Bài đọc thêm 4
KHÔNG NGHE ÂM THANH.
TỈNH THỨC TRONG KHI NGỦ
1.- KHÔNG NGHE ÂM THANH
Hôm nay thầy Thiện Thuận có thư thưa hỏi làm sao phá được âm thanh, Thầy đọc và trả lời để quý thầy rút tỉa kinh nghiệm mà tu tập cho chính xác hơn.
Thầy Thiện Thuận trình bày như sau:
“Sau khi tu định Vô Lậu, dùng ý thức quán xét để diệt tâm dục của mình thì hơi thở mới chấm dứt, các hành mới ngưng. Sáng nay con nhập định, ngưng thở được 45 phút, toàn thân đều lạnh cứng, chỉ còn lại sự hoạt động của bộ não và cái biết (khi não còn hoạt động thì cái biết vẫn còn). Ngưng thở đến phút thứ 30 thì con thấy trước mặt sáng chói, không biết là hiện tượng gì, kéo dài khoảng 1 phút, xả ra 40 phút mới xong, toàn thân thì êm nhẹ, khỏe bình thường.”
Đó là trạng thái thứ nhất sau khi tu định Vô Lậu, xả được tâm sắc dục của mình thấy nhập định nhưng đây chưa phải là định Tứ Thiền, sau đó thầy Thiện Thuận còn trình thêm âm thanh vẫn còn nghe "con không tìm ra câu nào ám thị để chấm dứt được âm thanh".
Còn nghe âm thanh thì chưa đúng trạng thái của Tứ Thiền. Âm thanh và thọ là hai đối tượng của Tứ Thiền mà dừng và chúng ta còn rất là tỉnh táo trong trạng thái này thì lúc bấy giờ chúng ta mới nhập Tứ Thiền.
Muốn nhập Tứ Thiền thì trước tiên phải phá âm thanh rồi sau phá thọ, hoặc đồng thời phá cả hai: thọ và âm thanh. Nhưng nếu chúng ta phá âm thanh trước rồi sau đó phá thọ thì dễ hơn, mà muốn phá thọ thì chúng ta phải ngồi với thời gian dài lâu mới đụng cái thọ, nhưng ngồi lâu thì trở nên quen mà quen thì giảm bớt thọ và sức chúng ta bị mòn mõi khi ngồi thời gian dài.
Còn lúc nào bên ngoài cũng có âm thanh cho nên âm thanh thường tác động làm cho nhĩ thức của chúng ta chạy ra ngoài mà không chịu bám vào trong. Nhĩ thức là một trong sáu thức của sắc thức mà khi nhĩ thức ra ngoài thì năm thức kia cũng ra theo, do vậy mà chúng ta không nằm yên trong Tứ Thiền, cho nên Phật nói phải thiện xảo an trú ở trong định. Mình thiện xảo nhập định là làm các hành ngưng nhưng mình không an trú được. Cách an trú được là phải rất thiện xảo mà thiện xảo là chúng ta biết âm thanh phải ngưng tác động, nếu âm thanh còn tác động thì sự an trú sẽ bị bung ra liền cho nên chúng ta phải phá âm thanh trước (thanh trần, nhĩ căn, nhĩ thức). Khi chúng ta còn ở trong trạng thái từ Nhị Thiền lên Tam Thiền thì phải có những hiện tượng, vì khi nhập Tứ Thiền hơi thở hoàn toàn ngưng nghĩ thì hoàn toàn thanh tịnh, không còn trạng thái nào hết. Chỉ khi nào đang ở trong Tứ Thiền mà ta bảo thân này phóng ra ánh sáng như mặt trời thì nó phóng ra ánh sáng, chứ không phải tự dưng nó phóng ra. Tự dưng nó phóng ra ánh sáng là còn ở trong giai đoạn Nhị Thiền lên Tam Thiền do sắc tưởng hiện ra chứ không phải chúng ta sử dụng ý thức phóng ánh sáng. Khi tâm định trên thân thân định trên tâm, chúng ta muốn như thế nào thì nó sẽ thực hiện như vậy.
Cho nên trên bước đường tu hành nhập 4 thiền, tự dưng hiện ra một hình ảnh gì thì biết rằng chúng ta đang ở trên khoảng đường từ Nhị thiền đến Tam thiền. Ở trên đường từ Nhị thiền lên Tam thiền thì nó mới có cái này (hiện tượng của tưởng) còn từ Tam thiền lên Tứ thiền thì không còn trạng thái này nữa. Khi mình thấy hơi thở ngưng, nhưng thật sự nó chưa ngưng vì tưởng cho chúng ta cảm nhận như vậy. Khi chúng ta chưa qua hết Tam thiền thì vẫn còn dễ bị tưởng làm chúng ta nhận lầm. Âm thanh còn tác động là còn ở trên khoảng đường Nhị thiền lên Tam thiền, chứ chưa phải là từ Tam thiền lên Tứ thiền. Nếu từ Tam thiền lên Tứ thiền thì chắc chắn tụ điểm là nơi sáu thức nằm rất vững chắc trong thân, bám rất chặc, không còn di động được, không còn chạy ra ngoài nữa.
"Còn về âm thanh con vẫn còn nghe. Con không nghĩ ra câu nào để ám thị (như lí tác ý, hướng tâm) cho chấm dứt âm thanh được, con dùng câu "Âm thanh không thật, tâm bất động trước âm thanh". Ở đây câu trạch pháp này chưa được đúng lắm. Nếu nói nó không thật là để chúng ta quán về vô lậu để không bị âm thanh cám dỗ chứ không phải là âm thanh không thật. Âm thanh là thinh trần. Có thinh trần mới tác động nhĩ thức, thinh trần mới làm chúng ta dính mắc vào đó để nghe tiếng động. Do ở đây tác ý như vậy không đúng nên khó xả được. Nên tác ý: "Tâm bất động trước âm thanh". Trong câu này thay "nhĩ thức" bằng "tâm", nếu tác ý "nhĩ thức bất động" thì làm sao nhĩ thức bất động được, cho nên phải hướng tâm như vầy "Nhĩ thức (hay cái biết của lỗ tai) phải bám cho chặt tụ điểm". Hướng tâm tác ý như vậy thì nhĩ thức bám chặt tụ điểm không chạy ra ngoài. Âm thanh ở ngoài vẫn tác động, nhưng nhĩ thức bám chặt tụ điểm nên không còn nghe nữa. Còn nói "âm thanh là không thật" là để thấy các pháp là không thật thôi, dùng trong pháp quán để tâm mình khỏi dính mắc các pháp mà vô lậu, chứ không phải để âm thanh không tác động.
"Bởi con nghĩ âm thanh là tiếng bên ngoài mình nghe mà ám thị cho tâm không chạy theo là được", âm thanh có cái lực tác động làm cho nhĩ thức của mình nằm không yên, cũng như cái thọ tác động làm cho thân thức của mình nằm không yên cho nên nó chạy tới chỗ đau làm cho mình cảm thấy đau, đằng này nhĩ thức chạy ra ngoài đón âm thanh vì vậy mà âm thanh tác vô, do nhĩ thức nằm không chặt buộc nó phải nghe. Khi nó bám chặt bên trong thì nó nghe cái gì? Nó nghe "Hơi thở" (khi còn hơi thở) mình tác ý "Nghe hơi thở, không được nghe bên ngoài" có đối tượng để nghe cho nên nó không nghe ra ngoài.
Còn nếu để nhĩ thức nằm không, không nghe hơi thở, thì khi có tác động, nó phải nghe tác động đó, vì nhĩ thức còn đang hoạt động chứ chưa phải ngưng.
"Nhưng xin Thầy giúp cho con trạch pháp một câu để phá âm thanh, không còn nghe nữa để con dựa vào câu đó mà xem thử đặc tướng của nhĩ căn con là hợp với câu nào".
Thầy cho một câu pháp hướng để phá âm thanh. Âm thanh là pháp trần (thanh trần),muốn phá âm thanh thì tác ý: "Nhĩ thức phải bám thật chặt vào tụ điểm". Tụ điểm là niệm lực. Một người dù chưa nhập thiền định gì hết nhưng người ta bám chặt tụ điểm phá âm thanh và cảm giác thọkhông có, người ta chưa nhập Tứ Thiền, tức là hơi thở chưa ngưng mà vẫn có thể nói người ta ở trong trạng thái Tứ Thiền. Cho nên cái niệm lực tạo thành tụ điểm rất là quan trọng vì vậy trong giai đoạn ổn định hơi thở thì phải ổn định hơi thở bình thường để khi chúng ta muốn xuất định thì cái tâm chúng ta biết hơi thở bình thường mà trở về hơi thở đó thì đời sống chúng ta phục hồi hoàn toàn, rất tỉnh táo sáng suốt. Còn khi chúng ta tu ổn định hơi thở giai đoạn thứ hai thì thở một hơi thở dài chậm để sức gom tâm ở vào một điểm nào đó trên thân chúng ta, nhưng không chỗ nào tốt hơn điểm ở nhân trung vì nó không làm chúng ta có những trạng thái bệnh. Tụ điểm rất nguy hiểm vì đặt nó ở đâu thì sẽ sanh ra các tưởng ảnh hưởng làm rối loạn cở thể chúng ta. Và khi sáu thức của chúng ta bám chặt vào tụ điểm như sáu con vật bị cột chặt cho nên nó nằm im đó chứ không lôi kéo tâm đi chỗ nào khác được. Nếu tụ điểm chưa tạo được thì phải tạo cho cố định, không được di động khi chỗ này khi chỗ khác làm cho tâm dễ bị tác động ra ngoài, dễ chạy đi.
Muốn bám chặt vào tụ điểm, phải như lý tác ý: "Nhĩ thức phải bám chặt tụ điểm, không được nghe ra ngoài, phải nghe hơi thở, phải nghe động dụng trong thân".
Câu trạch pháp này thầy Thiện Thuận áp dụng xem có hợp với đặc tướng của mình không, nghĩa là còn nghe âm thanh không. Các chữ này: "Nhĩ thức" hay "tâm thức" hay "ý thức" tùy theo đặc tướng mà đặt tên cho nó để kêu cho nó quay trở lại. Tâm thức và ý thức chỉ chung cho sáu thức.
Thầy trả lời câu hỏi của thầy Thiện Thuận về câu ám thị
" Kính bạch Thầy, Muốn phá âm thanh dùng câu trạch pháp Thầy đã dạy thì con phải ám thị lúc ngồi thiền thở hơi thở 5 giây, hay 10 giây, hoặc 20 giây hay ám thị cùng một lúc ra lịnh các hành ngưng và hơi thở ngưng. Xin Thầy chỉ thêm muốn xả ra thì tác ý như thế nào?”
Khi mình đã ngưng hơi thở, không còn nghe hơi thở nữa mà vẫn còn nghe âm thanh thì lúc đó dùng câu ám thị Thầy đã cho, ra lịnh bảo nhĩ thức ngưng nghe âm thanh, hễ còn nghe âm thanh thì cứ ra lịnh mãi, ra lịnh mãi cho đến khi hết nghe thì thôi, còn nghe thì cứ ra lịnh.
Còn muốn dùng câu này để tâm bám vào tụ điểm không còn nghe âm thanh thì bắt đầu ám thị khi hơi thở 5 giây, mà khi hết nghe âm thanh ở 5 giây thì khi hơi thở 10 giây, 20 giây cũng sẽ không còn nghe nữa. Chỉ khi tâm chưa bám chặt ở tụ điểm nên chúng ta nghe âm thanh thì chúng ta hãy bảo nhĩ thức bám cho chặt vào tụ điểm đừng nghe âm thanh bên ngoài.
Còn nếu ở hởi thở 5 giây mà nghe âm thanh thì chúng ta cứ ở hởi thở 5 giây mà luyện tập đừng nên qua 10 giây, 20 giây.
Còn nếu đang lúc chúng ta ở hơi thở 10 giây, 20 giây mà chúng ta bảo hơi thở ngưng và thấy nó ngưng không còn thở nữa, bảo các hành ngưng nó ngưng nhưng còn nghe âm thanh thì chúng ta dùng câu ám thị ngay liền.
Và khi nó không nghe rồi thì bắt đầu muốn trở ra thử xem nó có nghe không thì chúng ta ra lịnh "Nhĩ thức phải ra khỏi tụ điểm nghe lại âm thanh bên ngoài", nếu nghe thì đó là chúng ta đã điều khiển các hành ra vô được, tức là xuất và nhập định được.
Khi dùng câu ám thị bám chặt tụ điểm không nghe âm thanh là vô định. Và cũng khi từ chỗ tụ điểm đó mà chúng ta bảo nhĩ thức hãy trở ra nghe âm thanh mà nó trở ra nghe âm thanh. Như vậy chúng ta bảo nhĩ thức bám chặt tụ điểm không nghe âm thanh mà không nghe là vô, còn khi bảo nhĩ thức rời tụ điểm nghe âm thanh mà nó nghe thì đó là ra.
Như câu chuyện của sa di và vị thượng tọa về cách thức tu kiểu bắt dế. Con dế dụ cho ý thức của chúng ta. Ý thức xuyên qua 5 lỗ để làm việc, như vậy chúng ta phải biết bít lỗ nào trước và lỗ nào sau, nhất là lỗ tai là nhĩ căn là khó bít nhất và kế đó là thân thức cũng khó vì sự xúc chạm làm thân chúng ta đau. Phá âm thanh là khó, còn cái thọ chúng ta cứ tăng dần thời gian ngồi lên thì cái thọ mới lui, mà tăng lên thì cái thân ta ngồi lâu, mà ngồi lâu thì nó sanh ra vô minh, lặn vào trong các trạng thái vô kí cho nên chúng ta mất tỉnh giác và bị rơi vào 18 loại tưởng, mà khi đã bị rơi vào 18 loại tưởng thì rất nguy hiểm vì nó không đưa ta tới đâu. Vì vậy mà chúng ta không cần ngồi lâu mà chỉ cần ngồi thời gian ngắn mà chúng ta phá được âm thanh, mà phá được âm thanh thì cái thọ phá rất dễ.
Nếu không phá được âm thanh thì âm thanh câu hữu với thọ nó làm cho ý chúng ta chạy ra thân thức làm chúng ta có cảm giác đau đớn. Cho nên chúng ta không thể ngồi lâu được. Biết được chỗ này và cách thức chú sa di dạy cho vị thượng tọa bít 6 căn của chúng ta và chúng ta biết điều kiện cần thiết tu tập về pháp hướng lỗ ngách thứ nhất của con dế là lỗ tai, cho nên chúng ta phải bít lỗ tai trước.
Khi bước vào con đường thiền định thì chúng ta phải thấy lỗ tai rất cần bít nó kế đó thân thức mới bịt, các cái khác thì dễ lắm, nghĩa là cần bít được lỗ tai thì các lỗ khác bít được. Vậy mà trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có dạy một cái khăn có 6 cái gút mà chúng ta mở được một gút thì cả 6 cái gút đều mở được hết, cho nên nhĩ căn chúng ta bít nó được thì chúng ta sẽ bít tất cả các lỗ khác được, vì vậy mà trong kinh đó nói phản văn văn tự tánh, nghe lại tánh nghe của mình nhưng vì kinh đó luận trên duy thức quán nên không có cách thức tu vì vậy chúng ta ngay từ khi tu Thánh Phòng Hộ Sáu Căn thì chúng ta cũng phòng hộ mắt tai mũi miệng thân ý của mình. Mắt với tai rất quan trọng nó tiếp xúc với ta rất rõ ràng, vì mắt thì dính với sắc mà tai thì dính âm thanh, cho nên chúng ta phải phòng hộ nó hơn tất cả các cái khác, vì vậy mà quý thầy lưu ý.
Trong mỗi phần, khi Thầy dạy về giới hành sẽ chỉ cái nào quan trọng trong khi chúng ta tu Thánh Phòng Hộ Sáu Căn cần phòng hộ cái nào trước cái nào sau, và tu tập cái gì để chúng ta làm chủ được từng cái một.
Qua lời của thầy Thiện Thuận hỏi, Thầy trả lời thì thầy Thiện Thuận nên nhớ kỹ: chúng ta lấy hơi thở 5 giây hướng tâm cho nhĩ thức bám chặt ở tụ điểm đồng thời hướng tâm cho nó quay trở vô thì sẽ phá trừ âm thanh ở hơi thở 5 giây này. Chúng ta kéo dài hơi thở 10 giây đến 20 giây và hướng tâm cho hơi thở ngưng thì lúc bấy giờ không nghe âm thanh nữa và như vậy chúng ta đang ở trong trạng thái của Tứ Thiền, không có trạng thái nào ngoài trạng thái thanh tịnh này.
Trong bước đường tu tập về Định An Lạc Trú từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền, Tứ Thiền là phải phá được âm thanh, do vậy khi nào thấy tâm lặng lẽ tức nó thanh tịnh thì chúng ta nằm trên sự thanh tịnh đó nhẹ nhàng hướng tâm để cho nó phá âm thanh. Mặc dù nó vắng lặng nhưng nó vẫn bị âm thanh tác động, vẫn còn nghe âm thanh, tuy trong không gian và thời gian lúc đó rất vắng lặng nhưng chưa thật sự vắng lặng.
Cho nên chúng ta muốn cho không gian và thời gian đó thật là vắng lặng, muốn cho nó thật sự là vắng lặng không còn âm thanh tác động vào thì chúng ta phải dùng pháp hướng để phá âm thanh. Chỉ dùng pháp hướng mới phá được âm thanh vì khi âm thanh còn tác động thì nó sẽ câu hữu với thọ cho nên chúng ta không thể dừng các hành trong thân được, các hành còn hoạt động thì không thể nào nhập Tứ Thiền được. Cho nên ngay từ khi nương vào hơi thở rồi gom chặt, nằm chặt ở trên tụ điểm hoặc là chúng ta dời cái tâm đi xa âm thanh để phá âm thanh.
Nhưng sau khi dời tâm đi xa để phá âm thanh thì chúng ta lại nằm ở trong xa vắng, chỗ vắng lặng không có âm thanh. Chỗ đó không phải là tụ điểm mà chính là của trạng thái vắng lặng. Nếu tâm nằm trên tụ điểm mà chúng ta không phá được âm thanh thì chúng ta hãy đưa tâm cách xa, rời xa âm thanh. Còn khi tâm bám chặt tụ điểm mà phá được âm thanh thì chúng ta nằm yên trong đó mà liên tục hướng tâm phá âm thanh để cho nhĩ thức bám chặt vào tụ điểm mà không chạy ra ngoài, không tiếp nhận âm thanh.
Nhớ như vậy thì chúng ta phá được âm thanh, mà khi phá được âm thanh thì các hành trong thân sẽ dễ dàng phá được, không còn khó nữa, vì vậy mà chúng ta xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, nhập Tứ Thiền dễ dàng.
2.- TỈNH THỨC TRONG KHI NGỦ
Về tỉnh thức trong khi ngủ, thấy Thiện Thuận cho biết:
Còn về phần giấc ngủ thì kết quả rất tốt, con đặt niệm trước mặt câu "Hãy sáng suốt lên" niệm liên tục, rất kết quả, câu này làm cho con tỉnh thức trong khi ngủ, vì vậy mà con phá được tâm sắc dục của mình rất hiệu quả. Con huấn luyện khi ngủ, thời gian thuần thục thì sẽ tỉnh thức toàn bộ giấc ngủ. Hiện trên đà đang tiến dần tới."
Nếu câu đó thích hợp thì con dùng câu đó tác ý làm cho thân ngủ mà tâm tỉnh thức. Trong thời gian ngắn mà có nhiều kết quả trong sức tỉnh thức của mình như vầy là rất tốt. Ráng cố gắng.
Tu mà phá được cái mê trong khi ngủ của mình rất khó, không dễ đâu. Có khi nó giảm bớt; có khi nó hết nhưng nó trở lại; nó tái đi tái lại rất nhiều lần cho nên chúng ta phải bền chí tập luyện mới có tỉnh thức thật sự. Nếu chúng ta tập quá nhiều làm nó mệt mõi thì nó bị hôn trầm, bị thùy miên nhiều nữa, vì vậy mà quý thầy tập từ từ, được tới mức nào thì giữ mức đó và tập dần tới. Khi chúng ta đã quy định giờ phút nào tỉnh thức, nếu có buồn ngủ trong giờ đó thì nhất định không cho ngủ. Phải tìm mọi cách phá cho được. Đi động thân thế mà vẫn ngủ.
Thầy nhắc lại để quý thầy rút tỉa kinh nghiệm tu tập tỉnh thức trong lúc ngủ. Muốn tu tập tỉnh thức trong lúc ngủ là phải tu tập từ từ, nghĩa là tu tập để trong lúc ngủ mà vẫn tỉnh thức là phải biết cách tu tập. Nếu cố gắng tu nhiều thì cơ thể mất ngủ sinh bịnh, rối loạn cơ thể cho nên phải tu tập lần lượt cho nó quen, nhưng phải tu tập chứ nếu không tu tập thì sẽ không bao giờ có thể tỉnh thức trong giấc ngủ được.
Muốn được tỉnh thức trong giấc ngủ thì thứ nhất là phải tập ngủ có giờ giấc rõ ràng và thứ hai là điều khiển cho nó ngủ, tập làm sao cho nó ngủ cho được. Tập làm sao cho khi chúng ta muốn ngủ thì phải ngủ, do đó chúng ta phải dùng pháp hướng để khi nằm xuống chỉ trong vòng 10-20 hơi thở là nó ngủ. Muốn được vậy thì:
1.- Ngủ có giờ giấc rõ ràng và điều khiển cho nó ngủ, chúng ta dùng pháp hướng để khi nằm xuống chỉ trong vòng 10-20 hơi thở là nó ngủ. Không khéo thì nó thức cho tới khi tới giờ mình công phu thì nó mới ngủ. Kiểu này làm cho mình không thể tập tỉnh thức trong giấc ngủ được
2.- Tập tỉnh thức trong khi ngủ phải tu tập vừa với sức của mình, không được thái quá, nghĩa là mình ngủ trưa 30 phút hay 1 giờ, còn tối thì mình cho nó ngủ 2 hay 1 giờ.
Khi điều khiển được giấc ngủ rồi thì lúc bấy giờ chúng ta mới tập tỉnh thức trong giấc ngủ. Còn lúc ngủ giờ này, lúc khác thì lại ngủ trong giờ khác, lộn xộn giờ giấc ngủ thì không thể tập tỉnh thức trong giấc ngủ được
3.- Tập dần từ 5 phút tới 10 phút rồi tập cho nó ngủ lại, nghĩa là bây giờ mình muốn tập cho nó tỉnh thức thì mình tập từ 5 phút tới 10 phút rồi mình biểu nó ngủ đi, không cho nó thức nữa, chứ nó thức sẽ làm cho mình mõi mệt, rối loạn cơ thể.
4.- Khi mới tu tập nên siêng năng dùng pháp hướng để giúp cho sức tỉnh nhiều hơn, nghĩa là lúc tập mình nằm đó đặt niệm hơi thở trước mặt thường xuyên mình phải biết từ 5-10 hơi thở thì mình dễ thiếp trong giấc ngủ do vậy mình phải dùng pháp hướng để nó kéo dài được 5 phút, 10 phút, hay 20 phút để mình được tỉnh thức trong thời gian đó; nhưng theo Thầy nghĩ 30 phút là thời gian vừa phải, kéo dài quá sẽ làm cho cơ thể ta mệt mõi, phải tập từ từ rồi tăng dần lên. Lúc chúng ta ngủ thì cho nó ngủ nhưng chúng ta cũng hướng tâm nhắc để chừng 5, 10 hơi thở là nó ngủ.
Trước khi tập tỉnh thức trong khi ngủ thì phải tập ngủ trước, phải ngủ có giờ giấc cho nghiêm chỉnh, chứ không phải muốn tập tỉnh thức trong khi ngủ lúc nào cũng tập được.
Đến đây quý thầy chỉ còn rút tỉa kinh nghiệm bản thân của mình trong khi tu tập mà thôi.