TÌM KIẾM

Giáo Án Tu Phật: GIỚI THIỆU GIỚI BỔN PATIMOKKHA

18/04/2020Admin

I.- GIỚI THIỆU GIỚI BỔN PATIMOKKHA

Chúng ta tiếp tục học giới bổn Patimokkha để thông suốt oai nghi tế hạnh của người tu sĩ vì trong 25 giới hạnh chỉ nói đơn giản thôi chứ chưa nói đến hành động hằng ngày của chúng ta. Trong giới bổn Patimokkha có nói đầy đủ hành động hằng ngày của chúng ta để chúng ta khỏi lầm lạc có vậy mới thực hiện các giới hạnh đó để oai nghi tế hạnh của người tu sĩ được trọn vẹn đầy đủ. Hành động của người tu sĩ phải như thế nào để cho mọi người thấy được đức hạnh của người tu sĩ. Phải học nhiều giới hạnh mới thâm nhập oai nghi tế hạnh của người tu sĩ. Chúng ta tiếp tục học 25 giới hạnh và chúng ta học giới luật Patimokkha; Patimokkha mới có thể đầy đủ, cho nên giới luật Patimokkha có nhiều, do đó có lời giới thiệu rất dài về Patimokkham để bổ túc thêm phần giáo án về giới luật đạo Phật cho rõ nét.

Ở đây Thầy nhấn mạnh giáo pháp của đức Phật dạy người không có tranh luận với một ai ở đời vì thế mà ác tưởng sẽ không ám ảnh, do thế mà người ấy sống không bị triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá, đoạn diệt không có tham ái đối với hữu và phi hữu.

Học xong giới bổn Patimokkha, quý thầy sẽ thấy vô số những sai lạc của người khác, nghĩa là khi học xong giới bổn thì chúng ta nhìn giới tu sĩ cũng như giới cư sĩ của Phật hiện giờ tuy mang danh từ là đệ tử của Phật nhưng họ dường như là đệ tử của ngoại đạo. Vì vậy trước khi học giới bổn Patimokkha thì quý thầy phải chuẩn bị tinh thần cho vững vàng vì chúng ta thấy chúng ta là ma quái chứ không phải đệ tử của Phật. Một người thông suốt giới luật rồi thì người đó thấy tu sĩ và cư sĩ hiện giờ chỉ là những người phá đạo, phá pháp Phật pháp.

Cho nên chúng ta không nên nói ra, không nên chống báng ai mà vì vậy ở đây Phật nói khi chúng ta học xong rồi thì không có tâm tham ái đối với hữu và phi hữu, nghĩa là chúng ta đừng thấy tâm của chúng ta rồi sanh ra bỉ thử trong đó để sanh ra tranh luận mà sanh ra những cái không hay cho đời tu hành của chúng ta. Vậy diệt trừ những ác tưởng của chúng ta, nghĩa là tưởng của chúng ta khởi ra những ác chướng đối với những người đó làm cho chúng ta có những ám ảnh không tốt đối với Phật pháp, cũng như đối với bản thân của những người đó. Họ sống như thế nào thì họ sẽ lãnh nhân quả của nó, chúng ta phải "câm miệng lại", không nói ra một lời nào hết mặc dù chúng ta biết giới luật rất rõ ràng. Chúng ta không động chạm một ai, không nói ai sai ai đúng, mà chỉ giữ mình thực hiện đúng với lời Phật dạy. Mình hãy tự cứu mình, không thể cứu ai được trong lúc này.

Chừng nào cứu mình được mới cứu người được, nghĩa là khi mình đã ra khỏi con đường thế tục thì mới mong mình cứu người còn đang ở trong thế tục. Chứ khi mình còn đang ở trong thế tục thì không thể cứu người trong thế tục, đôi khi mình bị chết chung với họ trong thế tục. Cho nên những hạnh Bồ tát sống trong thế tục để độ người thế tục coi chừng Bồ tát cũng chết luôn với người thế tục mà không độ ai được hết.

"Giáo pháp của ta ví như một cái bánh mật", Đức Phật ví giáo pháp của Ngài như một cái bánh mật ngọt chứ không phải cái bánh cay đắng đâu, thế mà người ta thấy cay đắng với giới luật, người ta coi cuộc sống 3 y 1 bát là cay đắng, đi khất thực không ai cho gì trong nhiều ngày phải ăn lá cây rừng để sống là cay đắng. Vậy bánh mật ở chỗ nào? Giới luật Patimokkha không phải là bánh mật cho đến khi chúng ta thực hiện được. Nhưng nếu chúng ta thực hiện không đúng thì nó là bải chông gai, những chỗ chúng ta không thể sống nổi.

Thầy phải cảnh giác quý thầy về những điểm này trước khi đi sâu vào giới bổn, để khi quý thầy biết chỗ nào là bánh mật, chỗ nào không phải bánh mật. Vì thế đức Phật cảnh giác chúng ta sau khi chúng ta đã học hết giới bổn mới biết chỗ nào là bánh mật, chỗ nào không phải.

Giáo pháp của ta ví như một cái bánh mật đối với người đang đói lả, vì đói và mỏi mệt cứ mỗi một miếng vị ấy nếm được là vị ngọt thuần nhứt, mỗi một miếng thì vị ấy thưởng thức thì càng lúc càng thích thú hơn, càng thấy người khỏe hơn, khinh an hơn.

Như vậy khi chúng ta tu đúng, thực hiện đúng thì mới giống người đang đói lả thấy được vị ngọt thuần nhứt của giới luật và khi chúng ta càng thực hiện giới luật thì càng cảm thấy khỏe hơn, khinh an hơn.

Ở đây không phải nói về sự khinh an của thiền định, mà chỉ muốn nói mỗi giới luật được chúng ta chấp hành nghiêm chỉnh thì cũng giống như người đói mệt lả mà ăn được bánh ngon ngọt, mỗi miếng đều mang lại sự khỏe khoắn, thích thú, thấy nguồn sống của cơ thể dồi dào thêm. Còn nếu chúng ta áp dụng, thực hiện sai thì thấy ngán quá, ớn quá.

Vậy muốn cho giới luật Patimokkha đạt được vị ngọt như bánh mật thì phải làm sao? - Phải đặt niệm trước mặt đừng cho thất niệm. Niệm nào? Niệm khắc khổ của giới luật rồi dùng pháp hướng để tu tập. Cứ mỗi phần suy tư đến ý nghĩa của pháp môn càng lúc càng thâm sâu thì lậu hoặc càng vơi đi. Mỗi lần quán xét thấm lí vô thường của các pháp, của thực phẩm, vị ấy thưởng thức sự hoan hỉ hân hoan nơi tâm hồn; cứ mỗi lần quán xét đúng lí vô lậu thì vị ấy được thưởng thức thoái mái, tâm trí an lạc vô cùng.

Khi chúng ta học được cái gì rồi thì phải chuẩn bị cho mình tư tưởng thật vững chắc thì mới dám làm, bằng không thì e sợ, không dám làm. Cho nên trước khi lên Hòn Sơn, Thầy đã chuẩn bị tinh thần ở một mình trên đó trong mọi hoàn cảnh, phải xem như mình đã chết mới sống như vậy được. Vậy cho nên khi học qua giới bổn thì phải coi thân của chúng ta như chỉ mành treo chuông thì chúng ta mới đạt được. Và Thầy còn trang bị cho quý thầy cái niệm để đặt trước mặt để quán xét. Như vậy quý thầy biết là Thầy đã chuẩn bị cho quý thầy rốt ráo hết mọi mặt, tu được hay không là do quý thầy chứ không phải do Thầy nữa.

Ở kinh Trung bộ có bài kinh Khu Rừng, đức Phật khuyên chúng ta hãy chọn chỗ tu cho đúng, nghĩa là chỗ nào nên ở tu, chỗ nào không nên ở tu, chứ không phải nghe Thầy giảng rồi về chỗ nào cũng ngồi tu, thì không đúng. Đây là bài kinh đức Phật khuyên cho những người đã học xong những con đường tu tập của đạo Phật nên chọn. Thay vì bài kinh này dành cho sau khi giáo án này được dạy xong nhưng vì có trường hợp đã xãy ra khiến tâm của quý thầy bị giao động nên Thầy phải nói trước để quý thầy chuẩn bị tinh thần.

Lời đức Phật nói như vầy:

"Này các thầy tỳ kheo, tỳ kheo sống tại một khu rừng nào để tu tập mà các niệm chưa được an trú lại không được an trú, tâm tư chưa được định tỉnh lại không được định tỉnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống người xuất gia cần phải sắm đủ như y phục, đồ ăn khất thực, sàn tọa, bát, y dược trị bịnh, những vật dụng này kiếm được khó khăn (nghĩa là chỗ đó tu hành tâm không được an ổn, không diệt trừ được các lậu hoặc mà đồ ăn khất thực, y áo sàng tọa kiếm khó khăn.),đức Phật khuyên: “Này các thầy tỳ kheo, các thầy cần suy nghĩ: Ta sống tại khu rừng này đời sống khó khăn quá và sự tu hành không có kết quả, ta phải từ bỏ không được ở lại ngay lúc ban ngày cũng như ban đêm, phải đi liền không để mất thời gian vô ích (nghĩa là bất kỳ chỗ nào mình đang ở như tại chùa, khu rừng, am thất... sau một vài ngày tâm không được an, các lậu hoặc không được đoạn trừ, các vật dụng cho tu sĩ khó khăn kiếm được thì phải rời đi, không nên ở lại dù đêm hay ngày).

"Này các thầy tỳ kheo, tỳ kheo sống tại một khu rừng nào để tu tập nếu các niệm chưa được an trú lại không được an trú, tâm tư chưa được định tỉnh không được định tỉnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà người xuất gia cần phải có được đầy đủ như y phục, đồ ăn khất thực, sàn tọa, bát, y dược trị bịnh, những vật dụng này kiếm được một cách rất dễ dàng. Vị tỳ kheo đó cần suy nghĩ không phải vì y phục, không phải vì đồ ăn khất thực, không phải vì sàn tọa, bát, không phải vì y dược trị bịnh, mà ta xuất gia từ bỏ gia đình sống không nhà cửa, nhưng trong khi ta ở tại đây mà các niệm an trú chưa được an trú, các triền phược chưa được chấm dứt không được chấm dứt, vô thượng an ổn chưa được chứng đạt không được chứng đạt. Này các tỳ kheo, các thầy hãy từ bỏ nơi này, không được ở lại". (nghĩa là ở nơi đó có đủ các vật dụng cho người xuất gia nhưng cứ vài bữa bị động không tu được thì phải từ bỏ nơi đó. Hiện giờ chùa nào ăn uống đầy đủ, chùa to lớn, phòng ốc tiện nghi hiện đại thì quý thầy tập trung lại ở đông đảo. Những nơi đó đức Phật khuyên chúng ta không nên ở, các lậu hoặc trói buộc tâm nhiều, như vậy đức Phật đã biết nơi nào tu được, nơi nào không tu được).

"Này các tỳ kheo, tỳ kheo sống tại một khu rừng nào để tu tập nếu các niệm chưa được an trú được an trú, tâm tư chưa được định tỉnh được định tỉnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà người xuất gia cần phải có được đầy đủ như y phục, đồ ăn khất thực, sàn tọa, bát, y dược trị bịnh, những vật dụng này kiếm được rất khó khăn (nghĩa là ở nơi đó tu hành tâm mình được như vậy mà các vật dụng cần thiết cho đời sống kiếm được rất khó khăn). Này các tỳ kheo, các thầy cần phải suy nghĩ như sau: Những vật dụng này kiếm được một cách rất khó khăn, nhưng không phải vì y phục, không phải vì món ăn, không phải vì sàn tọa, y bát, không phải y dược trị bịnh mà ta xuất gia từ bỏ gia đình sống không nhà cửa, nhưng trong khi ta ở tại đây mà các niệm an trú chưa được an trú được an trú, các triền phược chưa được chấm dứt được chấm dứt, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, này các tỳ kheo, các thầy nên ở lại nơi này, không được bỏ đi".

"Này các tỳ kheo, tỳ kheo sống tại một khu rừng nào để tu tập nếu các niệm chưa được an trú được an trú, tâm tư chưa được định tỉnh được định tỉnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà người xuất gia cần phải có được đầy đủ như y phục, đồ ăn khất thực, sàn tọa, bát, y dược trị bịnh, những vật dụng này kiếm được không khó khăn.  Này các thầy tỳ kheo, các thầy  cần suy nghĩ như sau: đây là chỗ lý tưởng tu hành, phải ở lại cho đến trọn đời, không được rời bỏ.”

Thầy nhắc thêm phần này nữa: Đặc tướng rất quan trong khi tu tập vì vậy khi chúng ta tu một mình, chúng ta không đủ kinh nghiệm để xét đặc tướng của chính mình cho nên có một vị thầy có kinh nghiệm theo dõi đặc tướng và giúp mình tu tập thì rất dễ.

Thầy nói tiếp bài kinh này trong phần nói về người thầy. Khi đã chọn được chỗ ở rồi thì chúng ta phải chọn vị thầy, người đó phải có những kinh nghiệm của bản thân trong tu tập và người đó cũng có kinh nghiệm xét được đặc tướng của mọi con người mà tùy theo đó giúp cho người đệ tử đạt đến cứu cánh giải thoát theo đường lối của đạo Phật bởi vì đức Phật đã nhận thấy con người có những đặc tướng riêng cho nên không thể gom chung vào một pháp tu tập. Tuy rằng pháp thì chung nhưng phần thực hành phải tùy theo đặc tướng của từng người, vì vậy mà Phật nói thiện xảo và khéo tác ý nghĩa là phải tùy theo từng người chứ không phải ai cũng theo một câu tác ý, vì câu tác ý có hiệu quả với người này mà không có hiệu quả với người khác. Cũng như tên đó gọi cho tâm của người này thì có hiệu quả mà gọi cho tâm của người kia thì không hiệu quả. Vì sự sai khác này mà không thể câu tác ý, câu trạch pháp đặt thành một công thức cố định, mà phải thay đổi ngắn dài.

"Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống gần một người nào. (nghĩa là khi tới chỗ nào để tu tập là phải tìm ở đó có vị thầy cho mình theo vị đó tu tập chứ không phải mình muốn tu theo mình.) Tỷ-kheo sống gần người ấy, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưađược chứng đạt được chứng đạt không được chứng đạt. Nhưng những vật dụng này cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, y dược trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy tư như sau: "Ta sống gần người này. Khi ta sống gần người này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt. Nhưng những vật dụng này cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, y dược trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn. Nhưng không phải vì y phục mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không phải vì đồ ăn khất thực mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không phải vì sàng tọa mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không phải vì dược phẩm trị bệnh mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và khi ta sống gần người này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt". Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, chỉ với ước tính này, cần phải bỏ người ấy mà đi, không có xin phép, không có theo sát".

"Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống gần một người nào. Tỷ-kheo sống gần người ấy, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm không định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị người bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy tư như sau: "Ta sống gần người này. Khi ta sống gần người này, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, và vô thượng an ổn, khỏi ách phược chưa được thành đạt được thành đạt. Và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một vị xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn". Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải trọn đời theo sát người này, không được bỏ đi".

"Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống gần một người nào. Tỷ-kheo sống gần người ấy, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm không định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị người bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách dễ dàng. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy tư như sau: "Ta sống gần người này. Khi ta sống gần người này, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, và vô thượng an ổn, khỏi ách phược chưa được thành đạt được thành đạt. Và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một vị xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách dễ dàng". Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải trọn đời theo sát người này, không được bỏ đi, dầu cho có bị xua đuổi."

Trong bài kinh này đức Phật dạy chúng ta thứ nhất là tìm nơi và thứ hai là phải tìm bậc thầy xứng đáng. Khi đã có nơi và vị thầy xứng đáng rồi thì không được rời dù có bị xua đuổi thì con đường giải thoát của chúng ta mới có thể đạt thành đến nơi đến chốn.

Đến đây Thầy nhắc lại vài mẫu chuyện gương hạnh cho chúng ta noi theo, giúp cho phần tu tập của chúng ta.

1.- Ngài Ràdhalà một Bà la môn lớn tuổi ngài không làm hết bổn phận của mình đối với một Bà la môn nên không được các Bà la môn khác chấp nhận. Ngài đi đến đức Thế Tôn và nói lên những ước muốn của ngài. Bậc đạo sư nhận xét thấy ngài có những điều kiện căn bản nên bảo ông Sariputta chấp nhận cho ngài xuất gia và dạy cho ngài khôn khéo tự huấn luyện tâm của mình, chế ngự các dục của mình khi nó sanh khởi. Hiểu được lời dạy của Phật, ông dùng thiền quán định vô lậu, chánh niệm tỉnh giác và định sáng suốt. Nhờ thế mà ông khéo huấn luyện tâm, chế ngự các dục; không bao lâu ông chứng quả A la hán. Sau đó ngài làm bài kệ nói lên kinh nghiệm tu hành của mình. Như vậy ngài không tu định niệm hơi thở mà vẫn thành tựu.

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa dễ thấm ướt vào
Cũng vậy tâm vụng tu
Tham ái được xâm nhập

Hằng ngày chúng ta hằng sống phải làm sao như mái nhà khéo lợp, chứ vụng lợp thì mưa xuống thì bị dột; lậu hoặc cũng vậy, tâm không khéo tu tập thì sẽ bị tham ái thấm vào. Như ngồi tu mà để tâm nhớ nhà, nghĩ ngợi lung tung thì cũng như mái nhà vụng lợp. Mái nhà lợp kỹ là ba định tu liên tục không có kẽ hở thì làm sao tham ái xen vào.

Như mái nhà khéo lợp
Mưa không thể thấm vào
Cũng vậy tâm khéo tu
Tham ái không xâm nhập

Tham ái không xâm nhập một thời gian hai ba năm thì thành tựu giải thoát. Chúng ta tu làm sao cho không có kẽ hở giữa các pháp một thời gian, đó là cách khéo huấn luyện tâm. Nếu chúng ta để có kẽ hở là giống như nhà vụng lợp thì làm sao chứng đạo quả được.

2.- Bên ni cũng có 500 vị Patàcàrà (Liên Hoa)cho chúng ta gương tu tập. Có 500 cô gái lấy chồng có con, sống lo việc bếp nước trong gia đình, chúng đều chịu sự đau khổ khi con của chúng bị chết, rồi chúng đến tỳ kheo ni Patàcàrà(Liên Hoa Sắc),đãnh lễ và kể nổi đau khổ của mình. Bà tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc khuyên lơn an ủi làm cho 500 cô Liên Hoa vơi hết sự đau khổ bằng bài kệ sau cũng là pháp hướng để các cô này dùng bài pháp này tu tập:

Người không biết con đường (là con đường nhân quả)
Nó đến hay nó đi
Từ đâu con ta đến
Người lại khóc con tôi
(con của mình là ai, từ đâu nó đến, sao lại khóc con mà không biết nó là ai. Đâu biết được đường đi nhân quả của nó)

Người đâu biết con đường
Nó đến hay nó đi
Người khóc nó làm gì
Pháp hữu tình là vậy

Nó đến hay đi là các pháp hữu tình, do duyên nợ nhân quả, nó vay nợ nó đến đòi mà bây giờ lại khóc nó là khóc làm sao. Tại vì mình mê muội nên giành nó là của mình nên thấy nó chết mình khóc, còn nếu mình đừng giành, nó là của ai khác, thì nó đến hay đi thì kệ nó. Giả như có người lạ vào nhà mình rồi họ đi ra thì mình đâu thương tiếc gì mà khóc. Họ là người lạ tới nhà mình rồi đi chứ đâu làm gì, thì can dự gì mà khóc mà buồn. Thấy như vậy là thấy nẽo của nhân quả luân hồi, bằng không thấy nhân quả như vậy mới khóc.

Không có ai yêu cầu
Từ chỗ kia nó đến.
Không có ai cho phép
Từ chỗ nọ, nó đi.

(nghĩa là mình đâu cho phép nó chết, tức đi. Nó muốn chết, muốn đi thì tự nó chứ có ai cho phép nó. Chưa hiểu nhân quả thì đau khổ lắm, cho nên ông Ananda nghe Phật chết thì khóc lóc thảm thiết là vì ông Ananda chưa hiểu nhân quả, mặc dù thông kinh sách.)

Từ chỗ này nó đi
Từ đâu nó đi đến
Được sống bấy nhiêu ngày(được sống bao nhiêu ngày thì hay bấy nhiêu) 
Từ chỗ này nó đến
Từ chỗ kia nó đi
Nó đến một con đường
Nó đi một con đường 
(nhưng con đường đến và con đương đi chỉ là con đường nhân quả).
Mạng chung hình sắc người
Luân hồi nó sẽ đi
Đến vậy đi như kia
Ở đây sắc thân diệt.

(Bà Liên Hoa Sắc đã từng khóc hai đứa con chết, khóc cha mẹ chết, khóc em trai chết trong cùng một ngày, sau khi theo đạo Phật mới thấu rõ được lí nhân quả cho nên bà mới viết bài kệ thấm thía vì người đang sống trong cảnh đau khổ đó mới hiểu đượcc nhân quả, người tu chứng được thấy rõ nhân quả còn khi chưa chứng được thì bị mờ mịt trong sự đau khổ. Sau khi nghe xong bài kệ, 500 Liên Hoa Sắc cảm thấy tâm hồn giao động liền xuất gia dưới sự lãnh đạo của bà Liên Hoa Sắc tỳ kheo ni. Sau khi xuất gia, 500 nàng với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ nơi bà Liên Hoa Sắc tỳ kheo ni, các nàng triển khai thiền quán tùy pháp, hướng pháp chẳng bao lâu chứng quả A la hán).

Pháp tín thọ sau khi nghe bài kệ của bà Liên Hoa Sắc, các cô thấy rõ đường đi nhân quả cho nên các cô tin sâu, không còn lờ mờ cho nên các cô cắt hết mọi trói buộc nhân quả. Nghĩa tín thọ làm cho các cô rất tin tưởng trong thâm tâm cho nên cắt hết mọi tình cảm. Pháp tín thọ, nghĩa tín thọ là cắt đức hết mọi dây mơ rể má trong lộ trình thứ nhất của người cư sĩ. Làm được như các cô này mới là pháp tín thọ nghĩa tín thọ. Các cô nghe bài kệ của bà tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc thì tin tưởng hoàn toàn, thể hiện pháp tín thọ nghĩa tín thọ bằng sự dẹp hết, đoạn dứt hết các ràng buộc thế gian và thực hiện thiền quán nên chứng quả A la hán nhanh chóng. Sau khi chứng quả, các nàng làm kệ:

Tuy tên khó thấy được (các cô nói nhân quả là mũi tên khó thấy)
Từ tim ta nhỗ lên
Ta diệt sầu vì con
Sầu ấy ám ảnh ta
Nay cây tên được nhỗ,
Không ham muốn tịch tịnh
Không thương ghét một ai
Ta quy y ẩn sĩ
Phật pháp và chúng tăng

Mũi tên chỉ cho lộ trình thứ nhất, không nhỗ mũi tên này thì không tu hành trong lộ trình thứ hai. Cho nên bài kệ quá thấm thía cho cuộc đời tu hành của chúng ta.

Sắp tới đây, Thầy sẽ giảng về quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo là quy y ba giới đầu tiên, chứ không phải 250 giới hay 358 giới, hay 5 giới, 10 giới. Từ ba giới gốc này chúng ta mới phăng ra các giới khác. Quy y Tam Bảo là nương theo ba giới hạnh để tu hành, ba giới hạnh này là Phật hạnh, Pháp hạnh và Tăng hạnh. Nếu không có những gương hạnh này thì lấy ai làm gương cho mình tu.

Giới luật là một bộ môn đạo đức của người tu sĩ đạo Phật. Vì thế trong quá trình phát triển từ lúc sơ khởi đến bây giờ cho chúng ta nhận xét giá trị sứ mạng của nó về tinh thần cũng như về mỗi hành động đạo đức chơn thật mà người tu sĩ không thể thiếu được.

Nhờ nhìn vào giới luật chung, chúng ta có thể xác định được triển vọng tương lai của Phật giáo ở ngày mai. Nếu bộ môn giới luật này không được các vị tu sĩ thực hiện thì Phật giáo ở ngày mai đen tối.

Pháp luật của một quốc gia đối với người dân tuân giữ pháp luật vốn chẳng có tác dụng. Vì muốn bảo vệ an toàn và lợi ích cho những người dân tuân giữ pháp luật nên cần phải có pháp luật. Pháp luật cần phải được thiết lập vì trật tự an ninh của xã hội và cuộc sống của con người. Ví dụ một người dân tuân giữ pháp luật thì pháp luật không có tác dụng, nhưng do những người dân không giữ được pháp luật, làm mất trật tự an ninh, cho nên pháp luật mới ra đời để ngăn chặn và trừng trị những người phạm pháp luật, đem lại an ninh cho những người tuân giữ pháp luật.

Trong đạo Phật, đức Phật chế định giới luật không phải là bắt buộc các đệ tử của mình, mà chế định giới luật để đưa các đệ tử của mình đến chỗ giải thoát. Chính vì con đường giải thoát của các cư sĩ và tu sĩ, mà cũng là phương thuốc ngăn ngừa hư đốn của tăng đoàn cho nên giới luật ra đời để ngăn ngừa những người hư đốn này phạm phải sai lầm.

Quý thầy có hiểu như vậy mới thấy giới bổn không phải khô cằn cổi, không phải bắt buộc ai phải tuân giữ giới luật. Giới luật của đức Phật là con đường giải thoát, không làm khổ ai hết, không trói buộc ai cả. Tu sĩ nếu không có giới luật làm tiêu chuẩn pháp tắc cho sự sinh hoạt tu tập hằng ngày để liễu sanh thoát tử thì không dễ dàng đâu. Nghĩa là nếu không có giới luật thì đi tìm liễu sanh thoát tử không có dễ dàng.

Tăng đoàn mà không có giới luật làm cương lĩnh thống nhất giáo hóa thì tiền đồ của Phật giáo không những tan rả mà tu sĩ Phật giào sống trong đen tối, chẳng biết đường lối tu tập. Chính vì thế mà khi đức Phật sắp nhập niết bàn, Ngài di chúc lại lời dạy cuối cùng "Các thầy tỳ kheo hãy lấy giới luật ta mà làm thầy".

Giới luật của đức Phật từ ngày đặt ra đến nay không bị thay đổi, cho nên ngài Kassapa khi kết tập giới luật, không cho bỏ giới nào cũng không cho thêm vào giới nào. Khi ngài Kassapa tuyên bố như vậy thì Thầy nghĩ đó là giới gốc cây, chứ không phải giới của Phật. Giới luật của Phật linh động, khéo léo mà cũng không thêm không bớt điều nào hết, bởi vì đức Phật đã di chúc cho chúng ta hẳn hòi: "Các thầy tỳ kheo hãy lấy giới luật ta mà làm thầy" thì giới luật đâu có thể thêm bớt gì được. Nếu bớt thì đức Phật đã bớt trong khi Ngài còn sống. Về sau các tổ thấy giới luật gò bó quá mới bớt ra để sống theo dục lạc cho dễ thở.

Phàm quy định một sự câu thúc nào khiến cho người ta đạt đến cảnh giới cao nhất, cho có yên vui thích thú hơn. Song chưa chắc sự hướng thượng nào cũng giúp cho mọi người tiến bước một cách dễ dàng. Hẳn nhiên là có một cảnh giới tốt đẹp đang chờ đợi mọi người, nhưng trước khi đến đó, ta phải trả một giá có khi rất đắt là sự gian nan cay đắng. Hãy xem người trượt tuyết từ trên cao trượt xuống thấp mau chóng dễ dàng tuy có khi mất mạng ngay tại chỗ có cái nguy hiểm. Còn hướng lên cao tuy có được cảnh giới an vui, xinh đẹp, hạnh phúc nhưng trước tiên phải chịu gian nan, thử thách.

Vì thế, hướng thượng ai cũng ước ao mong muốn nhưng mấy ai đạt được mục đích. Quý thầy thấy giới luật của Phật giúp ta hướng thượng nhưng khi hướng thượng thì chúng ta phải vượt qua các gian nan thử thách của nó, chứ đổ dốc theo dục lạc của đời thì có gì khó. Còn khi chúng ta đi ngược trở lên thì mới thấy cái khó khăn của nó, do đó chúng ta cần có giới luật của Phật mới đi lên được. Chúng ta thấy rõ người tu sĩ Phật giáo hiện giờ đang trượt xuống chứ không phải đi lên, cho nên chúng ta muốn đi lên thì phải khép chặt mình trong giới luật, giới bổn của Phật. Nhưng có người hướng thượng họ chịu khó gian nan vất vả khi đi lên được, người ta thấy được hạnh phúc thật sự trong giới luật của Phật.

Sau ngày Phật diệt độ, trong chúng tỳ kheo có vị tỳ kheo tên Bạt Nan Đà cảm thấy vô cùng thích thú khi hay tin Phật diệt độ, ông ấy nói với mọi người "Lão già ấy chết đi là tốt. Lúc còn sống chế điều này phải làm. điều kia không nên làm. Nhất là hay nói về ăn, về ngủ, về độc cư, sống trong trầm lặng. Sống theo lão thật là buồn chán, chẳng có gì là thích thú của người tu hành. Lão ấy chết rồi, chúng ta được tự do". Như vậy đủ thấy ngay trong thời đức Phật một số tỳ kheo không thích thú gì với giới luật của Phật, không thích thú gì với lối sống tu theo đạo Phật. Lời nói của Bạt Nan Đà truyền tới tai tôn giả Kassapa, Ngài cảm thấy rất đau buồn cho Phật, cho đạo Phật ngày mai. Nếu quả như vậy thì tinh thần và công đức cứu thế của Phật giáo kết thúc theo sự nhập diệt của đức Phật sao.

Chúng ta nhìn Phật giáo hiện giờ theo đà xuống dốc. Tuy Phật giáo còn nhưng chỉ hình thức thôi, về nội dung tinh thần giải thoát của đạo Phật thì không còn có nữa. Tuy lời của ngài Kassapa ngày xưa là một nghi vấn, nhưng nay là sự thật trong thời đại chúng ta, của những người bất hạnh không được gặp đức Phật hiện tiền. Chúng ta không gặp Phật mà chỉ gặp Pháp của Phật, gặp giới luật của Phật.Nhưngtrong đà đi xuống của đạo Phật làm chúng ta mất lối không biết đâu để đi lên hướng thượng, để chúng ta tìm thấy sự giải thoát chân thật, để thoát ra cảnh khổ của cuộc đời mà mỗi con người đều đau khổ như nhau, không khác.

Nhớ lại lời dạy sau cùng của đức Phật "Này các thầy tỳ kheo, sau khi ta diệt độ, các thầy hãy nên tôn trọng và cung kính giới bổn Patimokkha như là một vị thầy của các ông. Giới luật là ánh sánh giúp cho các ông đi trong đêm tối. Giới luật là tài sản, của báu mà các ông là những người nghèo khổ được nó. Giới luật còn là đạo ta còn, giới luật mất là đạo ta mất, các ông hãy cố gắng giữ gìn". Nương lời di chúc "giới luật còn là đạo Phật còn, giới luật mất là đạo Phật mất" tôn giả Kassapa triệu tập các vị đại đệ tử đương thời của đức Phật kết tập luật tạng. Các vị này đều về đủ mặt trong đám tang, đó là dịp may, khỏi phải đi tìm các vị này vì các vị đại đệ tử của Phật thường du hóa ở phương xa. Các ngài đều thấy rõ mạng mạch đạo Phật còn là do còn kinh tạng và giới luật, cho nên các ngài tập trung lại để kết tập đúng theo lời di chúc của đức Phật "giới luật là thầy của các vị tỳ kheo sau này. Nếu không kết tập thì lấy cái gì làm thầy.

Nếu đức Phật chỉ định vị nào làm thầy thì khỏi kết tập, đằng này đức Phật chỉ định giới luật làm thầy cho nên các vị phải tập trung nhau để kết tập luật thành khuôn vàng thước ngọc, thành văn bản rõ ràng để các vị tỳ kheo về sau nương theo đó mà tu tập giải thoát. Cho nên chúng ta đánh giá cao sự tối cần thiết của việc kết tập này đúng với di chúc của đức Phật trước khi ngài thị tịch không bao lâu. Đó là lần kết tập kinh luật thứ nhất tại hang Thất Liệp sau khi đức Phật nhập diệt, với sự tham gia của 500 vị Alahán, ngay sau khi tôn giả Ananda tụng xong kinh tạng, kế tôn giả Upali tụng luật tạng.  Đại chúng tham dự buổi kết tập này ấn chứng và thông qua, không thêm bớt điều nào, do thế tạng kinh và tạng luật đầu tiên được tuyên bố là hoàn thành.

Theo một giả thuyết, người ta cho sự kết tập kinh luật này của thời ấy không ghi chép lại thống nhất bằng văn bản, mà chỉ do miệng tụng tâm ghi nhớ thôi. Nhưng theo ý của Thầy "không hiểu đơn giản như vậy. Khi kết tập là có viết thành văn tự, không chỉ đọc suông để ghi nhớ; vả lại lúc bấy giờ kết tập kinh luật là một điều quan trọng của Phật giáo, không thể các ngài sơ sót như vậy được, các ngài là những bậc thánh tăng, đại đệ tử của đức Phật, làm việc này với thánh trí để duy trì kinh luật của Phật giáo, cho nên sau khi Phật nhập diệt trong khi chúng tăng còn đông đủ, lợi dụng sự có mặt của các bậc thánh tăng, ngài Kassapa mời chư tăng ở lại kết tập đều là những vị thượng thủ của Phật giáo đương thời, chứ không như ý kiến của Thánh Nhiên(người viết bộ luật về sau) phỏng đoán rằng lần kết tập đầu tiên này có một số tỳ kheo trưởng lão không nhận lời mời tham gia kết tập kinh luật của trưởng lão Kassapa và kinh luật không được viết thành văn bản. Đó là điều phỏng đoán sai, kiến giải sai.  Phải chi trong thời đó không có chữ viết thì thôi, đằng này có chữ viết dùng viết ba bộ kinh vệ đà thì có lí nào các vị thánh tăng lại không biết chữ.