ Phàm các pháp hữu vi đều do duyên khởi, vậy xuất li khỏi các pháp ấy là diệt các pháp. Chúng ta biết các pháp hữu vi đều do duyên hợp, không phải nó có một pháp độc lập riêng, mà nó do nhiều duyên hợp lại mới thành. Do các pháp đó lôi cuốn, làm cho tâm chúng ta bị dính mắc nó, cho nên chúng ta phải tu theo con đường của đạo Phật là chúng ta phải xuất li khỏi các pháp, không để các pháp dính vào tâm chúng ta, tức là chúng ta diệt các pháp. Diệt các pháp là làm cho tâm chúng ta không bị dính mắc các pháp.

Sau này chúng ta có những pháp để tu tập, để tập luyện làm cho tâm chúng ta không dính mắc các pháp ở chỗ ba cái này. Nhưng ở đây chúng ta học cho biết rằng có ba pháp: li dục là: xuất li khỏi các sắc pháp, xuất li khỏi vô sắc, xuất li khỏi các pháp duyên khởi làm cho tâm chúng ta diệt các pháp duyên khởi đó.

Đó là ba pháp rất khó thể nhập bởi vì muốn li dục rất khó, chứ không dễ, muốn li các sắc pháp cũng không phải chuyện dễ vì chung quanh chúng ta tất cả đều là sắc pháp, rồi các sắc pháp đó nó hợp lại, nó duyên khởi từ pháp này chuyển qua pháp khác làm cho tâm chúng ta luôn luôn bị động theo các pháp, bị lôi cuốn theo các pháp cho nên chúng ta rất khó thể nhập. Nếu nó đứng yên thì chúng ta dễ phá, còn đằng này nó biến chuyển linh động, lúc thì vầy lúc thì khác, chúng ta không ngờ trước các pháp duyên khởi đó. Như chúng ta đang ở trong hoàn cảnh yên ổn như vầy, rồi một lát nữa có người nào đó đến quậy phá trong tu viện làm chúng ta đều động hết. Đó là các pháp duyên khởi, chúng ta đâu có chuẩn bị tinh thần nào để đón nó đâu. Nhưng người biết tu theo đạo Phật thì sẳn sàng đón nhận nó chứ không để nó làm động chúng ta. Chẳng hạn như bây giờ chúng ta đang yên ổn, không ai bịnh đau hết. Bổng dưng một lát nữa có người rên la đau khổ thập tử nhất sanh thì lúc đó tất cả chúng chúng ta đều động hết. Như vậy là các pháp duyên hợp khởi lên làm chúng ta bị động. Sự tu hành của chúng ta là phải diệt các pháp đó, không làm cho chúng ta bị động. Đó là ba pháp rất khó thể nhập.

8.- Thế nào là 3 pháp cần được sanh khởi. Ba trí: trí đối với quá khứ, trí đối với tương lai, trí đối với hiện tại. Trí đối với quá khứ là chúng ta phải có cái trí tuệ khi có sự việc ở trong quá khứ khởi lên trong đầu chúng ta thì phải có sự hiểu biết để đối phó với những sự kiện xẩy ra ở quá khứ đó.

Trí đối với tương lai là chúng ta nghĩ sẽ thế này thế nọ thế kia, như sẽ phải làm cái này, sẽ phải độ chúng sanh bằng cách này cách kia, sẽ phải xây dựng đạo tràng, tu xong rồi phải làm thế này thế khác, thì trí tương lai đó chúng ta phải có sự đối phó với sự nghĩ ngợi xa vời như vậy, không đúng cách của chúng ta trong giai đoạn tu tập.

Trí của chúng ta đối với hiện tại là chúng ta phải sống như thế nào trong hiện tại cho đúng với hiện tại của nó, chứ không phải hiện tại là ngồi đây mà nhớ quá khứ, ngồi đây mà lo chuyện vị lai, đó là điều sai.

Cho nên 3 cái trí này luôn luôn cần phải sanh khởi để tu tập, để chúng ta giải thoát những điều kiện, để làm cho tâm chúng ta được thanh thản nhẹ nhàng không bị 3 thời gian quá khứ, vị lai, hiện tại làm cho chúng ta rối ren và bận rộn không được giải thoát.

Đó là 3 pháp cần được sanh khởi tức là chúng ta luôn luôn giữ cái trí của chúng ta liên tục thoát khỏi ở trong quá khứ, vị lai. Trí của chúng ta liên tục ở trong hiện tại để lúc nào trí của chúng ta cũng được thanh thản trong hiện tại.

9.- Thế nào là có 3 pháp cần được thắng tri. Ba giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Dục giới là lòng ham muốn của chúng ta. Sắc giới thuộc về sắc thân của chúng ta, thuộc về ý thức của chúng ta. Vô sắc giới thuộc về tưởng thức của chúng ta. Thắng tri là cần phải hiểu cho rõ.

Như vậy:

Dục giới là nói về lòng ham muốn của chúng ta;

Sắc giới là nói về ý thức của chúng ta;

Vô sắc giới là nói về tưởng thức của chúng ta.

Một khi tâm ham muốn của chúng ta khởi lên mà có sắc tướng đối tượng lòng ham muốn thì lúc bấy giờ là lòng ham muốn thuộc về sắc giới, tức nó là sắc thức của chúng ta. Còn nó không có một đối tượng nào, không có một hình ảnh nào hết, như ngồi đây mà chúng ta ham muốn gì, đó là lòng ham muốn thuộc về vô sắc giới. Ví dụ để thấy được lòng tham muốn về vô sắc giới: như khi chúng ta nghe người khác nói năm nay ở tiệm bánh DK có làm bánh trung thu rất ngon. Chúng ta mới tưởng ra mình đã ăn nhiều loại bánh trung thu, mình nghĩ chắc tiệm bánh đã thêm vào nhân bánh nhiều loại tuyệt vời. Mình tưởng tượng ra như vậy; mình nghĩ bánh này làm như vậy chắc là ngon. Không biết nó ngon như thế nào nhưng mình nghĩ tưởng ra là ngon cở chừng đó. Sự thật mình chưa ăn mà nghĩ tưởng như vậy, thì đó gọi là vô sắc giới.

Như vậy, vô sắc giới thuộc về tâm, nó thuộc về tưởng; sắc giới thuộc về thân; dục giới chỉ chung cho sắc giới và vô sắc giới.

Ở đây xử dụng sắc giới và vô sắc giới chỉ cho lòng dục của chúng ta. Ban ngày mình ham muốn cái gì thì ban đêm nó thực hiện trong giấc mộng điều mình ham muốn đó. Đó là qua cái tưởng mộng của chúng ta hay tưởng uẩn của chúng ta thực hiện trong vô sắc giới. Do vậy chúng ta biết đây là các pháp chỉ cho một con người mà chúng ta cần phải thắng tri là cần phải hiểu 3 giới đó.

Bởi vì nếu nói ba cõi thì chúng ta phân khác, ở đây nói 3 pháp. Ba pháp chỉ cho trong thân của chúng ta là thân ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Mà sắc giới là chỉ cho sắc thân của chúng ta, và vô sắc giới là chỉ cho tưởng của chúng ta, và dục giới là chỉ chung cho thân ngũ uẩn này có mang cái dục là lòng ham muốn của nó.

Ba pháp giới dục giới, sắc giới và vô sắc giới đều là lòng ham muốn ở trong một con người. Lòng ham muốn không thực hiện ở sắc thì nó thực hiện ở vô sắc. Khi ở trong sắc giới mà lòng ham muốn khởi ra cái dục ham muốn gì thì chúng ta biết đó là lòng ham muốn ở trong pháp sắc giới. Khi nằm mộng mà khởi lên lòng ham muốn thì lòng ham muốn đó ở trong pháp vô sắc. Lòng ham muốn thực hiện ở sắc giới hay vô sắc giới thì gọi là lòng ham muốn dục giới. Chúng ta hiểu rõ như vậy thì không bị lầm lạc, không bị lường gạt của ba pháp này. Đó là ba pháp cần được hiểu rõ, cần được thấu suốt.

10.- Thế nào là có 3 pháp cần phải tác chứng (tu chứng). Đức Phật nói: 3 minh: Túc mạng trí minh, Hữu tình sanh diệt trí minh, Lậu tận trí minh. Như vậy chúng ta phải nhập Tứ thiền mới thực hiện được ba pháp này. Không nhập được Tứ thiền, tức thân không định trên tâm tâm không định trên thân, thì không thể nào thực hiện được ba pháp này đâu, tức không chứng được ba pháp này đâu. Ở đây Phật dạy chúng ta ba pháp cần phải tác chứng, tức cần phải tu để chứng cho được 3 pháp Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh. Phật dạy Túc Mạng Trí Minh, Hữu Tình Sanh Diệt Trí Minh, và Lậu Tận Trí Minh sự thật nó là ba minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh mà thôi.

Như vậy 30 pháp này là thực, là chơn, là như thị, không phải không như thị, không thể sai khác được, Như Lai giác ngộ Chánh Đẳng Chánh Giác đã nói ra.

Lúc đầu chúng ta học 10 pháp, sau chúng ta học 20 pháp, bây giờ chúng ta học 30 pháp và càng ngày chúng ta càng sáng tỏ thêm mỗi pháp. Như hồi nãy Thầy nói về ba định mà chỉ có từ Sơ thiền đến Nhị thiền là một lộ trình để chúng ta tu tập, đến khi dạy về 4 thiền Thầy sẽ nhắc lại và nói rõ hơn ở chỗ này để quý thầy biết mà tu tập. Và ở đây có 3 pháp thì quý thầy nhớ kỹ. Tới đâu Thầy sẽ nhắc lại tới đó và Thầy chỉ cho quý thầy hành trì cho đúng cách để đạt được kết quả giải thoát nơi tâm hồn của quý thầy.