TÌM KIẾM

Pháp Tu Cư Sĩ - Thập Thiện (tiếp 4)

18/04/2020Admin

TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC

GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT


 

II.- PHÁP TU CƯ SĨ

THẬP THIỆN (tiếp 4)

E.- NHỮNG PHẨM HẠNH ĐẶC BIỆT.

1. Không chạy nhảy.

Người cư sĩ cần phải lưu ý có 4 hạng người mất phẩm hạnh khi chạy.

Bây giờ chúng ta là người cư sĩ, và sẽ là người tu sĩ, vì vậy mà chúng ta phải thấy rằng khi chạy nhảy sẽ làm mất phẩm hạnh. Quý thầy tuổi trẻ coi chừng, tuổi trẻ hay chạy nhảy lắm cho nên vội vã một cái gì cũng sẽ làm mất phẩm hạnh của một người tu. Phật cho chúng ta thấy rằng có 4 hạng không được chạy nhảy một cách tự do như.

- Một: Một nhà vua mão áo chỉnh tề, cân đai sáng chói mà chạy nhảy sẽ mất phẩm cách của nhà vua. Một ông vua thì phải bệ vệ, không nên chạy nhảy. Một ông vua mà chạy nhảy thì chắc khôn gai chấp nhận người đó là ông vua của mình hết.

- Hai: Một thớt voi nai nịt đầy đủ, oai vệ mà chạy nhảy sẽ mất phẩm cách của thớt voi đó. Tức là đức Phật muốn nói một thớt voi sắp ra trận, nai nịt hẳn hoi mà chạy nhảy như những con voi rừng thì con voi đó không còn phẩm cách của một con voi chiến trận nữa.

- Ba: Một nhà sư mà chạy nhảy sẽ mất vẻ khả kính của một tu sĩ. Hiện giờ các con là cư sĩ, nhưng sự thật các con đã được học ở đây đương nhiên các con là những người tu sĩ chứ không còn là người cư sĩ nữa đâu, vì các con tìm con đường giải thoát, đi vào mục đích giải thoát, thì các con không có lý do nào mà nói tôi còn là người cư sĩ nữa, nghĩa là các con lần lượt phải dứt bỏ gia đình của mình, những người thân thuộc của mình để đi vào lộ trình giải thoát chấm dứt sự đau khổ sinh tử của mình, để thực hiện được hoàn toàn sự chấm dứt sự đau khổ đó. Cho nên các con lần lượt trở thành những người tu sĩ rất tốt của đức Phật sau này.

- Bốn: Một phụ nữ chạy nhảy sẽ mất phẩm cách đoan trang, phong nhã. Một người phụ nữa mà chạy nhảy như mấy chú con nít, hoặc như những người thanh niên thì không thể được, vì một người phụ nữ phải đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai thì người ta mới đánh giá trị của người phụ nữ đó, không khéo chạy nhảy như con trai thì chắc chắn người ta xem người phụ nữ đó không đoan trang, phong nhã, không khoan thai.

2. Người phụ nữ khi về nhà chồng.

Đức Phật lại dạy người phụ nữ khi về nhà chồng, có 10 điều cần hiểu và giữ gìn.

Chúng ta thấy tất cả những điểm quan yếu ở trong gia đình của mỗi Phật tử đều được đức Phật dạy sạch hết, không có cái nào mà không dạy. Vì vậy mà Thầy thấy cần thiết phải nhắc nhở những điều này, Thầy biết là nó lòng vòng. Các thầy có ý nghĩ như thế này: Mình thì muốn đi ngay vào cái gì cần thiết, như bây giờ phải nhập định, phải tịnh chỉ hơi thở, cái này cái kia nó quan trọng, chứ còn vấn đề này đâu quan trọng đâu.

Nhưng nhiều người cư sĩ còn ở trong gia đình, người ta chưa hiểu biết những điều đối xử với nhau, rồi mình nói Thập thiện suông thì người cư sĩ chẳng biết áp dụng Thập thiện như thế nào. Bởi vì hành động của người cư sĩ thường sống, đối xử với  nhau ở trong nhà, người cư sĩ đâu biết làm sao mà thực hiện Thập thiện được, cho nên phải nói ra tất cả những hành động sống này để người cư sĩ biết mà áp dụng vào Thập thiện, từ đó họ mới có sự giải thoát được, từ đó hạnh phúc gia đình họ mới có được. Rồi chính từ nền tảng vững chắc này người cư sĩ mới trở thành một tu sĩ, mới biết cách thức tu thiền định. Chứ bây giờ chúng ta nói cái này không cần thiết, cho rằng giảng cái này nó luộm thuộm quá, nó nhiều quá thì cái đó chúng ta hiểu rất cạn. Chúng ta phải nhấn mạnh vào chỗ đức hạnh, vào hạnh phúc của người cư sĩ rồi mới đến tu tập thiền định làm chủ lậu hoặc cho đến rốt ráo, tức là phải đi qua quá trình tu tập từng lớp một chứ không thể nào nhảy ngang xương. Vì nhảy ngang xương thì sau khi tịnh chỉ được hơi thở, làm chủ được các hành, nghĩa là các hành ngưng, thì người cư sĩ sẽ bị lạc vào tà thiền chứ không thể nào mà Chánh thiền, Chánh định được vì cái tâm của người cư sĩ còn dính mắc, cái tâm chưa được tịnh mà họ cố ức chế nó để có thể làm những điều này thì họ sẽ rơi vào tà thiền, chắc chắn không phải là chánh thiền được, không phải là Chánh định được, mà nó là tà định.

Mặc dù các thầy có thể tịnh chỉ hơi thở, có thể tim ngưng đập, các hành ngưng nhưng tâm chưa thanh tịnh tức là chưa xả bỏ các ác pháp và lòng ham muốn thì chắc chắn quý thầy sẽ rơi vào tà định rồi. Rồi từ đó bản ngã của quý thầy sẽ to lớn theo cái sức thiền định của mình và sẽ chạy vào danh lợi và sắc dục.

Hầu hết số người tu không có nền tảng vững chắc này đã đưa họ đi đến chỗ sa ngã.  Như chúng ta nghe nói vị giáo chủ này, vị giáo chủ kia tu tập một thời gian ở trong định có những sự vi diệu rồi họ đem ra khoe khoang, họ thực hiện những cái vi diệu này khiến mọi người thấy quá kính phục, từ đó mọi người bám theo vị thầy nà ynhưng vì cái tâm dục, cái tâm ham muốn của họ chưa sạch, từ đó cái ham muốn đó bắt đầu phát triển nên các vị thầy này bị sa ngã. Thứ nhất là ham muốn danh lợi, tiền bạc. Thứ 2 là ham muốn dâm dục, chắc chắn vị Thầy sẽ có vợ hai, vợ ba, vợ 4, vợ 5 chứ không phải là một bà đâu. Hầu hết cái sai lệch của các bậc giáo chủ không có tu cái tâm thanh tịnh là khi có thiền định, khi có chút ít thần thông thì bị rơi ngã hết, không còn giữ được phẩm hạnh của một người tu.

Còn nếu chúng ta xây dựng một con người tu tập theo đạo Phật phải lấy phẩm hạnh của con người để diệt trừ cái tâm ham muốn, để xa lìa các lậu hoặc, nhờ đó người này đi vào thiền định, chắc chắn là chánh định không còn tà định nữa vì bản ngã của họ không còn. Do đó họ không còn say mê danh lợi và sắc dục. Như vậy họ mới thoát ra khỏi vòng đau khổ, luẩn quẩn của sinh tử.

- Thứ 1: Đức Phật dặn người phụ nữa khi về nhà chồng, thấy chồng mình hoặc là cha mẹ chồng có những lầm lỗi, bởi vì con người thì ai cũng phải có những lầm lỗi, mình thấy cái lỗi đó mà đem ra nói cho người này người kia ở trong xóm làng hoặc là cha mẹ ruột của mình biết. Người vợ mà làm những điều đó thì người ta khinh dễ cha mẹ chồng và chồng mình, như vậy mình có xấu hổ không? Tức là mình xấu hổ. Cho nên Phật dạy người phụ nữ khi về nhà chồng không nên đem chuyện lỗi lầm của cha mẹ chồng hoặc của chồng mình nói cho người này biết, nói cho người kia biết. Phật nói không có lửa nào tệ hại như lửa này. Nghĩa là lửa trong nhà mình mà đem đốt ra ngoài, không có cái lửa nào mà tệ hại như lửa đó. Đức Phật lấy ví dụ lửa Thầy thấy quá tuyệt vời. Không có lửa nào tệ hại như lửa ấy.

- Thứ 2: Nếu có người láng giềng đàn ông, đàn bà nói xấu cha mẹ chồng hay chồng, thì người vợ không nên đem những lời phỉ báng ấy về lặp lại, nói rằng người nọ người kia nói điều xấu này hay điều xấu kia, xấu khác về gia đình chồng mình thì mình không nên đem về học lại với cha mẹ chồng hay với chồng mình. Bởi vì đức Phật nói, không có lửa nào tệ hại như lửa ấy. Lửa ở trong nhà người ta, mình đem vô trong nhà mình để cho gia đình chồng mình nghe người ta nói xấu cha mẹ chồng mình, nói xấu chồng mình khiến cha mẹ chồng, khiến chồng tức giận người ta, gây hấn đánh lộn người ta, tạo nên những cảnh bất an cho xã hội, tạo nên cảnh rối loạn trong chòm xóm với nhau. Cho nên nếu cha mẹ chồng mình hay chồng mình có những lỗi đó thì mình tìm cách khuyên răn cha mẹ chồng mình hay chồng mình chứ không nên nói người hàng xóm đó họ chê cha mẹ chồng hay chồng mình như thế này thế khác. Nói như vậy là tạo cho gia đình của mình có sự bất an liền tức khắc. Vậy mình phải dấu những điều này nhưng phải suy xét coi lời nói đó đúng hay không, nếu không đúng tức là họ đã nói xấu cha mẹ chồng mình, chồng mình thì mình không chơi với những người đó nữa, tức là không đến với những người đó nữa. Cho nên Phật dạy: Không có lửa nào tệ hại như lửa ấy, lửa ngoài đem vô đốt trong nhà mình để làm cho gia đình mình xào xáo, điều đó là cái điều rất xấu, rất tệ đó.

- Thứ 3: Chỉ cho mượn những người nào mượn mà trả lại. Nghĩa là mình giúp đỡ người khác, mình cho người ta mượn nhưng những người đó phải trả lại, còn những người mượn mà lấy luôn thì không nên. Thầy thấy nếu cho người đó mượn mà họ lấy luôn thì cha chồng mình hoặc là mẹ chồng hoặc là chồng mình sẽ nói mình là người ngu vì người đó là người mượn không trả mà cứ cho họ mượn, của mình làm bằng mồ hôi nước mắt. Cho nên đức Phật dạy: Người phụ nữ về làm dâu phải cẩn thận chỗ này, biết người đó mượn trả thì mình cho mượn, mượn mà không trả thì nhất định không cho mượn, vì rồi đây trong gia đình mình sẽ bị sự bất an, bị sự khổ sở.

- Thứ 4: Những người mượn rồi giữ luôn không trả lại thì không nên cho mượn. Đó là cái thứ 4. Như hồi này Thầy đã giảng rồi người mượn mà trả lại thì cho mượn, còn người mượn không trả thì không cho mượn, đó là phần thứ 4.

- Thứ 5: Những người thân bằng quyến thuộc, nghèo khó cần giúp đỡ, thì hãy giúp đỡ họ dù họ có thể trả lại được hay không được. Nghĩa là trong giòng họ chồng mình, có những người quá nghèo khổ cần giúp đỡ, mình giúp đỡ họ mà không mong họ trả lại sự giúp đở vì đó là người thân quá nghèo trong giòng họ của chồng mình. Nhưng trước khi giúp đỡ họ thì mình cũng phải báo lại cho gia đình chồng biết như vậy: "anh Năm, anh Ba, anh Tư hoặc chú Bảy, chú Tám gì đó nghèo khổ quá mà bây giờ mình có ăn thì mình giúp đỡ họ, họ có thì họ trả lại mà không có thì cho luôn họ. Con suy nghĩ như vậy; không biết ba má hay chồng có bằng lòng không?" Nếu bằng lòng thì mình mới làm, nếu không bằng lòng thì không nên làm, nếu mình làm mà người ta không trả lại mình thì phải chịu trách nhiệm.

Đó là những lời mà Đức Phật dạy người làm dâu về nhà chồng phải biết đối xử này, nếu không biết như vậy thì giòng họ bà con nhà chồng thấy bà dâu này không bao giờ giúp đỡ cho giòng họ chút nào hết. Từ ngày bà về bà quản lý hết tiền bạc, không cho ai nhờ vả gì ráo. Hồi trước khi bà về, mình còn qua mình mượn này kia được; bây giờ có bà về hỏi bà bà không cho mình. Như vậy càng ngày cái tiếng mình càng xấu mà người ta không hiểu được. Còn mình làm cái gì đâu đó chơn chánh như vậy không bị tiếng xấu. Những điều Phật dạy này, Thầy thấy quá là hay, cho nên mới ghi ra đây để tất cả chúng ta hiểu biết, mặc dù bây giờ quý thầy là những người tu hành rồi nhưng cũng phải hiểu biết qua góc độ của người cư sĩ còn ở trong cuộc sống như mọi người khác, họ phải biết cách đối xử như vậy mới đúng.

- Thứ 6: Ngồi một cách an vui. Nghĩa là mình ngồi trên một cái ghế hoặc nơi đâu đó mà tâm mình được an vui. Như vậy ngồi an vui là như thế nào? Có nghĩa là khi thấy cha mẹ chồng hay chồng đến gần thì người vợ phải đứng dậy để tỏ ra mình tôn trọng, chứ không nên ngồi yên. Đó mình ngồi yên ổn được, mình ngồi một cách an vui được tức là mình có lễ độ của người vợ. Sau khi cha mẹ chồng hay chồng đi qua rồi thì mình nghe cái tâm mình an ổn, còn khi mình ngồi lì đó không đứng dậy chào những người đó, khi những người đó qua rồi thì người ta thấy con dâu này sao nó không lễ phép gì hết: Cha mẹ chồng đi ngang qua mà nó ngồi ì, nó không đứng dậy. Đó là lễ độ của một người phụ nữ khi về nhà chồng, đối với chồng cũng như là đối với cha mẹ chồng có vẻ cung kính chồng, có vẻ cung kính cha mẹ chồng như vậy, thì mọi người thấy người vợ mà như vậy họ rất thương mến. Còn người vợ ngồi ì không tỏ vẻ cung kính ai thì mọi người sẽ đánh giá trị mình là người thiếu cung kính. Đó là phần thứ 6.

- Thứ 7: Ăn một cách an vui. Ở đây ăn một cách an vui như thế nào? Có nghĩa là người vợ không nên ăn trước cha mẹ chồng hay chồng mà phải coi dọn đầy đủ cho cha mẹ chồng và chồng rồi mới ăn. Nghĩa là mình dọn mâm cơm, rồi nhưng cơm chưa xới ra, cha mẹ chồng và chồng chưa ngồi ăn mà người vợ xới cơm cho mình và ngồi ăn. Đức Phật nói người vợ ăn mà được an vui thì tức là mình phải ăn sau và mình phải xới cơm cho cha mẹ chồng, rồi cho chồng, rồi mình bắt đầu mình mời mọi người. Mọi người ăn rồi mình mới ăn. Đức Phật nói ăn như vậy thì người vợ ăn một cách rất an vui. Còn người vợ xới cơm cho mình ăn, còn bao nhiêu người khác thì không xới, không mời ăn, như vậy người vợ ăn không an vui đâu. Đúng vậy, đức Phật dạy cái này Thầy thấy rất là hay vì trong gia đình có trật tự tôn ti trước sau như vậy, làm cho bữa ăn rất là an vui, có lễ nghi trong chuyện ăn uống.

- Thứ 8: Ngủ một cách an vui. Đức Phật nói người làm dâu về nhà chồng mà ngủ được an vui thì phải làm như thế? Có nghĩa là người vợ không nên đi ngủ trước cha mẹ chồng và chồng. Tại sao vậy? Khi mình ngủ trước, cha mẹ vô ngủ sau thì ai xả mùng cho ông bà? Cho nên vì vậy mình ngủ không có ngon. Phải ngủ sau cha mẹ chồng, xả mùng màn cho cha mẹ chồng; chồng lên ngủ, mình xả mùng rồi mới lên ngủ sau và như vậy là tròn bổn phận làm dâu, làm vợ. Còn người vợ ngủ trước, không xả mùng, thì người chồng ngủ sauphải xả mùng, như vậy là người vợ thiếu bổn phận làm vợ.

Đức Phật dạy đây không phải là tôi tớ, không phải là người tay sai trong gia đình, mà đây là nhiệm vụ và bổn phận của một người phụ nữ về nhà chồng phải làm những bổn phận đó, làm như vậy người vợ tỏ vẻ cung kính người thân của chồng, những người mà người vợ phải làm cho họ vui lòng để họ được an ổn. Những hành động này rất thực tế để cho cuộc sống vợ chồng được đầy đủ hạnh phúc.

Thời nay điều này Thầy thấy chắc chắn khó thực hiện lắm bởi vì hầu như mấy cô bây giờ không giữ được những điều này. Vì mẹ chồng cha chồng ngủ mặc kệ chẳng bỏ mùng bỏ màn gì, ông bà ngủ thì ông bà có bỏ thì bỏ không bỏ thì thôi chứ mình chẳng cần, rồi đi chơi hoặc này kia với chồng, không lo gì ở nhà hết. Do đó những nàng dâu như vậy tức là những nàng dâu không xứng đáng theo những đạo đức và phong cách đạo đức mà đức Phật đã dạy ra cho biết rằng người phụ nữ phải làm những cái gì đúng phong cách của người dâu, của người con ở trong gia đình. Nhưng những điều này mà các cô làm đúng, chắc chắn các cô sẽ được hạnh phúc. Mà làm như vậy tức là người con hiếu thảo đối với cha mẹ chồng thì cha mẹ chồng nào lại không thương người dâu đó, thương cò nhơn con ruột của mình nữa, chưa chắc con gái ruộtđã làm được những điều này.

- Thứ 9: Trông nom giữ gìn lửa. Trông nom giữ gìn lửa trong nhà của mình như thế nào? Phật dùng những danh từ không hiểu như thế nào hết. Bây giờ Phật giải thích cho chúng ta nghe: Có nghĩa phải xem cha mẹ chồng và chồng như lửa, nghĩa là nếu mình gần lửa thì nóng, mà mình xa lửa thì không đúng. Cho nên mỗi khi có việc với cha mẹ chồng và chồng phải hết sức thận trọng. Thận trọng như thế nào? Thận trọng trong lời nói. Không khéo thì một lời nói vô tình của mình sẽ làm buồn phiền cha mẹ chồng, hay chồng, cho nên nói năng rất là cẩn thận khi gần gũi cha mẹ chồng và chồng mình, được xem như mình gần lửa. Nếu không khéo mình bị phỏng tay, sát quá thì bị nóng, cho nên phải như thế nào mới bảo đảm được hạnh phúc của mình. Như khi làm việc với lửa vậy. Cho nên khi tiếp xúc với cha mẹ chồng của mình phải hết sức thận trọng trong lời nói, cái đó là sự giữ gìn lửa ở trong nhà mình.

- Thứ 10: Tôn trọng các vị trời. Đức Phật dạy người phụ nữ làm dâu phải tôn trọng các vị trời ở trong nhà, vậy các vị trời này là ai đây? Có nghĩa là phải coi cha mẹ chồng và chồng như trời, nghĩa là coi như một bậc trời thì mới là hạnh phúc, chứ mình mà coi cha mẹ, chồng mình như là cỏ rác thì coi chừng mình không sống ở đó lâu đâu.

Như vậy, lời đức Phật dạy khi người con gái sắp sửa về nhà chồng thì phải lấy 3 đức: nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng thì mới xem cha mẹ và chồng như trời. Còn nếu không nhẫn nhục, không tùy thuận, không bằng lòng thì sẽ không ở yên trong gia đình đó đâu. Cho nên thường là mẹ chồng và nàng dâu hay có chuyện cãi cọ thế này thế khác đều là do người con dâu không giữ được nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.

Ở đây Phật đem ví dụ: Từ một đống hoa, người ta nhặt ra từng cánh hoa để làm thành một tràng hoa, cũng thế ấy, chúng ta được làm người phải thu nhặt nhiều lần những hành động tốt mới thành người đức hạnh. Theo đức Phật dạy thì sự tu tập 10 điều lành này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta ví như là từ ở trong một đống hoa rồi chúng ta nhặt từng cánh hoa để kết thành một tràng hoa đẹp đẽ. Cũng thế, chúng ta được làm người, nhưng chúng ta chưa hẳn hoàn tốt hẳn. Muốn được hoàn toàn tốt thì hàng ngày chúng ta phải thu nhặt nhiều lần những hành động thiện, những hành động tốt. Đức hạnh không phải là có ngay liền mà chúng ta phải nhặt từng hành động thiện; từng hành động thiện đó góp nhặt lại, lâu ngày chúng ta mới trở thành người có đức hạnh.

Đến đây quý vị đã hiểu biết được những điều mà người cư sĩ phải sống ở trong gia đình như thế nào cho đúng cách.Còn một phần nữa là sẽ hết. Phần này là phần đoàn kết nhau ở trong gia đình cũng như ở trong những tập thể.

3. Đoàn kết.

Này các Thầy, các Thầy là những người từ 4 phương, kẻ ở tỉnh này, người ở tỉnh khác khắp cùng trong đất nước về đây tu học theo Thầy, cùng một giáo pháp của đức Phật, cớ sao các Thầy lại tị hiềm, ganh ghét nhau, tranh tụng mạ lị nhau không kể gì đến anh lớn, em nhỏ? Lại luôn luôn tìm những khuyết điểm của nhau thay vì chỉ dạy cho nhau lại đem ra bêu xấu với người này, người khác thì còn gì đạo nghĩa con người? Thì còn gì là anh em một Thầy? Đánh nhau bằng kiếm lưỡi, miệng gươm, chẳng biết thương xót nhau chút nào. Người xưa nói “Thố tử hồ bi”, con thỏ chết con chồn còn đau đớn khóc thương, huống chi chúng ta là những con người học đạo cùng Thầy, cùng đạo từ bi của đức Phật, thế sao chúng ta không từ bi chút nào cả.

Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Này quý Thầy, tuy quý Thầy không cùng một cha mẹ sinh ra nhưng quý Thầy sống chung dưới cùng một mái Chùa, học chung cùng một đạo đức, cớ sao quý Thầy lại không thương mà nỡ tâm đem chuyện xấu bêu nhau cho người khác cười chê. Xấu lá xấu nem, xấu anh, xấu em, vô tình mà quý Thầy đã hại lẫn nhau làm tai tiếng khắp vùng. Rồi người ta tự hỏi tại sao những người tu sĩ Phật giáo lại đấu tranh nhau, lại bêu xấu nhau. Họ phân ra nhiều giáo phái, họ phân ra nhiều tư tưởng, họ phân ra nhiều pháp môn để rồi họ bài xích nhau, họ chống đối nhau chẳng tiếc lời, họ luôn luôn chà đạp lên nhau, giày xéo lên nhau. Họ bất đồng ý kiến; họ cho rằng chỉ có ta biết được điều này, còn ngươi không biết; điều ta nói là đúng, điều người nói là sai; pháp môn ta tu hành là đúng, pháp môn ngươi tu hành là sai; điều ta hiểu là chơn chánh, điều ngươi hiểu là không chơn chánh; pháp môn này tu trước ngươi lại tu sau, pháp môn kia tu sau ngươi lại tu trước; sai lầm rối loạn, đảo lộn tất cả, không có phép tắt. Điều ta làm tốt, điều ngươi làm không tốt đẹp.

Những điều tự suy luận trên đây là kiến chấp. Đó là những cái kiến chấp, chấp sự hiểu biết của mình, mà có kiến chấp thì có ngã chấp, có ngã chấp thì có hơn thua, tị hiềm. Chúng ta biết được cái gốc của nó thì chúng ta hãy cố gắng tu Định vô lậu để diệt ngã, xả tâm của chúng ta để chúng ta được giải thoát mà không còn hơn thua nhau nữa. Có hơn thua, ganh tị thì phải có nói qua nói lại, nói tốt nói xấu, đó cũng chỉ vì danh khen - chê của mọi người mà anh em cùng một nhà xâu xé nhau, từ đó tăng đoàn bị phân hóa, thiếu đoàn kết. Anh em cùng một thầy một tôn giáo mà chia rẽ nhau!

Bằng chứng như chúng ta đã thấy tôn giáo của chúng ta thiệt là tan nát, không còn một chút nào hết. Cùng trong một Phật giáo mà kẻ đứng pháp môn này, người đứng pháp môn kia, rồi chỉ trích bài xích nhau. Thầy thấy mọi pháp môn của Phật dạy không có pháp môn nào xấu hết: người tu Đại Thừa cũng tốt, mà người tu Tiểu Thừa cũng tốt; người tu thiền Đông Độ cũng quý, người tu Tịnh Độ cũng quý; người tụng niệm, cúng cầu an cầu siêu cũng tốt. Tại sao vậy? Tại vì mọi pháp môn đều là an ủi cho những người đau khổ, cho đời và cho chính mình nữa. Cho nên tất cả những pháp môn này không nên bài bác làm gì, vì tùy mỗi góc độ, tùy mỗi phước duyên của con người mà đứng trong góc độ đó để thực hiện những điều tốt cho Phật giáo. Cho nên chúng ta có đủ duyên tu tập đúng Giới luật, nhập Thiền định làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi thì đó là phước duyên của chúng ta ở góc độ sâu hơn, cao hơn một chút. Chứ chúng ta có hơn gì họ, vì chúng ta cũng là một con người.

Họ chưa đủ duyên, chưa gặp được những bậc Minh sư, Thiền đức, cho nên họ tu còn ở ngoài. Tuy vậy, họ vẫn làm được những điều lợi ích cho xã hội. Chúng ta nên nghĩ rằng vì cái tâm danh lợi của họ còn, cho nên họ vẫn còn ham thích, se sua. Sắm xe này, nhà kia, chùa lớn, tháp to, nhưng họ cũng giảm bớt biết bao nhiêu sự ham muốn của họ, và họ cũng giảm bớt biết bao nhiêu sự ác của họ. Họ nghĩ làm cái chùa lớn là để cho mọi người đến chiêm ngưỡng, vẫn thấy được Phật giáo còn mãi mãi, dạy cho mọi người những bài kinh này bài kinh khác, viết ra những cuốn sách này, những bài này nói Phật dạy như thế này như thế khác là để mọi người hiểu để mọi người làm lành, lánh những điều dữ. Tất cả những điều mà quý thầy đang làm đều có lợi ích cho xã hội, đều có lợi ích cho mọi người; giảm được góc độ này thì lợi ích được góc độ này, rồi ngày mai đủ duyên, quý thầy đi sâu hơn trên con đường của đạo Phật để chấm dứt sanh tử luân hồi.

Cho nên chúng ta không nói xấu một người nào, không chê một pháp môn nào mà chúng ta nên thấy rằng những pháp môn của mọi người đều tốt cả, đều là của Phật giáo cả. Vì vậy mà chúng ta đoàn kết được trong huynh đệ của chúng ta, từ một ông thầy tụng niệm cúng bái cho đến một ông thầy học thức đỗ tiến sĩ, cho đến một người tu thiền định trong rừng núi, cho đến một người tu Tịnh Độ niệm Phật suốt ngày, đều là anh em của chúng ta cả, không có gì mà chúng ta chia rẽ họ.

Chúng ta hãy thương họ, chúng ta hãy giúp đỡ họ khi chúng ta có đủ khả năng giúp đỡ họ. Cho họ thực hiện những gì họ mong muốn. Đừng bài bác họ, cũng như chúng ta thấy họ tu như vậy mà giữ gìn giới đức chưa được thì đó là cái phước của họ, không nên lấy chỗ sai giới đức đó mà chỉ trích họ, làm cho họ buồn khổ hoặc là làm cho họ căm tức để rồi sanh ra chia rẽ, chẳng ích lợi gì cho Phật pháp.

Nếu mình nói thế này thế khác thì ngoài mặt họ tùy thuận theo mình nhưng trong tâm họ chẳng mến phục mình, họ còn thầm khinh bỉ anh em trong nhà mình nữa. Nghĩa là mình nói ra thế này thế khác hoặc chê cười pháp môn này pháp môn khác, tuy ngoài mặt họ tùy theo mình, họ ừ ừ hữ hữ cho qua, hoặc họ luận theo cái chiều hướng của mình theo trong kinh điển của Phật dạy.

Những người không ngăn chặn những điều xấu của mình mà họ cứ tùy theo mình, ừ hữ theo mình, để cho mình bộc lộ những điều xấu của mình thì những người bạn đó là những người xấu. Như Thầy đã giảng rồi các thầy thấy những người ngăn chặn mình là những người tốt, mà những người để cho mình nói xấu người khác điều này thế kia họ cứ làm thinh hoặc là họ ừ hữ làm như họ theo mình, đó là những người xấu. Vì vậy mà mình lầm lạc từ cái này đến cái khác, để rồi mình chỉ trích pháp môn này, trỉ trích pháp môn khác, rồi luận thế này luận thế khác.

Qua những lời Phật dạy: Những người chê pháp môn này, chê pháp môn khác đó là những người xấu chứ không phải người tốt. Họ xấu là vì họ muốn ca ngợi cái danh của họ, họ muốn ca ngợi pháp môn tu của họ hay cho nên họ dìm các pháp môn của người khác xuống để cho họ trở thành những giáo chủ có đường lối pháp môn tuyệt vời để mình tin, mình theo. Khi người ta mở miệng ca ngợi pháp môn của người ta thì chúng ta biết rằng những người đó là những người không tốt, là những người xấu. Như vậy chúng ta rất sáng suốt qua bài học này, chúng ta đã nhận được những cái đúng cái sai cho nên chúng ta chỉ biết âm thầm làm thinh không phê phán ai cả.

Xưa đức Phật đã một lần vào rừng ẩn bóng cũng chỉ vì chúng tăng chia rẽ, thiếu đoàn kết. Nghĩa là trong thời đức Phật có một lần trong mùa hạ đó, đức Phật phải vào rừng ẩn bóng vì chúng tỳ kheo lúc bấy giờ đấu tranh nhau bằng miệng lưỡi, họ không có đoàn kết nữa, cho nên đức Phật bỏ đi vào rừng để An cư mùa hạ năm đó. Sau đó nhờ quý thầy lớn giải quyết làm cho đoàn kết trở lại, rồi họ đến xin đức Phật trở về vì chúng tăng đã đoàn kết.

Cho nên Thầy nghĩ rằng cái duyên để Thầy ẩn bóng cũng có một điều đau khổ cho đệ tử của Thầy. Thầy không muốn ở đây để người ta tạo thêm những cái tội. Khi nghe một người khác nói tốt về Thầy bằng cách này, bằng cách khác, thì người ta phỉ nhổ lên Thầy. Thầy là người tu hành có giới đức thanh tịnh mà họ phỉ nhổ lên thì họ phải chịu lấy cái hậu quả đó, cho nên rất là đau khổ. Khi Thầy ẩn bóng thì họ lấy đâu mà phỉ nhổ thầy, cho nên họ thoát khỏi tội lỗi. Và người đệ tử theo Thầy mà nói tốt điều này điều kia, thì họ thấy Thầy đã ẩn bóng rồi thì có nói Thầy thế nào Thầy cũng không còn để đón danh, đón lợi gì hết.

Bởi vì khi ẩn bóng thì Thầy đâu có chường mặt ra gặp ai đâu, Thầy có còn tiếp với tiền, với bạc, với danh với lợi nữa đâu. Cho nên dù vi tế hay không vi tế, đều là bỏ sạch xuống. Đương nhiên coi Thầy ẩn bóng là đã bỏ hết như người đã chết. Vì vậy mà danh lợi đối với Thầy không còn nữa. Khi đã ẩn bóng thì không còn giáp mặt với danh, với lợi, với một cái gì rất dù rất nhỏ mọn. Cũng như đức Phật đã thị tịch cách đây hai ngàn năm trăm bốn chục năm, bây giờ người ta có ca ngợi đức Phật cách gì thì đức Phật cũng đâu còn đón nhận những điều đó nữa. Hoàn toàn đức Phật đã trả lại cho tất cả mọi người. Vì thế, hôm nay Thầy ẩn bóng là do những ý nghĩ các đệ tử của Thầy. Thầy đã thấy nó không hợp thời, không đúng lúc, Thầy đã làm biết bao nhiêu người tội lỗi khi họ không hiểu, họ phỉ báng, họ chê bai, hoặc họ ca ngợi Thầy một cách không đúng cách.

Thầy sẽ đọc lại bài kệ mà đức Phật đã dạy chúng tỳ kheo trong thời đó:

Các thầy phải kính thuận
Kiến lập về Phật pháp

Nghĩa là Thầy đã dạy những điều đức hạnh về Phật pháp thì quý thầy phải kiến lập nó thành một đường lối, đường lối lớn để cho mình bước đi ở trên đó.

Phải diệt chúng ma này

Chúng ma tức là chúng ma tranh chấp nhau, chúng ma bêu xấu nhau đó. Phật gọi đó là chúng ma.

Phải diệt chúng ma này
Như voi phá rừng lau

Sức con voi thì các con biết rừng lau có nhằm nhò gì, phải chi cái cây lớn thì nó nhọc nhằn, còn đối với voi khi nó đi ngang qua rừng lau thì nó quét sạch hết. Đức Phật ví chúng ta phải quét sạch những cái bất hòa, những cái chấp kiến, những cái chấp ngã khiến chúng ta hoàn toàn đi lệch lạc, đi sai lạc làm chúng ta đau khổ, làm chúng ta chia rẽ. Chúng ta phải dùng chính sức của mình mà phá nó như voi phá rừng lau.

Chuyên niệm chớ buông lung

Nghĩa là lúc bấy giờ chúng ta đặt niệm luôn luôn ở trong thân và tâm của mình, để giữ tâm không cho buông lung ra, không cho theo cái chiều ham muốn danh lợi khen chê đó nữa. Không có theo tình đời nữa mà phải là tình đạo.

Đầy đủ về tịnh giới

Tức là lấy giới luật của mình làm cho thân tâm mình thanh tịnh.

Tâm tịnh tự suy niệm

Tâm mà định được thì mình cố gắng suy niệm để quét sạch những điều sai đó.

Khéo giữ ý chí mình

Luôn luôn lúc nào mình cũng phải lập trường, ý chí mình rất vững vàng, không có để cho tâm buông lung, không để cho mất đoàn kết, phải thương yêu nhau, phải giúp đỡ nhau. Đó là bài kệ thứ nhất.

Bài kệ thứ hai:

Nếu ở trong Chánh pháp
Những ai không buông lung
Thoát khỏi thân già chết
Dứt hẳn các gốc khổ
Nghe rồi phải siêng năng

Đó, bốn câu kệ trước thì đức Phật nói nếu mình thường sống ở trong Chánh pháp, tâm mình không buông lung thì mình sẽ thoát khỏi thân già chết của mình. Rồi dứt hẳn các gốc khổ. Đó là bốn câu kệ để chỉ định chúng ta phải sống đúng như vậy hoặc sống hòa hợp như vậy, an vui như vậy thì gốc khổ bị diệt mất và già chết chúng ta cũng thoát khỏi. Nghe rồi phải siêng năng, đức Phật căn dặn chúng ta đây.

Anh em phải hòa thuận
Như con cùng cha mẹ
Tránh xa lòng tỵ hiềm
Tránh xa nói xấu nhau

***

Để rồi thiên hạ cười
Anh em cùng một nhà
Tiếng tăm xấu vang xa
Anh xấu em cũng xấu

***

Chính mình tự giết mình
Chính mình làm suy đồi
Phật pháp không cửu trụ
Mất đi nguồn đạo đức
Thế gian sanh rối loạn

Về chúng tôi

Giới thiệu

Chính sách bảo mật

Chính sách và thoả thuận bản quyền

Thông tin liên hệ
Liên kết