TÌM KIẾM

giáo án tu đạo Phật - GIAI ĐOẠN XUẤT GIA - SA DI THẬP GIỚI

18/04/2020Admin

Chúng ta sẽ qua lộ trình thứ hai, lộ trình của người xuất gia.

Xuất gia có mục đích đi tìm con đường giải thoát, nghĩa là phải lìa cuộc đời thế gian. Xuất gia là ra khỏi nhà, lìa bỏ của cải, vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em, từ bỏ tài sản nhỏ tài sản lớn, từ bỏ bà con quyến thuộc nhỏ bà con quyến thuộc lớn, sống không gia đình không nhà cửa, chỉ còn 3 y 1 bát.

 

Tuy từ bỏ nhà cửa đi lang thang như vậy mà không biết pháp tu hành từ bắt đầu cho đến viên mãn thì cũng uổng phí cuộc đời người mà chẳng giải thoát được gì, chỉ thành một gả lang thang phiêu bạt giang hồ rày đây mai đó, chẳng có ý nghĩa gì cả.

Như quý thầy thấy phía phái Khất Sĩ đã thành lập tại Việt Nam lấy 3 y 1 bát, sống trong chòi tranh; ngay từ bắt đầu được tổ sư Minh Đăng Quang hướng dẫn ai cũng mến hạnh của Khất sĩ. Nhưng Khất sĩ không có pháp hành, không có đường lối giải thoát, Khất sĩ lấy giới bổn khép chặt giới luật như kỷ luật làm cho các vị Khất sĩ sống cuộc đời rất cực khổ. Cuối cùng không thế duy trì 3 y 1 bát đúng nghĩa được, cho nên thành một gả lang thang rày đây mai đó, hoặc ở hang ở núi. Các Khất sĩ cũng tha thiết tu hành giải thoát nhưng vì họ không có pháp hành thực hiện cho đúng pháp hành của con đường giải thoát, cuối cùng họ chết dần mòn trong hang hóc. Hay có những người Khất sĩ tu không dám nằm ngủ, họ ngủ trên sự ngồi thiền, họ sống rất khắc khổ, có những người khổ công tu hành như vậy nhưng chẳng đạt được gì. Thấy gương hạnh các vị Khất sĩ đó, những người còn lại làm sao họ không phá giới. Bây giờ chỉ còn hình thức 3 y 1 bát chứ không còn phạm hạnh của đức Phật ngày xưa. Bởi vì người ta không có giới hành nên không thể thực hiện được giới luật của Phật, do giới luật bị khô cằn nên người ta phải thay đổi để có cái gì hơn. Họ không thể giải thoát được, không làm chủ sự sanh tử được, không thể đạt được cứu cánh niết bàn, họ chỉ ở trên giới luật thôi cho nên cuối cùng họ phải bỏ dở giới luật, họ không thể sống nổi.

Bộ Chơn Lý của tổ sư Minh Đăng Quang viết ra hầu như pháp hành không có, chỉ có lí giải thôi mà lại tạp nhạp vì nó kết hợp Nam tông với Bắc tông và còn ảnh hưởng của Thiền Đông Độ nữa. Nó là chiếc áo vá như vậy cho nên không thực hiện được giới hành của Phật.

Trái lại chúng ta có đủ pháp hành nên không bỏ dở giới luật. Giới luật của đạo Phật có giới hành tạo cho chúng ta thực hiện được đời sống phạm hạnh rất nghiêm chỉnh mà có nguồn giải thoát, tự thân tâm của chúng ta có niềm hỉ lạc rất cao độ, nó làm cho người thọ hỉ lạc của thế gian thấy hỉ lạc do li dục li bất thiện pháp tuyệt vời hơn nhiều.

Thí dụ chúng ta ăn món ăn thấy ngon thì đó là hỉ lạc dục của cái ăn; chúng ta nằm trên nệm thấy êm ấm thì đó là hỉ lạc dục của thân. Người ta dùng giới hành li dục li bất thiện pháp để li các trạng thái dục lạc đó thì sẽ đem lại sự an lạc vô cùng cho tinh thần của người ta, vì vậy mà người ta giữ giới luật nghiêm chỉnh, phạm hạnh được đầy đủ. Người khác khi nhìn cuộc sống của tu sĩ đạo Phật thì thấy họ sống khổ hạnh mà trong khi chính họ thì không cảm thấy khổ hạnh vì đó là nguồn giải thoát thật sự chơn thật trong tâm hồn của họ. Cho nên ngay cuộc sống hằng ngày của người tu sĩ Phật giáo đã thấy được niết bàn chứ không phải đợi đến khi chết mới nhập niết bàn.

Do không có pháp hành nên người ta thành lập giới luật (giới bổn) trói buộc con người vào cảnh khổ của địa ngục, hình thức thì tu, nhưng đó là cảnh địa ngục. Người đời ăn ba bữa mà người tu chỉ ăn một bữa, lại không thưởng thức cái ngon mà nếu không có pháp hành thì cái ăn của người tu như vậy là địa ngục rồi, không có sự an lạc gì trong cái ăn mà lại còn làm chúng ta khổ. Thiếu pháp hành thì giới luật ăn sẽ bị phá vỡ. Cho nên quý thầy thấy các vị bên Khất Sĩ bây giờ sáng họ có ăn tiểu thực, chiều có uống nước loại gì hay ăn dặm. Có nhiều chỗ còn cố gắng giữ buổi chiều không ăn dặm chứ buổi sáng thì họ có ăn tiểu thực. Hiện giờ Khất Sĩ chỉ còn danh từ suông thôi, chứ họ không giữđược giới luật như ngày tổ sư Minh Đăng Quang mới thành lập Khất Sĩ. Vì không có giới hành nên giới bổn phải thay đổi cho thích hợp với người tu.

Nếu chúng ta lấy giới bổn để trói mình thì coi chừng chúng ta sẽ là những người phạm giới. Đầu tiên thì phạm giới ý, sau tới khẩu phạm, rồi tới thân phạm. Nếu không có giới hành thì chúng ta sẽ lần lượt bị phạm giới hết.

Khi chấp nhận đời sống không gia đình, không vật chất thì phải thọ pháp trau dồi để dứt bỏ những gì mà tâm ta còn đắm nhiểm.

Vậy pháp đầu tiên tu tập của người xuất gia là gì? Người xuất gia chơn chính mở đầu từ pháp môn Sa di Thập Giới. Người xuất gia không thọ Thập Giới Sa Di thì không được kể là người xuất gia, sau khi thực hiện được Thập Giới Sa Di thì mới thực hiện được giới của Tỳ kheo. Chỉ nhìn vào vị đó thực hiện được hay không thực hiện được Thập Giới Sa Di, chúng ta cũng xác định được vị đó là tu sĩ hay cư sĩ.

Đạo Phật xác định rất rõ người thọ Thập Giới Sa Di mới là xuất gia; nếu không thọ Thập Giới Sa Di, không nghiêm trì giới luật của người Sa Di thì người đó chưa được xem là người xuất gia. Người ở trong chùa to tháp lớn, người còn cất giữ tiền bạc, người còn ăn phi thời, dù người đó được đời xưng tụng là Thượng tọa, Hòa thượng đi nữa, dù người đó giữ chức vụ cao lớn trong hàng giáo phẩm đi nữa, thì người đó vẫn chưa phải là người xuất gia, người đó vẫn còn đang ở trong lộ trình thứ nhất của người cư sĩ vì người đó không nghiêm trì giới luật của người Sa Di.

Vì thế Sa Di Thập Giới là cơ sở của người xuất gia. Như vậy người xuất gia mà cơ sở không có thì người đó là gì? Chẳng qua như một người giả mạo xuất gia trong bộ y áo của người xuất gia. Giới Sa Di là cơ sở của người xuất gia mà không có thì người đó, dù là sải vương đi nữa, mà không nghiêm trì giới luật của người Sa Di, thì chúng ta cũng vẫn xem như là người cư sĩ, chứ làm sao xem họ là tu sĩ được. Cho nên chúng ta muốn nhận ra người tu xuất gia thì nên nhận xét qua Thập Giới Sa Di của họ, nghĩa là không nhận xét qua hình thức bên ngoài như y áo, tràng chuổi họ mang, năm tháng họ tu, chức vụ họ đảm nhận có kẻ hầu người hạ, nơi ở của họ là chùa to tháp lớn,... mà nên nhận xét qua Thập Giới Sa Di họ có nghiêm trì hay không.

Người không thọ trì Thập Giới Sa Di thì dù họ tu pháp nào mà họ cho là tối thượng đi nữa thì pháp đó cũng chỉ là tà pháp của ngoại đạo thôi. Tại sao vậy? Vì Thập Giới Sa Di là pháp môn tu hành cơ bản của đạo Phật. Pháp môn cơ bản không tu tập, không sống đúng pháp môn cơ bản này thì pháp hành của vị đó không phải là tà pháp sao?

Người tu sĩ đạo Phật bây giờ chỉ biết nói Sa Di Thập Giới chứ không ai biết tu nó, không ai biết sống cho đúng với nó, cho nên đạo Phật hiện giờ mất gốc người chơn tu, không còn người chơn tu của Phật giáo bởi vì Sa Di Thập Giới không thực hiện được.

Mục đich xuất gia là cầu đắc đạo Niết bàn giải thoát sanh tử. Ba đời chư Phật ở tại nhân gian thành Phật đều là hiện tướng xuất gia, sống đúng oai nghi tế hạnh của Sa Di Thập Giới. Không có đức Phật nào xuất gia không sống đúng hạnh Sa Di Thập Giới mà thành Phật được. Vì thế Sa Di Thập Giới là cơ sở của đạo giải thoát.

Xuất gia chẳng phải là điều đạo Phật phát minh trước nhất, cũng chẳng phải chỉ Phật giáo mới có sự xuất gia. Ở Ấn Độ trước khi đức Phật Thích Ca giáng sanh đã có nhiều thứ ngoại đạo. Sa môn là tên gọi chung của người Ấn Độ xuất gia. Sa môn nghĩa là dứt tâm ác, tịnh chỉ tâm ác, làm cho tâm được thanh tịnh. Sáu ngoại đạo trong thời đức Phật giáng sinh cũng có mục đích dứt tâm ác, tịnh chỉ tâm ác, làm cho tâm được thanh tịnh, không có ngoại đạo nào khuyến khích làm điều ác nhưng vì pháp hành của họ không đúng nên không giải thoát được tâm ác, tâm họ không tịnh chỉ ác cho tâm được thanh tịnh. Đức Phật ra đời chỉ cho chúng ta pháp hành để dứt tâm ác. Ngoại đạo cũng có giới luật để dứt các tâm ác nhưng vì không có pháp hành cho nên họ dứt không được.

Nếu bây giờ chúng ta lấy giới luật mà khép mình nhưng không có pháp hành thì cuối cùng chúng ta cũng vẫn bị phạm giới. Cũng như các lục sư ngoại đạo tuy họ có những giới luật để ngăn chặn tâm ác của họ được tịnh chỉ, làm cho tâm họ thanh tịnh, nhưng vì không có pháp hành đúng đắn nên họ không dứt được tâm ác và không làm cho tâm được thanh tịnh nên họ chẳng đưa con người đến chỗ giải thoát. Giới hành của họ sai. Trong thời của đức Phật nói có những người tu hành sống theo những khổ hạnh, như có những người sống theo hạnh con bò, hạnh con chó, sống theo hạnh nằm trên phân, nằm trên dơ bẩn, nằm dưới nước; đủ loại đủ cách khổ hạnh. Đó là người ta quyết dứt cái ác nên người ta mới chịu các khổ hạnh như vậy, nhưng các khổ hạnh đó không đưa họ đến đâu, họ chỉ trở thành con bò, hoặc con chó, hoặc con heo... vì họ làm các khổ hạnh mà xu hướng đó sẽ đưa họ đến. Vì họ không biết pháp hành nên họ phải hành khổ hạnh như vậy, họ tưởng họ sống khổ hạnh như vậy để được giải thoát, nhưng thật ra chỉ làm khổ họ khi sống và khi họ chết thì họ chỉ sanh vào địa ngục.

Nếu chúng ta lấy giới bổn của hai mươi bộ phái lúc bấy giờ, hay sáu bộ giới luật sau này mà hành thì cũng khổ hạnh như giới luật của lục sư ngoại đạo. Bởi các bộ giới đó không có pháp hành nên chúng ta không sống được. Và chúng ta cũng không sống theo cơ sở căn bản của người mới xuất gia nữa. Thập giới sa di không thực hiện được thì từ đó chúng ta sẽ trở thành ngoại đạo. Như hiện giờ tuy có tên là Phật giáo chứ hạnh sống là ngoại đạo.

Sau khi Phật giáo sáng lập, để phân biệt sa môn ngoại đạo với sa môn Phật giáo, người ta gọi sa môn Phật giáo là Sa môn Thích tử. Về hình tướng thì hai loại sa môn giống nhau, chỉ tên gọi khác thôi. Sa môn ngoại đạo cũng mặc y hoại sắc, cũng sống khổ hạnh không lợi dưỡng nhưng vì pháp hành không đúng, nên không lìa các ác pháp, không li được dục, không đem đến giải thoát, do đó không đạt được cứu cánh, nhưng họ có giới. Sa môn Thích tử giới luật có giới hành, có pháp hành nên thực hiện được tâm giải thoát cứu cánh, cho nên đạt được tâm hoàn toàn thanh tịnh.

Quan niệm về hình thái xuất gia tu hành dường như là hiện tượng chung của các tôn giáo trên thế giới. Mục đích tối cao của các tôn giáo là sự tìm cầu giải thoát khỏi nhục dục, mà pháp hành đúng thì nó đưa chúng ta đến chỗ giải thoát. Vì thế tôn giáo mới được gọi là tôn giáo, cho nên tất cả phương pháp, bất luận là những hành pháp nào tu tập hay trau dồi, tất nhiên người xuất gia cũng phải ra khỏi cuộc đời thế gian, vì thế mới gọi người xuất gia là người xuất thế gian.

Thầy dựa vào những bài kinh của Phật, vạch ra cho quý thầy thấy có hai lộ trình rất rõ để thực hiện pháp nào vào trong lộ trình nào.

Chúng ta chuẩn bị cho lộ trình thứ hai của người xuất gia phải như thế nào đúng, giữ những hạnh nào đúng, những pháp nào để trau dồi những hạnh đó cho được viên mãn cho đến ngày chúng ta được hoàn toàn giải thoát. Đó là điều chúng ta phải lưu ý, chứ nhiều khi chúng ta sống trong thế gian mà tưởng mình xuất thế thì không đúng tánh cách của người tu sĩ, dù là tôn giáo nào cũng vậy. Cho nên chúng ta thấy rất rõ các tôn giáo khác có hình thức không như của Phật giáo: Ở Phật giáo, người mới vào phải cạo trọc, rồi y áo phải thay đổi hết, là thay đổi hình thức. Có một số tôn giáo khác không cạo trọc đầu, do vậy họ sống theo dục lạc thế gian rất dễ. Thí dụ một linh mục khi vào nhà thờ thì mặc áo linh mục, nhưng khi ra ngoài, cởi bỏ y áo linh mục thì vị này có thể đến bất cứ nơi nào vị này muốn, cho nên họ có thể làm điều sai quấy dễ dàng.

Có một lần Thầy nghe câu chuyện của Khưu Trường Sinh tu theo Tiên đạo muốn thử tâm đạo của mình bèn vào trong lầu xanh thì gặp Bồ Đề Đạt Ma đầu trọc lóc đang ở trong đó, thì còn gì của đạo Phật nữa không? Rõ ràng đây là câu chuyện bịa đặt, không lẻ Bồ Đề Đạt Ma mang đầu trọc vào lầu xanh để thí nghiệm. Câu chuyện này cốt để mạ nhục Phật giáo.

Đời nay vẫn có những ông mặc y áo tu sĩ Phật giáo, đầu trọc vào quán uống rượu tự nhiên, họ xem sắc tướng của vị tu sĩ quá tầm thường, họ phạm giới luật hết sức không thể tưởng tượng, cho nên người đời hiện giờ xem Phật giáo có ra gì đâu. Đó là người tu không thấy trách nhiệm, bổn phận của người tu làm cho sáng tỏ lại Phật giáo.

Các tôn giáo khác hành động thế tục rất dễ, như Cao Đài, các vị chức sắc cổi áo trắng thì vào bất kỳ chỗ nào, đâu ai biết là vị chức sắc Cao đài, còn tu sĩ Phật giáo cạo đầu, giới luật cấm không uống rượu. Giới luật các tôn giáo khác không cấm uống rượu cho nên họ uống rượu thả cửa. Hằng năm Vatican còn cung cấp cho mỗi ông linh mục một số rượu nho đặc biệt.

Tu hành của đạo Phật có những giới luật khắc khổ vì không cho hưởng lạc thế gian. Việc cấm rượu là do đức Phật hiểu được những nguy hiểm của nó khi uống vào. Chúng ta phải hiểu sự tu hành của đạo Phật phải thể hiện sự toàn thiện mà rượu và các thứ nghiện ngập sẽ đưa chúng ta đến chỗ khác nên đức Phật cấm. Đạo Phật là đạo nhân quả. Nghiệp là thói quen, nghiện ngập là thói quen sinh ra, nên đức Phật mới cấm sử dụng các loại say sưa nghiện ngập. Chúng ta phải hiểu đạo Phật không cho đem hình dáng của đạo Phật làm bậy.

Có lần Thầy thấy trong báo Công An đăng bài như vầy: Có một cô ni và một thầy chùa (cả hai người đều có giáo phẩm trong Giáo hội) cùng mua đầu tóc giả gài lên đầu và chở nhau đi Vũng Tàu chơi, nhưng trên đường đi bị tai nạn lưu thông, hai đầu tóc giả văng ra người ta mới biết được là ni cô và ông thầy chùa. Tất cả các sai lầm này làm cho người tu chơn chánh rất ngại ngùng và đau lòng.

10 giới Sa di là cơ sở xây dựng con người, thế mà người ta vi phạm. Sự xuất gia của họ chỉ còn là hình thức, chứ không còn thực sự xuất gia nữa. Tuy hình thái xuất gia của các tôn giáo đều có, nhưng xuất gia đạt được thoát khỏi sanh tử thì chỉ trong đạo Phật mới có. Như vậy tuy hình thái xuất gia trong các tôn giáo đều có nhưng nội dung hoàn toàn bất đồng. Phật giáo đặt nền móng trên nhân bản, nhắm vào từng con người làm đối tượng, lấy sựthăng hoa toàn thiện của con người xuất phát từ lí trí phán đoán và quyết trạch để cứu mình. Từ lí trí phán đoán và quyết trạch đó mới lưu xuất ra những cảnh giới đích thân của chính người đó chứng ngộ và cũng chính đức Phật đã chứng ngộ. Nếu đến với đạo Phật mà không từ bỏ, không li ra các ác pháp dục lạc thế gian thì không chứng ngộ được sự giải thoát thật sự của đạo Phật. Cho nên chúng ta có những cách thức trau dồi để li các dục lạc thế gian, chứ chúng ta không lấy Patimokkha để cấm dục cực đoan. Ở đây Phật giáo đặt giáo pháp trên lộ trình nhân quả, căn cứ vào suối nguồn thiện pháp để xả li, thải trừ các ác pháp thế gian.

Từ sinh hoạt tại gia lấy Tam quy làm gốc, lấy ngũ giới làm hành động sống hằng ngày, Bát quan trai giới chỉ là cách tập luyện của người cư sĩ cho quen dần với đời sống xuất gia mà thôi. Ngũ giới và Thập thiện đặt nền móng đạo đức nhân quả để xây dựng đạo đức luân lí của xã hội loài người. Còn tu sĩ bắt đầu từ Thập giới Sa di rồi đi lên cho đến ngày giải thoát. Do đặt trên nền móng nhân quả, Phật giáo mong người tin Phật, học Phật để tự giải thoát cho mình và cho người, vì thế đạo Phật tuyệt nhiên không ép buộc mọi người theo đạo Phật hay buộc mọi người phải xuất gia. Vì lợi ích thiết thực cụ thể của mọi người về sự đau khổ của mọi người nên họ tin Phật, học Phật, tuyệt nhiên không ai có quyền ép họ thọ Tam Quy hoặc xuất gia

Nếu biết người nào thích nghi với sự xuất gia hoặc tại gia ở trong Phật giáo chỉ cần xem người đó có tiếp thọ tinh thần nhân quả trong giới luật của đạo Phật hay không. Giới luật xuất gia do quan niệm đạo đức nhân quả thăng hoa mà lập thành. Nhân quả chấm dứt thì cảnh niết bàn giải thoát hiện tiền. Nhân quả còn chi phối, còn có thiện có ác thì chúng ta luôn luôn còn tiếp tục tái sanh luân hồi, luân hồi đưa chúng ta từ nghiệp này đến nghiệp khác để thọ lấy hạnh phúc hay khổ đau. Cho nên con đường đức Phật vạch ra cho chúng ta thấy rõ muốn giải thoát thì chúng ta phải chấm dứt nhân quả, nếu còn nhân quả thì không thể nào giải thoát. Đây chẳng phải sự siêu xuất sanh tử một cách đột ngột. Muốn làm chủ sanh tử không phải có sự siêu việt nào mà chúng ta vượt ra khỏi nó được, mà chúng ta phải thấy lộ trình nhân quả và chúng ta phải chấm dứt lộ trình nhân quả thì chúng ta sẽ làm chủ sanh tử.

Cũng không phải sự sanh tử siêu xuất một cách đột nhiên như các tà giáo ngoại đạo khác tưởng ra, nghĩa là các tà giáo ngoại đạo tưởng mình phải khổ hạnh như thế này như thế này thì mới liễu sanh thoát tử được, hoặc phải tu tập như thế này như thế này thì mới liễu sanh thoát tử được. Do sự tu tập đó mà đột nhiên liễu sanh thoát tử đến.

Còn đây chúng ta biết nó đến là do sự thăng hoa từng chút, chúng ta làm một điều lành thì sẽ dứt một điều ác, rồi lần lượt li các điều ác tăng trưởng các điều lành, do sự thăng hoa điều lành đó cho đến khi nhân quả chấm dứt, thì lúc đó chúng ta làm chủ sanh tử. Như vậy không phải do sự siêu xuất, cũng không phải đột nhiên mà sự chấm dứt sanh tử đến, mà do quá trình trau dồi, xa lìa các ác pháp để thực hiện thiện pháp thìsự chấm dứt sanh tử đến. Khi mà hành động của con người toàn thiện pháp, không còn ác pháp nữa thì nhân quả không còn đối đải nữa tức nhân quả dứt, mà nhân quả dứt thì niết bàn giải thoát tức là chấm dứt sanh tử.

Nhân bản của đạo đức nhân quả phải được sự thăng hoa từng cấp, giới luật đạo đức nhân quả của đạo Phật mới hoàn thành được sự giải thoát. Vì thế đây chẳng phải là vô căn cứ, mà phải đặt trên nền móng sinh hoạt hằng ngày tại gia của mỗi cá nhân cư sĩ, nghĩa là khi vào đạo Phật thì chúng ta phải thực hiện hằng ngày ở tại gia đình trong lộ trình nhân quả chứ không phải đợi tới khi xuất gia mới thực hiện.

Lộ trình thứ hai của đạo Phật, người xuất gia được chia làm 5 cấp:

1- Sa di.

2- Sa di ni.

3- Thức xoa ma ni. Sa di ni phải tu trong 2 năm Thức xoa ma ni sau đó mới thọ giới cụ túc để trở thành tỳ kheo ni.

4- Tỳ kheo tăng.

5- Tỳ kheo ni.

Năm loại tu sĩ này là 5 loại đẳng cấp của người xuất gia. Người nam dù già trẻ khi thọ thập giới xong đều được gọi là Sa di. Và người nữ thọ thập giới xong đều được gọi là Sa di ni. Người nam trên 20 tuổi, sau khi thọ 250 thì gọi là tỳ kheo, người nữ thọ 348 giới thì gọi là tỳ kheo ni. Thức xoa ma ni là quá trình 2 năm tu tập giữa Sa di ni và Tỳ kheo ni.

Về xuất gia, đạo Phật chia làm 3 loại:

1- Thân tâm đều xuất gia. Nghĩa là thân trụ ở rừng, núi, hang, chòi lá, chùa, am, thất, cốc đó là thân xuất gia. Tâm không còn luyến mộ ái dục sắc danh thực thùy (5 dục lạc thế gian). Thân tâm nhứt trí, an tâm vui đạo là thân tâm xuất gia tức là vui vẻ 3 y 1 bát, thiểu dục tri túc. Đây là pháp xuất gia chơn chánh, cũng là bổn phận của người xuất gia.

2- Thân xuất gia, tâm chẳng xuất gia: có người xin cạo tóc, mặc y áo của người xuất gia, sống trong tự viện, không lấy vợ hoặc không lấy chồng hoặc cũng giữ được thân thanh tịnh thanh khiết nhưng nội tâm của họ lại khao khát tưởng nhớ đến ngũ dục, họ chỉ vì sinh hoạt danh vọng, hoặc cho địa vị xã hội mà xuất gia. Như vậy thân tâm theo hai ngả riêng biệt nên họ không đạt được sự giải thoát. Đối với phương thức sinh hoạt xuất gia, họ không cảm thấy hứng thú nhưng vì sinh hoạt và sự bó buộc của xã hội nên miễn cưỡng xuất gia. Những hạng người này thật đáng thương xót, họ không được sự thú vị của sinh hoạt thực tại tu hành, cũng không được sự lợi ích của Phật pháp; họ sẽ bị quả báo đời vị lai thật đáng sợ do vì sự tín ngưỡng đối với đạo Phật có vấn đề, mượn đạo tạo đời nên sự xuất gia không được hoàn chỉnh và còn nhiều sự lầm lẫn. Vì thế đây là một loại người xuất gia mà ngày xưa đức Phật thường quở trách là cư sĩ trọc. Trong thời đại của chúng ta, loại tu sĩ này có thể chiếm 80-90%.

3- Tâm xuất gia mà thân chẳng xuất gia đây là Bồ Tát chứng Thánh vị. Các Ngài không tham luyến ái của ngũ dục vì hóa độ chúng sanh nên thường hóa hiện thân phận người tại gia có vợ con. Các ngài Duy Ma Cật, Hiền Hộ tuy có vợ con nhưng tâm không nhiễm, không đắm, không tham, không dục, thanh tịnh sáng suốt, không động. Nhưng đây không phải là pháp tắc thông thường của xuất gia nên chẳng thể thành phương thức sinh hoạt của xuất gia.

Theo Thầy nghĩ một người chứng Thánh vị rồi thì tâm dục không hề có, mà tâm dục không có thì làm sao họ ở với vợ được? Khi họ có vợ có con thì họ có dục chứ gì, không dục làm sao có con. Dâm dục là con đường sanh tử mà gọi là Thánh nhân là sao. (Mã âm tàng là bộ sinh dục rút nhỏ lại, không dục mới có tướng mã âm tàng, người còn dục bộ sinh dục đâu có rút lại). Đọc kinh sách Đại thừa rất ngạc nhiên khi thấy các cư sĩ Duy Ma Cật và Hiền Hộ thể hiện cư sĩ tâm xuất gia mà thân không xuất gia, chỗ này rất đặc biệt của kinh Đại thừa. Tâm thanh tịnh mà thân cứ hưởng dục lạc là làm sao. Do tâm muốn nên thân mới hưởng dục lạc. Thân đói thì tâm sanh thèm ăn nên thân mới đòi hỏi thỏa mãn ăn. Tâm sạch hết dục mà thân thì sống hưởng dục lạc. Thân các ngài là thân cư sĩ lại có vợ có con, do đó chúng ta thấy dục lạc phải có. Vậy có đáng cho chúng ta tin tâm sạch hết dục không.

Li dục li bất thiện pháp có cái lạc của li dục li bất thiện pháp rất đặc biệt làm cho Thầy thấy cái dục lạc của thế gian rất rõ cho nên người nói sai Thầy biết, còn người chưa nếm được cái lạc của li dục li bất thiện pháp thì chưa rõ nên nghe ai nói sao tin vậy thôi, chứ khi có Minh rồi thì không có dục lạc thế gian nữa. Trong kinh Duy Ma Cật nói rất rõ Duy Ma Cật đã chứng Thánh vị nhưng vì muốn độ chúng sanh mà thể hiện sống cư sĩ, nghĩa là Duy Ma Cật đã có Minh rồi tức đã li dục li bất thiện pháp rồi thì làm sao còn dục lạc thế gian mà có vợ có con, hay đây là một loại kinh phá giới bằng một lập luận "bất nhị" phá toàn triệt giới luật của đạo Phật. Thân thì dâm dục với vợ mà tâm thì thanh tịnh như thánh, làm sao tin nổi.

Xưa khi đức Phật còn tại thế, có một vị Bà la môn hỏi đức Phật: "Bạch Thế tôn, khi một người chứng quả giải thoát còn sống trong dục lạc nữa hay không". Đức Phật dạy: "Khi một người đã chứng quả giải thoát, tâm bất động trước các pháp là tâm không còn bị tham dục tất cả các pháp thì làm sao sống dục lạc thế gian được". Như vậy đức Phật đã xác nhận rõ ràng, không như trong kinh Duy Ma Cật nói: Tâm thì giải thoát hoàn toàn mà thân thì sống trong dục lạc. Thí dụ một vị đã chứng ngộ được lí bất tịnh của các pháp thì làm sao còn thích ăn, thích dâm dục được. Tâm đã thanh tịnh, không móng khởi dâm dục thì làm sao có dâm dục được. Thế mà các vị Duy Ma Cật và Hiền Hộ này có vợ sanh con thì đây là lấy vải thưa che mắt thánh.

Kinh Đại thừa nói như vậy thì một người có trí không thể nào tin nổi, chỉ người ngu si, vô minh mới tin mà thôi. Cho nên các loại kinh không thiết thực cụ thể cho sự giải thoát thì chẳng nên tin. Sau khi đức Phật nhập diệt, người ta đã viết rất nhiều kinh và luật để phá toàn bộ giới luật của đạo Phật, để họ chạy theo dục lạc thế gian mà không phạm lổi. Các kinh sách loại này cũng là như vậy, để cho các tu sĩ viện cớ theo Duy Ma Cật mà có vợ có con, do đó họ lập ra phái Tân Tăng.

Do họ tu tập như vậy nên họ lừa gạt thế gian, lừa gạt người khác bằng lí luận rằng họ phải nhập vào thế gian, làm các hành động như vậy mới độ chúng sanh được "Nhập thế gian để độ chúng sanh". Các tu sĩ bây giờ hầu hết thân xuất gia mà tâm thì chẳng xuất gia. Tuy thấy họ sống như vậy nhưng chúng ta không nên chê cười họ mà nên chờ khi nào tâm họ thanh tịnh sẽ lôi thân họ trở về chánh pháp của đạo Phật. Nếu chúng ta cười chê họ nhiều quá làm họ không tu được thì tội nghiệp cho họ. Họ theo Phật ngày nào cũng lợi ích cho họ.

Khi chưa thành Phật thì đức Phật cũng có vợ sanh con như một người phàm phu, thế mà người ta bảo ông Phật là bồ tát Phổ Minh ở cung trời Đâu xuất xuống trần. Đã là bồ tát rồi mà còn dâm dục đẻ con. Đó là người ta huyền thoại sai lệch. Người ta lấy đức Phật đối chiếu với Duy Ma Cật để lí luận, nhưng người ta quên rằng đức Phật lúc còn phàm phu mới còn dâm dục, chứ khi đã thành Phật rồi thì đâu còn dâm dục. Trái lại Duy Ma Cật đã là Bồ Tát rồi, đã thành Bồ tát rồi, đã ở trong thánh vị rồi mà vẫn còn dâm dục thì hoàn toàn không hợp lí. Cho nên Duy Ma Cật, Hiền Hộ chứng thánh vị giả hiệu, là bồ tát giả hiệu. Thế mà trong kinh này nói các vị đại đệ tử của đức Phật đều không dám đến lí luận đương đầu với ông Duy Ma Cật, chỉ có đại trí Văn Thù tưởng tượng của kinh Đại thừa mới dám. Ngoại đạo cả gan viết kinh này để hạ bệ Phật giáo tận gốc. Nếu đời sau này không có người chứng nghiệm lời dạy của đức Phật thì ai là người dựng lại giáo lí và chấn hưng đạo Phật.

Biết bao nhiêu kinh sách phá hoại Phật pháp, che mờ giáo lí Phật, làm sao người đời sau hiểu đâu là kinh Phật, đâu là kinh giả vì trong các loại kinh giả này cũng nói là do Phật thuyết. Các kinh này là kinh phá giới thì làm sao người tu sau này chứng đạo được, vì giới luật không thanh tịnh thì làm sao li dục li bất thiện pháp để đạt được tâm bất động chứng thiền định, mà không chứng thiền định thì làm sao có trí tuệ để thấy kinh nào đúng, kinh nào sai.

Chỉ khi đạt được thiền định của đạo Phật mới lưu xuất trí tuệ, nhờ trí tuệ này mới thấy cái sai cái đúng trong kinh điển của đạo Phật. Hạng người chứng thiền định đâu phải trong thời đại nào cũng có, đâu phải dễ tìm được các bậc đó. May ra có một hai vị giữ giới hạnh nghiêm túc chừng đó mới thấy cái sai rồi vạch ra được, chứ không thì ngàn đời chúng ta vẫn chìm trong đống kinh mà không biết kinh nào đúng, kinh nào sai.

Người hiểu được Phật pháp thấy được người viết ra các kinh sai là vì họ chưa hiểu Phật pháp bởi họ chưa thực hiện giới hạnh nghiêm túc. Vì không hiểu Phật pháp nên họ viết theo cái hiểu của họ, vô tình họ phá Phật pháp mà họ không biết. Các tổ đó do không hiểu Phật pháp nên viết ra các kinh, viết ra các giới làm giảm bớt giá trị của giới li dục li bất thiện pháp của đạo Phật để cho họ sống thoái mái, để hình thức tu hành dễ dải hơn. Mà càng giảm bớt giới luật thì họ chẳng bao giờ đạt quả giải thoát của đạo Phật, chừng đó họ mới nghĩ thế này thế khác rồi viết ra các kinh, viết ra các giới. Họ vô tình chứ không cố ý phá hoại Phật pháp.

Theo Thầy thì không ai có ý đồ phá Phật pháp nhưng vì họ không hiểu đúng Phật pháp cho nên họ phá Phật pháp. Cũng như các thầy đang giảng thuyết thì các thầy đâu biết là các thầy đang phá Phật pháp. Tương tự các giảng sư trong các trường cao cấp, hay trường cơ bản Phật học, họ đang giảng các bài kinh của Phật cho rằng mình giảng đúng ý của Phật, nhưng vì họ chưa thực hiện tu giải thoát, cho nên những điều họ giảng ra là họ phỉ báng Phật pháp. Họ không hiểu nên họ mới giảng như vậy. Họ đang sống không đúng giới luật và lời giảng của họ không đúng giáo lí của đức Phật, cho nên họ vô tình chứ không hữu ý phá hoại Phật pháp. Họ cũng muốn xương minh, muốn làm cho Phật pháp sáng tỏ lên với sự hiểu biết của họ, nhưng sự hiểu biết lầm lạc này của họđã phá hũy Phật pháp.

Chúng ta hiểu được như vậy mới thấy sự sai lầm của họ là do sự vô minh chứ không phải ý đồ của họ hay họ là các tu sĩ ngoại đạo phá Phật pháp, mà do chính họ muốn xương minh, muốn dựng lại đạo Phật mà họ dựng sai. Nhà đạo Phật đang ở trên nền tảng đất khô ráo họ lấy chỗ đất sình lầy làm nền tảng Phật pháp.

Bởi con người ngày càng thông minh, càng phát triển trong cuộc sống cho nên các thầy chùa cũng theo với thời đại. Lúc đầu các thầy chùa ra làm ruộng rẩy để sống tự túc, sau ra kinh doanh kiếm tiền, rồi đến các thầy chùa làm khoa học, từ đó khác hoàn toàn với cách sống tu hành ngày xưa của thời đức Phật.

Trải qua hơn 20 thế kỷ, những loại kinh sách phát triển này đã làm đổi hết đạo Phật từ nội dung đến hình thức tu hành thành một đạo Phật mới, tâm xuất gia mà thân chẳng xuất gia. Vì thế trong các chùa hiện giờ các phương tiện ngũ dục lạc đầy đủ, họ hưởng ngũ dục lạc bằng mồ hôi nước mắt của người khác.

Giảng tới đây Thầy nhớ lại bộ kinh tưởng rất lớn của Đại thừa là bộ Diệu Pháp Liên Hoa mà nhiều phật tử tại gia cũng như các tu sĩ tụng đọc hằng ngày, nhất là phẩm Phổ Môn. Phải nói người soạn viết bộ kinh này không hiểu đạo Phật. Vì như Thầy đã nói đạo Phật xây dựng trên nền tảng nhân quả, còn bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa này xây dựng trên sự phi nhân quả, nghĩa là như trong phẩm Phổ Môn nói khi chúng ta gặp tai nạn gì hoặc bị tù tội, bị rắn độc, bị thuốc độc... thì chỉ niệm Bỉ Quan Thế Âm Lực để nhờ lực của ngài cứu thoát tai nạn đó. Như vậy kinh đó thuộc loại kinh phi Phật pháp và phi đạo đức nhân quả rồi, vì chúng ta làm lành thì ai bắt tội chúng ta, nên chúng ta đâu bị khổ. Còn khi vi phạm pháp luật thì dĩ nhiên phải bị bắt thôi. Mà khi bị bắt như vậy rồi niệm Quan Âm Lực để thoát khỏi tù tội. Mà nếu thực sự được thoát ra khỏi tù tội theo sự tin tưởng niệm Quan Âm Lực của họ thì xã hội nát bét hết vì tội phạm. Như vậy tâm chúng ta tốt thì cần gì cầu ai, chỉ khi tâm xấu mới cầu Quan Âm, mà cầu Quan Âm được phù hộ kiểu đó thì có phải làm rối trật tự không? Hiện giờ kinh Phổ Môn rất phổ thông, được bán cùng khắp, được nhiều phật tử tín thọ tụng đọc hằng ngày. Thật là đau lòng, họ đã bỏ nhân quả để tin vào sự phò hộ mê tín.

Nói tóm lại chỉ có thân và tâm đều xuất gia mới đúng đạo Phật, còn thân xuất gia tâm không xuất gia hay tâm xuất gia mà thân không xuất gia là sai với đạo Phật.

Bây giờ Thầy xin nêu lên các gương hạnh sống và gương hạnh tu của các vị thánh tăng, thánh ni để phá những cái sai trong các kinh sách của các tổ. Thông thường chúng ta tu định vô lậu quán thân vô thường khổ, vô ngã chỉ ngồi nói suông thân là vô thường, khổ, vô ngã; ở đây có vị thánh ni đã cụ thể nêu ra từng phần của cơ thể để quán cho đến khi thấu triệt lí vô thường, lí khổ cho đến khi vô lậu hoàn toàn chứng quả Alahán, các ngài đã để lại pháp hành trì như thế nào.

1.- Đây là gương hạnh của trưởng lão tỳ kheo ni Ambapàlì. Khi còn là thiếu nữ bà rất đẹp nên được các vương tôn theo đuổi và bà cũng là người giàu có và đã cất một ngôi tịnh xá dâng cúng lên đức Phật. Bà được một người con trai đã theo đức Phật, tức là Trưởng lão Vimalakondanna, về thăm và thuyết pháp cho bà nghe về lí vô thường thì bà hiểu rõ liền. Bà so sánh lúc về già hiện giờ với ngày xưa do vậy bà chứng đạo. Đây là bài kệ:

Ðen như sắc con ong,
Tóc dài ta khéo uốn,
Nay biến đổi vì già,
Như vải gai, vỏ cây,
Ðúng như lời giảng dạy,