TÌM KIẾM

Lời Cảm Nghĩ Của Tu Sinh Lớp Chánh Kiến

13/04/2020Admin

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 8, NXB.TG 2013, tr.331-348)

Kính bạch Thầy – Vị Minh Sư của chúng con.

Kính thưa đại chúng!

Ðã trải qua hơn 25 thế kỷ dài đằng đẳng, hôm nay lớp đào tạo bậc A La Hán đã thành hình. Là một tu sinh của lớp, con kính ghi đôi dòng cảm nghĩ.

Theo con được biết, trước cái nhìn thấu suốt của vị Minh Sư - Trưởng lão Thích Thông Lạc - sau khi đắc đạo có đủ Tam Minh, Người dùng Thiên nhãn minh hướng về cuộc đời tu hành của đức Phật Thích Ca Mâu Ni để đối chiếu với sự chứng nghiệm của Người, thì thấy kết quả tu chứng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni và của Người không sai khác:

-   Ðức Phật đã tu và giữ gìn đúng giới luật, thì Người cũng tu và giữ gìn đúng giới luật.

-   Ðức Phật đã tu chứng đạt bốn thiền, làm chủ sự sống chết, thì Người cũng tu chứng đạt bốn thiền, làm chủ sự sống chết.

-   Ðức Phật có Tam Minh, thì Người cũng có Tam Minh.

Sau khi chứng đạt chân lí, Người nhìn thấy chúng sanh sống không có đạo đức nhân bản – nhân quả nên thường làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Vì thế, Người bỏ ý định ra đi tự tại vào năm 1980. Người dẹp sạch cái nhà sàn làm nơi chất củi đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đi ấy (Ðây là lời của anh Trưởng Công An ấp Gia Lâm kể lại cho con nghe).

Qua 25 năm nương vào làn sóng giáo pháp của Phật giáo Ðại Thừa để dìu dắt “CHÚNG SANH NAN ÐỘ” này, Người luôn là ngọn hải đăng soi sáng về gương hạnh đạo đức và giới luật, Người luôn thẳng thắn chỉ dạy cặn kẻ chỗ tu sai lạc vào thiền tưởng, thiền ức chế tâm. Khi ấy, Người nói rất mạnh như tình một người mẹ quá thương con, thấy những đứa con mình sắp lao xe xuống hố thẳm tưởng giải, sắp ngã nhào xuống vực sâu của ngũ ấm ma, Người mẹ ấy thét lên: “Hãy dừng lại! Dừng lại các con ơi!”. Thế rồi một sự thật quá phủ phàng, bao khổ đau, bao gian nan đã giày xéo lên tấm thân gầy guộc của Người. Và còn tệ hơn nữa là bao lời sỉ nhục, mạt sát, mạ lị của những người đại diện cho giáo pháp phát triển. Chẳng khác nào như của những người đại diện cho giáo pháp của Bà La Môn đã từng sỉ nhục, mạt sát, mạ lị và còn cho người hại Phật trong thời xưa vậy. Chúng ta thử suy nghĩ một điều là, nếu đức Phật không có tuệ Tam Minh thì Phật đâu có nói: “TRONG NƯỚC CÓ TRÙNG”. Mà nếu Thầy Chơn Như không có tuệ Tam Minh thì đâu có trả lời với quý phật tử rằng: “KHÔNG CÓ NGÀY TẬN THẾ CỦA NĂM 2000” hay “KHÔNG CÓ HỘI LONG VÂN, LONG HOA GÌ HẾT – MÀ CŨNG KHÔNG CÓ PHẬT DI LẶC RA ÐỜI VÀO NĂM 2000!” (Sau ngày ra thất năm 1980 các phật tử gần xa thường về hỏi thăm Thầy về đề tài ấy). Những lời nói xác định của Phật, của Thầy rất nhẹ nhàng mà mang tính chất thực tế giá trị của thời đại rất cao được con người và khoa học đều công nhận.

Chỉ đơn cử vài câu trả lời trên, thì con thấy rằng: Ðức Phật và Thầy đã nhìn thấu suốt tâm can của tất cả chúng sanh như nhìn nét chỉ trong lòng bàn tay vậy. Và đồng thời các Ngài thấy rất rõ những người có tâm xấu muốn hại Phật, hại Thầy, muốn chống lại chánh pháp ấy như con thiêu thân bay vào lửa nhân quả. Song với lòng từ bi vô bờ bến và hạnh nguyện của các Ngài rất vĩ đại, tâm bất động của các Ngài vô cùng kiên cố. Có vậy mới xứng đáng là bậc siêu nhân, có vậy mới được mọi người mến mộ và sùng kính muôn đời. Ðặc biệt là giáo pháp của các Ngài luôn luôn ban bố một cách bình đẳng đến muôn người, không phân biệt có tôn giáo hay không tôn giáo, không phân biệt người thương kẻ ghét nào cả.

Ngày xưa đức Phật đã thiết lập nền đạo đức nhân bản - nhân quả cho loài người. Ðây là một giáo lý cốt lõi trong đạo Phật, nhưng nó đã bị lớp tư tưởng mê tín, dị đoan bao bọc, phủ dầy hơn 2500 năm nay. Do vậy con người luôn sống trong thù hận, ác trược, đầy khổ đau. Chính vì thế, minh Sư Thích Thông Lạc không quản công nhọc nhằn, không chùn bước trước khó khăn, Người xây dựng lại nền đạo đức nhân bản – nhân quả ấy hầu mang lại một hướng đi đúng để nguồn hạnh phúc của loài người trên hành tinh này không bị mai một. Từ nền tảng đạo đức ấy, con người sẽ luôn phát huy tính thiện của mình và giúp cho muôn người, muôn loài vật khác không còn khổ đau nữa. Và cũng nhờ nền tảng đạo đức nhân bản - nhân quả ấy, con người sẽ được tiến xa hơn trên pháp môn “TAM VÔ LẬU HỌC: GIỚI, ÐỊNH, TUỆ”, để từng bước luyện rèn làm chủ được bốn sự khổ: sinh, già, bệnh, chết như đức Phật và như Thầy đã làm được. Ðây là mục tiêu cứu cánh của đạo Phật và cũng là mục đích yêu cầu của lớp đào tạo A La Hán hôm nay vậy.

Ngay trong nội dung của lớp Chánh Kiến, Thầy đã khơi sáng tầm nhìn của chúng con, giúp chúng con không còn sống trong ảo tưởng, mơ hồ, trừu tượng nữa, không còn yếu đuối mê tín cầu tha lực nữa. Nếu muốn thân không bệnh đau, tâm không phiền toái, bất toại nguyện và muốn thành công trên mọi lãnh vực mà chỉ cầu xin và xem ngày giờ tốt thì dù kết quả ấy có được cũng chỉ là người giải quyết chỉ phần ngọn mà thôi, không bền vững. Bởi vì sự cầu xin và xem ngày tốt kia là chúng ta đã tránh né cái quả xấu mà ta đã tạo. Ðến một lúc nào đó nghiệm lại sẽ thấy bệnh đau vẫn đầy dẫy, phiền não lo rầu cũng không hết mà như chồng chất thêm, cả sự thất bại ê chề từ việc này đến việc khác cũng kéo theo bao khổ não suốt cuộc đời tới chết. Do thiếu đạo đức mà mọi người quen nói thiếu đức.

Qua lời dạy của Thầy chúng con được biết: Muốn có cuộc sống an vui, hạnh phúc thật sự bền lâu của thân và tâm, cả sự thành công trên mọi lãnh vực thì điều tiên quyết là nên có niềm tin sâu về nhân quả. Từ đó con người sẽ sáng suốt hơn, chủ động hơn về sự thành bại, tốt xấu đều do chính mình có khả năng làm nên tất cả. Tất nhiên là ai ai cũng muốn đạt nhiều kết quả tốt đẹp về sức khỏe, về tinh thần, về công danh thì hãy tạo nhiều nhân tốt như không làm cho người và vật bị tổn thương, bị chết chóc; không làm cho người và vật bị đau khổ; không tranh giành phá hoại người khác. Sự thành công trên đường đời hay đường đạo sẽ đạt được bền lâu là do mọi người biết tự lực giải quyết ngay “PHẦN GỐC ÐẠO ÐỨC”. Nên ông bà xưa thường nói: “CÓ ÐỨC KHÔNG SỨC MÀ ĂN” là vậy. Và phần đạo đức gốc ấy là nền đạo đức nhân bản - nhân quả của muôn người.

Sự thật nhờ có Thầy chúng con mới rõ hơn: đạo đức nhân bản - nhân quả là những đạo đức gốc, đạo đức căn bản nhất của con người. Nó có một con đường đi rõ rệt và xuất phát từ ba nơi thân, khẩu, ý của con người đồng thời nó được diễn biến như sau:

Ý gồm có ba hành động ác có gốc từ:

  1. Tham tức là lòng tham muốn,
  2. Sân tức là lòng sân hận,
  3. Si tức là tâm mê mờ không hiểu đúng thường mê tín dị đoan.

Miệng gồm có bốn hành động ác có gốc từ:

  1. Nói dối, nói lời không thật,
  2. Nói thêu dệt, nói phóng đại, nói thêm bớt,
  3. Nói lật lọng; nói trớ qua trớ lại, chối quanh co,
  4. Nói lời hung dữ; lời chửi mắng, lời hăm dọa.

Thân gồm có ba hành động ác có gốc từ:

  1. Giết hại chúng sanh, ăn thịt chúng sanh,
  2. Trộm cắp, cướp giựt của người,
  3. Dâm dục.

Nếu không có sự giảng giải của Thầy chúng con chỉ hiểu nhân quả một cách đại khái và chung chung như: “QUẢ BÁO NHÃN TIỀN”, “Ở HIỀN GẶP LÀNH” hay “GIEO GIÓ GẶT BÃO”. Hoặc có khi cũng biết rằng “NHÂN NÀO QUẢ NẤY” mà con chỉ biết một nhân cho ra một quả mà thôi. Ví dụ: Ðánh người, người đánh lại, rồi hết; hay “cười người hôm trước hôm sau người cười”. Song hôm nay, được Thầy mở rộng tầm nhìn của chúng con, hướng chánh kiến của chúng con được thấu hiểu tường tận hơn: Từ nhân quả của loài thảo mộc mà liên hệ đến nhân quả của loài người đều giống như thế. Ðiều này khiến cho chúng con có một niềm tin tuyệt đối với cái nhìn của một vị Minh Sư đạt đạo. Và với niềm tin tuyệt đối này, nhiều tu sinh nỗ lực tu tập sẽ đến nơi đến chốn và sẽ cùng Thầy nhìn rõ mồn một nhân quả của chúng sanh bằng tuệ Tam Minh như vậy.

Lạ quá! Hay quá! Thầy cung cấp cho chúng con nhiều kiến thức mới học qua lớp này. Như “MỘT NHÂN SINH RA NHIỀU QUẢ”. Nếu đối với loài thảo mộc, cây trái thì dễ nhận biết rồi. Thế mà Thầy tuyên bố: “MỘT NGƯỜI SINH RA NHIỀU NGƯỜI”. Bởi vì hành động thiện ác của con người tạo thành nhiều từ trường, phóng xuất vào không gian, kết hợp với những niềm vui hay nỗi khổ mới tạo ra những con người mới và con vật mới. Không phải con người chết đi mới tạo con người mới, con vật mới. Và cái cận tử nghiệp mới là cái nghiệp tạo con người sau cùng.

Do vậy mà người biết tu luôn luôn bằng lòng mọi quả đã tạo, đồng thời sẵn sàng tăng trưởng nhân thiện mới, cho đến toàn thiện, tâm luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự thì cận tử nghiệp lại là một trạng thái Niết Bàn – không còn tương ưng với tâm chúng sanh nên chấm dứt đường sanh tử luân hồi.

Chỉ mới đề tài nhân quả (con tóm lược) mà Thầy đã tỉ mỉ dẫn dắt cho chúng con đi từ nền tảng đạo đức gốc NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ. Luôn ý tứ, dè dặt để tăng trưởng từng niệm thiện của thân khẩu ý thì lại được trở thành một nền móng cho mọi sự thành công ở đời cũng như trong đạo. Thật là thiết thực vô cùng!

Và rồi Thầy luôn nhắc nhở: “Hãy dùng Chánh kiến để nhìn mọi sự việc, mọi đối tượng, mọi hiện tượng bằng tri kiến nhân quả để giải tỏa tâm mình” thì lại còn là một điều bổ ích hơn nữa. Nhờ vậy mà tâm luôn an vui, bằng lòng mọi quả cũ đồng thời tạo nhân tốt (tăng trưởng thiện) để có quả tốt trong tương lai.

Trong lớp học này có nhiều trình độ khác nhau về Phật học cũng như về kiến thức phổ thông. Song hầu hết ai ai cũng tiếp thu tốt những lời dạy ân cần cặn kẽ mà dễ hiểu của Thầy ban bố cho. Chỉ còn duy nhất nỗ lực thực hành thì đường về xứ Phật sẽ được thu ngắn lại, không còn mờ mịt xa xăm nữa. Nhờ Chánh Kiến mà các “TÂM VIÊN” cũng được dây xích quấn vô cổ và “Ý MÔ cũng như có được dây cương với người điều khiển kinh nghiệm. Khi người ấy vung chiếc roi “TRI KIẾN NHÂN QUẢ” lên thì lập tức tâm ý kia ngoan ngoãn bình thản hơn, bất động hơn trước các ác pháp và các cảm thọ. Ví dụ thỉnh thoảng có người rên rỉ về tâm chướng của họ, có khi sách động con, xúi dục con tham gia những điều không tốt. Nhớ lời Thầy con luôn dùng đôi mắt tri kiến nhân quả thì tâm con được giải tỏa ngay, không bị lôi cuốn, rồi con khuyên họ nên trình rõ và nhờ Thầy giải quyết cho. Thật ra, Thầy đã dạy cho phương pháp để xả tâm bằng “NHÌN MỌI SỰ QUA NHÂN QUẢ” thế mà không nỗ lực thực hành, để phá hạnh độc cư, làm động mọi người thì chùm nhân quả kia ảnh hưởng, cả lớp bị đuổi hết, mọi người khóc ròng và xin sám hối với Thầy mấy ngày liền. Ðây cũng là một sự kiện đáng ghi vào lịch sử của lớp học này.

Có vậy con mới thấy rõ hơn việc tu tập trước tiên là Thầy dạy xả tâm: PHẢI LUÔN LUÔN NHẪN NHỤC – TÙY THUẬN – BẰNG LÒNG ở mức độ cao. Và đó là hạnh độc cư vậy. Muốn trở thành Thánh Nhân thì trước tiên phải gạn cho hết, xả cho hết các tâm ganh ghét, đố kỵ, tị hiềm, chấp ta, ngã mạn... để cùng nương với nhau mà tiến tu. Những lời sám hối với Thầy hôm nay cũng là lời cam kết, lời hứa quyết tâm lo tu tập đúng, không phá hạnh độc cư nữa. Từ nay nếu tâm không xả được niệm gì thì chúng con sẽ cố gắng tùy đối tượng của tâm mà dùng tri kiến về “NHÂN QUẢ” hay về “CÁC PHÁP VÔ THƯỜNG”, thân vô thường hay thân bất tịnh, hoặc tùy đối tượng của tâm mà “QUÁN THÂN BẤT TỊNH” hay “QUÁN THỰC PHẨM BẤT TỊNH”. Luôn luôn nhớ và thực hành “THÂN LÀ VÔ NGÃ – KHÔNG PHẢI LÀ TA, KHÔNG PHẢI CỦA TA, KHÔNG PHẢI BẢN NGÃ CỦA TA” thì sẽ giải tỏa được mọi vấn đề của tâm. Ðặc biệt là áp dụng “TỨ BẤT HOẠI TỊNH”, con tác ý: “CON NGUYỆN TÂM CON NHƯ PHẬT – CON NGUYỆN TÂM CON NHƯ TÂM THẦY” thì các niệm linh tinh, tâm hẹp hòi thấp hèn kia không ngự trị được nữa, nó sẽ cút mất. Thực tế chúng con còn khóc nhiều quá tức là chưa thâm nhập “CÁC PHÁP LÀ VÔ THƯỜNG”. Mới ghi nhận lý thuyết thôi. Song dù sao Thầy cũng đã trang bị cho nhiều chiếc áo giáp lắm rồi, mỗi phương cách quán là một chiếc áo giáp để xông pha nơi trận mạc. Chúng con sẽ cố gắng phòng hộ hơn, không để bị thương tích nữa.

Một lần làm Thầy buồn là chắc chúng con sẽ bị tổn phước, tổn thọ lắm đây! Vì với tất cả tình thương bao la vô tận Thầy không quản công khó nhọc; vừa giảng dạy, vừa xem bài, vừa kiểm tra – trả lời các câu hỏi khi tu sinh trình sự tu; vừa tiếp khách và giảng pháp riêng khi cần thiết, lại vừa viết sách – in ấn – pho to, v.v… Thật con không ngờ nổi, mỗi ngày Thầy ăn (ngọ) một bữa, chỉ có vài muỗng cơm mà làm việc trên 24/24, hết ngày này sang ngày khác như vậy! Ðiều này rõ ràng là Thầy sống và làm việc bằng một lực thanh tịnh phi thường. Các anh của con lên hay nhận xét: “Ủa! Thầy đã gần 80 rồi mà tiếng nói của Thầy sao rõ ràng và khỏe quá”. Chúng con cố gắng tu tập đúng để noi gương thân giáo của Thầy như vậy.

Bên cạnh những chiếc áo giáp kia, Thầy luôn rèn luyện chúng con nhiều thao tác để chiến đấu với thân bệnh, tâm bệnh. Với những chiến thuật chiến lược rất chặt chẽ, kiên cố, Thầy căn dặn kỹ lưỡng để biết sử dụng đội hình, đội ngũ sao cho phù hợp với chiến trận ấy. Lúc nào thì tu tập “CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC - NHIẾP TÂM AN TRÚ TÂM”. Lúc nào thì tu tập “THÂN HÀNH NIỆM” mà còn phải áp dụng “ÐỊNH NIỆM HƠI THỞ”, cũng như pháp “NHƯ LÝ TÁC Ý” luôn luôn phải là đội quân tiên phong đi đầu trong các trận. Và lúc nào thì mới tu tập “TỨ NIỆM XỨ”.

Phải nói rằng chưa thấy lớp học nào phức tạp đủ mọi trình độ như lớp đào tạo tâm vô lậu này. Từ tuổi tác đến hình tướng, đặc tướng, trình độ đều rất chênh lệnh. Thế mà Thầy nhẹ nhàng, linh động rất chính xác khi áp dụng từ thời khóa đến phương pháp tu tập phù hợp cho từng người một.

Những tên giặc lợi hại như hôn trầm, thùy miên, ái kiết sử, tâm tình cảm, dục thèm ăn, v.v.. Thầy luôn luôn nhắc nhở phải cảnh giác với những đòn tâm lý chiến. Khi tâm họ chướng họ thường phá hạnh độc cư, họ đến với mọi người rỉ tai, rù rì làm cho người khác cũng bận tâm, rộn ràng mất đoàn kết. Những lúc như vậy là đã phản lại lời dạy cao quý của Thầy thì phải coi chừng bị nhân quả cuốn trôi đi! Thật là một vị Thầy bao quát lớp rất chặt chẽ, không bỏ rơi một người nào. Thầy không thu vào một lệ phí nào và cũng không màng chút danh lợi gì cả. Thầy chỉ mong sao các tu sinh làm chủ được bốn sự đau khổ sinh, già, bệnh, chết của mình. Thầy chỉ đến lớp với chiếc áo dài nâu bạc màu và một đôi dép mũ thường. Thật là một vị Thầy giản dị nhưng lại thanh thoát làm sao!

Hình ảnh này có còn mãi chăng? Nếu chúng con không cấp tốc giữ hạnh độc cư để tâm quay vô, áp dụng mọi sự tu tập cho đúng để xả tâm cho được, thì làm sao có được năm nén hương tâm kịp dâng lên bậc Thầy đáng tôn kính? Chắc hẳn là tu sinh của lớp học này ai ai cũng biết rõ năm nén hương ấy là: Giới hương - Ðịnh hương - Tuệ hương – Giải thoát hương – Tri Kiến giải thoát hương. Con hằng mong sao từng người, từng người một của lớp học đều năng nổ dâng lên Thầy những sự tu tập đúng và thật đủ chất lượng.

Con xin thay mặt tất cả các tu sinh của Tu Viện Chơn Như thành kính tri ơn Thầy, tri ơn cô Út; cùng kính gửi đến Chính quyền các cấp ở địa phương cũng như quý phật tử ở Thành phố Hồ Chí Minh lời ân cần kính chúc sức khỏe, lời trân trọng biết ơn sâu sắc và lời quyết tâm cố gắng của toàn thể tu sinh trên lĩnh vực tu tập làm chủ sự sống chết của mình.

Nhân dịp năm mới chúng con xin thành kính chúc Thầy pháp thể khinh an để dìu dắt chúng con đến bờ giải thoát. Con cũng xin thành kính chúc toàn thể tu sinh của Tu Viện một năm mới tinh tấn tu hành kết quả viên mãn. Và cuối cùng, con xin thành kính chúc Chính quyền các cấp địa phương, cô Út và quý Phật tử thân yêu một năm mới dồi dào sức khỏe và thành công tốt đẹp trên mọi lãnh vực.

Con xin kính bút.

Tu sinh Mỹ Linh

***

(CÁO LỖI CÙNG TÁC GIẢ: Trang nguyenthuychonnhu.net đã cắt bỏ đoạn viết không liên quan Trưởng Lão)