TÌM KIẾM

giáo án tu đạo Phật - Bài kinh ƯỚC NGUYỆN

18/04/2020Admin

TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC

GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT

II.- GIAI ĐOẠN XUẤT GIA

(Tỳ khưu Từ Quang biên tập lời Trưởng Lão giảng trong mùa an cư 1997, được ghi âm ở 61 cassette 90)


Bài kinh ƯỚC NGUYỆN

Thầy nhận xét bài kinh ƯỚC NGUYỆN trong kinh Trung Bộ, tập 1, Đại tạng kinh, nhằm chỉ dạy cho chúng ta, người tu tập, thấy giới luật rất quan trọng trên con đường tu tập của chúng ta đối với sự giải thoát thân tâm và làm chủ sanh tử.

Bây giờ quý thầy nghe lời Phật dạy. Đây là lời khuyên của Phật trong thời Phật còn tại thế:

- "Này các thầy tỳ kheo, các thầy phải sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới."

Đức Phật khuyên chúng ta và giới thiệu giới luật cho chúng ta biết cần phải trau dồi học tập giới luật và rèn luyện giới luật để chúng ta được li dục li bất thiện pháp, sau này có thể nhập được các thiền định.

- "Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng ta được các đồng phạm hạnh thương mến, yêu quý, cung kính và tôn trọng!", Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì (giữ gìn giới luật), nội tâm tịch tĩnh (li dục li ác pháp), không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống (độc cư) tại các trú xứ không tịnh (yên tịnh vắng lặng)."

Đức Phật dạy khi chúng ta vào tu muốn cho các vị tu tập trước cũng như sau đồng một pháp môn, đồng phạm hạnh yêu mến kính trọng mình, đức Phật khuyên "Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì (giữ gìn giới luật),nội tâm tịch tĩnh (li dục li ác pháp),không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống (độc cư) tại các trú xứ không tịnh (yên tịnh vắng lặng)". Như vậy đức Phật khuyên chúng ta nên sống viên mãn giới luật, nên thành tựu các quán hạnh, sống độc cư tại các trụ xứ yên tịnh vắng lặng, nghĩa là một người tỳ kheo tu tập theo đạo giải thoát thì không nên sống ở chỗ ồn náo như thành thị, nơi có đông đúc người mà phải tìm nơi sống yên lặng độc cư tại các trụ xứ yên tịnh.

Đó là bài kinh đức Phật khuyên chúng ta như vậy, chúng ta thích sống như vậy và chúng ta giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh như vậy thì các vị đồng phạm hạnh với chúng ta đều kính trọng chúng ta. Còn quý vị sống mà nói chuyện với nhau, tiếp duyên với nhau bằng cách này bằn cách khác, nói chuyện y áo, nói chuyện ăn uống, nói chuyện tào lao... thì chắc chắn các vị có phạm hạnh không kính trọng mình đâu, mà mình sống đúng hạnh đúng giới luật thì họ rất kính trọng mình. Đó là lời khuyên thứ nhất đối với chúng ta muốn được các bạn, các người độc cư kính trọng mình thì mình phải giữ gìn giới luật, thọ trì giới luật nghiêm chỉnh và li dục li ác pháp. Do sự li dục li ác pháp này chúng ta ít muốn cho nên người ta quý trọng mình, rồi thiền định thì mình liên tục tu tập, không bỏ ngày nào hết. Mình tu tập định Vô Lậu là mình quán các hạnh làm cho thể hiện ra cuộc sống làm cho người ta thấy hạnh của mình rất là tốt và đồng thời người ta xét thấy qua hạnh độc cư của mình không nói chuyện với ai hết do đó kính trọng mình và mình lại tìm trụ xứ vắng vẻ, đến chùa nào yên tịnh ở trong rừng, trong núi hơn là ở chùa ở thành phố, thì người ta quý trọng vị tu đó. Còn vị ở thành phố vui chơi thế này thế khác thì các vị phạm hạnh không quý trọng đâu. Tiếp đến đức Phật dạy:

- "Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng ta được các vật dụng như y phục, các món ăn khất thực, sàng tọa và các dược phẩm trị bệnh!", "Tỷ-kheo ấy (cũng) phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, (giữ gìn giới luật) nội tâm tịch tĩnh (li dục li ác pháp), không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống (độc cư) tại các trú xứ không tịnh (yên tịnh vắng lặng)."

Nghĩa là mong cho đời sống của mình không đói khổ, không thiếu thuốc thang khi bịnh đau thì mình (cũng) phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, (giữ gìn giới luật) nội tâm tịch tĩnh (li dục li ác pháp),không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống (độc cư) tại các trú xứ không tịnh (yên tịnh vắng lặng). Đức Phật cũng khuyên chúng ta nên thực hiện giới luật, kiên trì giữ gìn giới luật. Khi chúng ta giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh như vậy thì ước muốn của chúng ta được y phục, được các món ăn, dược phẩm để trị bịnh thì ở đâu chúng ta cũng được đầy đủ, nghĩa là ước muốn của chúng ta đạt được khi chúng ta giữ gìn giới luật được nghiêm chỉnh thì ở đâu chúng ta cũng được đầy đủ những thứ đó.

"Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Mong rằng các người cúng dường cho ta các vật dụng như y phục, các món ăn khất thực, sàng tọa và các dược phẩm trị bệnh sẽ được quả báo tốt đẹp, được lợi ích lớn"

Nghĩa là mình nhận của cúng dường của người ta mọi vật cho mình sống mình tu hành, được đầy đủ, không thiếu, không khổ sở thì cầu cho những người cúng dường cho mình được các quả báo tốt đẹp và được lợi ích lớn cho họ thì điều kiện là mình phải như thế nào? Đức Phật dạy chúng ta phải giữ gìn, phải thành tựu giới luật, phải) kiên trì giữ gìn giới luật, nội tâm tịch tĩnh li dục li ác pháp, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống độc cư tại các trú xứ tịch tịnh vắng lặng.

Đó là đức Phật dạy cho chúng ta muốn ước nguyện cho người cúng dường cho mình được lợi ích lớn thì mình cũng là người thành tựu viên mãn giới luật, chứ không thể nào thiếu thành tựu viên mãn giới luật mà ước nguyện cho người ta được. Cho nên quý thầy thấy mỗi khi chúng ta mong muốn cái gì thì chúng ta đều phải sống đức hạnh của chúng ta cho đúng giới luật thì ước muốn đó mới thành tựu.

- "Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước mong: "Mong rằng những bà con huyết thống với ta, khi họ chết và mệnh chung, được tâm định tỉnh không bị hôn mê, không bị cận tử nghiệp lôi, tỉnh thức khi thác sanh, Này các thầy tỳ kheo, nếu muốn được như vậy các thầy phải thành tựu viên mãn giới luật".

Đây, đức Phật cũng nhắc chúng ta có ước muốn gì cho những người thân của mình đang lâm chung thì phải tự mình sống đúng giới luật, chứ không phải bảo mình về tụng kinh cầu siêu cho những linh hồn đó siêu sanh tịnh độ, mà đức Phật bảo mình giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì ước muốn cho những người thân khi mạng chung, đạt được tỉnh thức không bị cận tử nghiệp lôi đi, không bị hôn mê trong khi chết, họ vẫn tỉnh táo sáng suốt hoàn toàn, khi chúng ta giữ gìn giới luật thì chúng ta ước muốn điều đó cho bà con huyết thống của chúng ta sẽ đạt được. Thí dụ như tuy mình tu chưa thành tựu mà mình giữ gìn giới luật nghiêm túc và ước nguyện cho cha mẹ mình khi mạng chung được tỉnh thức, không mê muội, không bị cận tử nghiệp lôi. Ước muốn đó của mình sẽ thành tựu đối với cha mẹ của mình. Lời Phật dạy như vậy, Thầy tin rằng một vị tu sĩ giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì ước muốn đó thành tựu được.

- "Này các thầy Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Mong rằng ta nhiếp phục lạc và bất lạc thọ, chớ không phải lạc và bất lạc thọ nhiếp phục ta. Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục bất lạc thọ được khởi lên!". Muốn được vậy, Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật,"

Phật cũng dạy chúng ta thành tựu viên mãn giới luật mới nhiếp phục được cái thọ lạc và bất lạc. Thí dụ trong khi tu hành chúng ta dễ bị cái thọ lạc lắm, rồi cái thọ bất lạc cũng lôi chúng ta. Khi ăn thấy ngon là thọ lạc rồi, mà thọ lạc là còn thèm ăn nữa. Muốn nhiếp phục nó, đừng cho nó lôi mình, đừng làm cho mình thích nữa, không phải là chuyện dễ. Cái ước muốn như vậy mà muốn được như vậy thì giới luật của ta cũng cần phải được viên mãn, chứ không thể nào giới luật của ta không viên mãn mà ước muốn được, giới luật nó làm cho ta xa lìa cái tham ăn đó. Ở đây, Thầy nhắc quý thầy phải nhớ rằng lời Phật dạy là lời vàng lời ngọc, mà chúng ta cần phải thực hiện, bởi vì Phật là người đi trước con đường giải thoát, và Thầy 10 năm trong thất Thầy cũng đã sống những giới luật của Phật rất nghiêm chỉnh đối với mình, khắc phục với mình, cho nên Thầy biết cái này. Nếu hôm nay Thầy có một sức thiền định làm chủ được cái sống chết của mình thì Thầy biết đó là nhờ giới luật, chứ không phải là gì hết. Cho nên Thầy chỉ nhắc các thầy: đạo Phật là li dục li ác pháp làm quan trọng chứ không phải ngồi hít thở là quan trọng đâu. Hít thở chỉ phụ mà thôi, chỉ mượn hơi thở để nhập định chứ không phải hơi thở là định, cũng không phải ở chỗ ức chế tâm mà ở chỗ li dục li ác pháp. Chỉ có giới luật của Phật mới li dục li ác pháp, ngoài giới luật của Phật ra, không thể có pháp nào khác làm được. Cái quý giá của giới luật là ở chỗ này.

- "Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Mong rằng ta nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi, chớ không phải khiếp đảm và sợ hãi nhiếp phục ta! Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi được khởi lên!", muốn được vậy, Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật."

Các thầy thấy đức Phật nhắc chúng ta phải thành tựu viên mãn giới luật thì chúng ta mới khắc phục được tâm khiếp đảm sợ hãi của chúng ta. Hầu hết chúng ta là tỳ kheo ở rừng ở nơi núi, những nơi không cơm không gạo, chúng ta sợ đói rét, sợ rắn độc, sợ hơi độc, sợ thú độc, sợ đủ mọi thứ làm chết người. Nhưng khi chúng ta giữ gìn giới luật thanh tịnh, viên mãn giới luật thì chúng ta chẳng sợ các điều đó. Lời của Phật dạy rất cụ thể và rất hay. Bởi vậy giới luật là thầy, là người bảo hộ cho chúng ta tận cùng trên con đường giải thoát. Chúng ta xa lìa giới luật, không chấp nhận giới luật thì làm gì đời sống chúng ta đạt đến cứu cánh giải thoát được. Đây, các thầy nghe tiếp:

- "Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Mong rằng, tùy theo ý muốn của ta, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, ta chứng bốn thứ thiền một cách dễ dàng, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú!"

Đó là đức Phật muốn nói 4 thứ thiền chúng ta đang tu tập nương hơi thở mà chúng ta tu tập quá khó khăn, nhọc nhằn rất nhiều mà chưa chứng được, thì ước nguyện muốn đạt được 4 thiền này thì điều kiện tiên quyết là chúng ta phải giữ gìn, phải thành tựu viên mãn giới luật. Đức Phật nói muốn nhập được 4 thiền thì các thầy tỳ kheo cũng phải thành tựu viên mãn giới luật. Các con nghĩ muốn nhập 4 thiền không khó khăn, không mệt nhọc thì phải thành tựu viên mãn giới luật, bằng không thì chúng ta rất mệt nhọc. Đức Phật nói rất đúng, vì xét qua chúng ta chưa li dục hoàn toàn, chưa li ác pháp hoàn toàn cho nên chúng ta muốn nhập vào 4 thiền rất là khó.

- "Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Có những giải thoát tịch tĩnh, siêu thoát Sắc giới và Vô sắc giới. Mong rằng ta có thể cảm xúc với thân và sống an trú trong cảnh giới ấy!"

Nghĩa là muốn cái tâm của ta luôn luôn ở trong cảnh sắc giới và vô sắc giới đó luôn luôn có được siêu thoát, có được tịch tỉnh ở trong cảnh giới thiền định. Đức Phật muốn nói rằng chúng ta luôn luôn giữ cái tâm của chúng ta tịch tỉnh siêu thoát ra ngoài cái thân, mặc dù chúng ta đang sống trong sắc giới hay chúng ta đang sống trong vô sắc giới, khi chúng ta lọt vào trong các trạng thái tưởng thì các căn mắt tai mũi miệng thân ý hoàn toàn ngưng nghỉ, không tiếp xúc nữa (giống như người ngủ) mà chúng ta cũng vẫn tịch tỉnh siêu thoát trong cảnh giới đó, như vậy chúng ta đã vượt qua li hỉ trú xả nhập Tam thiền. Ở đây, chúng ta mong muốn được điều này, nghĩa là muốn đạt được thì phải giữ gìn giới luật, phải thành tựu viên mãn giới luật. Ở đây chúng ta cũng thấy được rằng muốn được như vậy tỳ kheo phải thành tựu viên mãn giới luật.

- "Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Mong rằng ta diệt trừ ba kiết sử, làm cho muội lược tham sân si, ta chứng được nhất lai, chỉ còn một đời này nữa để đoạn trừ khổ đau. Nếu muốn được vậy, tỳ kheo phải thành tựu viên mãn giới luật."

Đức Phật cũng nhắc chúng ta muốn diệt trừ ba kiết sử (tham sân si) thì chúng ta cũng phải giữ gìn giới luật, chứ không giữ gìn giới luật mà muốn diệt trừ tham sân si thì chúng ta không diệt nổi đâu. Đức Phật nói chúng ta nếu có ước muốn này đến ước muốn khác, chúng ta thấy tham sân si là ba độc, muốn cho nó dứt đi thì chúng ta cũng phải lấy giới luật mà sống mới dứt trừ được nó.

- "Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Mong rằng, trừ diệt năm hạ phần kiết sử, ta được hóa sanh, chứng được Niết-bàn ngay tại cảnh giới ấy, không còn trở lui thế giới này nữa!". Muốn được vậy, Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật."

Đức Phật cũng nhắc ta muốn diệt trừ năm hạ phần kiết sử (tham sân si mạn nghi) để chứng được niết bàn trong tâm của chúng ta và chúng ta không còn thai sanh nữa mà được hóa sanh, tức là chúng ta được sanh vào một cõi trời nào đó mà ở cõi trời đó hoàn toàn hóa sanh chứ không còn thai sanh nữa, dù cảnh trời đó là cảnh trời nào thì chúng ta cũng được tự tại hết. "không còn trở lui trạng thái này nữa" tức là chúng ta không còn tái sanh ở trong thế gian này nữa. Mà muốn được vậy thì tỳ kheo phải thành tựu viên mãn giới luật.

Nãy giờ chúng ta thấy giới luật rất là quan trọng trên con đường tu của người tu sĩ.

- "Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Mong rằng ta chứng được các loại thần thông! Một thân ta hiện ra nhiều thân, nhiều thân ta hiện ra một thân; ta hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua thành, qua núi như đi ngang hư không, ta độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; ta đi trên nước không chìm như trên đất liền; ta ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, ta chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại thần lực như vậy; thân ta có thần thông bay cho đến Phạm Thiên!", muốn được vậy Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật."

Dù chúng ta có muốn thần thông được như vậy thì chúng ta cũng phải giữ gìn giới luật, không vi phạm giới luật; đó là điều kiện mà chúng ta cần phải hiểu, nếu không hiểu chúng ta không có giới luật gì hết mà cứ niệm chú luyện bùa để có thần thông, cái đó không đúng của đạo Phật.

- "Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Mong rằng, với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, ta có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người, ở xa hay ở gần!, muốn được vậy Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật."

Nếu mình có ước muốn như vậy thì mình cần phải thành tựu viên mãn giới luật. Đức Phật cũng nhắc chúng ta phải thành tựu viên mãn giới luật chứ không thành tựu viên mãn giới luật chắc chắn chúng ta không đạt được đâu.

- "Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Mong rằng với tâm của ta, ta biết được tâm của các chúng sanh và loài Người. Tâm có tham, ta biết tâm có tham. Tâm không tham, ta biết tâm không tham. Tâm có sân, ta biết tâm có sân. Tâm không sân, ta biết tâm không sân. Tâm có si, ta biết tâm có si. Tâm không si, ta biết tâm không si. Tâm chuyên chú, ta biết tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, ta biết tâm tán loạn. Tâm đại hành, ta biết tâm đại hành. Tâm không đại hành, ta biết tâm không đại hành. Tâm chưa vô thượng, ta biết tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng, ta biết tâm vô thượng. Tâm Thiền định, ta biết tâm Thiền định. Tâm không Thiền định, ta biết tâm không Thiền định. Tâm giải thoát, ta biết tâm giải thoát. Tâm không giải thoát, ta biết tâm không giải thoát!", muốn được vậy, Tỳ-kheo phải thành tựu viên mãn giới luật."

Như vậy mình muốn biết mọi tâm niệm của chúng sanh, bây giờ họ ngồi thiền họ có định hay không định thì mình phải thành tựu viên mãn giới luật thì mình mới có được cái biết đó, còn nếu không thành tựu viên mãn giới luật thì chẳng biết gì hết.

- "Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Mong rằng ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, vô lượng đời, nhiều kiếp thành, kiếp hoại" , muốn được vậy Tỳ-kheo phải thành tựu viên mãn giới luật."

Đó là chúng ta cũng nhớ nếu chúng ta muốn có hiểu biết nhiều đời của chúng ta, tức Túc Mạng Minh, nếu chúng ta muốn có Túc Mạng Minh hiểu biết được như vậy thì chúng ta cũng phải giữ gìn thành tựu viên mãn giới luật.

- "Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Mong rằng ta có Thiên Nhãn Minh", muốn được như vậy Tỳ-kheo cũng phải thành tựu viên mãn giới luật."

Đức Phật nói cuối cùng chúng ta có Lậu Tận Minh, hoặc muốn có Thiên Nhãn Minh thì cũng phải lấy giới luật làm hàng đầu.

- "Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy có ước nguyện: "Với sự diệt trừ các lậu hoặc tận gốc ta phải có Lậu Tận Minh", muốn được vậy tỳ kheo phải thành tựu viên mãn giới luật."

Đến đây ba cái Minh xong rồi thì ta ước muốn, đi tu mà ta không ước muốn sạch lậu hoặc thì làm sao giải thoát, làm sao chấm dứt luân hồi, cho nên đó là sự ước muốn của chúng ta. Có ước muốn như vậy thì chúng ta phải lấy cái gì? Chúng ta phải thành tựu viên mãn giới luật, chứ không có gì khác hơn hết.

Này các Tỷ-kheo, muốn được vậy (nghĩa là muốn được các ước muốn đức Phật đã nêu trên) thì ngay bây giờ, lúc này các thầy phải sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và tu học các học giới. Như vậy, phàm đã nói gì, chính duyên ở đây mà nói vậy.

Tức là đứng ở chỗ giới mà nhắc nhở các thầy thấy được con đường tu tập theo đúng của đạo Phật cứ lấy giới luật mà làm đầu. Bởi vậy Tam vô lậu học, chúng ta thấy học giới tức là pháp môn học đầu tiên, giới-định-tuệ, mà giới là phải thành tựu viên mãn còn tất cả cái khác, định và tuệ, chúng ta cũng sẽ dễ dàng thành tựu được.

Khi học giới mà bỏ bài kinh Ước nguyện này thì thấy quá uổng, không thể nào thiếu được nó.