TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC
GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT
GIAI ĐOẠN II: ĐẠO LỘ XUẤT GIA
Phần thứ nhất: GIỚI HẠNH CỦA NGƯỜI TU SĨ
Trước khi bước vào đạo lộ thứ hai và bài học Giới luật thì Thầy đã giới thiệu với quý thầy một sơ đồ của đạo lộ thứ hai này để chuẩn bị hành trang cho người tu sĩ khi bước chân vào lộ trình này không còn ngỡ ngàng. Người tu sĩđược biết từ giới luật đến thiền định và trí tuệ vô lậu: lý pháp và hành pháp thường ứng dụng liên tục, có thấp có cao, có dễ có khó. Sự thành đạt trong tu tập chỉ còn tùy thuộc ở người tu sĩ (hành giả),nếu người tu sĩ có nhiệt tâm, có tinh cần siêng năng tu tập và tu tập đúng cách thì kết quả rất là nhanh chóng.
Người tu sĩ buông xả cho thật sạch không còn để dính mắc một chút xíu nào ở thế gian thì tu hành mới có kết quả rất lớn. Nếu còn dính chỉ một chút xíu ở thế gian, dù một vật chất rất nhỏ cũng khó tiến bước trên con đường này.
Sau đây là những lời của đức Phật răn nhắc những điều kiện cho người nào muốn bước vào lộ trình thứ hai của người tu sĩ thì phải chuẩn bị cho mình tinh thần vững chắc để thấy cuộc đời của người tu sĩ như thế nào trước khi bước vào.
1.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ mong cầu, chất chứa nhiều y phục và đồ ăn uống.
Đây là điều thứ nhất đức Phật nhắc nhở cho người tu sĩ khi trở thành một vị tỳ kheo ở trong giáo pháp của đức Phật thì không được cất chứa nhiều y phục và đồ ăn uống.
2.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ kinh doanh buôn bán hoặc gieo trồng các loại cây.
Đây là đức Phật xác định người tu sĩ trong đạo Phật phải làm: người tu sĩ chỉ còn đi khất thực mà thôi, người ta cho thì ăn, mà không cho thì nhịn đói, chứ hoàn toàn không trồng tỉa cây gì cả. Đây là giáo pháp của Phật dạy cho người tu sĩ mà trong kinh điển đức Phật ghi lại rất rõ ràng chứ không phải Thầy bịa ra.
3.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ dùng nhiều phương tiện cầu lợi, cầu lợi dưỡng cho mình, dùng ngà voi, những loại báu khác để làm giường cao rộng lớn, gối êm nệm ấm, chăn ấm thêu màu rực rỡ.
Nghĩa là đức Phật cấm người tu sĩ không dùng các phương tiện để làm cho mình có những vật báu như ngà voi hay châu báu và cũng không chấp nhận người tu sĩ theo đạo Phật nằm giường cao rộng lớn, gối êm nệm ấm, chăn mềnthì khôngđược thêu bông hoa rực rỡ như người thế gian. Đức Phật chuẩn bị tinh thần cho người tu sĩ chứ nếu không thì chúng ta lầm lạc lắm. Những bài pháp này rất rõ ràng trong kinh A-hàm và kinh Nguyên thủy, chúng ta không thể nào chối bỏ được.
4.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ trang sức thân mình, tô thoa ướp bằng dầu thơm, tắm gội bằng nước thơm, hương bột rắc khắp mình, chải đầu với dầu thơm, mang tràng hoa đẹp, soi gương, thoa phấn, đi giày thêu, mặc quần áo thuần một màu trắng, dao gậy luôn luôn đeo bên mình, đi có lọng che, tay cầm quạt, sửa soạn xe cộ lộng lẫy.
Đây là đức Phật chuẩn bị cho người theo đạo Phật không thực hiện các điều trên. Bài kinh thì như vậy mà Thầy thấy có một số nhà sư có quạt, che dù. Trời mưa cũng không cầm dù, che lọng. Thời này thì ông thầy nào cũng có xe cộ lộng lẫy.
5.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ ham thích vui chơinhững trò chơi giải trí như người khác.
Nghĩa là không có người tu sĩ ham thích đá banh, chạy đua, bơi lội, đánh cờ, đánh tennis,... nói chung không tham gia vui theotất cả các trò chơi giải trí của thế gian.
6.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ thường nói những lời vô ích, không hướng theo Thánh Đạo.
Nghĩa là người vào trong giáo pháp của Phật không được nói chuyện tào lao, nói chuyện vô ích, không được nhắc chuyện đời xưa của mình đã làm như trác táng, bài bạc... không được thuật lại cho các bạn đồng tu của mình nghe những việc làm không đúng cách của người tu sĩ. Những gì xẩy ra trong khi mình chưa biết Phật pháp thì bây giờ bỏ hết, không được nhắc lại cho ai nghe.
7.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ trau chuốt văn chương, lời hay ý đẹp, hoặc làm ra vẻ nghiêm trang chê người này kẻ khác, lấy lợi cầu lợi.
Nghĩa là trong giáo pháp của Phật thì không trau chuốt văn chương đẹp đẻ để cầu lợi cầu danh, làm thơ thương vay khóc mướn, thơ thiền, thơ đạo... đó là những điều không đúng vì đây là đạo tu giải thoát chứ không làm thơ làm văn khoe cái hay cái đẹp của mình.
8.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ cùng nhau tranh tụng, hoặc ở bất cứ nơi đâu cũng tranh cải nhau các chuyện thị phi như ta là người biết rõ kinh luật còn ngươi thì không biết rõ gì cả, ta hướng về chánh đạo còn ngươi hướng về tà đạo, lấy trước nói sau lấy sau nói trước, ta đủ sức nhẫn nhục còn ngươi thì không đủ sức nhẫn nhục,...
Đó là những cái chê bai nhau, tranh tụng với nhau không đúng cách thức trong giáo pháp của Phật. Khi người nào bước vào lộ trình thứ hai trong giáo pháp của Phật thì hoàn toàn phải chấm dứt những điều tranh cải, tranh tụng, lý luận điều này điều nọ, không coi mình hơn người khác, lúc nào cũng phải đặt niệm trước mặt mà tu tập.
9.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ làm ký giả thông tin, tự mình làm hoặc bảo người khác làm môi giới.
Nghĩa là đức Phật cấm không cho mình đi làm thông tin hay gián điệp, hoặc làm mai dong.
10.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ tập luyện đao kiếm cung tên hoặc đá gà, đua ngựa, hoặc chia phe nam nữ đối đáp nhau, hoặc nổi lên không ngớt tiếng nhạc, tiến cười đùa vui hát.
Trong giáo pháp của đức Phật không có những loại như vậy, nghĩa là không tập luyện võ nghệ kiếm cung, những tu sĩ tập luyện võ thì không đúng cách của đạo Phật, không có các trò chơi như đá gà đua ngựa, hoặc tập họp phe nam phe nữ đối đáp, hoặc trổi lên khúc nhạc ca hát cười đùa, cười cợt. Những cái đó không đúng cách của đạo Phật.
11.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ làm những việc tà mạng mang ngoại đạo khác để tự sinh sống như xem tướng lành, tướng dữ, tướng tốt, tướng xấu của con trai con gái để mong cầu lợi dưỡng. Trong giáo pháp của đức Phật không có những loại xem tướng, xem chỉ tay...
Tức bước qua lộ trình thứ hai thì không ai được còn làm những nghề như thế. Nếu còn làm các nghề đó thì đức Phật không chấp nhận người đó là tu sỉ của đạo Phật.
12.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ làm những việc nuôi tà mạng như ngoại đạo để tự sinh sống như gọi quỷ thần, thực hiện các loại bùa chú trù yểm, dùng chú thuật, thực hành khổ hạnh để cầu mong danh lợi.
Nghĩa là người tu sĩ không được dùng khổ hạnh khiến cho người ta quá cung kính mình để cầu danh lợi, cũng như không được dùng bùa chú, kêu quỷ thần là những điều của tà nghiệp tà mạng.
13.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ làm những nghề nghiệp của ngoại đạo như đọc thần chú chửa bịnh, hoặc thần chú làm thuốc ma, châm chích, trị liệu, điểm huyệt trị các bịnh, hoặc tụng kinh đọc chú, cầu cúng cầu siêu cầu an.
Nghĩa là đức Phật cấm các tu sĩ không được làm các nghề như vậy để tự mình kiếm sống.
14.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ làm điều tà mạng như ngoại đạo để tự sinh sống, như tụng chú cầu mưa, cầu quỷ thần nhập (lên đồng nói bệnh),dùng bùa chú để yểm trấn nhà cửa, mồ mã, đoán mây xem tay tính quẻ chiêm tinh, hoặc đoán mộng. Hoặc sách âm nhạc.
15.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ làm điều tà nghiệp trong ngoại đạo để tự nuôi sống như đoán xem thời tiết có mưa không mưa, được mùa mất mùa, điềm lành điềm dữ, coi ngày tốt xấu cưới vợ gả con cất nhà mở cửa coi sao coi hạn.
Nghĩa là trong giáo pháp của đức Phật không có người tu sĩ làm các nghề nghiệp đó vì chúng không đúng lộ trình thứ hai của đạo Phật.
16.- Trong giáo pháp của ta không có người tu sĩ làm những việc nhưtrong ngoại đạo để tự nuôi sống như vậy, trái lại những người tu sĩ ấy phải chuyên tu theo đúng Thánh Giới, không có tâm nhiểm trước, bên trong giữ tâm hỉ lạc, mắt thấy sắc không chấp tướng và không bị sắc ràng buộc, kiên cố vắng lặng độc cư, không tham đắm.
Nghĩa là trước mọi đối tượng hình sắc của các pháp thì người tu sĩ của đức Phật thấy sắc không chấp tướng riêng tướng chung của nó, không bị các sắc buộc ràng tâm của mình, luôn luôn giữ tâm kiên cố vắng lặng độc cư thầm lặng, không tham đắm hình ảnh sắc tướng của mọi vật cũng không sợ hãi trước các sắc tướng đó, trước các con vật hung dữ không sợ hay vật dễ ưa thích cũng chẳng tham; đó là sự ngăn chận mà người ở trong giáo pháp của Phật luôn luôn ngăn chận các ác pháp đó, kiên trì giữ gìn giới luật để bảo vệ thân tâm, khéo bảo vệ nhãn căn, thiệt căn, ý căn cũng như các căn khác cũng như thế, khéo bảo vệ sáu xúc, hộ trì và điều phục chúng khiến tâm được an ổn
Đức Phật dạy trong giáo pháp của Phật không có tu sĩ làm những tà nghiệp tà mạng trong 15 điều ở trên và điều 16 là lời đức Phật nhắn chúng ta khi chúng ta đi vào tu tập ở lộ trình thứ hai này phải thực hiện những điều vừa đọc trên vì đó là những điều căn bản cần thiết trong lộ trình thứ hai này.
Trong đạo pháp của ta những người tu sĩ ăn đủ nuôi thân để hành đạo. Ăn vừa no là biết đủ, không tham những món ăn ngon, chỉ cần nuôi thân để khỏi bịnh tật, không bao giờ cống cao ngã mạn, luôn điều hòa trong tâm mình khiến cho khổ cũ tiêu diệt, khổ mới không sanh, có sức khỏe vô sự, làm cho thân được an lạc. Những Thánh Giới như thế phải được Thánh Tăng giữ gìn, như chỉ ăn vừa đủ, đầu đêm cuối đêm siêng năng giác tỉnh tư duy hoặc đi hoặc ngồi thường đặt niệm nhiếp tâm để trừ các ấm cái, và trọn ngày chỉ đi và ngồi thiền tỉnh giác nhiếp tâm, nửa đêm nằm nghiêng phía bên tay mặt và nhớ thức dậy đúng giờ, giữ gìn tư tưởng luôn luôn trong sáng tâm không rối loạn. Tỳ kheo có đầy đủ các Thánh giới như vậy nên được niệm không tán loạn.
Thế nào là tỳ kheo niệm không tán loạn? - Tỳ kheo quán thân trong thân tinh cần không giải đải, ghi nhớ không quên để trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán ngoại thân, quán trong thân, quán trong thân ngoại thân tinh cần không giải đải ghi nhớ không quên để trừ bỏ các tham ưu ở đời. Quán thọ, quán tâm và quán pháp cũng như vậy. Đây là trụ tâm trên nhơn tướng, tu như vậy, vị tỳ kheo có niệm không tán loạn.
Phần này chúng ta phải học kỹ vì đây là phần đức Phật tóm lượt lại sơ đồ để chúng ta bước qua giai đoạn này phải tu tập như thế nào. Ở đây Thầy cũng lược sơ mà nói thôi chứ khi vào tu tập thì Thầy sẽ dạy rất kỹ. Cho nên như bây giờ Thầy nói quán thân trong thân, hoặc nói quán thân ngoại thân thì sẽ dạy đó là tu Tứ Niệm Xứ rồi, mà đây đức Phật chỉ dạy hành động mà người tu sĩ trong đạo Phật khi đi vào lộ trình thứ hai là phải làm cái gì trước cái gì sau. Ở đây Phật vạch cho chúng ta thấy từ chỗ chúng ta giữ gìn, ngăn lại những nghề nghiệp, không cho nó tuôn vào trong chuyện làm của người tu sĩ của chúng ta, rồi chúng ta phải giữ Thánh giới như thế nào để cho Thánh căn của chúng ta được tốt, được thanh tịnh, cho đến khi mắt thấy sắc thì chúng ta hộ trì như thế nào, rồi cho đến khi chúng ta phải giữ cho các nghiệp khổ đau cũ trong thân chúng ta mà không phát sanh những nghiệp mới. Rồi đến khi ăn uống thì chúng ta phải nhắc đi nhắc lại, rồi ngủ nghỉ, tỉnh thức, đặt niệm nhiếp tâm, cho đến khi quán thân trong thân, quán thọ trên thọ, quán pháp trên pháp, quán tâm trên tâm.
Phần này là tất cả lộ trình chúng ta sẽ tu tập. Vậy ở đây chúng ta cũng tóm lượt để hiểu được một cách sơ lược rằng chúng ta phải tu tập như vậy như vậy trong lộ trình này. Khi bước chân vào tu tập thì chúng ta phải chia ra từng phần: Giới luật như thế nào, Thầy sẽ giảng rõ thế nào là giới hạnh, thế nào là giới đức, thế nào là giới tuệ để các thầy biết rõ, chứ nói chung chung thì quý thầy chẳng biết gì hết vì giới đức thì không phải là giới hạnh hay ngược lại, hay giới tuệ không phải là giới hạnh hay giới đức, ngược lại các giới đó cũng không phải là giới tuệ. Giới bổn thì lại khác nữa. Cho nên tất cả những cái này thì người dạy giới phải hiểu được bốn loại giới này.
Đầu tiên thì chúng ta phải biết giới bổn là tất cả những cái đã chép lại, sau đó chúng ta phải hiểu giới đức, giới hạnh, giới hành. Có như vậy thì hằng ngày chúng ta đã sống trong giới. Hằng ngày đức giới chúng ta có, hành động giới chúng ta có, trí tuệ hiểu biết của chúng ta phải hoàn toàn ở trong giới, đó ra là giới tuệ.
Thế nào gọi là nhiếp tâm? Tỳ kheo đi ra đi vào, nhìn ngó hai bên, co duổi tay chân hay ngước lên nhìn xuống, hoặc cầm giữ y bát, nhận lãnh thức ăn thức uống, ngủ thức, ngồi đứng, nói năng, im lặng, sống trong im lặng tất cả thời gian thường niệm nhất tâm không có lo sợ. Nghĩa là tất cả mọi hành động trong thân của chúng ta đều có sự thầm lặng, đều có sự im lặng trong tâm của chúng ta. Hành động thầm lặng mà trong tâm của ta không bị dính mắc một hành động nào, một pháp nào thì đó gọi là nhiếp tâm. Sau này Thầy sẽ dạy rõ, đây chỉ sơ lược để quý thầy biết sự nhất tâm, bây giờ chúng ta còn ở trong đối tượng là hơi thở, còn ở trong hành động là đối tượng đi thì đó chưa phải là nhất tâm. Khi tâm chúng ta không bị dính hành động nào thì đó mới là nhất tâm, tâm còn bị dính hành động nào hay đối tượng nào thì đó không phải là nhất tâm. Khi có một niệm nào trong tâm như bị sợ hãi là bị dính rồi, có niệm lo là bị dính rồi, có điều thích là bị dính rồi, như vậy đó là nhất niệm chứ không phải là nhất tâm. Chỉ khi hành động của mình không bị dính một hành động nào hết, một đối tượng nào hết mới gọi là nhất tâm. Mà nhất tâm là định. Cho nên định rất đơn giản, không khó khăn gì hết. Như bây giờ mình đang ở trong hành động mà tâm tư mình khởi ra một niệm thì khi đó mình không còn là nhất niệm nữa vì niệm đó làm mất sự nhất niệm của mình liền vì trong ý của mình nó có niệm. Vì vậy chúng ta tu Chánh Niệm Tỉnh Thức Định trong hơi thở là cái quan trọng nhất để chúng ta từ nhất niệm đó trở về sự nhất tâm thì dễ hơn chứ chúng ta tu một đối tượng nào để trở về sự nhất tâm thì rất khó. Chỉ có hơi thở là chúng ta trở về nhất tâm dễ vì khi hơi thở trở nên nhẹ quá thì chúng ta bị mất cái niệm hơi thở đi, mà khi mất cái niệm hơi thở thì cái tâm ở trong cái tâm một của nó thì chúng ta được nhất tâm cho nên chúng ta thấy từ hơi thở trở về nhất tâm không khó.
Quý thầy hợp lại thì thấy như mình đã tu sai hết, nhưng thật sự không sai, đâu có tu sai. Bởi những cái chúng ta tu là những cái căn bản để sau này chúng ta sử dụng tu tập thì rất tốt chứ không phải chúng ta sai. Cho nên hầu hết quý thầy nghe Thầy nói tu Tứ Vô Lượng Tâm từ bi hỉ xả cho thành tựu thì quý thầy nghĩ phải chi dành thời giờ tu hơi thở cho sự tu tập tâm từ bi hỉ xả thì sự tu tập của mình khỏi uổng công. Không uổng công đâu. Nếu quý thầy không chuẩn bị cho mình hơi thở trong Định Niệm Hơi Thở như vậy thì sau này trong lộ trình thứ hai Phật vạch ra cho chúng ta, thì chúng ta lấy cái gì mà tu? Chúng ta phải đi vào lộ trình hơi thở.
Khi chúng ta tập tỉnh giác trong bước đi chúng ta cũng nương hơi thở, Phật nói "Hơi thở ra biết ra, hơi thở vào biết vào. Hởi thở ra tôi biết tôi đi kinh hành" thì không phải lời nói đó là phương pháp hướng tâm tỉnh thức trên bước đi bằng cách nương vào hơi thở sao? Cho nên Phật nói "Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý" là chỗ đó. Khéo tác ý là để giúp cho tâm chúng ta tỉnh thức trong hành động đó mà không bị tạp niệm. Vậy tu tập cho không bị tạp niệm xen vào thì đâu có phí thời gian của quý thầy đâu, nhưng phải biết khi đã tỉnh thức để sử dụng sự tỉnh thức bằng không thì quý thầy sẽ phí. Cho nên quý thầy tu đâu có hoài công, dù quý thầy ngồi theo dỏi hơi thở 7, 8 giờ hay 10, 12 giờ cũng đâu phí công. Thầy hướng dẫn cho quý thầy tu tập sẽ đem lại cái tốt nhất cho quý thầy, không sai chỗ nào hết.
Bước qua đạo lộ thứ hai này quý thầy phải mạnh dạn quyết tâm dứt bỏ, từ giả những gì mà đức Phật đã cảnh giác nhắc ra ở đây để đạo lộ này khi đi vào không còn có chướng ngại hầm hố, chông gai, rắn độc, quỷ ma hoặc thần thánh cùng những tà kiến, tà pháp, tà thiền thường xen vào phá phách, chỉ có một đạo lộ rộng thênh thang duy nhất để quý thầy tiến bước một cách dễ dàng không còn chướng ngại hiểm nguy nữa. Nghĩa là quý thầy phải dứt bỏ những gì của đạo lộ thứ nhất, không còn dính với nó nữa. Đây chỉ là khái lược thôi, chứ sau này Thầy phải giảng rộng ra nữa để quý thầy biết hành trình mà tu tập.
Quý thầy phải dứt bỏ những gì của đạo lộ thứ nhất, không còn dính với nó nữa. Đây chỉ là khái lược thôi, chứ sau này Thầy phải giảng rộng ra nữa để quý thầy biết hành trình mà tu tập. Phải từ giả những gì mà đức Phật đã cảnh giác. Bây giờ chúng ta làm thầy thuốc thì chúng ta phải từ bỏ, chúng ta là võ sư chúng ta cũng bỏ, không được làm võ sư nữa, chúng ta là một nhạc sĩ, một nhà thơ, một nhà văn cũng dẹp luôn, không dùng các nghề đó nữa. Chúng ta là một ông thầy bùa, phù thủy, phải bỏ liền. Trước khi bước vào đạo lộ này phải từ bỏ hết những cái đó, dẹp bỏ luôn gia đình vợ con, của cải châu báu,...
Từ giả những gì mà đức Phật đã cảnh giác.
Bây giờ chúng ta làm thầy thuốc thì chúng ta phải từ bỏ, chúng ta là võ sư chúng ta cũng bỏ liền, không được làm võ sư nữa, chúng ta là một nhạc sĩ, một nhà thơ, nhà văn cũng dẹp luôn, không dùng nghề đó nữa, chúng ta là một ông thầy bùa, phù thủy, phải bỏ liền, không được xài nó. Trước khi bước vào đạo lộ này phải từ bỏ hết những cái đó, dẹp bỏ luôn gia đình vợ con, của cải châu báu,... thì đó là chuẩn bị cho chúng ta bước qua đạo lộ này.
Ở đạo lộ này khi quý thầy đi vào không còn chướng ngại. Đó là những gì? Là những điều mà Phật đã nhắc nhở ở trên nhưng các thầy chưa dứt bỏ hết thì chúng trở thành chướng ngại như hầm hố, chông gai thú dữ, rắn độc, quỷ ma.... là những mầm mống trong đầu quý vị còn những cái đó. Thậm chí như những tà kiến, tức là các kiến chấp của quí vị như quí vị chấp cái gì đó như pháp này đúng, pháp này sai, phần này đúng, phần này sai, hoặc pháp thiền này đúng, pháp thiền này sai thì phải dẹp hết để đi vào lộ trình của đức Phật, lộ trình này chỉ có thiện pháp chứ không có gì khác hơn hết mà mình còn kiến chấp cái gì trong lộ trình này như có niết bàn thường lạc ngã tịnh... thì đó là cái sai, bởi vì còn chấp một cảnh giới cực lạc hay thiên đàng là sai. Tất cả các cái đó gọi là tà kiến. Hoặc chấp có một bản thể vũ trụ hay vạn hữu thường hằng, là sai, vì đó là cái ngã chấp, kiến chấp là cái sai, đối với lộ trình thứ hai này của đạo Phật mà có một tà kiến tà pháp nào xen vào thì con đường tu của chúng ta sẽ bị hầm hố, chông gai rất khó khăn cho chúng ta bước đi. Cho nên tất cả những thiền gì gọi là siêu xuất nhất như các phương pháp luyện tập yoga, hay dưỡng sinh trị được bịnh này bịnh kia hay nhất, cũng dẹp xuống bởi chúng ta chỉ biết có nhân quả nghiệp báo. Đã là nghiệp thì thọ lấy khổ đau không sợ hãi gì hết. Có quyết tâm dứt bỏ như vậy thì chúng ta mới đi vào lộ trình thênh thang này để chúng ta tiến bước.
Trang bị cho quí thầy tam vô lậu học, nghĩa là quí thầy đã khái niệm được lộ trình thứ hai. Khi bắt đầu lộ trình này chúng ta phải áp dụng cái gì: đó là ba pháp vô lậu, cho nên Thầy mới nhắc khái niệm trang bị tam vô lậu học giới định tuệ. Nhắc đến tam vô lậu học thì phải giới thiệu trí tuệ và giới hạnh vì trong giới luật Phật thì có giới hạnh, giới đức, giới tuệ. Người tu hành phải có giới hạnh và trí tuệ như thế nào cho đúng, cho nên Thầy giới thiệu qua giới hạnh và trí tuệ để quí thầy biết. Ở đây trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, nghĩa là trí tuệ được thanh tịnh thì phải do giới hạnh.
Giới hạnh như trong hành động chúng ta đi lưu ý không dẫm đạp chết chúng sanh bằng lòng thương yêu chúng sanh của chúng ta, mà giới hạnh làm cho trí tuệ chúng ta thanh tịnh vì lúc bấy giờ chúng ta có sự hiểu biết không làm đau khổ chúng sanh, nên trí tuệ thanh tịnh. Đó gọi là trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh. Và ngược lại, giới hạnh cũng được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Thí dụ trong bước đi mà chúng ta dẫm đạp chết chúng sanh là chúng ta phạm giới làm đau khổ chúng sanh, cho nên giới làm sao thanh tịnh được, do đó giới hạnh làm trí tuệ thanh tịnh. Hai cái này liên hệ nhau và cấu kết chặt chẻ và liên tục trên sự tu tập của chúng ta, cho nên chỗ nào có giới hạnh thì chỗ ấy có trí tuệ, tức chỗ nào chúng ta bước đi mà không giết hại chúng sanh thì phải có trí tuệ tức là phải có sự tỉnh thức. Khi quí thầy áp dụng Tứ Vô Lượng Tâm thì quí thầy thấy rất rõ vấn đề này, khi đặt tâm thương yêu của chúng ta rồi thì lúc nào chúng ta cũng tỉnh thức, tức là trí tuệ sáng suốt của chúng ta phải ở đó cho nên chúng ta không phạm giới không giết hại chúng sanh nghĩa là làm đau khổ chúng sanh. Và chỗ nào có trí tuệ thì chỗ ấy có giới hạnh. Khi chúng ta tỉnh thức đặt tâm thương yêu của chúng ta thì giới hạnh của chúng ta ở đó. Chúng ta thấy giới hạnh và giới luật kèm sát với nhau không rời.
Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ. Quý thầy thấy như người tu ăn phi thời, ăn ba bữa thì thử hỏi họ có trí tuệ không? Họ không trí tuệ cho nên họ phạm giới ăn phi thời. Khi họ phạm giới luật tức họ là người tu không trí tuệ. Họ nói cái gì cũng thông, họ lý luận rất hay nhưng lý luận của họ không phải là giới luật, giới hạnh. Do chỗ đó mà họ bị phạm giới. Đứng trong góc độ Phật giáo người này không trí tuệ vì trí tuệ của Phật giáo là giới luật. Người tu này tuy thông minh, nói trên trời dưới đất cái gì cũng thông mà họ sống không đúng giới luật tức tri hành không hợp nhất, như vậy rõ ràng trí tuệ của họ với cái họ làm không đúng giới luật, không hợp nhau tức là họ không phải là người trí tuệ mà chỉ là người ba hoa mà thôi, nói thì nhiều chứ làm không đúng giới luật.
Cho nên nhìn vào người tu sĩ của đạo Phật chúng ta căn cứ ở trí tuệ và giới hạnh để định giá trị của họ. Người có giới hạnh thì nhất định phải có trí tuệ vì trí tuệ chứng minh cho hành động. Hành động của họ phải ở trong thiện pháp, phải ở trong giới luật, mà họ phạm giới tức họ không trí tuệ; người không có trí tuệ mới phạm giới chứ có trí tuệ thì làm sao phạm giới được. Có hiểu được như vậy quí thầy mới thấy được lộ trình của đạo Phật rất rõ ràng và cụ thể. Cho nên nói trí tuệ thì ai cũng cho mình có trí tuệ hết mà thấy đời sống của họ là biết họ thật sự không phải là người có trí tuệ, do không trí tuệ nên họ mới phạm giới.
Giới và hạnh được xem là tối thắng ở trên đời.
Nếu mình nói mình có trí tuệ thông suốt mà giới hạnh không có, mình làm đau khổ chúng sanh thì đâu có trí tuệ. Có trí tuệ thì không bao giờ làm đau khổ chúng sanh, mà không bao giờ làm đau khổ chúng sanh thì mình có sân trong lòng mình không? Vì mình sân cho nên mình làm đau khổ chúng sanh, mà chúng sanh trong đó có mình. Cho nên trong sự tu của chúng ta, chúng ta thấy chỗ này là chỗ quan trọng: giới luật tức là giới hạnh, hay là giới đức, hay là giới tuệ luôn luôn sống sát bên nhau mà chúng làm cho chúng ta được giải thoát. Như vậy chúng ta phải tu tập như thế nào để chúng ta thấy giới luật, giới hạnh, giới tuệ của chúng ta luôn luôn lúc nào cũng phải sống với nhau, không được rời ra. Như vậy là chúng ta đã giải thoát, chứ có gì đâu mà không giải thoát?
Cho nên hiện giờ ở đời thấy giới tu sĩ giới hạnh chẳng có, trí tụê cũng chẳng có, họ chỉ thuyết giảng lung tung mà đời sống của họ đầy bụi bặm của ngũ dục lạc thế gian, do vậy họ chỉ giảng dạy qua tưởng tuệ, qua tri kiến góp nhặt của người xưa lập đi lập lại, thêm râu thêm ria như vẽ rắn thêm chân, rồng chẳng ra rồng, rắn chẳng ra rắn, khiến cho mọi người theo đạo Phật dở chết dở sống, đời chẳng ra đời đạo chẳng ra đạo. Lối sống của tu sĩ hiện giờ là lối sống của phong kiến quan liêu, tiền hô hậu ủng như vua chúa, chùa to tháp lớn là cung vàng điện ngọc của họ; viện chủ, viện trưởng là quan chức của họ; đi đâu cũng có hộ giá là phật tử đưa đón xe cộ rần rộ. Quý thầy thấy cách thức sống của họ, cái danh của họ có phải là giới luật không? Hồi xưa đức Phật 80 tuổi với chân trần đi đến chỗ này rồi chỗ khác để khất thực sống. Có ai xin về cho đức Phật ăn đâu, lẻ ra Phật già như vậy thì ông Anandà xin về cho Phật ăn, nhưng đàng này đức Phật tự mình đi khất thực. Nhiều khi đệ tử của Phật không chịu mang bát cho ông thì Phật tự mang bát đi khất thực. Phật đâu có phong kiến, nên đâu có rầy ai. Đó là giới hạnh của đức Phật, chúng ta thấy rất rõ ràng. Còn bây giờ lối sống của tu sĩ không có giới hạnh, họ phạm phải những giới luật của đức Phật, họ phạm phải những cái bất bình đẳng. Đạo Phật là đạo bình đẳng mà họ sống có người ủng hộ, có người quạt, có người che lọng, có người phục vụ này kia, thì như vậy có bình đẳng không? Đó là cái sai của người tu trong thời đại chúng ta, không đúng giới hạnh của người tu, tức là thiếu giới hạnh, thiếu trí tuệ, chúng ta tưởng đó là cái sang, tưởng đó là cái giải thoát của mình.
Trước khi nối tiếp bài học, Thầy xin nhắc lại vài gương hạnh của Thánh Tăng trong thời đức Phật, để thấy gương hạnh của các Ngài mà chúng ta bắt chước.
1.- Thầy nhắc lại oai nghi giới hạnh của một vị sa di. Ngài tên là Sànu, đi tu lúc 7 tuổi nên thường nhớ mẹ, một hôm Ngài cầm y bát lén trốn về thăm mẹ. Trong một buổi sáng sớm, ngài thấy mẹ sầu muộn nên dùng bài kệ hỏi lý do, mà cũng nói lên lòng thương của ngài đối với mẹ:
Thưa mẹ, người ta khóc
Khóc vì người đã chết
Hay đã khóc người sống
Khi không thấy người sống
Thưa mẹ con đang sống
Và mẹ đang thấy con
Vì vậy sao thưa mẹ
Mẹ lại khóc cho con
Bà mẹ trả lời:
Người ta khóc cho con
Là khóc con đã chết
Hay khóc con còn sống
Nhưng không thấy được mặt
Này con, người ta khóc
Là khóc cho con ấy
Ví con đã được xem
Còn sống cũng như chết
Bà mẹ nói lên tình của bà mẹ thương con khi cho con đi tu thì coi như con mình tuy còn sống nhưng không còn gặp nữa. Quý thầy nghĩ tình mẹ con ngày xưa không khác gì tình mẹ con bây giờ đâu. Khi cho một đứa con 7 tuổi xuất gia đi tu thì chăc chắn người mẹ dứt ruột lắm, không biết nó sống trong đó đi xin ăn có được đủ ăn hay đói khát, hay trong giới luật của Phật có nhiều cái khó khăn chẳng biết con mình có sống được không, lòng thương mẹ của nó có dằn được không, có quên được không để tu hành, cho nên bà mẹ rất lo lắng. Vậy mà khi đứa con về thăm, tuy trong lòng có mừng nhưng bà lại khổ, cho nên bà nói lên nổi lòng của bà đối với con là vì biết con còn sống nhưng đã xem như chết rồi. Nếu không hiểu được như vậy, con mình làm sao tu được, cho nên bài kệ thứ nhất bà nói lên tình cảm của bà mẹ đối với con, kế đó bà khuyên nhủ người con của mình:
Nhưng con hởi, hởi con
Nay con được kéo ra
Khỏi hang hầm lửa rực
Con còn muốn rơi vào
Đống than hầm ấy chăng?
Nghĩa là bà hiểu được Phật pháp khi bà cho con đi tu là nó ra khỏi cuộc đời đau khổ cho nên 5 câu kệ tiếp này bà khuyên con bà đừng thương nữa, hãy dứt đi, hãy nỗ lực tu hành đi, còn có lòng thương yêu đó thì con như còn muốn rơi vào đống than hầm lửa đó nữa chăng. Đó là người mẹ tuy thương con nhưng mong con còn sống như đã chết, muốn cho con dứt ra khỏi hầm lửa đau khổ cho nên khuyên con đừng có thương mẹ nữa mà hãy nỗ lực ra khỏi hầm lửa rực cháy đó. Đó là lời khuyên của bà mẹ cho người con cắt đi tình cảm không còn dính dấp nữa nhờ vậy ngài Sànu nỗ lực thực hiện lời khuyên của mẹ đoạn dứt tình cảm nên chẳng bao lâu ngài chứng quả Alahán.
Như vậy chúng ta biết khi bước qua lộ trình thứ hai thì không còn một chút tình cảm nào hết, chúng ta mới thực hiện được con đường giải thoát của đạo Phật. Con đường giải thoát của đạo Phật không khó mà chỉ sợ chúng ta còn những sợi dây trói buộc tuy rất ít, nhưng không khéo chúng ta không thể đi nốt quảng đường giải thoát của đạo Phật. Chúng ta nghĩ có tình thương nào một người con mới 7 tuổi, rời mẹ sớm như vậy mà không thương mẹ, mà một bà mẹ nào rời con 7 tuổi mà không nức nở, thế mà giữa hai mẹ con này đã thấy được đạo, hiểu được đạo nên bà mẹ khuyến khích con 7 tuổi dứt bỏ tình cảm mẹ con đi để thực hiện ra khỏi hầm lửa đau khổ. Chính lòng thương yêu đó đã trói buộc con người muôn kiếp muôn đời trong vòng đau khổ cuộc đời, không thoát khỏi. Có gì hơn một đứa bé 7 tuổi thương mẹ, có gì hơn một bà mẹ thương con. Nhìn gương hạnh này chúng ta biết được Phật pháp thật là vi diệu, tình mẹ con mà dứt được thì trên thế gian này không còn gì trói buộc được nữa.
2.- Đây là gương hạnh khác của vị Sa di Sopàka trong thời đức Phật. Ngài là một đứa bé vừa sanh ra thì mẹ mất, được người cha nuôi đến 7 tuổi thì cho xuất gia theo Phật. Đức Phật thấu hiểu hoàn cảnh của Ngài nên cho đề tài thiền quán Tứ Vô Lượng Tâm. Hồi trước Thầy có nói em của ông Cấp Cô Độc là Subhùti cũng tu đề tài thiền quán Tứ Vô Lượng Tâm, thì vị Thánh Sa di Sopàkanày cũng tu đề tài thiền quán Tứ Vô Lượng Tâm được Phật trao cho. Tại sao vậy? Tại vì mẹ mất sớm và Ngài đi tu lúc 7 tuổi, không được sự chăm sóc của mẹ cho nên ngài thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm tức là lòng từ bi hỉ xả. Ngài khai triển thiền quán này và chứng quả Alahán. Sau khi chứng quả Ngài c&oac