TÌM KIẾM

GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT - SINH HOẠT SA DI

18/04/2020Admin

PHƯƠNG THỨC SINH HOẠT XUẤT GIA

Bây giờ chúng ta trở lại vấn đề chánh của bài học giáo án. Phương thức sinh hoạt xuất gia Phật giáo có nhiều phương thức qua nhiều giai đoạn tu tập chứ không có một giai đoạn mà đạt được ngay liền mục đích giải thoát.

Thứ nhất là chúng ta vì lí do liễu sanh thoát tử, làm chủ sanh tử để chấm dứt luân hồi không còn chi phối trong kiếp con người nữa. Khi một người vào trong lộ trình này họ sẽ gặp khó khăn vì đi ngược dòng đời, không còn chạy theo dục lạc thế gian được nữa. Do vì vậy mà họ phải chấp nhận ở trong cuộc sống đó để liễu sanh thoát tử, nếu họ thấy sống như vậy quá khổ khi khép vào Thập Giới Sa di thì chắc chắn họ không thể sống nổi.

Hầu hết chúng ta cũng đi tìm liễu sanh thoát tử nhưng không thể bước vào Thập Giới Sa di nổi cho nên phải có lí do rất chơn chánh của tư tưởng rất mạnh mẽ liễu sanh thoát tử, phải ở trong ước vọng đó. Chúng ta phải đặt mạnh tâm chúng ta làm sao thoát ra khỏi cuộc đời đầy đau khổ này, làm sao phải liễu sanh thoát tử, làm sao chấm dứt được sự luân hồi. Đó là lí do thứ nhất của người bước qua lộ trình thứ hai này. Chúng ta biết đời sống của lộ trình thứ hai này không còn sống như đời sống thế tục được mà phải sống rất khắc khổ trong giới thiểu dục tri túc vì chúng ta biết thiểu dục là cái nghiệp xuất thế của chúng ta.

Lí do thứ hai là cảnh tỉnh và dẫn dắt thế tục, nghĩa là chúng ta biết tttự nỗ lực tu giải thoát cho mình rồi sẽ đem sự hiểu biết, sự lợi ích đó dẫn dắt mọi người cũng được giải thoát như mình. Dẫn dắt những người mê luyến ở trong trận đồ thanh sắc, chìm đắm say sưa trong biển ngũ dục, mở ra pháp môn thức tỉnh giải độc cho họ. Lí do này chỉcó người tu xong mới thực hiện được, tự mình có kinh nghiệm thực chứng cụ thể mới cứu giúp người khác được. Còn người tu chưa xong mà lập luận như vậy thì chỉ là biện luận để che đậy. Lập luận Bồ Tát Hạnh là lập luận che đậy tâm người tu chưa chứng bị cám dỗ của danh sắc làm mờ mắt. Những người tu chưa xong chỉ có tri kiến thế gian thôi, tri kiến thế gian có thể làm hại cho nhiều người, có thể đưa lại tai hại khôn lường cho mình và cho người. Trong nhiều kinh tán thán hạnh bồ tát sẽ làm chúng ta bị lầm lạc, khiến cho đời tu hành của chúng ta không đi tới đâu. Ở đây cũng có một vị làm trụ trì xác nhận lời Thầy đúng hoàn toàn, bao nhiêu việc người trụ trì phải giải quyết mà cho là lập Hạnh Bồ Tát, không còn thời gian cho mình tu tập.

Lí do thứ hai này là một biện luận che đậy tâm tham danh lợi của chính mình, mà cũng là bịp người nữa. Người tu chưa xong lấy câu nói cảnh tỉnh và dẫn dắt thế tục để bịp người rất rõ ràng. Còn khi người đó tu chứng xong, liễu sanh thoát tử được rồi thì câu nói đó từ tâm từ của họ lưu xuất ra để thương xót tất cả chúng sanh. Lí do thì chính đáng cho người chứng đạo, nhưng người tu chưa chứng đạo mà lấy lí do cảnh tỉnh dẫn dắt thế tục thì chẳng khác người mù dẫn đoàn người mù, tất cả đều gặp nạn tai.

Và cũng vì lí do thứ hai này mà có người lợi dụng nó để kinh doanh tôn giáo. Có câu chuyện thế này có hai người giàu có ở thôn quê ra thành phố làm ăn. Một người kinh doanh bằng cách mở một nhà hàng, còn người kia lập một cái chùa thờ Phật, rồi mời giảng sư có danh tiếng thuyết pháp, sau tự học hiểu Phật pháp rồi tự mình thuyết pháp nên có danh tiếng và mở thêm nhiều chùa khắp nhiều nơi. Rõ ràng người kinh doanh nhà hàng không bằng người kinh doanh tôn giáo. Người ta có thể lợi dụng tôn giáo làm danh làm lợi. Nhưng cũng có nhiều người lập chùa với tấm lòng lành muốn đem lại lợi ích cho mọi người trong việc làm thiện. Nhưng họ tu chưa chứng mà dựa vào lí do thứ hai này với câu nói "cảnh tỉnh và dẫn dắt thế tục" là không đúng giáo lí, vì đức Phật không cho người tu chưa xong mà đi độ người. Chỉ người nào có tâm từ vô lượng như ông Punna mới được Phật chấp nhận đi độ người. Đức Phật không trắc nghiệm thần thông pháp thuật hay thiền định mà trắc nghiệm thiện pháp nhân quả.

Cũng như Thầy viết giáo án này là muốn cho Phật pháp cửu trụ, muốn cho người ta hiểu được Phật pháp, theo pháp thiện tu hành, muốn cho người ta hiểu được những lí hành để thực hiện cho rốt ráo đường tu. Nhưng khi viết xong mà không ẩn bóng thì Thầy chấp danh chấp lợi. Vì họ không dựa vào giới luật là thầy của họ như đức Phật dạy, mà khi họ hiểu giáo pháp lại dựa vào Thầy. Thầy chỉ là người vẽ ra lộ trình trong giới luật để triển khai giới luật giúp họ hiểu rõ giới luật rồi họ tự đi, chứ Thầy không phải là thầy của họ. Giới luật mới là vị thầy của họ vì đức Phật đã hoàn chỉnh mọi khía cạnh.

Cho nên khi Thầy ẩn bóng thì quý thầy cũng có lộ trình giới luật rõ ràng để tu, mà Thầy đã vạch ra qua kinh nghiệm tu của mình và quý thầy cứ sống đúng giới luật và tu tập đúng theo giáo án thì quý thầy sẽ đến, chứ không cần ai hướng dẫn hết, vì đạo Phật là đạo tự mình, chính đức Phật ngày xưa cũng tự mình cứu mình. Nay đức Phật đã để lại giới luật để chúng ta nương vào giới luật, lấy đó làm cuộc sống, lấy đó làm ra pháp hành cho chúng ta tiến vào con đường giải thoát; thì như vậy đời đời kiếp kiếp chúng ta không thay đổi ông thầy, lúc nào chúng ta cũng có ông thầy giới luật. Giáo án của Thầy chỉ là lộ trình thực tế và cụ thể để mọi người xuất gia có lộ trình tu hành giải thoát, chấm dứt sanh tử luân hồi. Đó là mục đích của giáo án. Thầy chỉ lấy kinh nghiệm của mình tu tập được, rồi dựng lại những gì mà người ta không làm được và đã bỏ quên. Nếu chúng ta hiểu lầm lạc điều kiện thứ ba này mà ngồi đón nhận danh lợi thì coi chừng.

Khi một người xuất gia tu hành phải có ba ý nghĩ này: 1/ Đối với chính mình phải cầu giải thoát sanh tử. 2/ Đối với người khác là cảnh tỉnh dẫn dắt thế tục. 3/ Đối với Phật pháp là vì trụ trì hoằng dương (làm sáng tỏ lại con đường tu, truyền kinh nghiệm của mình cho vài người làm niềm tin cho kẻ khác về đường lối đã vạch ra). Ba điều này phải có đủ, thiếu một thì không hoàn chỉnh được, nhưng vị thầy đã vạch ra được giáo án phải khéo léo để khỏi bị danh lợi che mắt. Vị thầy đã giải thoát rồi thì vị này biết thời điểm nào ông còn ở trong ba ngôi tam bảo này, lúc nào ẩn bóng, lúc nào thị tịch.

Xuất gia mà chẳng tự cầu giải thoát sanh tử thì chẳng cần xuất gia. Xuất gia mà chẳng cảnh tỉnh, dẫn dắt thế tục ấy là trái với tinh thần Phật giáo. Xuất gia mà chẳng trụ trì Phật pháp ấy là cô phụ cái ân lớn của tam bảo. Ba lí do trên thì lí do thứ nhất được chấp nhận cho người mới tu, còn hai lí do sau là cho người tu xong, người đang tu không được nghĩ đến vì sẽ tai hại khó đo lường cho người đó và Phật pháp sẽ mất lối giải thoát chỉ còn lại hình thức mà thôi. Người chưa tu xong mà nghĩ tới độ chúng sanh thì chỉ còn hình thức tu hành chứ không còn thực chất giải thoát. Người xuất gia phải buông bỏ hết tất cả, thấy suốt tất cả, không tranh thị phi, không phân biệt nhân ngã trường đảng. Vì thế ở đời, ít có người làm được.

Nhưng có một số người tu theo kiểu Phật giáo thời đại hiện nay bảo những người tu theo kiểu này là tiêu cực, yếm thế, khổ hạnh, ép xác. Đúng nghĩa người xuất gia đạo Phật phải chính mình buông bỏ sạch, trắng bạch như vỏ ốc, chỉ còn 3 y 1 bát. Nếu người này không tích cực từ bỏ thì không bao giờ từ bỏ được, vì chính bỏ hết mới hết tai họa và mới hết đau khổ. Tội ác và đau khổ của con người đâu phải chẳng toàn do con người không chịu buông xuống và không sáng suốt mà tạo ra ư? Người xuất gia là người sáng suốt biết buông xuống hết danh lợi, can đảm buông xuống hết tư dục. Như thế đâu thể gọi là tiêu cực, chỉ người tích cực mới làm được. Muc đích xuất gia của đạo Phật là tự mình cầu giải thoát, và khi tu xong trợ giúp cho người khác giải thoát, lấy việc tự cứu mình rồi sau cứu người và mọi người đều được giải thoát như mình.

Quý thầy phải hiểu xuất gia là việc làm của bậc đại trượng phu, chẳng phải việc mà quan tướng có thể làm được. Nghĩa là việc làm quan, làm vua không phải là việc của bậc đại trượng phu, vì việc làm quan, làm vua  không buông xuống mà tích lũy, đem vào thêm. Việc buông xả xuống hết mới là việc của đại trượng phu. Quan tướng điển hình là anh hùng hào kiệt; bậc đại trượng phu điển hình là thánh hiền. Anh hùng hào kiệt dựa vào khí thế mà thành, Thánh hiền dựa vào khí chất mà thành. Nghĩa là muốn làm hào kiệt thì dựa vào khí thế tạo cho mình mạnh lên, còn muốn làm thánh hiền thì bám vào khí chất mà tạo thành. Khí chất là sự buông xả để tạo cho mình thành toàn thiện pháp. Trong khí chất của thánh hiền hàm dung cả khí thế của hào kiệt vì phải có khí thế mạnh mới buông xả hết được; nhưng trong khí thế của hào kiệt không có khí chất của thánh hiền vì hào kiệt giết hại nhiều người, hào kiệt không có bản chất toàn thiện. Vì thế người xuất gia theo đạo Phật lấy Phật làm điển hình để noi theo, Phật vì giải thoát sanh già bệnh chết của chúng sanh mà tu, chỉ có xuất gia tu chứng mới giải đáp được sanh già bệnh chết ưu bi sầu khổ.

Mục đích của người xuất gia trong Phật giáo trên nguyên tắc là phải sống y như Phật, nghĩa là phải ra khỏi nhà thế tục, lìa bỏ người thân yêu, bà con quyến thuộc.Đó là đi ra khỏi nhà sanh tử cả thân và tâm. Cho nên đi hoàn toàn trên lộ trình thứ hai của người xuất gia rất khó vì phải vượt ra khỏi tình cảm, ra khỏi nhân quả. Tu theo đạo Phật tốt nhất là nên xuất gia lúc tuổi còn trẻ vì lúc đó sức khỏe sung mãn mới sống nổi thiểu dục tri túc, li dục li bất thiện pháp, sống cảnh ăn ngày một bữa thiếu thốn mọi mặt.

Nếu vì thất bại trên đường tình ái hay thất bại trong việc gây dựng sự nghiệp mà xuất gia thì Phật giáo vẫn tiếp nhận, không cự tuyệt, nhưng không cổ xúy những người này vì họ không phải xuất gia để liễu sanh thoát tử mà chỉ để lãng quên chuyện tình cảm hay thất bại trong việc làm ăn danh lợi. Tâm tư của họ là người chạy theo dục lạc thế gian mà đạo Phật là đạo dứt bỏ thế gian.

CÁC LOẠI SA DI

Như quý thầy đã học, lộ trình thứ hai của đạo Phật có 5 hạng chúng, nhưng trong giai đoạn này chỉ có 3 hạng: Sa di, Sa di ni, và Thức Xoa Ma Ni hay Thức Xoa Ma Na (giai đoạn 2 năm sau của Sa di niro). Trong nhà Phật gọi chung là Tam tiểu chúng, tức là ba chúng nhỏ.

Giới luật của Sa di và Sa di ni có 10 điều, giống nhau hoàn toàn; chỉ về giới oai nghi đại chúng học mới có sự khác biệt: Sa di học theo luật nghi của Tỳ kheo còn Sa di ni học theo luật nghi của Tỳ kheo ni.

Theo chữ Phạn, chữ Sa di hay Sa di ni có 3 nghĩa: 1- Tích từ, 2- Cần sách, 3- Cầu tịch. Tích từ là dứt ác hành thiện. Cần sách là khuyến khích siêng năng trên đường dứt ác hành thiện. Cầu tịch là cầu đạo niết bàn và quả viên tịch giải thoát. Sa di bao hàm cả ba nghĩa: tích từ, cần sách và cầu tịch. Một người xuất gia tu hành mà cầu tịch là đúng nghĩa của đạo Phật. Một người vì thất tình thất vọng mà đi tu thì làm sao đúng nghĩa được.

Nội dung của Bát Quan Trai Giới có đủ 9 điều của Sa di giới, chỉ còn thiếu giới "Không cất giữ tiền bạc, quý kim" mà thôi. 10 giới Sa di gồm:

1.- Không sát sanh.

2.- Không trộm cắp.

3.- Không dâm dục. (ngũ giới của cư sĩ thì Không Tà Dâm)

4.- Không vọng ngữ.

5.- Không uống rượu.

6.- Không đeo tràng hoa, chuổi hạt.

7.- Không ca hát và xem ca hát.

8.- Không nằm, ngồi giường cao rộng lớn.

9.- Không ăn phi thời.

10.- Không cất giữ tiền bạc, quý kim, châu báu.

9 giới đầu của Giới Sa di, Thầy đã giảng trong thọ Bát Quan Trai giới, nay Thầy giảng thêm giới thứ 10 của Giới Sa di.

Ở đây quý thầy phải hiểu người xuất gia phải phá trừ tâm tham, phá trừ thói quen. Người ta thường nói con người chết vì của cải, có người lại nói con người không sống được ngàn năm mà lo tính chuyện vạn năm. Sự ham muốn tích chứa của cải của con người có thể nói là bản tính. Có 100 mong muốn 1,000, có 1,000 thì mong có 10,000, ... mong muốn làm người giàu có nhất, mong muốn lủng đoạn kinh tế thế giới... muốn cả thế giới thuộc sở hữu của mình.

Đạo Phật là đạo buông xả nên không chấp nhận sự giàu có tiền tài, của cải. Của cải có thể tạo phước cho con người. Đó là một lẻ thật, không thể phủ nhận được. Nhưng của cải có thể trở thành chủ nhân của loài người, và con người trở thành nô lệ cho của cải cũng là sự thật không ai có thể phủ nhận được. Ai cũng biết của cải là vật ngoài thân, xem của cải là một vật ở ngoài thân. Vậy mà bỏ của cải lại là một điều ít ai bỏ được. Do thế chúng ta phải biết của cải dù ít hay nhiều, nó vẫn có khả năng sai khiến loài người, cho nên người xuất gia trong đạo Phật chủ trương buông xả sạch, không tích tụ của cải. Vì thế, giới luật của Phật xem hành vi cất giữ của cải tài sản là hành vi phạm giới.

Sự tham muốn của con người đối với sự chiếm hữu tài sản của cải càng mãnh liệt thì sự trói buộc của của cải vật chất thế gian càng chặt chẻ. Biết như thế nên muốn cho đệ tử xuất gia của mình đừng bị dính mắc của cải, vì của cải tiền bạc làm biến động tâm, của cải tiền bạc khiến khởi tâm tham: tham đắm, tham mê cho nên đức Phật mới chế giới cấm không cất giữ tiền bạc châu báu. Khi đã thấy tánh chất trói buộc của của cải vật chất thế gian đối với con người thì nên buông xả của cải. Buông xả của cải thì đừng nghĩ cuộc sống của mình gian khổ vì nghĩ như vậy là chưa buông xả, mà phải nghĩ thân là vô thường không có gì thường hằng thì mới xả hết của cải được.

Quý thầy nào đã có tu Chánh Niệm Tỉnh Thức, quán xét Ngũ Triền Cái thì bây giờ mới thấy thấu suốt được, mới buông xuống được. Cho nên việc tu Chánh Niệm Tỉnh Thức rất quan trọng để quét sạnh tâm tham. Quét sạch tâm tham thì những vật chất tiền bạc mới buông xuống hết. Nếu không tu Chánh Niệm Tỉnh Thức thì chúng ta không sáng suốt, cứ ngở là chúng ta đã buông xuống nhưng không ngờ nó vẫn còn dính. Không tu thì thôi mà đã tu thì phải tu cho thật tu, tu cho rốt ráo, cho thành đạt, cho giải thoát. Người tu theo đạo Phật xem của cải như đồ vô dụng. Giữa ngày ăn một bữa sau khi đi khất thực từng nhà, ngủ đêm dưới gốc cây là chỗ có thể an thân của người tu sĩ. Ở Ấn Độ là miền nhiệt đới, thân cây to lớn nên ngủ dưới gốc cây như ngủ trong lọng thiên nhiên. Đức Phật đã từng sống 3 y có thể đủ ấm trong đêm đông lạnh nhất ở xứ Ấn Độ. Nhưng khi Phật giáo truyền bá khắp nơi thì phải tùy theo xứ sở mà người tu sĩ nên có thêm y áo mùa đông vừa đủấm hay mùng màn ngăn muổi mòng.

Phong tục Ấn Độ lúc xưa đem bỏ thây người chết trong nghĩa địa lộ thiên cho chim thú ăn hay thây người chết tự thối sình tan rả chỉ còn xương trắng, do đó người tu chỉ cần nhặt các loại vải quấn thây ma hay quần áo của thây ma đó giặt sạch, kết chúng lại làm y cho mình nên gọi là phấn y tảo. Nhưng người sau này lấy vải nguyên cắt vụn ra rồi may lại làm giống như y phấn tảo, họ đã làm mất ý nghĩa của y phấn tảo chân thật. Hơn nữa việc may nhiều miếng như thế chỉ thực hiện được theo công nghệ may mặc ngày nay. Theo Thầy nghĩ đó là sự giả dối, vả lại đem tấm vải nguyên cắt vụn ra rồi ghép lại, như vậy không còn đúng với y phấn tảo ngày xưa. Tu tâm chứ không phải tu trên tấm y mặc đó. Nếu đức Phật còn tại thế, hẳn Ngài phải bật cười trước sự suy nghĩ của các sư ngày nay. Lấy hình thức phấn tảo ở ngoài mà không sống với phấn tảo trong tâm.

Phấn tảo có nghĩa là quét sạch hết, bỏ sạch đi, lượm đồ của người bỏ mà mặc. Bắt chước nhưng không thấu lí mà tu hành nên biến ra sự tu hành bằng hình thức theo kiểu đó, như vậy không đúng ý nghĩa của y phấn tảo. Muốn mặc y phấn tảo đúng thì nên đi lượm giẻ rách, vải vụn của thợ may bỏ ra, chứ đừng mua vải lớn rồi cắt ra, rồi ghép lại, thì đó chỉ là hình thức. Đúng nghĩa của y phấn tảo là đi lượm vải bỏ không còn dùng làm gì được. Đất nước mình không có vải bó thây ma quăng trong rừng, nên chỉ có thể đi xin vải bỏ của thợ may hay xin giẻ lau tay dính dầu nhớt của thợ máy, về giặt rồi kết lại làm y phấn tảo. Chúng ta tu không theo hình thức nên chỉ không tham y áo tốt đẹp, sang trọng, mà chỉ cầu có y che thân cho đủ kín,cho đủ ấm.

Xin quý thầy nghe luật sư Thánh Nghiêm giới thiệu cho chúng ta biết: Những người xuất gia của Phật giáo ngày càng đông. Thể chất của họ có người thì tráng kiện, có người thì yếu đuối; tập tánh của họ thì có người có sống đạm bạc, có người không chịu nổi phong sương, thậm chí có người mang tạp khí tham rất nặng cho nên xúc tích của cải nhưng có người không tham nên không muốn xúc tích của cải. Luật sư Thánh Nghiêm có ý cho do thể chất, tính khí tu sĩ khác nhau vì vậy phải giảm nhẹ, hay nới lỏng giới luật, bỏ bớt cái này, bỏ bớt cái khác cho phù hợp từng người.

Thầy xin xác định lập trường của tu sĩ của đạo Phật: Nếu tu được thì lập hạnh thiểu dục tri túc, nếu tu không được thì đừng đổ thừa thể chất của mình không hợp hạnh thiểu dục tri túc, hay tính khí thế này thế khác mà vi phạm giới luật. Nếu tự thấy mình không lập hạnh thiểu dục tri túc của người xuất gia được thì đừng xuất gia, cứ ở trong lộ trình của cư sĩ mà tu, đừng để thế gian chê cười người xuất gia của đạo Phật. Hạng người không lập hạnh thiểu dục tri túc của người xuất gia được thì tu hành chẳng tới đâu, tu mà đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời, đừng ham qua bậc khác khi không sống đúng hạnh của bậc đó. Vào tu mà sợ ăn ngày một bữa, sợ ngủ ít, sợ không được nói chuyện, sợ nắng sợ mưa, sợ không còn giữ được của cải tài sản, sợ xa nhà, xa người thân thương. Nếu đã xuất gia mà còn sợ những cái này thì xin hãy trả áo tu sĩ lại cho Phật giáo để đạo được thanh tịnh, trong sạch. Hãy về sống đời cư sĩ; người tu sĩ phải thực hiện hạnh thiểu dục tri túc, phải buông xả dòng thế tục mới xứng đáng là đệ tử của Phật.

Lối bào chửa của luật sư Thánh Nghiêm cho những tu sĩ phạm giới trong thế gian: "do đó đức Phật vì nhu yếu, dần dần cho phép chúng tăng có chùa chiền, có tịnh xá, có tăng phòng, cho xúc tích đồ cần dùng cho cuộc sống, cũng như khai mở cho phép được tiếp nhận của cải tiền bạc". Câu này là của luật sư Thánh Nghiêm cho rằng trong giới bổn đức Phật có ghi như vậy. Thật là già hàm lẽo mép, đức Phật không nói lời này mà bảo có nói. Luật sư Thánh Nghiêm đã phá giới tận cùng. Đức Phật dạy giới luật là ông thầy thanh tịnh mà thêm bớt như vầy là không còn thanh tịnh rồi. Mục đích chính của Phật chế ra giới luật là giúp chúng ta li dục li bất thiện pháp, nếu chúng ta sống đời sống không li dục thì làm sao li dục li bất thiện pháp được.

Thời đại chúng ta có rất nhiều ông luật sư như Thánh Nghiêm. Khi Phật pháp bị xen vào những bộ giới luật phá giới của Phật như vậy thì chúng ta làm sao tu đạt giải thoát. Những luật sư sau này không dựa vào giới kinh mà chỉ dựa vào giới bổn mà luận; giới bổn đâu phải là chỗ đáng tin cậy của chúng ta. Xin hãy sáng suốt, đừng cho người xưa đúng rồi theo đó mà luận thì sẽ sai hết. Đạo Phật vốn đem lại sự giải thoát cho mọi người bằng mục đích buông xả, li dục li ác pháp, thế mà không chịu xả lại xúc tích thêm thì thử hỏi có đúng đường lối tu hành của đạo Phật không?

Đây một đoạn khác của giới bổn của các giới sư: "Nhân vì tiền tệ là tài sản vật chất của nền văn minh nhân loại, nó có thể làm môi giới cho sự đổi chát. Thí chủ cúng dường cho người xuất gia các thứ như y áo, thức ăn, đồ nằm, thuốc thang, nhưng trong nhà thí chủ thì không thể là một tiệm buôn vải, tiệm lương thực, xưởng chế tạo đồ dùng và nhà thuốc. Giả sử có mở tiệm cũng không thể đủ các thứ này, cho dù có đủ đi nữa thì khi đem phẩm vật cúng dường cho người xuất gia cũng chưa ắt đã thích hợp với nhu cầu của người xuất gia. Do đó sự nhận tiền tệ của người xuất gia không thể tuyệt đối cấm ngăn được".

Mấy ông luật sư luận như vậy, cho rằng người thí chủ cư sĩ dù có mở siêu thị chăng nữa thì sự cúng dường cũng chưa chắc đã đúng nhu cầu của người xuất gia, cho nên không ngăn cấm việc người xuất gia nhận tiền bạc được, để ông ta có tiền mua sắm theo nhu cầu. Các luật sư này luận như vậy, họ đã phá Phật pháp đến tận cùng. Chính tâm tham tạo ra nhu cầu, cho nên khi có tiền thì chạy theo tâm tham, không thiểu dục tri túc, không theo nhân quả, không theo thuyết vô thường.

Đọc đoạn luận phá giới này của các luận sư, Thầy ngửi thấy mùi hương danh lợi bay nực nồng lan rộng khắp thế giới hiện nay. Chính mùi hương này nên giới tu sĩ Phật giáo tu hành chẳng tới đâu, tâm chưa li dục, còn nắm tiền bạc, còn tâm phàm phu thì tâm Phật thanh tịnh đâu tới với người đó được. Người có tiền để mua sắm theo nhu cầu ham muốn của mình thì làm sao tri túc thiểu dục được, họ chỉ như người cư sĩ tự do mua sắm mọi thứ theo ý muốn. Người xuất gia chỉ nói với người cư sĩ cúng dường cho mình về nhu cầu của mình chứ không nên cất giữ tiền bạc. Nếu người xuất gia có tiền mua sắm các thứ thì đâu còn thiểu dục tri túc nữa.

Muốn sống đúng hạnh thiểu dục tri túc thì phải không cất giữ tiền bạc vì đó là hạnh của người tu sĩ không để các pháp sai khiến mình, nói rõ hơn là không làm nô lệ cho các pháp, hay nói cụ thể là không để các pháp sai khiến tâm mình. Nói như trong các kinh Đại thừa là không để các pháp dính mắc tâm, nhưng không phải nói suông như Đại thừa, mà lập hạnh sống thực tế cụ thể thiểu dục tri túc để các pháp không dính mắc tâm. Khi tâm không dính các pháp thì tâm sẽ li dục li ác pháp, do đó mà con đường tu tập sẽ đạt được kết quả giải thoát.

Phật dạy li dục li ác pháp là để nhập Sơ Thiền, một thứ thiền rất cao quý của đạo Phật làm cho tâm được giải thoát không còn tái sanh luân hồi, một pháp môn cần thiết cho người tu sĩ sống đúng phạm hạnh giải thoát của đạo Phật. Phần đông các thầy bây giờ không lập hạnh này nên tâm chạy rong theo các pháp, tâm càng lúc càng sa đọa sống theo kiểu dục lạc thế gian, thật là đáng thương.

Quý thầy suy ngẫm: Người tu sĩ đã xuất gia đâu còn thích hội họp, đâu còn thích ăn uống, đâu còn thích áo quần lượt là, vải mới. Người tu sĩ đi lượm vải gói thây ma thì người đó đâu còn cái gì nữa mà gọi là nhu cầu, nghĩa là người tu theo đạo Phật lấy vải quấn thây ma kết lại làm y mặc thì có gì nữa mà gọi là nhu cầu. Các luận sư giới luật nói phải có tiền để mua sắm cho đúng nhu cầu. Người xuất gia theo đạo Phật rồi thì nhu cầu của họ không còn có nữa, họ có cái gì là sử dụng cái nấy cho cuộc sống của họ, còn không có thì họ phải tri túc thiểu dục, tức là không muốn cái gì khác ngoài cái họ đang có. Họ phải bằng lòng với cái họ đang có, không ước muốn gì khác. Có muốn là có nhu cầu, không muốn thì đâu có nhu cầu. Một vị tăng có đầy đủ cơm ăn áo mặc, không đòi hỏi gì hơn nữa thì vị đó thiểu dục tri túc.

Nếu vị đó ngày thì có cơm ăn, ngày không có, y áo bị rách bươm hết, phải chịu lạnh lẽo, nhưng vị đó không đòi hỏi gì hết thì vị đó sống thiểu dục tri túc. Thiểu dục tri túc là theo điều kiện hiện tại của vị đó. Có sống thiểu dục tri túc mới tu theo đạo Phật được. Nếu vị đó có ước muốn này kia thì vị đó không thiểu dục tri túc, không tu theo đạo Phật được. Có ước muốn là không thiểu dục tri túc, đó là những kẻ còn mang đầy tâm ham muốn. Có ước muốn mới đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu của mình, nhưng có bao giờ nhu cầu được thỏa mãn đầy đủ.

Người ta viện lí do Tam Bảo có thể tiếp thọ người khác; cho đến vị tu sĩ cũng có tiếp thọ. Nghĩa là sự tiếp thọ của Tam Bảo là chùa to tháp lớn, kinh sách nhiều; vị tu sĩ cũng cần có sự tiếp thọ như phải có cơm ăn áo mặc. Nhưng sự tiếp thọ phải ở trong hạnh thiểu dục tri túc, chứ không theo sự đòi hỏi của mỗi cá nhân, của mỗi sự sống. Trong giới bổn đưa ra nhu cầu không giới hạn, đó là hướng phá giới.

Tam Bảo tiếp thọ gì? Tam Bảo tiếp thọ không phải tiếp thọ chùa cao rộng lớn, không phải tiếp thọ chuông đồng chuông vàng, Phật tượng đồng, Phật tượng vàng, mà Tam Bảo tiếp thọ bằng thực hiện giới hạnh, giới đức, giới tuệ. Tam Bảo tiếp thọ bằng giới hạnh, giới đức, giới tuệ thì mới đúng, chứ không phải tiếp thọ trường cửu bằng sự đau khổ của chúng sanh vì sự tiếp thọ đó không phù hợp lòng từ bi của đạo Phật. Chúng ta chấp nhận chùa to đẹp, tượng quý báu dự phần giữ mạng mạch Phật pháp, nhưng qua hình ảnh những kỳ quan thế giới, chùa to tượng quý báu trong đó đã gom biết bao mồ hôi nước mắt đau khổ của chúng sanh.

Người cư sĩ tiếp thọ là tiếp thọ sự buông xả, người tu sĩ tiếp thọ sự tri túc thiểu dục. Dù là chùa tranh vách là đơn sơ mà hạnh của người tu đầy đủ thì quý trọng hơn chùa to sang như dinh thự của vua chúa. Khi chúng ta đã là tu sĩ rồi thì đâu thấy thiếu gì nữa, bởi chúng ta thấy cuộc sống không thật, tạm bợ; cái thân của chúng ta vô thường, khổ; dù có giàu sang cách mấy cũng khổ, mà dù có nghèo cách mấy, mực khổ cũng chỉ là vậy. Tại vì chúng ta chưa biết giữ tâm của mình thiểu dục tri túc cho nên thấy khổ, chứ nếu biết giữ thiểu dục tri túc thì chắc chắn hết thấy khổ.

Nguyên tắc của đạo Phật là không cho tự thọ, tự cất chứa tiền bạc hoặc các vật chất của thế gian. Vì không được tự thọ và được cất chứa tiền bạc nên hàng tu sĩ chạy theo dục lạc thế gian mới chế ra pháp khuyết tịnh. Pháp khuyết tịnh là mời một người cư sĩ đến làm tịnh chủ, khi người tu sĩ thu nhận tiền bạc thì người tu sĩ nói tôi thay người cư sĩ kia thọ nhận chứ không phải chúng tôi, nghĩa là không phải người tu sĩ nhận mà người cư sĩ nhận. Nhưng đó chỉ là trên hình thức thôi. Người cư sĩ làm tịnh chủ đó không thật sự cất giữ tiền bạc, người cư sĩ chỉ làm bù nhìn chứng như vậy thôi, chính ông tu sĩ mới cất giữ tiền bạc và quyết định chi xài, người cư sĩ không hay biết và không can dự trong việc cất giữ và chỉ đạo chi tiêu. Nhìn cách thức như vậy thì pháp khuyết tịnh này không cần phải có.

Thật là lạ lùng trong giới bổn có những chế luật phá giới như vậy, vì có pháp khuyết tịnh mà người tu sĩ tham lam không biết chán, nghĩa là nhờ có pháp khuyết tịnh mà lòng tham của vị tu sĩ không có chừng mực, vì người tu sĩ nghĩ người cư sĩ cất chứ không phải mình. Trong giới luật Phật, sự không cất giữ tiền bạc có mục đích làm cho người tu sĩ đạt được tâm li tham, tâm thiểu dục tri túc giải thoát. Nhưng trong giới bổn có những điều trái với giới luật của Phật, làm người tu sĩ không li được dục, không li được bất thiện pháp.

Các luật sư còn nói tuy có pháp khuyết tịnh nhưng người xuất gia chẳng nên tiếp thọ tiền bạc quá nhiều. Nhưng sự thật không thể nào nói như vậy được, vì khi đã nhận một đồng rồi thì bao nhiêu cũng nhận được, khi đã không cất giữ tiền bạc thì dù bao nhiêu cũng không cất giữ. Lòng tham đã khởi thì càng ngày càng tăng, không thể bớt được.

Pháp khuyết tịnh bảo là cho phép người tu sĩ cất giữ tiền bạc nhưng không cất giữ nhiều, như có nhu cầu giữ tiền bạc chi phí thuốc thang, và chi phí sinh hoạt hằng ngày thì tự nhiên không ngại dùng pháp khuyết tịnh để tiếp thọ tiền bạc. Nhưng pháp khuyết tịnh này đã không hiểu được tâm lí con người. Người xuất gia tốt nhất không nên cất giữ tiền bạc. Nghe qua pháp khuyết tịnh rất có lí nhưng thực tế không thể được. Con người đâu phải là thánh nhân, đụng tới tiền bạc là có sự cám dỗ thu hút của nó thì biết bao nhiêu tiền bạc gọi là đủ, bao nhiêu tiền bạc thì gọi là nhiều.

Căn cứ sự quy định trong luật xuất gia, người xuất gia nương tựa chúng và sinh hoạt ở trong tăng đoàn. Tỳ kheo không được chính tay mình cầm nắm tiền bạc, sa di cũng không thể cầm nắm, cất giữ, chỉ có tịnh nhân ngũ giới (tịnh nhân là các cận trụ nam hay nữ là người mới vào tu đang ở trong chùa, còn cận sự nam hay nữ chỉ tới chùa làm công quả rồi về nhà mình ở) được chùa tin cậy giao cho trách nhiệm tiếp thọ bảo quản tiền bạc cho tăng đoàn. Nhưng điều này có khi gây cho chùa thiệt hại rất lớn vì người tịnh nhân này phát sinh lòng tham lấy hết. Do vậy ngày nay không giao cho tịnh nhân nào cất giữ tài sản tiền bạc của chùa, vì thế thường trụ tự viện có thể tiếp thọ nhưng cũng bị hạn chế rất nghiêm khắc, nghĩa là người lãnh đạo tự viện (trụ thế tăng, ni) phải cất giữ tiền bạc để chi phí cung cấp mọi nhu cầu của người sống trong tự viện. Nhưng khi thấy vị trụ thế tăng cất giữ tiền bạc thì các tăng khác cũng cất giữ tiền bạc.

Giữ cho không tham cũng đã khó rồi, chứ còn tuyệt đối không cho cất giữ tiền bạc gần như là việc ít thấy ở ngày nay. Đúng vậy, trong giới bổn cũng đã xác định điều này rất khó. Khi có tiền bạc thì lòng tham khởi lên cho nên không li được dục. Muốn li dục li ác pháp, người xuất gia chẳng những không được cầm giữ tiền bạc và tất cả vật báu quý mà cũng không được cất dấu hay súc tích một tài sản nào hết, vì tiền bạc hay các vật quý báu làm tâm tham đắm khởi. Một khi tâm tham đắm khởi thì đó là tâm bị vật chuyển, do thế tâm khó giải thoát được.

Thuở xưa có một vị xuất gia vị này đã thấy suốt thế sự danh lợi nên ở ẩn một mình tu tập không thăm viếng ai mà cũng không tiếp ai đến thăm, nhưng vị ấy còn quý bình bát của mình. Có một đạo nhân biết khuyết điểm như vậy nên trong lúc vị này tham thiền đã đến gõ vào chiếc bát làm cho vị này xuất thiền, vội chạy ra. Đạo nhân nói: "Tôi biết ông tất cả đều buông xả hết, chỉ có cái bát này là chưa".

Cho nên phải xả hết, không còn gì cả mới không còn tham dục. Nói thì dễ nhưng thực hành không đơn giản. Nếu người xuất gia li được tất cả mọi vật lớn nhỏ thì người đó thực hành được giới hạnh rất cao quý. Đức Phật nhắm vào giới luật để dạy chúng ta, bởi chỉ có giới luật mới kiểm nghiệm được chỗ li của mình, nếu không có giới luật thì làm sao kiểm nghiệm được chỗ li. Còn cất giữ tiền bạc mà nói li dục li ác pháp thì lời nói đó là lời nói láo.

ĐẲNG VỊ CỦA CÁC LOẠI SA DI

Giáo hội đầu tiên lúc Phật còn tại thế, trong tăng đoàn không có sa di, sự xuất hiện của sa di trong Phật giáo sớm hơn một chút so với sự xuất hiện của tỳ kheo ni. Rahula là con của đức Phật xuất gia lúc mới bắt đầu có sa di, nghĩa là đứa bé đầu tiên thọ giới sa di là Rahula. Trước kia trong tăng đoàn chỉ có tỳ kheo thôi.

Quý thầy sẽ thấy trong giới bổn đặt điều đủ thứ để cho khác nhau, nó rườm rà vô cùng, chứ trong thời đức Phật rất đơn giản. Càng về sau người ta ảnh hưởng tôn giáo này tôn giáo kia bằng nghi lễ rồi họ đem nhét vào trong Phật giáo quá nhiều, cho nên ngày nay chúng ta tổ chức giới đàn hay tổ chức cái gì thì hầu như chúng ta đạt đích các tôn giáo khác chứ không phải của Phật giáo, bởi chúng ta nhìn kinh giới của Phật dạy đâu có các điều này.

Tăng đoàn của người xuất gia Phật giáo cũng tương tợ như tình hình của đại gia đình, nghĩa là trong tăng đoàn cũng như một đại gia đình, nhưng gia đình thì có ít người, còn trong tăng đoàn thì có nhiều người hơn. Người xuất gia ra khỏi nhà hữu vi của thế tục và vào nhà vô vi của xuất thế, nghĩa là từ nhà hữu vi qua nhà vô vi cho nên buông xả hết, chứ nếu còn một cái gì thì không được. Trong đại gia đình vô vi không tạo nghiệp sanh tử này có già có trẻ nhưng họ đối xử với nhau hòa hợp vui vẻ.

Sự tiếp nhận sa di vào tăng đoàn là tiếp nhận nhân tài của Phật giáo, Thầy muốn nói sự tiếp nhận sa di vào tăng đoàn Phật giáo là để mầm nhân tài của Phật giáo được tiếp nối. Sa di là người tiếp nối tăng đoàn sau này, nếu không có sa di thì khi mấy ông già chết hết rồi, còn ai tiếp nối đâu, tuổi trẻ đâu còn. Trong chúng của chúng ta ở đây được mười mấy người nhưng có già có tr