TÌM KIẾM

Pháp Tu Cư Sĩ - Thập Thiện (tiếp 1)

18/04/2020Admin

TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC

GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT


 II.- PHÁP TU CƯ SĨ

THẬP THIỆN (Tiếp 1)

Phần 2: Miệng

Miệng có 4 hành động tạo nghiệp rồi từ chỗ nghiệp đó mà chúng ta đi vào trong cuộc sống hiện tại cũng như mai sau: khổ đau hay là hạnh phúc cũng đều do nơi miệng của chúng ta. Cho nên người xưa nói “Họa tùng khẩu xuất”, tai họa đều do nơi miệng chúng ta mà ra. Vậy chúng ta phải cẩn thận trong lời nói của chúng ta.

a.- Không nói dối

Thứ nhất sống trong xã hội, nếu trong cuộc sống mà ai nói dối thì tự mình làm mất lòng tin của mọi người đối với mình. Nghĩa là chúng ta gạt người ta. Chúng ta có thể nói láo với người một lần thì người ta chưa biết, chứ 2 lần thì người ta sẽ biết liền. Nói chung dù mình có khéo léo nói như thế nào thì sự thật vẫn là sự thật. Ngày hôm nay người ta chưa biết nhưng ngày mai sự thật sẽ đưa đến, người ta sẽ biết mình là người nói láo, là người không thành thật, cho nên người ta không bao giờ tin mình nữa. Từ đó cái lòng tin đối với mình bị mất đi, cho nên mình có nói thật người ta cũng chẳng tin mình..

Thứ nhì sống trong gia đình, nói dối, tức nói láo là một điều tai hại cho sự chung sống trong gia đình. Ví dụ như mình đi chơi mà nói mình đi làm, vợ con ở nhà tưởng mình đi làm thật, nhưng khi vợ con biết rõ ràng mình đi chơi thì không còn ai tin mình được. Chỉ một lần thôi cũng đủ không tin mình nữa. Cũng như khi mình trích ra một số tiền trong số lương để cho mình tiêu riêng mà không nói cho vợ con biết, mình nói đây là toàn bộ số lương, rồi đưa số tiền đó cho vợ mình để chi phí ở trong gia đình. Vợ mình tin thật, nhưng một hôm thấy số tiền trong túi áo của chồng, bà vợ biết chồng mình không thật. Do sự nói không thật đó thì có sự nghi kỵ nhau, làm cho gia đình ngày càng đau khổ, làm cho gia đình bắt đầu tan nát, không còn tin nhau nữa.

Cho nên lời nói dối sẽ đưa đến những quả khổ sau này cho chúng ta. Do nói dối sẽ làm mọi người mất niềm tin với mình, cuộc sống của mình xem như bị cô lập; người ta hết tin mình rồi cho nên mình nói gì ngoài mặt thì người ta làm ra tin, nhưng trong lòng người ta nghĩ người này nói láo, người ta không bao giờ tin mình nữa. Không ai muốn thân cận với người nói dối, người ta không có muốn gần gũi người nói dối nữa. Hòa thượng Thiện Hoa dạy: "Người ta ở đời dù một việc nói chơi cũng không nên nói dối vì lẽ nói dối quen miệng, người ta biết mặt, sau này nói thật cũng chẳng ai tin".

Nhất là người học đạo thì không nên nói dối. Ngay như nói dối cứu khổ phò nguy cho người và vật, ta còn không nói, huống là nói dối hại người lợi mình thì càng không nên nói nữa. Thầy nhớ một câu chuyện trong đời quá khứ của đức Phật. Khi đức Phật ở trong rừng tu hành thì có con nai chạy vào trong cái hang dưới chỗ đức Phật ngồi tu, nó chun vào trốn trong hang đá đó. Nhà vua đuổi theo con nai đó, đến đây gặp đức Phật đang ngồi tu trên cục đá mới hỏi: Ông có thấy con nai chạy ngang đây không? Nếu đức Phật nói không tức là vọng ngữ, mà nói thấy thì nhà vua sẽ hỏi nó ở đâu, đức Phật sẽ nói nó ở trong hang dưới cục đá của mình ngồi thì nhà vua sẽ giết con vật, thì đức Phật mang tội đồng lõa sát sanh, nên đức Phật làm thinh, không nói. Theo HT. Thiện Hoa dạy thì trong câu chuyện này có thể nói dối vì: "Nếu nói dối mà cứu khổ phò nguy cho người và vật thì ta nên nói". Nhưng ở đây Thầy thấy qua hình ảnh của đức Phật, người tu hành thì không nên nói dù là cứu người cứu vật thì cũng không nên nói dối. Vì thế nghe nhà vua hỏi mà đức Phật làm thinh. Hỏi lần thứ nhất đến lần thứ 3, đức Phật vẫn làm thinh thì nhà vua tức giận cho nên lấy gươm xẻo lỗ tai của đức Phật, và hỏi nữa nhưng đức Phật cũng không nói. Nhà vua cắt lỗ mũi, đức Phật cũng vẫn không nói, cho đến khi nhà vua tức quá chặt hai cánh tay ông thì ông cũng chẳng nói, cho đến khi nhà vua móc mắt ông, ông cũng chẳng nói. Đó là chúng ta thấy đức Phật giữ gìn cái hạnh không nói dối. Mặc dù là nói dối sẽ cứu được mình, nghĩa là thoát khỏi cảnh nhà vua hại mình, thế mà đức Phật vẫn thản nhiên giữ đúng cái hạnh không nói dối. Nếu đức Phật nói dối rằng: "Con nai vừa chạy ngang đây mà nó chạy luôn đi rồi, không còn ở đây nữa. Nhà vua hãy chạy theo tìm giết nó đi, tìm bắn nó đi". Thì lẽ đương nhiên nhà vua phải đuổi theo chứ đâu có cắt tai móc mắt đức Phật. Rõ ràng chỉ cần nói dối một chút xíu thì mình không bị đau khổ, thế mà đức Phật thà chết, thà chịu đau khổ do sự hành hạ của nhà vua chứ không phạm vào cái lỗi nói dối.

Do thế chúng ta mới thấy lời nói dối khi người ta biết được thì giá trị của mình không còn gì hết. Cho nên chúng ta là những người cư sĩ đệ tử Phật đã biết Phật pháp rồi thì không nên nói dối, dù nói dối có ích lợi cho mình cho người cũng không nên nói. Huống là nói dối chỉ để làm lợi cho mình, chắc chắn là không nói rồi.

Qua hành động của đức Phật trong mẫu chuyện trên, chúng ta cần phải học hỏi, cần phải theo gương đó mà giữ gìn cho trọn vẹn giới không nói dối này.

Cũng như giới sát sanh, thì thà là chúng ta chết chứ không giết hại chúng sanh, đó là những quyết định của những người thực hiện theo con đường của đạo Phật để được những nghiệp lành, từ những nghiệp lành đó đưa chúng ta đi đến cảnh giới không còn đau khổ nữa. Cho nên chúng ta thà chết chứ không bao giờ phạm giới.

Kinh thập thiện nói người không nói dối được 8 điều lợi ích sau:

1. Được mọi người tin tưởng.
2. Lời nói ra được người người kính yêu.
3. Miệng thường thơm sạch. Tức là miệng thanh tịnh.
4. Lời nói thường êm ái.
5. Luôn được an vui như ý nguyện.
6. Lời nói không buồn giận và luôn được vui vẻ.
7. Lời nói được mọi người vâng theo.
8. Trí tuệ thù thắng không ai hơn.

Và chúng ta cũng nhớ lấy gương của đức Phật trong mẫu chuyện trên làm cái gương không bao giờ nói dối. Nhất là đối với những người thân trong gia đình của mình thì đừng nên có một lời nói dối nào, vì nói dối làm mất niềm tin và từ đó trong gia đình bất an. Người cư sĩ còn sống chung đụng với nhiều người, còn tiếp duyên với nhiều người, cho nên một người hay nói láo thì chúng ta không còn tin người đó. Và khi đã không tin thì người đó dù thật sự có thất nghiệp, dù thật sự có trong cảnh đau khổnào đó thì chúng ta cũng không giúp được, là tại sao? Là vì chúng ta nghĩ rằng người này hay nói láo là sẽ gạt mình trong khi họ, vợ con họ thật sự khổ sở, khốn khổ; họ đến nói thật mà mình vẫn nghi rằng họ nói láo. Cho nên chúng ta vẫn thấy họ là người không đáng giúp đỡ.

Đó là những cái tai hại cho người nói láo. Vì vậy chúng ta cần phải biết, cần phải dè dặt không bao giờ nói sai sự thật, phải nói đúng sự thật. Khi thấy thì nói thấy, mà không thấy thì nói không thấy. Không nên nói không đúng sự thật.

b.- Không nói lời thêu dệt.

Người đời thường trau chuốt lời nói, đi buôn vật xấu mà nói tốt để bán cho được giá, gạt người mua về không xài được. Đó là lời nói thêu dệt. Chỉ một chút lòng nhỏ mọn hờn ghen liền dùng lời nói thêu dệt để cho đôi bên thù hận, có thể giết hại lẫn nhau, làm tổn hại tánh mạng của người khác. Lời thêu dệt rất là tai hại, có thể giết người. Chỉ một chút lòng ganh tỵ thù vặt, bèn dùng lời nói thêu dệt để lung lạc lòng người khác, hoặc để quyến rũ hay gạt gẫm người khác, làm tổn hại danh dự và tài sản của người, cốtđể đem lại nhiều lợi lạc và còn được tiếng thơm, tiếng tốt cho mình.

Ngược lại, người không nói lời thêu dệt, chỉ dùng lời nói đúng đắn, chánh lý, không gạt gẫm lừa bịp người, không làm tổn hại danh giá tài sản người, thậm chí cho đến tánh mạng của người. Thêu dệt tức là đặt điều nói xấu người khác, khiêu khích người khác khiến cho người khác phải buồn khổ, có thể đi đến chỗ phải tự tử, quyên sinh. Nghĩa là chuyện không có mà mình thêu dệt ra thành có, chuyện người ta không xấu, mình nói người ta xấu, chuyện người ta xấu, mình thêu dệt nói người ta tốt để được tình được nghĩa với người này người kia. Đó là lời nói thêu dệt, chúng ta cần phải tránh.

Dùng lời nói làm cho người ta giận hờn nhau, hay dùng lời nói làm cho người ta ưa nhau, như những người làm môi giới. Như ông làm mai mối thấy chú này không được mà đến đằng nhà gái khen chú này là tốt, là giỏi, là có đức hạnh đủ thứ, là này kia đủ thứ. Nhưng kỳ thật chú này tham lam, nghiện hút thuốc, nghiện rượu chè, sống bê bối; thế mà cái ông làm mối thêu dệt nói chú này thế này thế khác cho tốt, cho được lòng đằng gái. Rồi lại đến đằng trai thì nói cô này công dung ngôn hạnh như thế này thế khác, hiền đức đủ loại nhưng mà cô này thật sự thì chẳng ra gì hết. Đó là những cái thêu dệt dùng để gạt người ta, để làm cho người ta tin theo. Rồi người ta rước cô dâu đó về, hay người ta rước chú rể đó về. Sau đó mới biết sự thật người ta đã lầm người, đã tin sai người. Đó là những lời thêu dệt chúng ta không nên có. Thật sự tốt thì chúng ta nói tốt, mà thật sự xấu thì chúng ta nói xấu. Không được thêu dệt để tốt biến thành xấu hay xấu biến thành tốt. Đó là điều thêu dệt, không được nói.

Kinh thập thiện dạy người không đặt điều nói xấu người khác có 3 điều lợi ích:

1. Được mọi người quý mến.
2. Thường đáp được những câu hỏi khó.
3. Có đầy đủ uy tín cao quý trong cuộc đời.

c.- Không nói lật ngược (lật lọng).

Đó là hành động miệng thường hay nói lật ngược trở lại, vừa nói rồi rồi nói ngược trở lại, mình vừa mới nói xong mà thấy điều đó có hại cho mình bèn ngay đó lật ngược lại nói tôi không nói điều đó. Người đời có lắm kẻ nhiều mồm mép, vừa nói đó một lúc sau lại nói ngược lại, lấy quấy làm phải, lấy phải làm quấy.

Người ta nói: “Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, miệng không vành méo mó tứ tung”. Đúng vậy, những hạng người nói lật ngược là hạng người lưỡi không xương, là những người miệng không vành. Hạng người này là hạng người nhiều chuyện, họ là người dụm ba dụm bẩy chuyên nói xấu người khác, đem chuyện người này nói ra, nói vào bêu xấu khiêu khích người khác, gây phe nhóm tạo cảnh bất hòa, thù hận, và còn đem chuyện người này dèm pha với người kia, nhạo báng chê bai làm cho người khác tức giận hoặc xấu hổ, đau khổ. Dùng môi mép đứng trung gian gây ác cảm đôi bênđi đến kiện thưa. Những kẻ ấy đều gọi là người nhiều chuyện.

Người không nói lưỡi hai chiều thì không có chuyện lôi thôi với mọi người, không bị người ta lôi ra làm chứng cớ. Người không nói lưỡi hai chiều không làm phiền một ai hết, được thân bằng quyến thuộc, kẻ xa người gần kính mến. Người không có lưỡi hai chiều thường dùng lời êm ái an ủi, khuyên giải giúp cho mọi người hòa thuận thân yêu nhau, khiến cho mọi người đều vui vẻ an lòng. Người này đi đến đâu, ở đâu cũng được mọi người kính yêu, gặp việc khó bất hòa người này đứng ra thu xếp hòa giải một cách dễ dàng. Người không nói lưỡi hai chiều khiến gia đình sum họp an vui, tình làng nghĩa xóm hòa thuận kính yêu nhau.

Kinh thập thiện dạy: Người không nói lưỡi hai chiều được 5 điều bất hoại.

1. Nhơn bất hoại.
2. Sống trong gia đình sum họp.
3. Đức tin bất hoại.
4. Pháp hạnh bất hoại.
5. Thiện hữu tri thức bất hoại.

Nhơn bất hoại nghĩa là đối với cái thân của mình thường được vui vẻ, được tốt lành, nó không làm cho mình hư hoại.

Sống trong gia đình sum họp nghĩa là người này sống trong gia đình nào, với người nào cũng có sự hòa hợp sum họp bởi họ không là người nói lưỡi hai chiều. Ở đâu thì họ cũng được sự hòa hợp. Ví dụ như quý thầy là những người sống trong tăng đoàn mà không nói lưỡi hai chiều, tức là không dựa theo người này nói như thế này, dựa theo người kia nói như thế kia. Nói thì đúng sự thật, không thêu dệt ra, những người này thường sống hòa hợp với mọi người.

Đức tin bất hoại nghĩa là ai cũng tin những người này, cho lòng tin không bị hoại diệt.

Pháp hạnh bất hoại nghĩa là hạnh của người này không bao giờ bị hoại diệt.

Thiện hữu tri thức bất hoại nghĩa là họ luôn luôn gặp nhiều bậc thiện hữu tri thức, gặp người tốt, không gặp người xấu. Còn người nói lưỡi hai chiều thì họ không bao giờ có những thiện hữu tri thức tốt.

d.- Không nói lời hung ác.

Hành động không nói lời nói hung ác này là hành động của miệng không nói lời hung ác. Đây là hành động cuối cùng của khẩu nghiệp, hành động miệng của chúng ta. Lời nói hung ác là lời nói dữ, vu khống người khác, phao phản, bươi móc việc xấu của người khác, lời nói cộc cằn, thô lỗ mắng nhiếc, mạ lỵ người, làm cho người khác tức giận, khổ sở, đau đớn.

Người không nói lời nói hung ác thường dùng lời nói khen ngợi, lời lẽ ôn tồn, trang nhã hiền hòa, lời nói luôn luôn làm cho mọi người được an vui, yên ổn. Lời nói không hung dữ là lời nói rất êm ái. Còn người nói hung dữ thì lời nói to, nói rất lớn và dùng những lời nói thô tục, những lời mắng nhiếc người, những lời nói vu khống người. Có những người nói lời nói vu khống thì nói nhỏ nhẹ lắm nhưng vu khống người ta, đó cũng là lời nói ác đó. Nói chung, khi nói xấu người khác đều thuộc diện lời nói ác. Mình bươi móc chuyện xấu của người, là lời nói ác. Mình phao người ta cái này cái kia, cũng là lời nói ác, chứ không riêng lời nói ác là lời chửi mắng, nạt nộ người ta đâu.

Lời nói cộc cằn là lời nói ác. Nạt nộ người ta là lời nói ác. Nhưng có nhiều lời nói không cộc cằn, không thô tục, nhưng bươi móc cái xấu của người ta, nói xấu người ta, phao tin vu khống người ta, đó cũng thuộc diện lời nói ác. Nói mà làm cho người ta bị tù tội, bị chết, như người ta không ăn trộm mà nói người ta ăn trộm; người ta không tà dâm mà nói người ta tà dâm, người ta không có giết người mà nói người ta giết người, thì những lời nói đó là những lời nói ác. Mặc dù lời nói đó rất nhẹ nhàng, như: “Tui thấy người đó giết người kia”, sự thật ra người đó không giết người, nhưng vu cáo người ta vì thù hận lòng của mình, cũng có khi họ chỉ vu khống, phao vu người ta làm cái chuyện như vậy để cho người đó ở tù chơi. Đó là những lời nói ác.

Cho nên phải phân biệt như thế nào là lời nói ác, chứ không nên nghĩ chỉ lời nạt nộ, chửi mắng hay mắng nhiếc người ta mới là lời hung ác. Hung ác có nghĩa là lời nói dữ, lời nói làm cho người ta khổ đau. 

Hiểu rõ như vậy thì chúng ta mới biết được để cảnh giác, để không nói ra những lời ác đó, có vậy, chúng ta mới giữ được hành động nói của miệng mình. Còn nếu mình không hiểu thì mình sẽ tưởng là khi mình nói vu khống như vậy không phải là lời nói hung ác.

Cho nên ở đây, Thầy giải thích cho rõ để các con học cho kỹ vìnó là căn bản đạo đức của Đạo Phật. Nó là 10 điều đạo đức của Đạo Phật mà chúng ta cần phải trau dồi, cần phải tu tập, cần phải dứt bỏ. Đó là những điều mà chúng ta cần phải cố hết sức tu tập, nhiệt tâm tu tập, siêng năng tu tập, phải đem hết thân tâm của chúng ta thực hiện đúng 10 điều lành này, chứ không phải chỉ nói suông ở miệng mà được.

Kinh Thập Thiện dạy: Kẻ nào không nói lời hung dữ sẽ được 8 món công đức:

1. Nói đúng pháp.
2. Lời nói có ích lợi.
3. Lời nói đúng chân lý.
4. Lời nói khôn khéo.
5. Nói điều gì ai cũng vâng theo.
6. Lời nói được nhiều người tin.
7. Lời nói không bị ai chê.
8. Lời nói được yêu mến.

Ở chỗ 4: lời nói khôn khéo. Nhưng phải phân biệt có cái khôn khéo không xảo trá, không nói lời nói dữ dằn, chỉ dùng lời nói làm cho người nghe êm tai, thuận tai, làm cho người nghe lời nói mà người ta được vững bụng, không sợ hãi, yên tâm đó là lời nói khôn khéo. Nhiều khi chúng ta không khôn khéo, chúng ta nói sự việc cũng đúng như vậy, nhưng lại không dùng lời nói khôn khéo nên làm cho người nghe thấy đau khổ trong tâm. Mà lời nói khiến người khác đau khổ trong tâm thì lời nói đó đương nhiên được xem là lời nói không khôn khéo, đương nhiên được xem là lời nói hung ác. Nghĩa là lời nói nào mà làm cho người ta đau khổ thì lời nói đó đều là lời hung ác hết; nó bao gồm cả lời nói dối, lời nói thêu dệt, lời nói lật ngược,... đều thuộc về lời nói hung ác hết, chớ không phải riêng những lời nói hung dữ mới là lời nói hung ác đâu. Cho nên phải hiểu "lời nói khôn khéo" ở chỗ số 4 là chúng ta phải biết sử dụng lời nói của chúng ta. Cũng như khi người thợ phải tinh xảo cầm một cái bào, hay phải tinh xảo cầm một cái cưa để cưa cây, hoặc phải tinh xảo cầm một dụng cụ nào đó để làm cái nghề gì đó. Lời nói của chúng ta cũng vậy, phải sử dụng tinh xảo như một ông thợ rành nghề sử dụng vật dụng của nghề đó, hay cũng như một ông nông dân sử dụng cái cuốc, hay như một người thợ cưa, thợ mộc sử dụng cái cưa, cái bào, hay như người viết văn sử dụng ngòi bút, thì chúng ta là người tu theo Đạo Phật, chẳng những tránh lời nói hung ác, mà chúng ta phải sử dụng lời nói khôn khéo để làm cho mọi người đều vui, phải thiện xảo khi nói ra, không thể thiếu khéo léo được.

Đến chỗ người cư sĩ tập dần không nói lời hung dữ thì chúng ta sẽ có những lời nói khéo léo, chúng ta sẽ có những lời nói rất là khéo léo.

Đó là 8 điều người cư sĩ cần phải hiểu để giữ gìn 4 hành động của miệng mình.

Tóm lại, khi học biết được 4 hành động thiện này của hành động miệng mình thì từ đây về sau người cư sĩ phải cố gắng thực hiện giữ gìn cái khẩu nghiệp của mình.

Trước tiên chúng ta nên tập độc cư để giữ cái miệng của mình, cho nên Thầy thường nhắc các con phải sống trầm lặng. Sống trầm lặng là mình sống được ở trong tâm hồn trầm lặng của mình, mình ưa thích trầm lặng, mình sống trầm lặng, mình ca ngợi sự trầm lặng, mình tìm nơi để được sống trầm lặng. Do những điều kiện đó mà trong kinh Phật dạy chúng ta phải giữ gìn khẩu nghiệp của chúng ta. Phật dạy độc cư cũng nhằm mục đích là sống trầm lặng. Sống giữ gìn 4 điều lành của cái cái miệng chúng ta. Như vậy chứ không phải gì cả.

Sau một thời gian chúng ta tịnh khẩu, chúng ta không nói thì từđó khi chúng ta mở miệng ra, cái miệng chúng ta không có lanh đâu, nó chậm chạp lắm, rồi từ đó chúng ta nói lời nào cũng có sự suy nghĩ mới nói, nói rất chín chắn. Nhưng khi chúng ta nói nhiều, thì cái miệng nó nhanh, nó bén nhạy, đầu óc chúng ta chưa nghĩ kịp thì cái miệng đã nói trước rồi. Cái miệng chúng ta nó đi trước cái ý. Cho nên chúng ta phải khéo léo để giữ gìn làm sao cho cái miệng chúng ta đi sau cái ý thì mới tốt. Còn nếu cái miệng đi trước cái ý coi chừng nó phạm vào 4 điều ác của cái miệng chớ không phải là điều lành đâu.

Hôm nay Thầy tóm lược để thấy 4 hành động của cái miệng. Bốn hành động này của cái miệng rất quan trọng cho cuộc đời tu tập theo Đạo Phật.

Phần 3: Ý

A.- Không tham muốn

Con người bị cám dỗ 5 thứ dục lạc. Người có tâm tham là vì có đối tượng để cho nó tham, không có đối tượng nó lấy gì tham? Tham có 5 đối tượng của nó. Đó là 5 món dục lạc. Vậy thì 5 món dục lạc này là cái gì?

1.- Tiền của, đó là cái thứ nhất trong 5 cái dục lạc.

2.- Sắc đẹp của phụ nữ, đó là thứ hai trong 5 cái dục lạc.

3.- Danh vọng, tức là làm quan, làm vua, hoặc là đỗ bằng này bằng kia, những cái danh vọng đó, hoặc là được tiếng người ta nói mình là những nhà bác học, hoặc là những danh y, hoặc là người ta ca ngợi mình là chơn tu. Tất cả những cái danh đó là danh vọng. Tất cả những cái này, Đức Phật đã dạy chúng ta: Được danh, được lợi (tức là tiền bạc đó),rồi được sự cung kính thì chúng ta nên ẩn bóng đi, thì đó là bậc chân tu. Do Phật nhắc như vậy, chúng ta xa lìa cái gì? Xa lìa tiền bạc, sự cúng dường. Rồi danh vọng. Rồi sự cung kính. Đó là những cái mà bậc chân tu phải tránh xa. Những cái đó cũng nằm trong ngũ dục lạc, cho nên từ chỗ này chúng ta mới thấy rõ được cái ý của Đạo Phật, đối tượng của con người bị cám dỗ đó là 5 thứ dục lạc này. Danh vọng là cái thứ 3 trong 5 cái dục lạc.

4.- Ăn uống là dục lạc thứ 4 trong 5 cái dục lạc này.

5.- Ngủ là dục lạc thứ 5 trong 5 cái dục lạc này.

Chúng ta đọc lại là: tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Đó là 5 đối tượng dục lạc, làm cho tâm của chúng ta khởi lên ham muốn. Hành động của ý chúng ta là cái ham muốn. Để có ham muốn thì phải có đối tượng làm cho nó ham muốn. Trong thế gian, người đời không ai tránh khỏi 5 thứ dục lạc này, nghĩa là sống trong cuộc sống thế gian, nếu người ta không ham muốn cái này thì người ta cũng ham muốn cái kia. Người ta dính tâm tham, không tham cái này thì cũng tham cái kia. Không thể nào rời khỏi 5 thứ dục lạc này được. Vì vậy mà Đạo Phật chỉ cho chúng ta thấy được đối tượng của cái ý tham muốn là 5 thứ dục lạc. Nếu tham muốn, mong cầu, chạy theo nó, là chạy theo 5 cái dục lạc này. Đạt được thì sanh tâm vui mừng, còn thất bại thì buồn khổ, sầu não. Nghĩa là khi đạt được 5 thứ dục lạc này, cho dù chỉ đạt được một thứ mà thôi, chúng ta cũng mừng nữa chứ chưa nói đạt được hết cả 5 thứ. Mà không được thì sanh ra buồn não, khổ sở.

Nhiều người vì không đạt được những cái trong 5 cái dục lạc này họ sẽ sanh tâm muốn đi tu theo Phật. Cái kiểu tu như vậy, theo Thầy nghĩ chắc là họ thành ma chứ không thể nào giải thoát được. Đòi hỏi dục lạc không được rồi bỏ đi tu thì cái kiểu tu đó không phải người thấy được cuộc đời là khổ, thấy được ở trong đầu của mình cuộc đời có biết bao cái khổ dày đặc. Cho nên nếu vô tu, rồi thời gian sau đó mà được người ta cung cấp tiền bạc, rồi được cúng dường, rồi xây chùa lớn cho mình, thì cái anh này hết tu rồi, vì anh vui do anh đạt được dục lạc rồi. Từ đó ông thầy nầy bị dục lạc nuốt mất rồi. Cho nên nếu ai vì thất vọng trong đời, vì thất tình, rồi vào chùa tu, khi 5 cái thứ dục lạc này lần lượt đến, nó ve vãn, nó khêu gợi, do bởi anh này đâu phải là người có tâm tu, đâu phải là người có tâm xa lìa cuộc đời đau khổ đâu. Tại vì anh đạt không được 5 đối tượng dục lạc này, do vậy khi anh bị dục lạc cám dỗ thì bị rơi vào trong cái dục lạc này, bỏ rơi mục đích tu hành. Đó là do không hiểu của Thập Thiện, do những cái lạc lầm khi đi tu.

Nhưng khi một người hiểu biết cuộc đời, thấy được 5 đối tượng này gây cho chúng ta biết bao đau khổ, nó cám dỗ chúng ta rất nhiều, rất mạnh. Người đời muốn được toại nguyện lòng ham muốn thì phải trải qua vô vàn cực khổ.

Nếu ngoài đời chúng ta muốn có tiền, chúng ta phải làm lụng hết sức cực khổ mới có. Nhiều khi chúng ta phải tính toán suy tư, phải làm kinh tế bằng cách này, bằng cách khác. Có nhiều khi chúng ta phải vào tù ra khám rồi chúng ta mới lập nên sự nghiệp chứ không phải là dễ. Chúng ta phải khổ sở vô cùng thì chúng ta mới có được sự nghiệp chứ không phải dễ. Nhiều khi chúng ta thành tựu được sự nghiệp, rồi cho dù chúng ta ngồi ở trên đống vàng chưa chắc chúng ta đã yên. Ở đây có Tâm Như được ngồi trên đống vàng mà chưa yên đâu. Thầy ngồi trên cục đá mà tâm Thầy rất yên, bởi vì ăn trộm nó không lấy cục đá; còn người ta ngồi trên đống vàng nhiều khi bước ra một bước thấy mất mạng liền tức khắc, nó không yên cho nên tâm họ bất an, luôn luôn bất an.

Lòng tham muốn của người đời khi được toại nguyện thì phải trải qua vô vàn cực khổ nhưng hưởng thọ sự vui đó thì rất là nhanh chóng. Vì thế chúng ta cần phải suy tư cho kỹ càng. Đó là vấn đề tiền bạc đó.

Tham sắc đẹp thì phải tổn phí tiền bạc rất nhiều lại còn mất sức khỏe và hao tổn tinh thần. Tham tiền bạc thì phải đọa đày thân mạng lao động vất vả, đầu óc suy tư, tính toán, kinh doanh để làm ra tiền, thân và tâm không bao giờ được an vui, ngơi nghỉ, ngồi trên đống tiền như ngồi trên đống lửa. Tham danh vọng, quyền cao tước trọng thì phải vào luồn ra cúi nịnh bợ, ton hót hoặc đem lo hối lộ. Chẳng hạn Thầy học dở mà Thầy muốn để cho người ta nói Thầy đậu tú tài, đậu cử nhân thì Thầy phải đem tiền đem bạc hoặc là quà biếu cho mấy ông thầy chấm thi, hoặc là xin ông thầy đó cho những bùa phép gì đó để rồi Thầy quay cho nó đậu.

Tất cả những cái này đều là những cái phải luồn cúi, nịnh bợ bằng cách là bắt buộc mình làm như vậy để cho mình tạo được cái danh vọng đó. Đó là cái sai cái không đúng. Tham ăn uống món ngon vật lạ thì lại mắc nhiều bệnh tật khó trị, ăn uống phi thời thức ăn sẽ thành độc dược. Tham ngủ nghỉ thì trí tuệ tối tăm, mê muội, sanh biếng nhác thiếu ý chí chủ động, thiếu nghị lực, dần dần biến thành kẻ ăn bám vào người khác.

Người cư sĩ theo Đạo Phật thường hằng ngày khắc phục và chiến đấu chống lại lòng tham muốn của mình để không bị 5 thứ dục lạc này lôi cuốn. Nhờ thế mới có được đời sống tri túc, thiểu dục, đơn giản, thanh tao và an nhàn, nhận được sự lợi ích đời sống con người khi đã lìa xa tâm ham muốn thì được thảnh thơi, an vui, an lạc, không còn khổ đau phiền não nữa.

Phật dạy: Diệt tâm tham muốn là diệt đế. Diệt đế là Niết Bàn là trạng thái tâm hồn thanh thản. Chỉ cần không ham muốn là quý vị đã đạt được cảnh giới Niết Bàn. Chỉ có 1 chút thôi, chúng ta đừng ham muốn, đừng có ham thích những cái dục lạc đó thì ngay đó chúng ta đã có Niết Bàn rồi, có cần gì mà phải tu nhiều, chỉ có 1 chút tâm đừng ham muốn là đủ rồi.

Vậy thì quý vị có cần gì mà phải cực khổ ngồi thiền, nhập định làm chi cho nó mất công? Chỉ cần dẹp qua cái lòng ham muốn là đã được rồi. Nhưng nói như vậy đâu phải chuyện dễ. Nếu dễ như vậy thì ai cũng làm Phật, cũng nhập được Niết Bàn được hết rồi. Khó lắm, cái lòng ham muốn của chúng ta khó mà dứt được nó lắm.

Quý vị đừng hiểu rằng khi tâm ham muốn dứt thì cuộc sống sẽ trở thành tẻ nhạt. Có nhiều người nghĩ rằng khi còn ham muốn thì chúng ta còn thích thú, còn làm cái này còn làm cái kia, giờ hết ham muốn rồi bắt đầu đời sống của mình không còn cái gì nữa hết, thôi chắc chắn là ngồi đó mà chờ chết thôi chứ có ước muốn gì nữa đâu. Đó là cái hiểu lầm lạc của nhiều người, cho hết ham muốn sẽ trở thành tẻ nhạt, trở thành vô vị, không còn ý nghĩa gì trong cuộc sống. Còn ham muốn thì còn thấy hy vọng cái này cái kia cho nên mình đâm đầu chạy bên đây chạy bên kia tìm nó. Còn giờ hết ham muốn rồi còn tìm gì nữa đâu. Cho nên đời sống bây giờ nó tẻ nhạt, lạnh lẽo vô cùng. Con người mà tâm không còn ham muốn nữa chắc chắn là tiêu chứ còn gì! Đó là cái hiểu của đứng ở trên núi này mà muốn hiểu cái núi kia, làm sao hiểu được!

Chúng ta muốn hiểu nó, chúng ta phải đi vào xem nó như thế nào. Vì vậy Phật dạy ly dục thì được tâm thanh thản, giải thoát. Từ cái chỗ mình không còn ham muốn nữa, mình lìa xa cái lòng dục của mình, lìa xa cái lòng tham lam đó thì cái tâm mình thanh thản; tâm thanh thản tức là tâm giải thoát, chứ đâu phải tẻ nhạt đâu. Do còn cái ham muốn mà không đạt được nó mới thấy tẻ nhạt, còn bây giờ người ta không ham muốn thì tức là nó thanh thản, cho nên nó đâu tẻ nhạt. Vì cái chỗ tẻ nhạt này là do cái ham muốn mà không đạt được, do vậy bắt buộc mình ngồi đây mà không ham muốn, chứ trong tâm của mình có một khối ham muốn to lớn ở trong đó. Cho nên nó mới thấy tẻ nhạt. Phải hiểu được cái lý như vậy. Nếu không phải vậy thì ông Phật bảo mình ly dục cho hết thì đó là Niết Bàn. Thì trời ơi, cái Niết Bàn gì nghe sao nó buồn khổ, vì nó không còn ham muốn gì hết trong đó. Thì như vậy mình tu làm gì nữa. Cho nên từ đó mình mới thấy được cái mấu chốt của vấn đề, cái mầm của nó là ham muốn dục lạc mà không đạt được. Bây giờ ngồi đây mà có cái tâm ham muốn to lớn cho nên mới thấy Niết Bàn tẻ nhạt, mới thấy Niết Bàn lạnh lẽo ở trong đó. Chứ còn người ta không còn ham muốn thì khi ly được lòng ham muốn rồi thì tâm hồn trở nên thanh thản, giải thoát, đâu có tẻ nhạt, đâu có buồn khổ.

Cho nên hiện giờ thấy như thế nào, cho các con sống độc cư, các con thấy cuộc sống buồn khổ, tẻ nhạt, đólà vì cái tâm ham muốn của các con còn, chứ nếu cái tâm ham muốn hết rồi thì đâu còn thấy sống độc cư là tẻ nhạt nữa đâu! Lúc đó các con sống độc cư thấy an lạc vô cùng, thích nó, không bao giờ không thích nó. Còn bây giờ thấy nó tẻ nhạt quá, nó buồn quá, thôi đi ra nói chuyện chút cho nó vui, tức là các con sẽ không giữ được hạnh độc cư. Vì vậy mà cái hạnh độc cư rất là tuyệt vời làm cho tâm hồn chúng ta thanh thản giải thoát. Chính vì tâm ham muốn còn nên các con sống độc cư không được. Sống độc cư không được là do cái tâm ham muốn của các con còn đó. Các con hiểu chỗ đó mới thấy được cái chỗ Thầy dạy rất là thực tế, cụ thể. Cho nên số người tu hành về đây rất đông mà không ai sống độc cư được, do vậy họ phải ra đi, chỉ còn lại được 2 người mà thôi, thì đủ biết rằng tại cái tâm ham muốn của họ còn, cho nên họ thấy tẻ nhạt, cô đơn, buồn bã. Vì vậy mà họ không chịu nổi cuộc sống độc cư, họ phải ra đi. Sống là sự trả nghiệp chớ không phải sự tham đắm, si mê về dục lạc. Ở đây, cái câu nói này các con phải hiểu, nó rất là đầy đủ ý nghĩa của nó. Bởi vì hầu như người ta lầm lạc, người ta tưởng cuộc sống này là phải tham đắm 5 cái dục lạc đó. Nhưng cuộc sống là trả nghiệp, bởi vì nghiệp sinh ra chúng ta ra, do đó những quả đó phải sẵn sàng cho cái bản thân của chúng ta rồi vì vậy chúng ta phải trả nghiệp. Khi chúng ta sống vừa trả nghiệp vừa tạo nghiệp thì nó mới có cuộc sống vị lai. Nếu chúng ta chỉ trả nghiệp cũ mà không tạo nghiệp mới thì làm sao có cuộc sống tương lai được. Cho nên 2 câu đầu trong bài kệ Nhất Dạ Hiền đã nói:

Qua