TÌM KIẾM

Phần thứ ba: Giới Tuệ Của Người Tu Sĩ

18/04/2020Admin

TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC

GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT

II.- GIAI ĐOẠN XUẤT GIA

(Tỳ khưu Từ Quang biên tập lời Trưởng Lão giảng trong mùa an cư 1997, được ghi âm trong 61 cassettes)


Phần thứ ba: GIỚI TUỆ CỦA NGƯỜI TU SĨ

Trước khi đi vào phần giới tuệ, Thầy sẽ thuật lại vài mẫu chuyện của Thánh Tăng, nếu không có những gương hạnh này thì quý thầy sẽ ko biết giới tuệ như thế nào. Quý thầy học giới luật nhưng quý thầy chưa được nghe những lời giảng do từ kinh nghiệm bản thân của Thầy tu tập, cho nên Thầy nêu lên những kinh nghiệm tu hành của các vị Thánh Tăng trong thời Đức Phật, quý thầy lấy những gương hạnh này làm gương hạnh tu tập cho quý thầy và qua các mẫu chuyện này, quý thầy biết đó là giới tuệ của các bậc Thánh Tăng. Quý thầy sẽ thấy giới tuệ không giống như giới hạnh hay giới đức nữa.

1.- Ngài Gavampati theo Phật xuất gia và chứng quả Alahán. Một hôm đức Thế tôn và một số đông tỳ kheo trên đường du hành và khi đến sông Sarabhu thì trời tối nên các vị tỳ kheo nằm nghỉ trên bờ cát sông. Đến nửa đêm nước sông dâng lên nên các thầy tỳ kheo trẻ tuổi la ồn náo, Thế tôn bảo Gavampati can thiệp. Vị Trưởng lão Gavampati dùng giới tuệ thần túc thông của mình làm theo lời Phật dạy dừng dòng nước lại từ xa khiến cho dòng nước dựng đứng lên như ngọn núi mà không tràn vào bải cát được. Hôm sau chúng tỳ kheo và Thế tôn được ngài đưa sang sông an lành. Do vậy mọi người biết ngài có thần thông siêu việt. Sau khi sang sông, mọi người không còn thấy ngài nữa. Ngài đã ẩn bóng. Do vậy, bậc đạo sư dùng kệ tán thán công đức của ngài:

Giới tuệ thần túc thông,
Dựng đứng nước Sara,
Chính Gavampati
Không ỷ lại, không động
Ẩn bóng dấu tung tích
Vượt qua mọi trói buộc
Chư thiên đều đãnh lễ
Bậc đạo sĩ mâu ni
Đã vượt qua sanh hữu

Qua câu chuyện này, quý thầy thấy như thế nào là sức thần thông của giới tuệ. Nước sông tràn như vậy mà ngài dùng thần thông giới tuệ chận dòng nước dựng cao như núi mà nước không tràn xuống được. Như vậy ý muốn của ngài như thế nào thì ngài làm được như vậy. Đó gọi là tuệ giải thoát, chứ không phải tri kiến giải thoát đâu. Chúng ta cần biết tuệ do định sanh ra không phải là tuệ tầm thường của phàm phu.

Trong kinh sách thường nói khi chúng ta niệm hương có 5 loại hương: Giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương; thì huệ hương nằm trong giới định tuệ; còn giải thoát, giải thoát tri kiến hương không phải là tuệ. Giải thoát tri kiến hương thuộc giới tuệ thứ nhất. Khi quý thầy học tới giới tuệ thứ nhất sẽ biết đó là tri kiến giải thoát. Còn tri kiến mà hiện chúng ta dùng đây không phải là tuệ mà chỉ là tri kiến phàm phu, là những kết tập các hiểu biết văn tư tu. Tri kiến mà quý thầy biết qua các bài giảng của các học giả chỉ là kiến giải của các học giả, không phải là tuệ của các bậc tu hành chứng đạo, cho nên họ (học giả) không biết tri kiến như thế nào và tri kiến giải thoát như thế nào, vì thế họ gồm các tri kiến này cho đó là trí tuệ của họ. Sự thật họ chưa hiểu tuệ của các bậc tu hành chứng đạo.

Bởi giới tuệ của đạo Phật do từ định sanh ra vô cùng tuyệt, vô cùng siêu việt chứ không phải tầm thường. Tri kiến giải thoát nằm trong 13 giới tuệ của đạo Phật, mà giới tuệ đầu tiên là tri kiến giải thoát, còn tất cả các tuệ kia đều do từ định sanh ra.

Chúng ta kết tập tích hợp lại các sự hiểu biết trong các kinh điển kim cỗ, các hiểu biết của các bậc thánh hiền rồi lấy đó làm tri kiến của mình thì cái đó chỉ là tri kiến chứ không thể gọi là trí tuệ trong đạo Phật, mà cũng không được gọi là tri kiến giải thoát.

Vị trưởng lão Gavampati này đạt được giới tuệ thần túc thông, ở đây ngài dùng giới tuệ thần túc thông:

Giới tuệ thần túc thông,
Dựng đứng Sarabhu
Chính Gavampati

Chính ngài Gavampati dừng nước dòng sông Sarabhu, không cho nước sông tràn vào bờ để chúng tỳ kheo ngủ yên ổn đến sáng mai lên đường đi. Khi làm được việc đó ngài không ỷ lại, không ngã mạn, ngài không thấy ngài hơn ai hết, tâm ngài bình thường như mọi ngày. Khi chúng tỳ kheo đi rồi thì ngài ẩn bóng, dấu tung tích, chẳng ai thấy lại ngài.

Vượt qua mọi trói buộc

Trói buộc có nghĩa các sự khen tặng của các tỳ kheo trong Tăng Đoàn

Chư thiên đều đãnh lễ

Chư thiên thấy sự ẩn bóng và hành động của ngài Gavampati mà tâm không có ngã, không ỷ lại cho nên chư thiên ở trong các cõi trời đều đến đãnh lễ ngài

Bậc đạo sĩ mâu ni

Những người như vậy được gọi là Bậc đạo sĩ mâu ni

Đã vượt qua sanh hữu

Tức là không còn dính mắc các sự khen chê này kia.

Qua bài kệ này chúng ta thấy giới tuệ thần túc thông của họ như vậy không thể tưởng tượng được. Khi chúng ta tu hành tới giới tuệ thì chúng ta cũng như vậy nghĩa là ý chúng ta muốn như thế nào thì đạt được như vậy, chứ không phải như khi chúng ta còn phàm phu mà muốn ăn, muốn ngủ... lúc đó chúng ta sẽ muốn cho tất cả thế gian được hưởng hạnh phúc, muốn sao cho mọi người đều thực hiện thiện pháp để đem lại quả lành cho mọi người được an lành trong cuộc sống. Đó là cáiý muốn của những bậc có giới tuệ. Còn khi chưa có giới tuệ thì họ chỉ muốn danh, muốn lợi của thế gian.

2.- Ngài Uttara sanh ra tại thành Ràjagaha. Ngài thông minh và thông suốt 3 bộ kinh Vệ đà. Ngài có danh tiếng tốt, có đức hạnh và dung sắc đẹp đẽ. Ngài được một vị tộc trưởng ở thành Magadha muốn gả con gái cho, nhưng ngài từ chối và xuất gia với ngài Sàriputta. Ngài thường làm bổn phận của một sa di hầu thầy. Một hôm tôn giả Sàriputta bị bịnh, ngài Uttara ôm bình bát ra bờ hồ lấy nước cho ngài Sàriputta, khi lấy nước xong, ngài để bình bát trên bờ rồi lội xuống hồ để tắm. Cùng lúc ấy có một tên trộm bị lính đuổi chạy ra khỏi thành; khi tên trộm chạy ngang qua chỗ ngài đang để bình bát trên bờ hồ liền ném của báu đã ăn cắp vào bình bát. Khi lính đuổi theo tên trộm, thấy trong bình bát của ngài có của báu ăn cắp nên bắt ngài về giao cho tộc trưởng Vassakàra, là người muốn gả con gái cho ngài. Ngài bị hành hạ cực hình, chết đi sống lại. Thế tôn, bậc đạo sư, liền hiện đến,cho ngài biết đây là do nghiệp quả đời trước của ngài, ngài cần phải chấp nhận và nhờ sức mạnh tư duy về khổ thọ tu tập định vô lậu thì mới thoát khỏi nghiệp khổ này. Bậc đạo sư nói xong đặt tay nhẹ lên đầu ngài rồi biến mất, nhờ thế mà tâm tưngài phấn khởi, trong lúc ngài bị trói vào cột rất to. Sau đó ngài lấy đề mục khổ thọ để thực hiện thiền định vô lậu, nhờ vậy ngài đoạn tận các lậu hoặc và uế nhiễm, chứng sáu thắng trí quả Alahán. Lúc bấy giờ ngài đang bị cột trói vào cột rất to. Khi chứng quả xong, ngài dùng giới tuệ thần túc thông vươn mình lên khỏi trụ cột, ngài đứng trên hư không và hiện thần thông. Vì lòng từ mẫn đối với kẻ khác, ngài không làm hại một ai. Mọi vết thương trên thân ngài do sự tra tấn quá tàn ác đều được lành hẳn trước sự ngạc nhiên của mọi người. Có người hỏi ngài trong cảnh đau khổ ấy làm sao ngài còn bình tỉnh mà tu tập được. Ngài trả lời tôi nhờ bậc đạo sư nhắc nhở và an ủi, khi tôi thấy rõ sự đau khổ là nhân quả kiếp trước của tôi và tánh nhân duyên sanh của sự vật và sự nguy hiểm của sự đau khổ trước kia nhiều hơn hiện tại, vì thế tôi không còn dao động, tôi phát triển thiền quán vô lậu và chứng được kết quả. Sau khi chứng quả tôi có làm bài kệ.

Ở đây quý thầy thấy rõ khi được Phật nhắc thì ông thấy rõ nhân quả kiếp trước là ông đã tạo cho người khác khổ gấp mấy lần hơn cái khổ trong hiện tại của ông. Nhờ thấu rõ nhân quả như vậy nên tâm ông không còn giao động và ông phát triển thiền quán và cuối cùng chứng quả. Chúng ta rút kinh nghiệm của ngài qua bài kệ để chúng ta tu tập:

Không có gì có mặt
Lại thường còn mãi mãi
Không có ác hành gì
Lại thường hằng thường trú
Các uẩn được khởi lên

Đó là pháp hướng đề mục của ông mà ông đã đặt thành một niệm tu định vô lậu.

Đến đời khác diệt vong
Biết được nguy hiểm này
Tôi chấm dứt sanh hữu
Từ bỏ tất cả dục
Tôi chứng lậu hoặc tận

Khi quán vô thường đặt niệm thọ khổ ông quán thấy lúc có đau lúc không đau, cho nên ông thấy

Không có gì có mặt

nghĩa là trong thế gian này không có gì có mặt hết

Lại thường còn mãi mãi

nghĩa là vật này có thì nó không kéo dài được trường tồn, cũng như bây giờ chúng ta có chưa chắc nó kéo dài mãi mãi được, sẽ bị hoại diệt đi. Đó là sức quán của ông thấy nó vô thường như vậy.

Không có các hành gì

nghĩa là các hành động

Lại thường hằng thường trú

không có hành động nào thường hoài, không có pháp nào trên thế gian này thường trú được, nó luôn luôn thay đổi và hoại diệt, tức là ông thấy các pháp vô thường.

Các uẩn được sanh khởi

5 uẩn sanh khởi thì thành cái thân, nó không sanh khởi hay nó hoại diệt thì đâu có thân.

Đến đời khác diệt vong

Hiện giờ hợp nhau sanh khởi thì có mình, đến đời khác thì nó mất đi, cho nên đến đời khác thì diệt vong, đâu còn nữa.

Biết được nguy hiểm này

nghĩa là thấy sự sanh khởi, sự vô thường, sự vô ngã của nó, sự thọ khổ của nó như vậy thì biết nó là sự nguy hiểm.

Tôi chấm dứt sanh hữu

Sanh hữu là những trói buộc như nhà cửa, của cải tài sản, anh em cha mẹ... tất cả vật nhỏ vật lớn gọi là sanh hữu. Ông thấy như vậy bèn buông hết, không còn trong trí, buông sạch chỉ còn 3 y một bát. Từ lâu đi theo làm sa di hầu ông Sariputta, nhưng ông vẫn còn sanh hữu cho nên lúc này quán sanh hữu như vậy ông mới dứt sạch.

Từ bỏ tất cả dục

Tất cả lòng ham muốn ông đều bỏ xuống hết. Dứt bỏ sanh hữu tức là dứt bỏ dục bởi vì không có vật nào nữa thì làm sao có dục, cho nên ông không còn ham muốn gì nữa:

Tôi chứng lậu hoặc tận

nghĩa là lậu hoặc được quét sạch cho nên ông thành tựu. Từ đó ông thực hiện tam minh tức là giới đức trí tuệ. Từ chỗ chứng đạt ngài thực hiện thần thông giới tuệ vô lậu, biến ra một con người đứng giữa hư không mặc dù ngay trước đó ông đang bị cột trói, làm mọi người quá sợ hãi không còn ai dám hành hạ ông nữa, nhưng ông không trả thù ai hết.

Chúng ta thấy những cái đó là những giới tuệ, mà chỉ khi có thiền định mới có giới tuệ, không có thiền định thì không có giới tuệ. Có thiền định là sao? Chúng ta bảo các hành phải ngưng. Các hành trong thân ngưng tức là thân định, mà tâm chúng ta diệt tầm tứ là tâm định rồi, lúc bấy giờ tâm định trên thân và thân định trên tâm. Cho nên Phật nói khi thân đã định trên tâm và tâm định trên thân thì chúng ta câu hữu dục như ý túc, chúng ta muốn như thế nào thì sẽ thực hiện như vậy.

Khi chúng ta bảo hơi thở ngưng mà nó ngưng được thì chúng ta phải biết lực tinh thần của chúng ta trong pháp hướng mạnh đến mức độ nào để ra lịnh cho hơi thở ngưng thì nó mới ngưng. Còn chúng ta có ý ngưng thở thì đó không phải là lực tinh thần mà đó là chúng ta dùng cơ để nín thở, nên chắc chắn không đạt được kết quả; chúng ta phải dùng pháp hướng mới đúng cách. Cho nên Thầy thường nhắc quý thầy người tu chỉ dùng pháp hướng để tu định vô lậu quét sạch lậu hoặc, mà khi lậu hoặc sạch thì pháp hướng đó trở thành hiệu quả để điều khiển các hành trong thân ngưng hoạt động, chứ không phải chúng ta vận dụng tập thở chậm. Chúng ta có vận dụng cho hơi thở chậm thật nhưng không quá sức của nó vì quá sức thì bị rối loạn cơ thể làm chúng ta bị bịnh. Còn lực tinh thần của chúng ta điều khiển thì rất vi tế. Nó ra lịnh cho hơi thở chậm nhẹ lần lần mà không bị rối loạn cơ thể chúng ta, cho đến khi hơi thở ngưng mà chúng ta không chết. Con đường tu tập theo đạo Phật như vậy mới đúng cách cho nên chúng ta cần làm sao li dục li bất thiện pháp mà thôi. Khi li dục li bất thiện pháp được rồi thì sự điều khiển các hành này theo ý muốn không khó khăn. Bởi trong thời gian li dục li bất thiện pháp, chúng ta phải tu tập định vô lậu và chánh niệm tỉnh thức định cho sức tỉnh của chúng ta rất cao độ để trí chúng ta phóng ra một tri kiến làm cho sự quán xét tất cả lậu hoặc đều bị quét ra được. Chúng ta quét các lậu hoặc cho ra khỏi tâm mà khi tâm không còn lậu hoặc thì tâm chúng ta tịnh rồi.

Pháp hướng dùng quét các lậu hoặc trở thành lực của tinh thần, gọi là định lực. Trong đạo Phật có ngũ lực (tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, huệ lực),nếu chúng ta tu tập đúng thì có 5 lực này. Khi chúng ta tu định vô lậu thì đã có niệm lực, mà niệm lực đó là lực tinh thần của chúng ta, đó là pháp hướng. Khi chúng ta ra lịnh cho các hành trong thân ngưng thì sức làm các hành ngưng được là định lực. Khi điều động thân định rồi thì chúng ta dùng huệ lực để thấy đây là khổ thật; đây là nguyên nhân của khổ; đây là con đường diệt khổ; đây là sự hết khổ hay cảnh giới niết bàn. Tức chứng được lí của khổ tập diệt đạo. Khi chúng ta hiểu Tứ Diệu Đế thì đó là chúng ta ngộ chứ chưa chứng lí Tứ Diệu Đế, chỉ khi nào lậu tận minh hiện ra tức là trí tuệ của giới tuệ hiện ra thì lúc đó chúng ta mới chứng được cái lí của khổ tập diệt đạo rõ ràng.

Trên bước đường tu tập, quý thầy phải thấy sự tu tập của quý thầy như thế nào đúng, như thế nào sai. Qua bài giảng này của Thầy thì quý thầy tự biết từ lâu nay quý thầy tu đúng hay sai. Quý thầy tu định vô lậu và chánh niệm tỉnh thức cho đến khi li được dục và li được ác pháp rồi, thì quý thầy lấy những câu pháp hướng mà quý thầy đã từng tập luyện có hiệu quả đó, bây giờ quý thầy chỉ trạch pháp thay đổi câu đó như thế nào cho hợp ý muốn của quý thầy. Như muốn nhập Nhị Thiền thì quý thầy ra lịnh "Tầm tứ phải tịnh chỉ, phải ngưng, không được hoạt động nữa" quý thầy chỉ ra lịnh bằng pháp hướng như thế vài lần là tầm tứ diệt liền, chứ không phải ức chế nó. Như chúng ta muốn li 18 loại tưởng thì chúng ta chỉ cần ra lịnh "18 loại tưởng phải ra khỏi tâm ta" tức là li hỉ trú xả, sau đó 18 loại tưởng ra khỏi tâm chúng ta liền tức khắc, từ đó ta nhập vào Tam Thiền, đâu còn ma chướng nữa.

Nhưng khi chúng ta chưa có hiệu quả của pháp hướng tâm, tức lực tinh thần chưa có mà chúng ta thực hiện thì không bao giờ đạt kết quả. Chúng ta phải có lực tinh thần, tức là niệm lực. Niệm lực là do câu pháp hướng trở thành cái niệm. Nếu không có câu pháp hướng thì không sao có niệm lực; chẳng hạn như bây giờ chúng ta bảo tầm tứ phải diệt mà không có tên tầm tứ trong câu pháp hướng thì không tạo ra cái niệm. Một đoạn văn, một câu văn nào đó là cái niệm, mà cái niệm đó để chúng ta ra lịnh cho đối tượng của hành động đó phải làm, phải ngưng, mà nó làm được, nó ngưng đượcthì gọi nó là niệm lực.

Niệm lực là Tứ Niệm Xứ, mà Tứ Niệm Xứ là thân thọ tâm pháp ở trong thân của chúng ta chứ đâu phải ngoài thân, cho nên chúng ta ra lịnh để làm chủ trong thân của chúng ta.

Chừng nào học tới Tứ Niệm Xứ Thầy sẽ giảng rất rõ cho quý thầy biết để sử dụng Tứ Niệm Xứ. Nếu chưa tu Tứ Niệm Xứ mà vội tu bốn thiền thì chỉ hoài công; bởi niệm rồi mới tới định, chứ lẻ nào định (bốn thiền) đi trước niệm (Tứ Niệm Xứ) được, cũng như chưa có định thì làm sao có trí tuệ Tam Minh, làm sao có trí tuệ thần thông được. Cho nên chúng ta phải tu tập tuần tự từng bước trên con đường tu của đạo Phật để chúng ta không bị lạc lối.

3.- Bây giờ Thầy nói tới ngài Gangàtiriya, ngài cất chòi lá ở bên bờ sông và theo Phật tu, chọn đời sống khổ hạnh, người ta gọi tên ngài là Gangàtiriya. Gangàtiriya có nghĩa là người sống ở trên bờ sông Hằng. Ngài nguyện không nói với một ai một lời nói nào, đi khất thực ai cho gì thì ngài nhận chứ không nói. Ngài giữ được nguyện đó trong suốt năm đầu, sang năm thứ hai có một nữ nhân trong làng thường mang thực phẩm đến cúng dường cho ngài, cô thử để biết ngài thật câm không. Thay vì đổ sữa vừa đầy bát thôi, cô lại đổ cho sữa đầy tràn ra ngoài, buộc lòng ngài phải nói: "Thôi vừa rồi, bà chị". Đến năm thứ ba thì ngài chứng quả Alahán, ngài có làm bài kệ tán thán hạnh cũ của mình. Quý thầy thấy hạnh độc cư của ngài thật kiên cố.

Trên bờ sông Hằng Hà
Dùng ba lá thốt nốt
Ta dựng lên cho ta
Một chòi lá nho nhỏ
Bát ta là cái ghè
Dùng cúng sữa người chết
Còn y áo của ta
Lượm chắp từ đống rác
Suốt hai năm sống vậy
Ta chỉ nói một chữ
Trong khoảng năm thứ ba
Khối si ám tan tành

Qua bài kệ này chúng ta thấy trong thời Đức Phật có những bậc thật là vĩ đại. Chúng ta quy y Tăng là phải theo gương các vị tăng này.

Thầy cũng đưa thêm gương của vài vị Ni trong thời Đức Phật, vì trong chúng của chúng ta cũng có một số nữ.

4.- Bà Sìha được cha mẹ cho xuất gia tu hành theo Phật. Bà tu thiền quán nhưng không thế chận đứng tâm tư chạy theo ngoại vật. Bảy năm bị dày vò, không làm sao thoát khỏi nếp sống tích nhiễm, (tích nhiễm là thương ghét, tham muốn...) Bà tự bảo hãy chết là tốt. Bà cột dây thòng lọng trên nhánh cây, trong giờ phút cuối cùng, bà triển khai thiền quán. Bà được trí tuệ viên mãn, nội tâm thiền quán được tràn đầy. Mở thòng lọng, bà trở về tịnh xá với tri kiến phấn khởi nói lên bài kệ:

Không như lí tác ý

Bà sơ suất chỗ không như lí tác ý nên

Bị dục tham ám ảnh

lòng ham muốn này kia ám ảnh hoài mà không dứt được, do bà không như lí tác ý tức bà không dùng pháp hướng. Cho nên hằng ngày khi tâm chúng ta khởi muốn cái gì thì chúng ta dùng pháp hướng đánh bạt nó liền. Đó là chúng ta dùng như lý tác ý.

Ta trước bị giao động
Không chế ngự được tâm
Bị phiền não chi phối
Lạc tưởng ngự trị ta
Tâm ta không thăng bằng
Bị tham tâm chi phối
Bảy năm sống ốm yếu
Da vàng, dung sắc xấu
Đêm ngày không an lạc
Ta sống chịu khổ đau
Do vậy, ta lấy dây
Đi vào giữa khu rừng
Tốt hơn ta treo cổ
Còn hơn sống hạ liệt  

nghĩa là bà thấy tâm còn thương ghét giận hờn là hạ liệt, đâu phải là cuộc sống cao thượng, biết như vậy mà bà li không được do bà không dùng pháp hướng. Cho nên khi chứng rồi, bà mới thấy chính phải như lí tác ý, chứ không như lí tác ý thì không dẹp tâm hạ liệt được. Cứ tác ý ám thị như vậy thì tâm vô lậu sẽ đến chứ có gì khác hơn.

Làm chắc dây thòng lọng
Ta cột ở cành cây
Quàng thòng lọng quanh cổ
Tâm ta liền giải thoát

Bài kệ đã ghi lại trong kinh rõ ràng như vầy mà không được ai khai triển cho chúng ta học pháp tu hành. Còn bây giờ nhờ kinh nghiệm tu tập qua pháp hướng, Thầy biết pháp tác ý là pháp ám thị, do đó Thầy khai triển pháp của Thầy đã tu ra, thì nó hoàn toàn đúng với pháp Phật đã dạy cho các bậc Thánh Tăng ngày xưa. Các bậc Thánh đã đạt kết quả là do pháp hướng.

5.- Bây giờ Thầy nhắc lại gương của bà Patàcàrà (Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc). Khi bà đến với Đức Phật với tâm trạng đau buồn vì hai đã con chết, chồng cũng chết, cha mẹ và người em trai cũng chết, nghĩa làđồng thời chỉ trong một ngày cả gia đình của bà chết tan nát, riêng mình bà còn sống. Đức Thế Tôn dùng kệ khuyên bà:

Nước bốn biển ít hơn
Nước mắt của loài người
Khóc than vì đau khổ
Vậy sao nàng hủy hoại
Sanh mạng của chính mình,
Trong khóc than sầu khổ!

nghĩa là bà đang ở trong cảnh đau khổ, hai đứa con chết, chồng chết, cha mẹ và em trai đều chết thì làm sao ba không khổ, vì vậy Đức Phật trách bà sao quá ngu si khóc than như vậy là tự giết mình. Nghe kệ xong, bà nguôi được cơn đau buồn, bậc đạo sư dạy tiếp:

Các con, cha, bà con
Không phải chỗ nương tựa
Khi thân hoại mạng chung
Bà con huyết thống ngươi
Không thể che chở ngươi
Thấy được sự thật này
Kẻ trí sống giới đức
Và mau chóng thành tựu
Con đường hướng Niết bàn

Đức đạo sư lại dạy tiếp:

Người sống một trăm năm
Không thấy pháp sanh diệt
Tốt hơn sống một ngày
Thấy được pháp sanh diệt 

Nghĩa là Ngài an ủi và khuyên cho bà bớt buồn được rồi, bà hiểu được rồi, thì Ngài bảo lấy giới mà sống, khi đã sống với giới đức được rồi thì người đó phải dùng định vô lậu quán xét sự vô thường, sự sanh diệt của các pháp nên Đức Phật dạy 4 câu kệ cuối trên.

Tuy biết thân này vô thường sanh diệt liên tục, mà chúng ta không sợ hãi, không lắng tu hành, coi như là dù sống 100 tuổi mà không biết pháp sanh diệt, như vậy chúng ta chưa phải là người biết pháp sanh diệt vì chúng ta chưa dám bỏ của cải, chưa dám li gia đình, hôm nay là của mình nhưng ngày mai là của người khác, thế mà chấp là của mình ôm giữ nó hoài, nó đâu phải là pháp thường còn. Cho nên có ông Trang Tử đánh trống vổ bụng ca hôm nay là vợ của mình nhưng khi mình chết thì vợ của người khác. Tài sản hôm nay mình làm ra chưa chắc mình tiêu xài nó mà còn chuốt hại vào thân, cho nên Đức Phật dạy:

Tốt hơn sống một ngày
Thấy được pháp sanh diệt

Khi một người hiểu được Phật pháp rồi thì rất sợ pháp sanh diệt. Các pháp sanh diệt là tất cả các pháp chung quanh chúng ta, cho nên chúng ta phải ra khỏi cho mau vì còn một phút giây nào là đau khổ, cho nên bỏ thân là giải thoát hết đau khổ vì thân là pháp sanh diệt. Khi nghe kệ của Đức Phật xong, bà đặt các pháp vô thường thành pháp hướng và quán pháp hướng đó tu tập định vô lậu, chứng quả Alahán. Quý thầy thấy khi nghe Phật cho mấy câu kệ sau cùng thì bà biết đó là pháp hướng của bà, còn chúng ta nghe, chúng ta chưa biết là pháp hướng đâu, nhưng Thầy giải thích ra thì quý thầy mới biết quả thật đó là pháp hướng, cho nên hằng ngày bà tu định vô lậu quét sạch tâm của bà, nên chứng quả Alahán. Sau khi chứng quả, bà có làm bài kệ nói lên chỗ tu tập của mình:

Với cày, cày ruộng đất,
Gieo hột giống trên đất,
Loài Người được tài sản,
Nuôi dưỡng vợ và con. 
Sao ta, giới đầy đủ
Làm theo Ðạo Sư dạy,
Lại không chứng Niết-bàn,
Không nhác, không dao động.
Khi ta đang rửa chân,
Làm cho dòng nước chảy,
Thấy được nước rửa chân
Từ cao chảy xuống thấp,
Nhờ vậy, tâm được định,
Như ngựa hiền khéo luyện. 

Khi để bà không buồn khổ, Đức Phật khuyên bà nên thấy các pháp thế gian không phải là chỗ nương tựa, như cha mẹ anh em... nhưng bà tu hoài theo lời Phật dạy mà sao bàkhông thấy giải thoát. Bởi giới luật Phật đã dạy sao thì bà giữ giới luật như vậy, bà đã giữ giới luật nghiêm túc như lời Phật dạy, giới nào bà cũng giữ nghiêm chỉnh nhưng sao không thấy chứng niết bàn. Nhưng một hôm rửa chân xong bà đổ nước ra khỏi chậu, thấy được nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp, bà nghĩ dòng nước sẽ chảy hoài tức là vô thường, là pháp sanh diệt, do đó bà ngộ nghĩa của bài kệ trên, nên đặt thành câu thiền quán vô lậu để quét sạch các lậu hoặc. Khi nghe Đức Phật nói nhưng bà chưa hiểu, chưa thấu đạt lí vô thường, mãi đến khi thấy dòng nước chảy bà mới hiểu dòng nước là pháp pháp sanh diệt. Khi ngộ được thì tâm bà được định tỉnh từ đó bà tiếp tục tu thêm:

Rồi ta cầm cây đèn,
Bước vào ngôi tịnh xá,
Nằm trên chiếc giường nhỏ,
Ta nhìn quán ngọn đèn.
Rồi lấy cây kim nhỏ,
Dìm tim đèn xuống dần,
Thấy cây đèn Niết-bàn,
Tâm ta được giải thoát.

Ngọn đèn đang cháy, bà lấy cây kim dìm tim đèn xuống dần trong dầu cho đến khi ngọn đèn tắt thì bà thấy ngay đó là dòng sanh diệt đã hết.

Quý thầy thấy người ta tu hành quán xét từng chút để thấy tâm của họ thay đổi trong sự quán. Người ta rất vi tế trong sự tu tập. Đó là gương hạnh vi tế trong khi tu tập định vô lậu. Nếu chúng ta đặt một câu rồi quán thông thường thì không ăn thua gì đâu. Cho nên khi còn ở trên Hòn Sơn, Thầy ngồi quan sát sanh hoạt của loài chúng sanh làm cho tâm Thầy khởi lên lòng thương yêu chúng sanh sâu sắc. Còn quý thầy không ngồi quan sát sanh hoạt của loài chúng sanh thì làm sao khởi lên lòng thương yêu chúng sanh được. Nêu muốn quan sát vô lậu thì phải quan sát những sự kiện thay đổi. Sự thay đổi làm chúng ta hiểu sâu các pháp, nhờ vậy chúng ta chứng cái lí vô thường. Nếu quý thầy chỉ lập lại những gì ghi chép thì làm sao chứng lí vô thường. Cho nên Thầy thấy bà Patàcàrà thật là hay, trong hành động bình thường mà phá vở lậu hoặc. Khi Thầy giảng bài kệ này cho quý thầy thì quý thầy cũng chỉ nhai bả mía thôi, nghĩa là quý thầy vẫn còn lậu hoặc nhớ nhà cửa anh em cha mẹ.

Đến đây chúng ta đã học được những gương hạnh của các bậc thánh tăng và thánh ni trong thời Đức Phật.

Để bổ túc phần giới hạnh và giới đức, quý thầy hãy lắng nghe kỹ phần này để biết mà trau dồi thân tâm đầy đủ giới hạnh và giới đức giúp cho quý thầy không còn vi phạm lổi lầm nhỏ nhặt nữa, để tâm trọn vẹn lìa xa lòng ham muốn và các ác pháp thế gian, để tâm sống thanh thản trong cảnh giới an lạc mà các bậc thánh đang thọ hưởng, đang sống thầm lặng trong cảnh giới của giới hạnh và giới đức đã viên mãn đó.

Bây giờ quý thầy hãy lắng nghe những câu hỏi và các câu trả lời để truy tìm cái gốc tội lổi, ngỏ hầu dùng giới hạnh và giới đức diệt trừ gốc khổ của loài người. Mặc dù trong kinh có nói lòng tham muốn do tâm dục là gốc khổ, nhưng chúng ta cần truy tìm sâu xa hơn để biết những chi tiết rất nhỏ, nếu không, chúng ta kh&