TÌM KIẾM

GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT- BẢNG TÓM TẮT TU THEO ĐẠO PHẬT

18/04/2020Admin

TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC

GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT

II.- GIAI ĐOẠN XUẤT GIA

(Tỳ khưu Từ Quang biên tập lời Trưởng Lão giảng trong mùa an cư 1997, được ghi âm ở 61 cassette 90)

 


 

Bài đọc thêm 6

BẢNG TÓM TẮT TU THEO ĐẠO PHẬT

Có một thầy xin Thầy ghi lại bảng tóm tắt tu tập từ lúc mới bắt đầu. Đây là bảng tóm tắt tu tập:

- Các thầy nhớ kỹ người mới tu tập phải sống 3 hạnh: Ăn, Ngủ, Độc cư trầm lặng. Kế đến phải lập 3 đức: Nhẫn nhục, Tùy thuận, Bằng lòng. Hằng ngày Quán xét thân tâm xa lìa các ác pháp, tăng trưởng các pháp lành.

Người mới tu phải thường xuyên học thập thiện, biết thập ác để xa lìa. Kế đến phải dứt bỏ các thói quen tật xấu như tứ đổ tường, như rượu chè, bài bạc, hút xách. Hay tâm thích dâm dục. Phải từ bỏ các thói hư tật xấu đó mới có thể đi vào con đường tu theo đạo Phật.

Kế đến phải tu tập các loại định:

1.- Định Sáng Suốt: giữ tâm thanh thản, tâm vô sự

2.- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác. Tu tập chánh niệm tỉnh thức, cần phải đi kinh hành, nương vào đi kinh hành mà tu tập.

3.- Chánh Niệm Tỉnh Giác. Thực hiện trên bốn tâm vô lượng từ bi hỉ xả (tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác trên bốn tâm vô lượng này). Hằng ngày lúc nào cũng phải tu tập tỉnh giác trên bốn tâm vô lượng này.

4.- Chánh Niệm Tỉnh Giác trong hơi thở. Qúy thầy đã rõ biết Chánh Niệm Tỉnh Giác trong hơi thở rồi, tức là lấy hơi thở bình thường, không được thở dài thở ngắn. Biết rõ hơi thở vô, biết rõ hơi thở ra, tỉnh giác trong từng hơi thở. Đó là Chánh Niệm Tỉnh Giác trong hơi thở.

5.- Chánh Niệm Tỉnh Giác ở trong mọi công việc làm. Làm gì thì phải ý tứ trong việc đó, thường thường phải nhắc tâm mình bằng pháp hướng cho tâm lúc nào cũng chú ý vào công việc làm, không quên, không sanh ra vọng tưởng, hoặc vô ký.

6.- Chánh Niệm Tỉnh Giác trong khi ăn cơm. Phải tập Chánh Niệm Tỉnh Giác trong lúc ăn cơm, tỉnh giác từng hành động ăn: khi gắp thức ăn, khi nhai, khi nuốt,... đều phải tỉnh giác.

7.- Chánh Niệm Tỉnh Giác ở trong giấc ngủ. Ngủ không mộng mị, là tỉnh giác trong giấc ngủ.

8.- Chánh Niệm Tỉnh Giác đối với các pháp: khi bị mạ lị, bị mắng chửi, không bị tâm ham muốn lôi kéo vào chỗ say mê các pháp thế gian, để chúng ta khắc phục các tham ưu đau khổ của cuộc đời, vì các pháp sẽ đem đến cho ta nhiều sự đau khổ. Cho nên chúng ta phải tập Chánh Niệm Tỉnh Giác ở trên các pháp.

9.- Chánh Niệm Tỉnh Giác khi tiếp chuyện, nghĩa là khi nói chuyện với ai thì nên Chánh Niệm Tỉnh Giác xem trong đúng sai trong câu chuyện của họ, để chúng ta không bị tà kiến cho nên khi tiếp chuyện phải tỉnh giác với người khác.

10.- Chánh Niệm Tỉnh Giác khi tu tất cả các loại định, nghĩa là chúng ta đang tu cái gì phải tỉnh giác trên hành động đang tu, không phải tôi tu cái đó tôi chỉ biết cái đó thôi, nghĩa là chúng ta phải tỉnh giác coi sự tu đó có xãy ra cái gì, thí dụ như đang dùng hơi thở hướng tâm để tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị thiền, nhưng bây giờ hơi thở đứng đó mà không chậm nữa, hay không nhẹ nữa thì mình phải tỉnh giác trong cái đó để cho mình thiện xảo vận dụng như thế nào hoặc là mình hướng tâm như thế nào để cho nó đi sâu hơn, hoặc là nó phải như thế nào. Đó là Chánh Niệm Tỉnh Giác ở trong khi tu các loại pháp như định Vô Lậu, định Sáng Suốt, hoặc là các định Hiện Tại An Lạc Trú (từ Sơ Thiền đến Tứ thiền).

Định Chánh Niệm Tỉnh Giác rất quan trọng mà người mới vô tu phải tập rất nhiều.

11.- Tu tập định Vô Lậu.

1/ Định Vô Lậu thứ nhất là đặt niệm thân trước mặt quán vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Lấy thân của chúng ta quán xét từ đầu tới chân, từ chân lên đầu coi nó bất tịnh như thế nào, coi nó vô thường như thế nào, coi nó khổ như thế nào để nó thấu suốt, nó chứng được cái lí vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh.

2/  Niệm thực phẩm quán bất tịnh. Hằng ngày vì cái ăn mà chúng ta tham đắm trong đó, vì vậy chúng ta phải đặt niệm thực phẩm mà quán xét, chừng nào thấu lí thực phẩm bất tịnh, chúng ta không còn thích ăn nữa, chúng ta ăn để sống như liều thuốc cứu đói thì chừng đó chúng ta không nên tu nữa. Lúc nào chúng ta còn thấy thèm, chúng ta ăn còn thấy ngon thấy dở thì lúc đó chúng ta cần đặt niệm thực phẩm để quán triệt, để xả lậu hoặc về cái ăn.

3/ Đặt niệm sắc dục trước mặt quán bất tịnh, quán rắn độc, quán khổ chừng nào thấm lí, làm thân chúng ta không còn xuất tinh, không còn mộng mị nữa đó là chúng ta đã đạt được vô lậu về sắc dục.

4/ Đặt niệm danh trước mặt quán vô thường, khổ, nguy hại như cọp dữ. Cái danh coi vậy chứ cũng rất khó xả vì nghe người khen mà mình mừng, nghe chê mà mình buồn, đó là cái danh chứ chưa nói khi chúng ta làm ông này bà kia, hay hoặc là đổ cấp bằng này cấp bằng kia làm cho chúng ta có cái ngã theo cái danh cho nên chúng ta phải đặt niệm danh trước mặt quán vô thường, đem đến sự khổ, nó nguy hại cho đời sống chúng ta, nó nguy hại như là cọp dữ. Chúng ta phải đặt cái niệm đó để quán cho thấu suốt cái danh, để xả đi, không còn được ở trong tâm chúng ta nữa.

5/ Đặt niệm lợi trước mặt quán vô thường, khổ, nguy hại như thuốc độc, như rắn độc. Chúng ta phải đặt niệm lợi như tiền bạc, châu báu, nhà cửa xe cộ... để chúng ta thấy nó như thật, nó có thể giết chúng ta hồi nào cũng được như rắn độc.

6/ Đặt niệm hôn trần thùy miên, quán tối tăm u mê ngu muội lười biếng, hèn nhác. Đặt các niệm đó chúng ta quán xét. Thầy thấy niệm hôn trầm thùy miên rất khó. Đặt niệm đó và tu Chánh Niệm Tỉnh Thức, trong khi ngủ phải tỉnh thức, do đó mới phá được hôn trầm thùy miên, chứ không khéo niệm hôn trầm thùy miên làm chúng ta không có tri kiến giải thoát được.

7/ Đặt niệm tham trước mặt quán khổ, nguy hiểm, tai hại, nghèo khổ bần cùng, quán xem niệm tham từ đâu đến, do đâu mà có nó làm chúng ta khổ cả cuộc đời chúng ta. Từ có cái tham này rồi nó đòi hỏi cái tham khác, như có 1 đồng muốn có 10 đồng; có 10 đồng muốn có 100 đồng; cái tham không bao giờ dừng lại. Do đó chúng ta thấy càng tham thì càng khổ. Vì vậy mà chúng ta phải quán xét để phá cái tâm tham của chúng ta, để trở thành vô lậu.

8/ Đặt niệm sân trước mặt quán khổ, hung dữ như cọp, như rắn độc hại mình, hại người. Chúng ta quán rồi dùng pháp hướng đoạn dứt nó đi.

Nói chung mỗi niệm chúng ta đặt đây chúng ta đều phải có pháp hướng tâm. Sau khi chúng ta quán xét xong thì chúng ta bồi bằng lệnh truyền tạo cho thành cái lực để đoạn dứt các niệm đó. Quán là để chúng ta thấu suốt cái lí đúng của niệm đó, sau đó chúng ta phải dùng pháp hướng để dứt cho không còn cái tâm đó nữa. Pháp hướng giúp ta làm chủ được.

9/ Đặt niệm kiêu mạn trước mặt quán vô thường, khổ, vô ngã. Thường thường ai cũng có tâm kiêu mạn, tâm ngã mạn, hơi đụng chạm một chút là bộc lộ ra liền, nghe khen thì nở mũi, bị chê thì buồn, đó là cái ngã. Vì vậy phải đặt niệm này trước mặt dùng định vô lậu quét sạch tâm kiêu mạn của chúng ta ra.

10/ Đặt niệm nghi trước mặt quán tâm nghi hay sanh tội lổi, do đó đời sống với tâm nghi làm chúng ta nhức đầu. Thí dụ nghi vị thầy mình tu chưa chứng, nghi vị thầy mình như thế này thế khác mà mình không đủ sức dò xét vị thầy mình coi như thế nào là người giới hạnh, giới đức, giới tuệ. Nhưng mình sống gần vị thầy mình mà mình vội vàng nghi thì mình chưa đúng. Cho nên nghi, không phải là nghi thầy mình thôi mà nghi tất cả các sự khác. Thấy ai to nhỏ với nhau nghi cho là họ nói xấu mình. Vì vậy mà phải đặt niệm nghi để phá nó đi.

Ở đây có 10 điều kiện để tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và 10 điều kiện để tu Định Vô Lậu. Đây chỉ là sự tóm lược của Thầy chứ nó còn biết bao nhiêu điều kiện khác, cả trăm cái niệm để chúng ta đặt trước mặt mà tu. Nếu chúng ta thấy hằng ngày cái tâm của mình ở góc độ nào thì mình nên lấy cái góc độ đó, đặt cái niệm ra mà tu cho thấu suốt góc độ đó thì sẽ phá được cái tâm vô lậu của mình; và hằng ngày mình làm những công việc hoặc có duyên sự gì đó thì mình lấy định Chánh NiệmTỉnh Giác đặt hành động của mình ngay chỗ đó tu theo đặc tướng riêng biệt của mình thì nó sẽ đem lại kết quả tốt cho sự tu tập của mình nhanh chóng và tỉnh táo nhất.

Thầy thấy qua sự tu tập của Thầy thì nên tu tập tỉnh thức trong giấc ngủ của mình để phá niệm si. Chúng ta không còn bị vô minh thì cái trí tuệ, cái minh thể hiện được, thì tu định vô lậu rất nhanh chóng vì cái tri kiến giải thoát của chúng ta phát hiện chứ không phải cái tri kiến suông, tri kiến suông là tri kiến được huân học của kinh sách của các thầy nhờ đó mà chúng ta làm cái điểm tựa thôi. Trái lại cái tri kiến giải thoát của chúng ta phóng ra được là nhờ sức tỉnh thức của chúng ta.

Như vậy tóm lại, qúy thầy có 10 điều kiện để tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và 10 điều kiện tu tập Định Vô Lậu.