THỌ TAM QUY - NGŨ GIỚI
LÝ DO THỌ TAM QUY
Chúng ta sẽ thọ giới nào trước tiên. Thông thường ta nghe nói ngũ giới, rồi bát giới, thập thiện, rồi 250 giới, 348 giới, Bồ tát giới; nhưng chưa chắc thọ ngũ giới trước tiên là đúng vì người mới vào đạo Phật chưa phải thọ ngũ giới của Phật liền mà phải thọ Tam Quy rồi mới thọ Ngũ Giới. Cho nên chúng ta phải hiểu thọ Tam quy là sao, thọ Ngũ Giới là sao. Tại sao không nói thọ ngũ giới mà lại kèm thêm Tam quy.
Có người bảo "Tin Phật chỉ cần thành tâm, hà tất cần phải quy y". Thoáng nghe qua dường như có lí. Thật ra cái lí đó chẳng vững. Thí dụ như học sinh muốn vào học trường nào thì phải làm các thủ tục đăng ký nhập học. Một học sinh không có đăng ký, không có trường học, không có học tịch, thì chiếu cái gì biết được đã học năm học đó. Chúng ta cũng phải đăng ký thọ tam quy, đăng ký thọ ngũ giới,... chưa đăng ký thọ tam quy thì chưa đăng ký thọ ngũ giới. Muốn tu theo Phật thì phải đăng ký thọ Tam quy.
Vậy Tam quy là giới luật Phật đầu tiên. Như vậy thọ giới đầu tiên là giới Tam quy.
Cư sĩ nào cũng thọ ngũ giới hết, mà Tam Quy thì không hiểu sao hết. Các cư sĩ chỉ nói Tam Quy là Phật, Pháp, Tăng chứ không biết đó là giới. Phật không phải là giới sống động sao, Pháp không phải là giới sao, mà Tăng không phải sống giới sao. Phật, Pháp, Tăng là giới thực tế, cụ thể, linh động. Ba giới này không phải là giới đầu tiên chúng ta quy theo sao.
Hôm nay Thầy nói cho quý thầy biết rằng chúng ta sẽ quy giới Tam Quy trước, chứ không phải nói tôi thọ cụ túc 250 giới tăng hoặc 348 giới ni. Các giới 250 giới tăng hoặc 348 giới ni không phải là giới căn bản của người tu sĩ phải thọ giới trước mà chính là Phật, Pháp, Tăng. Học giới mà không rành giới thì làm sao biết thọ giới nào trước. Hỏi ông giới sư giới nào thọ trước thì ông nói Ngũ giới. Ông này thật là quê mùa vì không hiểu, cứ tưởng người cư sĩ theo Phật tu là thọ Ngũ giới trước.
Thọ Tam Quy tức là thọ 3 giới đầu tiên trong đạo Phật. Tam Quy được xem là pháp thiện thứ nhất trong đạo Phật. Bằng hành động cao quý và gương hạnh tuyệt vời của 3 giới này đem lại cuộc sống an lành, tràn đầy thiện pháp cho người cư sĩ đệ tử của Phật. Như vậy thọ Tam Quy là giới luật thứ nhất để tiến vào cửa ngõ đạo Phật. Nếu chẳng đi bước thứ nhất này thì đâu thể đi bước thứ hai, thứ ba, thứ tư... Muốn đi bước thứ hai, thứ ba,... ắt phải đi bước thứ nhất là thọ Tam Quy.
Cấp bực tu hành của đạo Phật lấy theo thứ lớp của giới luật mà quy định. Thọ 10 giới thì được gọi là sa di, thọ 250 thì được gọi là tỳ kheo. Thọ Tam Quy là cấp bực chỉ mới bước vào cửa ngõ của đạo Phật. Như vậy phải có sự đăng ký rõ ràng, chứ không thể nói tôi tin Phật, tôi chỉ tu theo pháp Phật thôi, chẳng cần quy y.
Quy y Tam Bảo là lớp cơ bản đầu tiên học về đạo đức nhân quả giải thoát của hàng đệ tử Phật. Bao nhiêu giới luật và pháp môn của Phật cũng do ba giới đầu tiên này mà xuất ra. Bởi vậy tất cả giới luật đều lấy Quy Y Tam Bảo làm căn bản, không quy y Tam Bảo thì không còn pháp môn hay giới luật của Phật nữa.
Có người cho rằng mình có đủ năng lực xem kinh thì tự mình trực tiếp hướng vào kinh Phật tìm ra con đường thành Phật chứ cần gì phải Quy Y Tam Bảo. Điều này trên lý thuyết nghe như thông, mà về thực hành thì sai hoàn toàn vì sự nghiên cứu Phật Pháp muốn hiểu cho đúng còn khó khăn và đôi khi còn chẳng hiểu gì cả, có khi lại hiểu méo mó làm lệch lạc Phật pháp từ giới đến kinh. Một người được trang bị kiến thức đầy đủ như các ông tiến sĩ nhưng đối với giáo lí của đạo Phật mà để kiến thức tiến sĩ này nghiên cứu thì sẽ biến thành một thứ giáo lí khô khan cằn cổi. Kiến thức tưởng giải này biến Phật giáo thành bóng ma trong đêm tối.
Người muốn hiểu giáo lí của đạo Phật phải là một hành giả tới nơi tới chốn, người này phải được một vị đạo sư hay vị minh sư có kinh nghiệm hành trì tri hành hợp nhất dạy bảo qua những kinh nghiệm của họ để cho người đệ tử học Phật này tu hành, thì học Phật này mới hiểu được giáo lí nhà Phật. Vì mục đích của giáo lí này là đem lại cho mọi người một cuộc sống thực sự an lành hạnh phúc. Kẻ nào nói giáo lí suông thì đương nhiên không hiểu giáo lí. Lời dạy của Phật là lời dạy hành động chứ không phải là lời dạy suông.
Hiện giờ kinh sách hiện hành là lời dạy suông cho nên những ý kiến nói trong các sách đó đều sai hết. Một người chẳng thọ Tam Quy mà tự xưng là Phật giáo đồ thì họ như những trang giấy trắng chưa có viết gì trên đó. Tư tưởng này là tư tưởng không dứt khoác. Kẻ này là kẻ vui đâu xâu đó, thích thì tự xưng là Phật giáo đồ mà không thích thì thôi. Đó là thái độ thăm dò chứ chưa thực sự hướng tâm theo hướng thiện của đạo Phật. Những người này thường dùng câu tự quy y Phật, họ chỉ hiểu Phật giáo một cách cạn cợt, họ đã đưa Phật giáo xuống mê tín thần quyền hay lạc vào đỉnh núi khoa học, khoa tâm lí học. Tất cả những sự tự quy y này đã đưa Phật giáo từ chỗ sai lệch này đến chỗ sai lệch khác.
Những bậc thầy đứng ra đại diện ba ngôi Tam Bảo để làm lễ quy y mà các vị thầy ấy giới luật chưa nghiêm túc và tu tập chưa chứng đắc gì, những vị thầy này không có giới đức, chưa có thiền định sâu mầu, họ ví như người mù mà dẫn đám người mù đi vào rừng thẳm thì chắc chắn cả ông thầy cùng đám người mù đó sẽ chết dưới vực thẳm trong rừng âm u, có thể không còn ai sống sót.
Bởi vậy người mới bắt đầu vào đạo Phật, đừng vội quy y Phật Pháp Tăng, mà hãy tìm những bậc minh sư có giới đức, có thiền định sâu mầu, chỉ dạy cho cách nghiên cứu kinh điển Phật giáo trước, chứ kinh điển Phật giáo bây giờ nhiều mà cuốn nào cũng nói là của Phật thuyết.
Do sự chỉ dạy của các bậc này cho mình, người mới vào đạo mới hiểu biết Phật giáo chơn chính, từ đó mới thấy Phật giáo tuyệt vời như thế nào, nó phù hợp đúng với ước vọng của mình như thế nào, rồi mới tìm đến bậc minh sư đó xin quy y. Ông ta đứng ra đại diện cho ba ngôi Tam Bảo, chứ không phải mình quy y với ông ta. Nếu ông tự thấy mình chưa đủ đức hạnh thì sẽ chỉ cho ta đến một người có tư cách hơn ông, bởi những vị giới đức nhường lại cho vị có đức hạnh cao hơn họ khi họ thấy mình còn yếu. Còn những người danh lợi dễ dàng chấp nhận người đến xin quy y, họ muốn có nhiều người phục vụ đời sống cho họ đầy đủ. Đó là họ chỉ thấy những cái lợi danh của họ chứ họ không thấy cái lợi ích của người quy y. Còn người có giới sợ người đệ tử của mình không giữ giới nổi nên phải có trách nhiệm làm sao cho người đệ tử của mình phải sống theo thiện pháp trong giới luật Phật, cho nên vì sợ đệ tử mình giữ không trọn giới luật Phật mới đưa người này đến bậc có giới đức cao hơn để cảm hóa người đệ tử này trở thành người tốt, người đệ tử Phật nghiêm chỉnh. Nếu thấy mình đủ tư cách thì ông sẽ tự mình đứng ra đại diện ba ngôi Tam Bảo làm lễ quy y.
Người thầy là một tấm gương sống cho quý vị trên bước đường theo Phật giáo tu hành. Thời nay người chưa đủ tư cách mà vội vàng đứng ra làm lễ quy y là cầu danh. Họ quy y cho đệ tử càng đông thì càng tốt, càng làm giàu, càng có danh có tiếng nhiều.
Một lễ quy y chỉ nên làm cho nhiều lắm là ba người. Làm lễ thọ Tam Quy cho nhiều người chỉ là gieo nhân Phật pháp cho họ mà thôi, chứ không được thanh tịnh, không được nghiêm chỉnh, cho nên những người này không thể đắc Tam Quy. Trong Phật giáo hiện giờ có những bậc thầy thống kê số đệ tử quy y của mình, lấy con số tín đồ càng đông đảo càng hãnh diện, chứ không quan trọng số đệ tử này có chất lượng của Phật giáo.
Quy y Tam Bảo chẳng phải là vấn đề trên hình thức mà còn là một vấn đề nội tâm. Quy y Tam Bảo giúp cho người đó nhớ mãi không quên những pháp thiện là Phật Pháp Tăng, những hình ảnh thiện khi thọ tam quy với một bậc thầy thanh tịnh giới luật. Ngày thọ tam quy có tánh cách trang nghiêm và trọng yếu với bậc thầy có giới hạnh nghiêm chỉnh, thiền đức sâu mầu, lực tuệ cao siêu thì vẻ trang nghiêm và trọng yếu tăng lên gấp bội. Điều này khiến cho người thọ Tam Quy ghi mãi trong tâm hình ảnh từ bi vô lượng của Phật Pháp Tăng thể hiện trong ngày hôm đó.
Vậy thọ tam quy là gì? Giải thích theo từ ngữ thì thọ là hưởng lấy, chấp nhận; tam là ba, quy là quay đầu về, quay về. Thọ tam quy là chấp nhận trở về ba nơi. Thọ tam quy là nói tắt, nói đầy đủ là "Thọ quy y Tam Bảo" nghĩa là chấp nhận trở về nương tựa ba nơi quý báu; nói dễ hiểu hơn là trở về chấp nhận nương tựa ba nơi thiện pháp cao quý. Nói một cách khác nữa là quyết tâm tu tập ba thiện pháp cao quý; nói một cách khác nữa là quyết tâm sống đúng ba giới hạnh tuyệt đỉnh.
Như vậy thọ tam quy là phải tự mình tu tập ba thiện pháp, tự mình sống đúng ba giới hạnh tuyệt đỉnh đó, tự mình chấp nhận nơi thiện pháp đó để trau dồi thân tâm mình được như những bậc Phật Pháp Tăng đó, nghĩa là tự cứu mình, chứ không có nghĩa quy y để được Phật độ mình hay được Phật rước khi mình có tai nạn gì.
Phật giáo xây dựng trên đạo đức nhân quả chứ không phải xây dựng trong tinh thần thần linh hộ độ tai nạn bịnh tật tiêu trừ. Cho nên Tam Bảo là những thiện pháp mà ta thực hiện chứ không phải là ba ông thần. Nhân quả có thiện có ác; thiện đem lại phước báu, còn ác đưa lại tai họa hoạn nạn.
Ở đây nói thọ quy y Tam Bảo cũng còn nói tắt, nói đủ là thọ "quy y Phật Pháp Tăng" tức là nương vào ba pháp thiện này. Phật Pháp Tăng là gì? Phật là chỉ đức Phật, một con người y như chúng ta mà đã sống được viên hạnh với thiện pháp siêu việt, sống toàn thiện chơn thiện; Pháp là lời dạy của đức Phật, lời dạy toàn thiện, chơn thiện; Tăng là những đệ tử của đức Phật, là những con người bằng xương bằng thịt như chúng ta theo Phật tu hành, sống đúng toàn thiện, chơn thiện. Gom lại những chữ này giải thích thọ quy y Phật Pháp Tăng là quay về nương tựa đức Phật, vâng theo lời dạy của Ngài và theo gương hạnh các bậc thánh tăng tu tập. Như vậy chúng ta lấy ba gương hạnh của ba ngôi Tam Bảo này mà tu tập, chứ không phải là nhờ ba ngôi Tam Bảo gia hộ cho chúng ta tai qua, nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ.
Ở đây phải hiểu Phật Pháp Tăng là ba giới luật sống động, vì thế Phật còn sống tại tiền thì tất cả chúng tỳ kheo nương vào Phật tu tập, đức Phật dạy sao thì họ nghe theo và tu tập đúng lời dạy của đức Phật, tu tập không sai. Cuộc sống của Phật là cuộc sống giới luật nghiêm chỉnh, không sai phạm một lổi nhỏ gì. Phật đã chế ra giới luật để nói lên viên hạnh sống giải thoát của Ngài qua hành động sống của Phật.
Cho nên phải thấy giới luật là một điều quan trọng trong việc hành trì theo đạo Phật, vì thế đức Phật phải quan tâm đến giới luật, cho nên Ngài phải chế giới sao cho giới luật phù hợp và thích nghi được với không gian và thời gian của bất cứ thời đại nào. Ngài quan tâm và hoàn chỉnh giới luật trước khi Ngài nhập diệt. Ngài biết rằng sau khi Ngài nhập diệt không có một vị thánh tăng đệ tử nào của Ngài đủ tư cách làm thầy cho các vị tỳ kheo. Từ lâu Ngài đã có ý định giới luật sẽ thay Ngài để dẫn dắt những người tu sau này chớ không phải đợi đến khi gần chết Ngài mới di chúc giới luật là thầy của chúng tỳ kheo đâu. Chỉ có giới luật mới đầy đủ đại oai lực, đại thần lực và đại minh lực để làm thầy của chúng tỳ kheo, và giới luật không bao giờ có sự thay đổi nào được vì giới luật tròn đủ không thiếu không thừa.
Chúng ta nên biết rằng một người như đức Phật không nông nổi bộp chộp quyết định mà có sự đắn đo suy xét kỹ lưỡng: Chỉ có giới luật cầm vận mệnh tiền đồ thịnh suy của Phật giáo sau này, cho nên Ngài mới di chúc "Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất".
Bây giờ quý thầy thấy tu sĩ rất nhiều mà không tròn giới luật, có nghĩa là Phật giáo không còn. Ngày xưa, khi đức Phật còn tại thế có một tỳ kheo ở nơi xa có ý muốn đến ở gần bên Phật. Khi đức Phật nghe sự việc, Ngài bảo một tỳ kheo khác đến nói với vị tỳ kheo đó rằng "Nếu vị tỳ kheo đó giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì như ở gần bên Ta, còn những tỳ kheo hằng ngày thấy Ta mà không nghiêm chỉnh giới luật thì cũng như sống xa Ta". Như vậy ta thấy ngay khi Phật tại thế Ngài đã xác nhận "Giới luật còn là Phật còn, giới luật mất là Phật mất".
Vậy chúng ta là những đệ tử của Phật mà muốn Phật giáo còn thì phải nghiêm trì giới hạnh, giới đức và giới tuệ. Do thấy trước và hiểu biết đó nên Ngài đã hoàn chỉnh giới luật trước khi nhập diệt "Này các thầy tỳ kheo, hãy lấy giới luật Ta làm thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc tu hành. Giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất". Ngài di chúc lời này tức là Ngài đã chuẩn bị cho đời sau một ông thầy có đầy đủ 3 lực như đức Phật (oai lực, thần lực, minh lực). Giới luật còn là Phật còn, giới luật mất là Phật mất, cho nên lúc Phật còn tại thế, Phật truyền dạy: "Các ông sống gần bên Ta mà giới luật không nghiêm chỉnh thì như sống xa Ta ngàn dặm, nếu các ông sống xa Ta ngàn dặm mà giới luật nghiêm túc thì như sống gần bên Ta".
Phật còn tại thế tượng trưng giới luật toàn chơn toàn thiện, và khi Phật nhập diệt thì giới luật là ông thầy toàn chơn toàn thiện. Trong kinh ghi lại đầy đủ những lời Phật dạy này thì làm sao chúng ta là những tu sĩ của đạo Phật lại quên được, làm sao chúng ta sống không giữ gìn giới hạnh mà gọi là tu sĩ Phật giáo được. Thế mà có kẻ ngu si dám đem giới luật của Phật sửa tới sửa lui, đốt phá tạng luật kết tập lần đầu tiên tại hang Thất Liệp của Ngài Upali (Ưu ba li),rồi bảo rằng việc kết tập không viết thành văn bản. Trong các bộ kinh cũng thường nói như vậy.
Luật phải chỉ có một bộ thôi, sao lại có nhiều bộ thế. Giới luật là ông thầy thì chỉ có một ông thầy thế mà sao nay có quá nhiều ông thầy vậy. Ông thầy nào là chơn, ông thầy nào là giả, nghĩa là chúng ta không biết bộ luật nào là ông thầy của mình vì có quá nhiều bộ luật. Trong Phật giáo hiện giờ có 6 bộ luật có những điểm dị biệt nhau.
Các thầy tỳ kheo sợ giới luật của Phật, họ chạy theo dục lạc thế gian, tham đắm danh lợi thực thùy, cho nên họ mới đặt ra giới luật mới để làm khác đi giới luật của Phật, để chạy theo dục lạc của đời, làm đảo lộn Phật pháp. Tu sĩ không biết ông thầy giới luật là ông nào, khi Phật giáo chia làm 20 bộ phái với 20 bộ luật khác nhau. Vậy các tu sĩ biết chọn ông thầy nàolàm thầy như lời đức Phật đã di chúc. Trong khi Phật giáo có 20 ông thầy, ông thầy được kết tập lần đầu thì bị phế rồi, còn 20 ông thầy mới này biết ai là thầy của mình. Ngày nay chỉ còn lại 6 ông thầy. Đây là tên của 6 ông thầy mới:
1.- Thập tụng luật
2.- Tứ phần luật
3.- Tăng kỳ luật
4.- Ngũ phần luật
5.- Giải thoát giới bổn kinh
6.- Nhứt thiết ngũ bộ luật
Từ 20 ông thầy luật giờ còn lại 6 ông, thì thử hỏi ai trong 6 ông này là thầy của chúng ta.
Như chúng ta đã học, trong giới kinh chia làm 3 loại giới là giới hạnh, giới đức, giới tuệ gọi chung là giới định tuệ. Giới định tuệ không phải là ngoài giáo pháp của Phật. Giáo pháp của Phật là pháp thiện: sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Vậy giới định tuệ là pháp thiện của đạo Phật, mà pháp thiện của đạo Phật là giới hạnh, giới đức, giới tuệ, ba giới này là giới luật của Phật, còn gọi là giáo pháp của Phật; giới bổn chỉ là những oai nghi tế hạnh li dục li ác pháp của phần giới hạnh trong giới kinh mà thôi. Nghĩa là 6 bộ giới luật này nằm trong giới bổn chứ không phải nằm trong giới kinh. Giới bổn này chỉ cho chúng ta biết những oai nghi tế hạnh để giữ gìn li dục li ác pháp ở trong phần giới hạnh mà chúng tahọc ở phần giới kinh.
Giới kinh có chia ra làm ba giới vức rõ ràng: giới hạnh, giới đức, giới tuệ. Giới bổn chỉ là oai nghi tế hạnh li ti để giúp chúng ta li dục li ác pháp trong phần giới hạnh, chứ không được nằm trong phần giới đức, cũng không được nằm trong phần giới tuệ. Cho nên giới bổn dù có đến trăm ngàn bộ thì nó chỉ là giới hạnh mà thôi, chưa đủ sức làm thầy của chúng tỳ kheo, không thể xem nó là giới luật của Phật. Chỉ có giới kinh mới là thầy của các vị tỳ kheo, mới là giới luật của Phật.
Có một bài kinh nói khi Phật còn tại thế có người Bà la môn hỏi đức Phật sau này ai là người thừa kế đức Phật lái con thuyền đạo Phật. Đức Phật trả lời người thừa kế phải có đại oai lực, đại thần lực, đại minh lực. Thầy có nhắc cho quý thầy biết đại hạnh lực là giới hạnh hay đại oai lực, còn đại thần lực là giới đức, đại minh lực là giới tuệ. Giới hạnh, giới đức, giới tuệ gọi chung là giới luật của đạo Phật, cho nên trong kinh Di Giáo đức Phật di chúc "Này các thầy tỳ kheo, khi Ta diệt độ các thầy hãy lấy giới luật của Ta làm thầy, làm chỗ nương tựa tu hành".
Nhưng trong kinh A-hàm cũng như trong kinh Nguyên thủy ở bài kinh Di Giáo này lại có nói thêm chỗ này "hãy lấy giới luật và giáo pháp của Ta làm thầy, làm chỗ nương tựa tu hành", thành ra giáo pháp và giới luật chia làm hai. Điều này không đúng đâu. Đó là người sau lấy tên giới luật chỉ cho giới bổn. Thật ra toàn bộ giáo pháp của đức Phật là giới luật chứ không có gì khác hơn.
Tuy có 37 phẩm trợ đạo nhưng 37 phẩm trợ đạo là giới hành, là những hành động để chúng ta giữ giới chứ đâu phải là pháp gì. Họ hiểu 37 phẩm trợ đạo là giáo pháp; còn những điều kê ra như pháp luật trong giới bổn là giới luật. Người sau không hiểu, vì vậy họ đem giáo pháp của Phật chia ra có giới luật, rồi có giáo pháp. Thật ra không có giới luật và giáo pháp riêng như vậy.
Lời di chúc của Phật, họ thêm vào hai chữ giáo pháp vào. Trong kinh Di Giáo Phật bảo lấy giới luật, mà trong giới luật có giới hành là 37 phẩm trợ đạo. Vì họ không hiểu như thế nên họ lấy 37 phẩm trợ đạo làm giáo pháp.
Trong giới kinh có đầy đủ pháp hành là 37 phẩm trợ đạo. 37 phẩm trợ đạo là giới hành, là giới luật của đạo Phật, chớ không phải ngoài giới luật mà có 37 phẩm trợ đạo. Vì vậy các kinh ghi lời di chúc "hãy lấy giới luật và giáo pháp của Ta làm thầy" trong đó "và giáo pháp" là thừa. Người ghi câu trên không hiểu giới luật của Phật là pháp thiện phải có đủ giới hạnh, giới đức, giới tuệ. Giới luật là pháp thiện. Giáo Pháp của đức Phật được xây dựng trên nền tảng của nhân quả cho nên nó phải toàn là thiện pháp, mà thiện pháp là giới luật.
Trong giới luật phải có giới hành. Có giới hành tức hành động tu mới gọi là giáo pháp. Trong giới bổn không có giới hành, mà không có giới hành thì không tu. Toàn bộ các giới trong giới bổn là pháp luật bắt buộc người tu phải giữ gìn, phải tuân theo mà không tu.
Giới luật của đạo Phật có giới hành. Muốn làm cho mình được thiện thì phải có sự trau dồi trong hành động tức có sự tu tập, còn trong giới bổn đâu có trau dồi cái gì, cho nên nó là pháp luật. Muốn không tham lam thì phải sống như thế nào để không tham nghĩa là mình phải trau dồi tuần tự cho không tham, do đó trở thành sống trong thiện pháp. Vì vậy giới luật của Phật không khô khan, cằn cổi như pháp luật, như giới bổn.
Giáo pháp không phải là giáo điều, mà không phải là giáo điều thì không phải là pháp luật. Pháp luật có sự bắt buộc, bắt ép, gò bó trong khuôn khổ kỷ luật. Pháp luật không có pháp hành. Trái lại giới luật của Phật có pháp hành nên khi đưa ra một điều nào làm việc lành tránh việc ác thì có giới hành rèn luyện, tu tập, trau dồi thân tâm con người cho đến khi thuần hóa điều lành đó.
Người tu học giới luật vì có giới hành nên họ thấy cuộc sống thoái mái dễ chịu, thanh thản, an lạc thật sự. Cho nên đức Phật nói "thiết thực cụ thể không có thời gian". Đến với đạo Phật thì ngay đó chúng ta đã thấy liền sự giải thoát; đến với giới luật của đạo Phật có pháp hành chứ không phải thiếu pháp hành. Đạo Phật hay là chỗ đưa con người đến cái thiện phải rèn luyện cái thiện cho con người chứ không phải nói suông hay cũng không đưa ra một giáo điều nào bắt ép ai hết.
Một người muốn vào lộ trình của người tu sĩ nhưng chưa đủ trình độ để vào thì người này vẫn đứng trong lộ trình của người cư sĩ nhưng họ vẫn có những pháp hành thiện cho lộ trình của họ để giúp cho xã hội, cho đất nước, nghĩa là họ vẫn đem lại cái tốt cho mọi người.
Nếu ai biết lấy giới luật của Phật mà tu tập thì thoái mái, an lạc, yên vui và hạnh phúc từng giới luật một, hễ tu được giới nào thì có sự an lạc của giới đó, tâm hồn họ luôn luôn hân hoan, vui tươi, chẳng biết buồn giận thương ghét ai, cũng chẳng lo lắng sợ hãi ai; dù có bất cứ điều gì không tốt xẩy ra, họ chỉ có một tình thương yêu trầm lặng, bao la khắp cùng, sống hòa chung cùng vạn vật muôn loài.
Sau khi nghe lời giảng này, quý thầy đã biết giới luật nào là thầy của quý thầy chứ không phải 6 bộ luật hiện hành của Phật giáo hiện giờ mà quý thầy đã đọc và hiểu nó. Sáu bộ luật đó không đủ oai lực, thần lực, tuệ lực thì làm sao làm thầy của quý thầy được. Chúng chỉ là một phần lượm lặt trong giới hạnh của giới kinh viết ra, lại còn thêm thắt làm lệch lạc oai nghi tế hạnh của người tu sĩ đạo Phật.
Người tu sĩ đạo Phật ngang nhiên ăn thịt chúng sanh, nuôi thân mình bằng tà mạng rồi đặt ra giới. Lấy giới để che đậy oai nghi tế hạnh của người tu sĩ đạo Phật, lấy giới để ngang nhiên chạy theo dục lạc. Các ngài thêm bớt vào giới bổn, nói Phật cho ăn thịt chúng sanh không thấy, không nghe, không nghi để ngang nhiên chạy theo dục lạc thế gian, nuôi tà mạng. Những người tu sĩ này phá hũy đạo Phật giữa ban ngày, chẳng có vị tu sĩ nào nhập định được cả, và chẳng bao giờ có được tam minh. Họ lí luận đời mạt pháp chẳng có ai chứng quả Alahán. Không nương vào ông thầy giới luật chơn chính của mình thì tu hành làm sao chứng quả được. Ông thầy giới luật không chơn chính thì làm sao thân tâm thanh tịnh, mà thân tâm không thanh tịnh thì làm sao nhập được định, làm sao có được tam minh. Pháp của đạo Phật muốn đi vào thiền định là phải li dục li bất thiện pháp.
Sau này Thầy đọc lại bài kinh để quý thầy biết li dục li bất thiện pháp có nhiều cấp độ. Có nhiều giai đoạn li dục li bất thiện pháp chứ không phải khi li dục li bất thiện pháp là chúng ta hoàn toàn sạch hết dục đâu. Đức Phật đã nói rõ các trường hợp này trong một bài kinh. Chỗ li dục li bất thiện pháp nào mà chúng ta biết khi nhập vào bào thai, hay li dục li bất thiện pháp nào thì khi nhập vào bào thai mà chúng ta không biết.
Các tu sĩ đạo Phật ngày nay không có thầy tu chứng lãnh đạo nên chẳng biết đường tu, hầu hết tu theo tưởng giải của học giả. Giới luật là giới bổn thì làm sao có giới hành mà tu được. Giới bổn chỉ là một loại pháp luật khô cằn như cây khô không nhựa. Đụng tới giới luật của giới bổn vị nào cũng le lưỡi, người nào ráng lắm thì cũng như người tu khổ hạnh của ngoại đạo, họ tu chẳng đi tới đâu, nghĩa là dù có ráng giữ gìn giới luật của giới bổn cho nghiêm chỉnh thì trởthành người tu khổ hạnh, mà là khổ hạnh của ngoại đạo, cho nên sự tu hành của họ chẳng đi tới đâu, cuối cùng bị chết ở trên sự khổ hạnh đó, chẳng ra ôn gì hết, chẳng làm chủ sanh tử được.
Như chúng ta đã thấy có một số tu sĩ bên Khất sĩ, họ chấp hành giới luật của giới bổn rất nghiêm chỉnh, họ đi khất thực với chân trần không giày dép, ở trong hang trong núi, nhưng họ không biết giới hành cho nên họ không thực hành giới luật đúng pháp, cuối cùng họ chết mòn ở trong hang trong hóc chứ không giải thoát được gì.
Đức Phật có nói khi chúng ta khổ hạnh như con bò thì sẽ thành con bò, mà khổ hạnh như con chó thì thành con chó chứ không thành ông Phật, ông Tiên được. Cho nên khi chúng ta khổ hạnh ăn rau thì nữa sẽ thành rau thành cải chứ không thành gì được. Đó là vì giới luật không có pháp hành nên không thành gì hết. Chúng ta nói ăn rau cải là sống thiện pháp rồi. Chúng ta không giết hại chúng sanh thì cuối cùng cũng thành rau cải thôi chứ thành cái gì. Đó là cái hiểu sai Phật pháp bởi vì Phật nói mình hướng tâm về hướng cái gì thì sẽ tái sanh về hướng cái đó.
Những cái tu hành sai là sự hướng tâm sai, cho nên dù có tu hành nhiều đời thì cũng sanh về cái đó, bởi mình hướng trật. Mình hướng phá giới thì làm sao mình hướng đúng giới được; còn mình hướng đúng giới thì sẽ đúng giới. Cho nên ngay từ bước đầu mình đi đúng thì lộ trình thì nó sẽ đưa đến đúng chỗ, mà bước đầu mình đi trật đường thì lộ trình đó sẽ dẫn mình đến chỗ trật, không thể nào đến đúng chỗ được.
QUY Y TAM BẢO
Tam Bảo là ba giới luật sống động đầu tiên của đạo Phật. Như quý thầy đã nghe Thầy giảng thọ quy y Phật, Pháp, Tăng là quay về nương tựa Phật, nghe lời dạy của Ngài và theo gương hạnh của các bậc thánh tăng, đệ tử của Ngài mà tu tập.
Ví như cháu bé còn nhỏ sà vào lòng mẹ của nó, nương tựa mẹ nó, tin cậy mẹ nó vì thế nó có cảm giác an toàn. Sự sinh ra của cảm giác an toàn này là từ sự bảo bọc, thương yêu của người mẹ. Nhưng trở về nương tựa Phật Pháp Tăng làở trong sự bảo bọc thương yêu vững chắc còn hơn sự bảo bọc thương yêu của người mẹ. Hành vi hướng về tin cậy đặt trọn lòng tin đáng tin cậy có sự bảo bọc an toàn nhất thì gọi là quy y, nghĩa là khi chúng ta quay về thì phải có sự tin tưởng ở nơi sự bảo bọc của cái đó.
Ở đời chúng ta cũng từng thấy con cái có sự tin cậy ở cha mẹ, học sinh tin cậy ở thầy cô giáo, công nhân tin cậy ở ban giám đốc, có người tin cậy ở vận mạng, chánh khách tin cậy ở mưu lược,... những lòng tin đó không được gọi là quy y vì sự nương tựa này không có bảo đảm vững chắc. Ví như bị tai nạn nước lớn, người ta có thể trèo lên một ngọn cây, nóc nhà hay chạy lên gò nhỏ nhưng có thể sóng nước to, gió lớn làm cây ngã, nhà sập, nước ngập gò vì thế nương tựa vào những cái đó không vững chắc nên không thể được gọi là quy y.
Nhưng khi quy y ba ngôi Tam Bảo thì không bị sự bất an đó. Tuy vậy có người vẫn hiểu lầm nên họ thường nói "tôi nhờ Tam Bảo gia hộ" khi họ làm được cái gì, hay thoát được nạn gì, không ngờ chính nhờ mình làm thiện mà được cái đó. Họ đã hiểu sai nhân quả nên mở miệng nói sai nhân quả, do vì vậy họ làm lệch lạc thiện pháp của đạo Phật. Trong hoàn cảnh nước ngập gió lớn, nếu có ngọn núi cao, người khôn có thể lên núi cao đó, trừ những kẻ ngu si. Cũng vậy, người khôn sẽ quy y Tam Bảo, mới thoát nạn khổ sanh già bệnh. Nương vào Tam Bảo, nương vào ba giới thiện mới vững chắc.
Người nào nhận thức được thế gian là vô thường, các pháp đều vô thường, đều do nhân duyên đối đải với nhau mà thành, mà khổ, họ mới quy y Tam Bảo. Người ấy nhận thức rõ ràng rằng nương tựa vào cha mẹ, vào thầy cô giáo, ban giám đốc, vận mạng, mưu lược,....chỉ được an ổn tạm thời. Cha mẹ không đau bệnh thay; tri thức của thầy cô giáo không đáp ứng đủ trong xã hội; vận mạng không đúng với nhân quả; ban giám đốc, trưởng cơ quan thay đổi nhiệm sở,... Có tôn giáo xây dựng cõi trời, người cõi trời có thọ mạng lâu hơn nhưng khi hết phước hữu lậu ở cõi trời đó vẫn bị chết, vẫn bị sanh vào cõi người ở thế gian này. Vì vậy trong góc độ Phật giáo, quy y Tam Bảo là quy y ba giới đầu tiên, đưa chúng ta đến chỗ chấm dứt sanh tử luân hồi. Từ ba giới này sẽ sanh ra nhiều giới khác để chúng ta biết mà trau dồi.
Trong những kinh mà các tổ luận cho ba giới gốc là không tham, không sân, không si. Không phải như thế, vì ba giới gốc đó đâu sanh ra các giới khác được, chỉ có Phật Pháp Tăng mới sinh ra các giới khác. Đức Phật chế giới chứ tham sân si làm sao chế giới, tham sân si chỉ là 3 độc. Cho nên các cư sĩ chưa thọ tam quy mà vẫn thọ Bồ tát giới được. Bồ tát giới là do các tổ đặt ra cho nên mới không cần thọ tam quy. Có Phật Pháp Tăng mới có giới, chứ không có Phật Pháp Tăng làm sao có giới được. Vì vậy các tổ cấm các cư sĩ học giới luật cũng như học kinh sách của tiểu thừa.
Chỉ Phật giáo mới dùng chữ quy y, nghĩa là Phật giáo là chỗ nương tựa vững chắc, bảo bọc an toàn giải thoát mọi nổi đau khổ của kiếp người. Tổng thể giới luật của Phật giáo không ngoài ba ngôi Tam Bảo. Trên thực tế, khuynh hướng của quy y là bắt đầu phải quy y Tam Bảo.
Trong đạo Phật có bảy loại chúng theo giới luật mà ra: tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di, sa di ni, thức xoa ma ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ. Người thọ ngũ giới thì không thể nào tu tập nhiều bằng người thọ sa di 10 giới được, hay bằng vị tỳ kheo thọ 250 giới được. Những tỳ kheo hay sa di đi về phía giải thoát xa hơn người thọ ngũ giới.
Trên thực tế, khuynh hướng quy y là phải bắt đầu từ quy y Tam Bảo ở ngoài thân, nghĩa là hình thức, cách thức tổ chức lễ quy y như bông hoa hương đèn dùng trong lễ quy y. Ngày xưa khi các vị ngoại đạo hay cư sĩ đến nghe đức Phật thuyết pháp xong, có vị muốn làm đệ tử Phật thì quỳ xin đức Phật cho quy y, họ nói "Xin tôn giả Gotama chấp nhận cho con làm ưu bà tắc hay ưu bà di". Lời nói đó là quy y, tức là quỳ trước đức Phật và gọi đức Phật là "Tôn giả Gotama" nhưng không gọi đức Phật là Phật, nhưng chính đức Phật là Phật, Pháp, Tăng, vì đức Phật là "Nhất thể Tam Bảo".
"Nhất thể Tam Bảo" có nghĩa sa môn Gotama là hình sắc của Phật, lời của sa môn Gotama nói là Pháp, hành động sống không tranh luận của sa môn Gotama là Tăng. Một mình sa môn Gotama có đủ ba ngôi Tam Bảo, đứng trước sa môn Gotama mà có đủ 3 ngôi Tam Bảo cho nên xin quy y Phật Pháp Tăng chứ không xin quy y tôn giả sa môn Gotama.
Trong lễ quy y mà có 3 lời thề là không đúng cách quy y của đạo Phật vì đạo Phật không bắt buộc ai thề. Thấy đạo Phật đúng, thấy đạo Phật đoạn dứt được đau khổ cho cuộc đời mình và mình tin tưởng theo đạo Phật thì mình nói lên lời tam quy, nói theo tâm của mình sẽ thực hiện những cái đem lại giải thoát cho mình, là đủ, là đúng. Mấy ông thầy sau này không hiểu lí giải thoát của đạo Phật, lí giới luật của đạo Phật, lí diệu pháp của đạo Phật cho nên mới bày thêm 3 lời thề trong lễ quy y. Ngày xưa người ta đến quy y không thề như vậy mà chỉ nói lên tam quy thôi.
Từ hôm nay chúng ta quay về Tam Bảo lức là quay về thiện pháp. Chỉ có thiện pháp của Phật mới là chỗ an toàn bảo bọc vững chắc cho chúng ta.
TAM BẢO LÀ GÌ?
Tại sao gọi Phật, Pháp, Tăng là bảo? Đây là điều rất quan trọng: một người muốn tin Phật, trước tiên cần p