TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC
GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT
II.- PHÁP TU CƯ SĨ
TỨ VÔ LƯỢNG TÂM (Bài 2)
TRAU DỒI TÂM TỪ NƠI KHẨU HÀNH (tiếp 1)
2.- Trau dồi Từ tâm nơi khẩu hành
Bây giờ chúng ta học tiếp tới trau dồi lòng từ nơi miệng của chúng ta.
Có hai hành động nơi miệng: 1.- Ăn uống, 2.- Nói năng.
Ăn Uống.
Khi ăn uống nhai nuốt phải ý tứ cẩn thận, tránh nhai lầm chúng sanh, nhai chúng sanh, nuốt chúng sanh vào miệng. Nghĩa là chúng ta khi ăn món ăn nào đó chúng ta phải coi chừng. Nhiều khi chúng ta thấy còn một hai con kiến, thôi kệ nuốt đại nó đi, nhai đại cái bánh này chẳng ăn thua gì, bỏ miệng nhai. Đó là lòng từ chúng ta chưa thực hiện được. Khi trên một miếng bánh, hoặc là một thực phẩm chúng ta ăn có một vài con kiến, chúng ta hãy dùng một que cây nhẹ nhàng từ từ để cho nó bò lên rồi chúng ta ăn; bữa ăn cơm còn có thời gian dài có mất đâu mà lật đật, có gì đâu mà vội vàng. Vì vậy mà từ từ chúng ta đưa chúng ra khỏi món ăn của chúng ta và sau đó chúng ta mới ăn.
Đó là cách thức tập tu tập của những người đệ tử của Phật. Người cư sĩ cũng như người tu sĩ. Chớ không phải nói người tu sĩ thì phải ăn uống như vậy, còn người cư sĩ thì phải vội vàng để lo làm cho có tiền có bạc rồi nhai nuốt tất cả chúng sanh trong bụng của mình. Điều đó là điều không đúng hạnh của một người đệ tử của Phật. Đệ tử của Phật thì có người tu sĩ và người cư sĩ. Người tu sĩ và người cư sĩ phải tu tập những hạnh này để chúng ta thực hiện lòng thương yêu.
Mỗi lần ăn uống nhai nuốt đều Như lý tác ý. Khi nào chúng ta nhai trong miệng, ăn trong miệng một vật gì thì chúng ta phải thầm như cái lý mà tác ý ra. Đây là cái câu chúng ta dùng pháp hướng mà tu tập lòng từ trong khi chúng ta ăn:
“Ta nhai nuốt ăn uống tâm ta phải thương xót chúng sanh. Lỡ nhai nuốt ăn vào bụng làm cho chúng sanh đau khổ và thiệt mạng là một điều tội lỗi lớn.”
Đó, mình nhắc mình như vậy để cho nó cẩn thận trong việc ăn uống của mình. Và hằng ngày, chắc chắn ai cũng có ăn hết. Người cư sĩ thì ăn ba bữa. Mỗi ngày ba bữa ăn, người cư sĩ nhắc được ba lần. Còn tu sĩ thì ăn ngày một bữa, nên chỉ tác ý chắc có một lần. Và ngày nào cũng như vậy chúng ta nhắc lời này để chúng ta thấm nhuần, để chúng ta ý tứ trong khi chúng ta nhai nuốt. Đó là điều làm chúng ta rất tỉnh thức trong sự ăn uống.
Nói năng
Về phần thứ 2 của miệng là khi nói năng. Trước khi nói, nên tác ý:
“Muốn nói một điều gì ta cần phải cân nhắc kỹ, suy tư cho chín chắn rồi mới nói ra.”
Lấy câu này làm pháp hướng nhắc tâm mình để lời nói không làm khổ mình, khổ người. Bởi vì lời nói rất độc, chúng ta vô tình nói ra chạm tự ái người ta làm người ta đau khổ. Mình nói chơi thôi cũng làm cho người ta rất khổ. Mình mỉa mai người ta chỉ một câu nói cũng làm đau khổ người ta. Cho nên nói ra lời nói rất là khó, không phải dễ đâu. Quý vị phải biết rằng trau dồi lòng từ nơi lời nói rất là khó. Nói làm sao cho người ta an vui, đừng có để cho người ta đau khổ. Hầu hết mọi người Thầy thấy chưa có ai trau dồi lời nói. Mình muốn nói sao đó thì nói, ý mình vừa khởi ra là mình nói, chứ mình không có trau dồi lời nói của mình cẩn thận kỹ lưỡng.
Khi muốn nói ra một điều gì, ta tránh nói oan ức cho người khác. Hoặc chuyện có nói không, chuyện không nói có để làm cho khổ người. Mình không muốn người khác nói oan ức cho mình thì sao mình nói oan ức cho người khác. Do đó ta phải thường hướng tâm nhắc nhở Như lý tác ý câu này. Câu này để chúng ta nhắc nhở, chúng ta thực hiện hằng ngày trau dồi lời nói của chúng ta. Vì có trau dồi thấm nhuần thì mỗi lần chúng ta mở miệng nói, chúng ta chưa có tác ý thì tự nó tác ý ra làm chúng ta nói rất cẩn thận. Đó gọi là trau dồi tâm từ của chúng ta đến với chúng sanh đó. Nghĩa là tác ý câu này rồi mới nói:
“Ta nói phải giữ gìn lời cho đúng đắn, không được nói dối, nói oan ức làm cho khổ người.”
Đó, nhắc nhở liên tục câu tác ý này, nghĩa là lúc nào chúng ta rảnh rang. Cái nói không phải như cái ăn, nó không có giờ giấc đâu, mà cái nói thình lình lắm, cho nên chúng ta thường phải nhắc mình, biết cái miệng mình là cái khẩu nghiệp, cho nên mình phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho nó thấm nhuần để khi mở miệng nói, không làm cho người khác đau khổ. Lấy câu này để làm pháp hướng, để như cái lý chân thật trau dồi lời nói của mình cho nó có từ vô lượng tâm.
“Ta là người hay nhiều chuyện lắm mồm, đụng chuyện gì cũng nói, cũng xen vô, đụng đâu cũng xía vô.”
Biết tật mình xấu như vậy thì hằng ngày nên trau dồi miệng. Câu này là nhắc cho người nhiều chuyện, đụng chuyện gì cũng nói, cũng này kia, đem chuyện xấu người này nói chuyện kia, hoặc đặt điều nói xấu người này nói xấu người khác, hoặc là không hiểu nói người ta xấu thế này thế khác. Đó là chúng ta biết mình nó còn có cái tật xấu như vậy thì hằng ngày mình phải trau dồi cái miệng của mình. Đây chỉ là câu tượng trưng, sau này quý thầy tìm những câu nào phù hợp với đặc tướng của mình đặng thực hiện cho nó có hiệu quả. Còn ở đây thầy chỉ dạy chung chung mà thôi.
"Ta là người nhiều chuyện"- tức là mình biết mình là người nhiều chuyện cho nên mình phải chỉ ngay nó chứ không phải mình tránh né được:
“Ta là người nhiều chuyện, lắm mồm. Từ nay phải bỏ không được xen vào chuyện của người khác.”
Đó, phải nhắc như vậy cho nó quen đi, nghe người ta nói chuyện gì cái mình xen vô liền. Đó là cái người lắm chuyện, nhiều mồm. Như vậy là chúng ta có những câu để trau dồi cái miệng của chúng ta ở trong lòng từ không làm khổ người.
“Ách giữa đàng mang vào cổ”- chuyện người người biết, chuyện mình mình hay, không nên xen vào chuyện của người khác để thêm rắc rối và khổ đau. Đây là một câu kế mình phải hướng tâm tác ý “Ách giữa đàng mang vào cổ”- chuyện người ta xen vô một lát nữa mình bị người ta kéo ra làm chứng, làm cớ rồi rầy rà chuyện này đến chuyện kia. Gọi là “Ách đàng mang vào cổ”. Lấy câu này để chúng ta làm pháp hướng để tránh đi những điều có thể tai họa xảy đến cho mình do miệng lưỡi:
“Chuyện người người biết, chuyện mình mình hay. Không được xen vào chuyện của người khác để thêm rắc rối và đau khổ cho mình cho người.”
Đó là một câu để chúng ta nhắc mình. Nếu hướng tâm như lý tác ý. Luôn luôn lúc nào cái ý của mình cũng nhanh chóng nên tác ý để chặn đứng những cái thói quen mình là người lắm chuyện, lắm mồm. Ở đây quý thầy nên thường xuyên hướng tâm với những câu ám thị như trên thì cái tâm của chúng ta luôn luôn tỉnh táo và khi nói chúng ta rất cẩn thận. Cái lời nói của chúng ta nhanh lắm, nó nhanh hơn cái ý, cho nên khi nghe nói gì thì nó phóng ra nó nói liền. Mà chúng ta thường nhắc nhở nó như vậy thì nó không có nhanh nữa. Nó không có nói nhanh nữa mà có suy tư rồi mới nói. Như vậy câu tác ý làm cho giảm cái tốc độ nhanh của lời nói, nó giảm xuống, nó làm chúng ta có cái cẩn thận, từ tốn ở trong lời nói của mình, suy nghĩ hẳn hòi rồi mới nói. Hiện giờ quý thầy đều muốn suy nghĩ rồi mới nói, ai cũng muốn vậy. Nhưng tại vì nó trở thành cái thói quen quá nhanh chóng. Vừa rồi có chuyện gì xảy ra là nó phóng lia lịa, nó nói thôi mình không kìm lại được nữa. Nhưng khi đã nói rồi, muốn xóa đi thì đã quá trễ, muốn lấy lại cái lời nói khó lắm, lỡ lời đâu có dễ gì mà lấy lại. Cho nên trong sự tu tập hằng ngày phải trau dồi lời nói của chúng ta thì lời nói mới chững chạc, mới đúng đắn được, chứ không khéo nó phóng theo tư tưởng của nó, cái tư tưởng ngã chấp của nó, khiến cho những cái nó nói bị lệch đi và nó đưa chúng ta đi đến chỗ khổ và người khác khổ.
Và chúng ta cũng nên nhắc cái tâm chúng ta như lý như thế này:
“Từ đây ta phải im lặng, sống trong trầm lặng, không được nhiều chuyện lắm mồm nữa.”
Đây là câu nhắc chúng ta phải sống im lặng, trầm lặng. Coi như là độc cư hoàn toàn đó. Nhắc cho đến khi chúng ta độc cư hoàn toàn mà chúng ta thấy thảnh thơi, vui sướng. Tâm hồn chúng ta quay trở lại với chính mình không còn quay ra ngoài nữa thì những câu pháp hướng này có giá trị, sau khi chúng ta thực hiện thiền định, chúng ta không còn cảm thấy cô đơn. Đó là những câu mà quý thầy cần phải ghi nhớ để nhắc mình hành như lý tác ý giúp cho mình được trầm lặng, được im lặng ở trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng.
Do miệng lưỡi nói ra mà người sân kẻ hận, tự tử quyên sinh, phiền não đau khổ. Do miệng lưỡi mà gia đình ly tán, anh em xa lìa, bầu bạn chẳng gần. Do miệng lưỡi nói ra mà vạn vật sinh linh tiêu điều, phải chết. Do miệng lưỡi nói ra mà tạo nên cảnh địa ngục ở trần gian. Do miệng lưỡi nói ra mà biết bao nhiêu người tù đày biệt xứ. Do miệng lưỡi nói ra mà mà gia đình xào xáo bất an, anh em chia lìa. Do miệng lưỡi nói ra mà tăng đoàn chia rẽ. Đó thì quý thầy thấy những cái sinh ra từ miệng lưỡi. Chúng ta sống chung nhau ở một tăng đoàn mà tu tập, nếu không có hạnh độc cư thì chỉ hơn một tháng thôi, nếu người này đến thất người kia nói chuyện mà không giữ độc cư thì những cái sự kiện xảy ra không lường được. Nó có những cái làm chúng ta bất an trên bước đường tu tập.
Cho nên vào đây thì các thầy đã khép chặt, phải hoàn toàn sống độc cư. Để làm gì? Sống độc cư để giữ cho mình, cho mọi người được yên tĩnh tu tập có kết quả. Còn nếu sống mà vui ồn náo như cái chợ thì không thể nào tu tập được. Cho nên ở đây chúng ta phải trau dồi cái miệng, cái lời nói của chúng ta, giữ gìn nó rất cẩn mật, im lặng là tốt, mà nói là không tốt.
Nói chung tất cả mọi sự đau khổ trên thế gian này sinh ra phần nhiều là do miệng lưỡi. Quý thầy thấy sự đau khổ của con người trên thế gian này phần nhiều là do miệng lưỡi, chớ không phải ở đâu hết. Do miệng lưỡi mà ra rồi nó mới xảy ra chuyện này chuyện kia đủ thứ hết. Còn nếu chúng ta sống trầm lặng thì chắc chắn là khó xảy ra những sự kiện đau khổ.
Vậy quý thầy hằng ngày cần phải trau dồi miệng lưỡi. Khi nói phải nói thế nào cho người vui không được nói cho người buồn. Quý thầy phải dùng Như lý tác ý câu này:
“Ta không nói thì thôi mà hễ nói ra thì phải nói làm vui lòng mọi người.”
Đó là một câu pháp hướng để nhắc nhở mình không có nói ra làm ai buồn, mà hễ nói ra là giúp cho người ta vui, giúp người ta tinh tấn tu hành, giúp người ta hân hoan trong sự tu hành giải thoát. Thầy chỉ đại khái câu hướng tâm như vậy, sau này quý thầy tự soạn lấy những câu cho phù hợp với đặc tướng của mình để thực hiện nó hợp, cho có kết quả tốt.
“Chính vì nói ra mà làm vui lòng người là ta đã biết thương người như chính thương thân ta.”
Đó, lời nói chúng ta làm cho người khác đừng có buồn, đừng có khổ là chính mình đã thương người đó, chớ không phải là gì khác. Còn mình nói ra làm cho người ta buồn khổ, làm cho người ta giận hờn, người ta đau đớn đó là không có thương mình. Lời nói chúng ta nó trực tiếp lắm. Nói ra mà làm người ta vui mừng, nói ra mà làm người ta buồn khổ, người ta khóc than thì phải rất cẩn thận trong lời nói. Đối với người tu sĩ đạo Phật thì càng cẩn thận hơn nhiều. Người cư sĩ ở ngoài đời còn đang chung đụng với mọi người thì cái lời nói phải cẩn thận không thua gì người tu sĩ.
Kế đó ta phải như lý tác ý câu này nữa:
“Làm người ta phải thương người. Làm người ta phải thương người đau khổ cũng như ta đau khổ.”
Nghĩa là nhắc như vậy để cho mình nhớ rằng mọi sự buồn giận đau khổ của người cũng chính là sự buồn giận đau khổ của mình. Mình không nhắc nó quên mất đi, nó không biết, nó chỉ biết mình đau khổ chứ nó không biết ai đau khổ hết. Cho nên vì sự vô tình mà không biết người khác đau khổ đó, do mình chỉ nghĩ đến mình bị đau khổ mà thôi, cho nên mở miệng ra là mình làm cho người ta đau khổ vô cùng. Vì con người đang ở trong cái dục, đang ở trong lòng ham muốn. Người ta muốn cái gì đó, mà mình nói lời nói ngăn cản là họ đã đau khổ rồi.
3.- Trau dồi Từ tâm nơi Ý hành
Bây giờ đến phần trau dồi tâm từ nơi cái ý. Hồi nãy Thầy có giới thiệu cái ý của chúng ta nó có ba phần để trau dồi.
Muốn trau dồi ý có lòng từ ta phải tư duy:
“Thân tất cả chúng sanh cũng như thân ta thường đau khổ thường đói khát. Ta hãy thương yêu và chăm sóc chúng như chính chăm sóc thân ta, chăm sóc như con ta.”
Đó là một câu hướng để chúng ta bắt đầu trau dồi cái ý. Chúng ta phải nhắc cái ý chúng ta thường phải tư duy những điều đau khổ của chúng sanh như chính sự đau khổ của mình, chăm sóc sự đau khổ của chúng sinh cũng như chăm sóc con ta vậy. Đó là chúng ta phải nhắc nhở câu này để hằng ngày, hằng lúc nó thấm nhuần trong cái ý của chúng ta. Do vì vậy mà từ cái miệng của chúng ta nói ra, từ cái thân hành của chúng ta làm ra hành động này, hành động kia đều toát ra cái lòng thương yêu chân thật nơi tận đáy lòng của mình. Bởi vì cái ý là cái chính, do cái ý thì cái miệng mới nói, do ý cái thân chúng ta mới hành. Mà cái chính mà không trau dồi cho thấm nhuần thì những cái phụ kia làm sao mà được thấm nhuần. Cho nên ở đây trau dồi cái ý phải rất là cẩn thận. Vì cái ý là tư duy, mà tư duy như vậy trong Bát chánh đạo Phật dạy có cái nẻo là Chánh tư duy. Tư duy đem lòng từ chúng ta thương xót chúng sanh tức là Chánh tư duy. Sự suy nghĩ chơn chánh đem lại cho người không khổ, mình không khổ thì đó là Chánh tư duy. Sự tư duy này giúp cho ý chúng ta càng ngày càng dồi dào lên lòng thương yêu của chúng sanh. Sự tư duy này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi chúng ta nhìn thấy những loài vật xung quanh ta, hoạt động xung quanh ta, biến nó trở thành những pháp hướng.
Nghĩa là chúng ta nhìn tất cả mọi vật, như khi chúng ta nhìn một đoàn kiến đi ngang qua. Chúng ta nhìn sự hoạt động của chúng sanh trong đoàn kiến thì chúng ta thấy nó có những sự buồn, vui, đau khổ ở trong đó lẫn lộn. Rồi có những sự tấn công của những con vật khác vào trong đoàn kiến này, chúng bảo vệ bằng cách nào. Chúng ta thấy rất rõ ràng, từ đó ta có sự suy tư rất là chơn xác thì đó ta nhìn lại đời con người của chúng ta thì thấy giống như những con vật này. Từ đó chúng ta mới toát ra những tư tưởng, nhữngsự tư duy thương yêu chơn thật muôn loài. Nếu chúng ta ta không dùng ý để quan sát, để theo dõi từng cái sống của loài vật thì chúng ta chưa thấy được sự chà đạp xâu xé lên nhau vì miếng cơm manh áo, vì vật chất thực phẩm. Nếu chúng ta quan sát kỹ lưỡng thì chúng ta sẽ có những bài học có giá trị xứng đáng cho chúng ta tập tu Tứ vô lượng tâm.
Khi thấy chúng sanh hoạt động trong cuộc sống ta khởi lòng từ. Khi có con vật gặp tai nạn ta phải cứu giúp ngay. Nghĩa là nó đang đi như vậy rủi nó rớt trong vũng nước nào đó, chắc chắn vũng nước đối với ta thì nhỏ nhưng nó là cái biển đó. Nó sẽ chết đuối trong đó. Cho nên chúng ta vội vàng lấy một vật gì, hay là đưa ngón tay làm cái cầu cho chúng trèo lên để khỏi chết đuối. Thấy một con kiến rơi trong vũng nước ta vội vớt liền để chúng khỏi chết đuối. Đó là chúng ta thực hiện hành động, hành động đó gọi là hành động từ tâm của chúng ta đối với chúng sanh.
Và khi chúng ta có quan sát, có khởi ý, tu tập trau dồi cái ý mình bằng cách cẩn thận quan sát tư duy như vậy thì tất cả mọi loài vật xung quanh chúng ta đều cần có sự cứu khổ của chúng ta. Như khi chúng ta nghe một con vật lớn hơn bắt một con vật khác. Cái tiếng kêu la cầu cứu, chúng ta đừng nhẫn tâm ngồi đó mà hãy mau mau đến cứu con vật nhỏ bé. Vì con vật nhỏ bé cũng muốn sống, nhưng con vật lớn hơn thì tìm con vật nhỏ bé để ăn thịt, để làm mồi, để nuôi sự sống của mình mà giết hại con vật khác. Lòng từ của chúng ta luôn luôn lúc nào cũng can thiệp vào sự đau khổ của chúng sanh, không thể để chúng sanh đau khổ trước cảnh chết chóc như vậy. Không nghe tiếng kêu thì thôi, mà nghe tiếng kêu thì nên mau mau chạy đến nơi đó để cứu khổ những con người, những con vật đang khổ đau. Và hành động chúng ta mau mau đó tức là chúng ta đã trau dồi lòng từ của chúng ta. Còn chúng ta thấy thản nhiên tức là lòng từ chúng ta không bao giờ có được.
Hôm nay quý thầy về đây được nghe những lời trau dồi lòng thương chân thật bằng những hành động rõ ràng không thể nào thiếu khuyết được trong bước đường tu theo đạo Phật. Như hôm qua Thầy đang ngồi viết, dòng tư tưởng đang tuôn chảy thì bỗng nghe tiếng một con chim nhỏ kêu, Thầy vội vàng chạy ra để tiếp cứu, làm cho con chim lớn không còn cắn con chim nhỏ. Do sự kêu la của loài vật như vậy mà lòng từ chúng ta thực hiện, nghe tiếng la là vội vàng không thể nào làm ngơ được, mặc dù đang ngồi viết say mê. Thầy không thể làm ngơ trước sự đau khổ được, mặc dù dòng tư tưởng sẽ bị cắt đứt đi nhưng vẫn thản nhiên chạy ra để cứu lấy một con vật. Đó là hành động trau dồi lòng từ của mình. Thì các thầy phải hiểu biết, là đây Thầy muốn nhắc để quý thầy đừng vô tình. “À, nó chết mặc nó, làm gì nó làm, mình phải lo làm công việc mình cho rồi”. Công việc của mình biết chừng nào rồi? Đời người còn sống là còn việc làm, mà trước cái đau đớn của chúng sanh, chúng ta không thể nào mà làm ngơ được. Do hành động không làm ngơ được tức là chúng ta đã trau dồi lòng từ của chúng ta đó. Thầy lấy những kinh nghiệm bản thân của Thầy mà nhắc nhở quý thầy từ đây chúng ta sẽ tu tập, trau dồi thật sự, siêng năng tu tập vì chính lòng từ cứu khổ chúng ta. Vì thế hằng ngày chúng ta tư duy:
“Tất cả chúng sanh như con ta, ta phải thương yêu và không bao giờ làm đau khổ chúng sanh.”
Bây giờ chúng ta đã trau dồi cái ý của chúng ta ở trong lòng từ. Như vậy chúng ta đã hiểu rằng sự tu tập trau dồi ý từ là luôn luôn nhìn sự hoạt động của chúng sanh để chúng ta để tâm quan sát, chúng ta theo dõi và tư duy. Do chúng ta tư duy thì cái ý từ mới thể hiện ra được. Nhiều khi trong lúc chúng ta ngồi nghỉ mà nhìn một đoàn kiến hoặc đôi ba con kiến đang bò trên sân tức là chúng ta đã thư giản tâm hồn chúng ta trong hành động ngồi nhìn đoàn kiến đó rồi. Khi chúng ta trở lại tu tập, thời gian thư giản đó lại làm cho chúng ta tu tập có chất lượng hơn. Còn nếu chúng ta cứ lo công chuyện của mình thì chúng ta không phải là người trau dồi ý từ. Nếu chúng ta cứ ngồi tu hơi thở hoài hoặc là quán vô lậu hoài, riết nó nhàm chán, nó ngao ngán, nó buồn khổ. Thay vì như thế, chúng ta dành ra những giờ đó ngồi nhìn những đoàn kiến, thấy những con vật đang làm việc hoặc là nó đang tai nạn, nó đang gặp khổ thì lúc bấy giờ chúng ta thực hiện trau dồi lòng từ. Chính lúc đó là lúc chúng ta thư giãn các pháp đang tập luyện. Khi chúng ta trau dồi lòng từ như lúc chúng ta giúp cho những con vật thoát ra khỏi khổ đau. Do vậy, chúng ta có tâm rất vui mừng, chúng ta thấy sung sướng, cho nên khi ngồi lại tu tập các pháp môn thì nó rất tỉnh táo, chúng ta tu tập có chất lượng, tu tập thiền định cũng như các định khác thì nó lại làm cho chúng ta có kết quả tốt hơn.
Còn chúng ta cứ miệt mài. “À, bây giờ đi kinh hành thì chỉ biết đi kinh hành thôi”, rồi tu Chánh niệm tỉnh thức, rồi ngồi lại tu Vô lậu, giữ tâm thanh thản, rồi giữ hơi thở, tu cái này cái kia mãi thì lòng từ chúng ta không có, cho nên chúng ta hoàn toàn là bị động, thì như vậy chất lượng tu không có kết quả. Còn trái lại chúng ta có lúc thì trau dồi, những cái quan sát của chúng ta, làm cho tri kiến của chúng ta càng ngày càng phát triển rất lớn và rất rộng. Chúng ta thấy sự sinh hoạt của chúng sanh, và suy ngẫm, tư duy thấy được sự sinh hoạt của con người chẳng khác, thì chúng ta thấu suốt được cuộc sống nó giả tạo thật, nó không có cái gì là hạnh phúc của con người cả, cũng không có cái gì là hạnh phúc của con vật cả. Từ cái chỗ quan sát đó đem lại cho chúng ta thông suốt nhiều cái, trí tuệ chúng ta càng phát triển ra nữa.
Nên nếu chúng ta biết tu tập mà sử dụng đúng cách thì đem lại lợi ích cho chúng ta rất lớn, tâm hồn chúng ta rất an lạc. Còn nếu chúng ta cứ mải mê ngồi thiền nhập định, làm chủ sanh tử nhưng không trau dồi, không thực hiện tâm từ, không trau dồi những tư duy thiện này, không trau dồi những ý tốt này, thì dường như chúng ta đã quên đi điều rất quan trọng trong cuộc sống tu hành của mình.
Hôm nay Thầy nhắc nhở quý thầy qua việc trau dồi cái ý ở trong Tứ vô lượng tâm này thì quý thầy hãy thường xuyên bỏ thời gian trong một ngày một đêm ít ra phải có 5 phút, hoặc 10 phút, hoặc nửa tiếng đồng hồ, hoặc là một tiếng đồng hồ để trau dồi tâm từ của mình bằng trau dồi cái ý từ của mình trong sự quan sát tất cả chúng sanh. Khi có những con vật nào bị những tai nạn nào, những hành động nào, rồi quan sát tất cả xung quanh chúng ta: âm thanh, tiếng kêu la, hoặc là tiếng cầu cứu của loài vật thì chúng ta mau mau hành động bằng hành động thân khẩu ý của mình, để tạo cho chúng sanh có sự an vui hạnh phúc. Đó là chúng ta trau dồi ý từ trong những điều kiện đó, làm cho chúng ta thư giãn được khi chúng ta tu hành thiền định, giúp cho sự tu tập của chúng ta có nhiều kết quả là do chúng ta biết tu tập.
Vì từ xưa đến giờ chưa có người vạch ra lối tu đúng theo cách thức của đức Phật, cho nên chúng ta tu cái trước cái sau không phù hợp. Theo như giáo án này thì quý thầy thấy Thầy đã dạy cho các cư sĩ và cũng như các thầy, bước đầu người cư sĩ đến với đạo Phật thì phải tu Tứ vô lượng tâm, và phải trau dồi nó, nó là pháp đầu tiên. Mà trau dồi Tứ vô lượng tâm thì nó đem lại hiệu quả của sự tu hành sau này của quý thầy. Quý thầy thấy rất rõ. Còn bây giờ quý thầy thấy từ lâu tới giờ nói Tứ vô lượng tâm thì quý thầy nghe như vậy chứ quý thầy không biết làm sao mà trau dồi nó. Vì không biết trau dồi nó, cho nên quý thầy lấy cái sau mà tu trước, lấy cái trước mà tu sau. Quý thầy nói không tham, không sân, không si bằng cách là vô lậu thế này thế khác. Tu Định vô lậu nhưng đâu bằng tu lòng từ. Vì có thương yêu thì tham sân si làm sao có. Các thầy thấy: đó là cái mấu chốt ban đầu để chúng ta đi vào trong cái tâm không còn tham sân si phiền não nữa.
Vì vậy, chúng ta phải tu tập nó có từng bước của nó, nó thực hiện. Mà nếu trau dồi lòng từ, trau dồi những hành động thân khẩu của mình thì đâu có phải là tập trung tâm của chúng ta, đâu có phải là đè nén tâm của chúng ta. Chúng ta tu tập đúng cách là chúng ta xả tâm chứ không phải là nén tâm. Còn bây giờ quý thầy không hiểu, cứ ngồi dùng hơi thở hoặc tập một pháp môn nào đó nén tâm mình mãi thì lòng từ làm sao có được. Và cứ nghĩ rằng mình sẽ tu tập như vậy để làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi, mà cái luân hồi là cái tham sân si của chúng ta. Không có lòng từ thì tâm tham sân si làm sao dứt bỏ được. Hôm nay quý thầy mới thấy rõ được cái lối đi đúng đắn. Người cư sĩ mà thực hiện được lòng từ, trau dồi được lòng từ thì đời sống của họ hạnh phúc biết bao nhiêu. Chưa đòi hỏi họ ở sự giải thoát nào cao hơn của đạo Phật, chỉ ở Tứ vô lượng tâm cũng đủ đem lại cho họ hạnh phúc đời sống của họ rồi. Và xã hội có một trật tự rất là an ổn, không có rối trật tự nữa.
Cho nên nếu theo đúng đạo Phật như Thầy đã giảng cho quý thầy thấy Phật dạy giai đoạn của người cư sĩ từng hành động. Tất cả hành động đối xử nhau, đức Phật dạy rất rõ. Do cái này, chúng ta mới biết rằng ông Phật đã dạy chúng ta để sống một cuộc sống đem lại hạnh phúc an lành cho nhau. Người cư sĩ phải thực hiện được những điều đó, hiểu được những điều đó, sống được những điều đó. Và tiếp tục trau dồi Tứ vô lượng tâm thì đời sống còn gì là địa ngục. Toàn cả là Thiên đàng.
Cho nên từ đây bắt đầu tu 1 năm cho đến 2 năm mà trau dồi Tứ vô lượng tâm này qua hành động thân khẩu ý của quý vị, chắc chắn là quý vị sẽ có hạnh phúc rất lớn, sẽ có sự giải thoát chân thật ở tâm hồn của quý vị và cả gia đình của quý vị. Từ lâu tới giờ chúng ta đã theo đạo Phật bao nhiêu năm? 5 năm, 10 năm, 20 năm rồi mà nhìn lại sự giải thoát, sự an lạc cho gia đình của mình có được hay không. Hay còn đang ở trong địa ngục. Điều này chứng minh cho chúng ta biết rằng đạo Phật đến thì có sự giải thoát thật sự, nếu đến mà không có sự giải thoát thật sự thì đó không phải là đạo Phật.
Vì vậy hôm nay về trau dồi ý thì quý thầy phải siêng năng, phải quan sát mọi vật. Khi đứng trước một cái cây chúng ta nhìn sự sống của nó thế nào. Những làn gió thổi, những hạt sương rơi trên cây đều thấm nhuần sự sống, để chúng ta tỏa lòng từ thương yêu chúng từng chút. Nếu chúng ta không chịu khó quan sát, không chịu khó ý tứ như vậy thì khó mà thông cảm được lòng thương yêu chúng ta đối với chúng. Muốn thực hiện được điều này thì phải cần có thời gian để quan sát, để thấm nhuần từng sự sống của muôn loài. Có bao giờ quý thầy ngồi nhìn một cây cỏ. Từ một chiếc lá non trong lòng ngọn cỏ, rồi trong những đêm trăng, chúng ta thấy lần lần tuần tự chiếc lá bung lên, dài ra lần lần. Chúng ta thấy sự sống dường như là sự sống của chúng ta. Quý thầy có suy nghiệm được điều đó không. Trong những năm ở trên Hòn Sơn, một thân một mình độc cư Thầy lấy cỏ cây làm bạn. Vì vậy mà Thầy ngồi quan sát, từ đó Thầy mới hiểu trau dồi lòng từ, ý từ của mình là phải trau dồi nơi đây. Vì vậy mà hôm nay Thầy mới ghi lại những kinh nghiệm qua bản thân của mình để cho quý thầy lấy đó mà thực hiện. Trong kinh sách không ghi điều này nhưng vì kinh nghiệm đã dạy Thầy có lòng từ, thương từng cây cỏ. Loài cây cỏ còn thương thì làm sao mà loài vật không thương. Mà loài vật còn thương thì làm sao mà loài người không thương? Tất cả các thầy kẻ thì vầy, người thì khác, kẻ ý này người ý khác, nhưng Thầy thương yêu hết. Thầy không bỏ người nào hết, Thầy không ghét bỏ người nào hết, người nào làm gì Thầy cũng thương, không bỏ người nào, dù người đó có nói Thầy cách gì Thầy cũng thương yêu bởi vì Thầy hiểu họ chưa hiểu mà thôi. Cho nên lòng từ đem lại cho tâm hồn Thầy một tâm hồn thanh thản, giải thoát, không có người thù hận mình, mà chỉ có biết những người chưa hiểu và những người con lầm lạc mà thôi, chứ Thầy không xem người nào là người thù của mình.
Quý thầy hãy nhớ kỹ những gì Thầy đã nói nãy giờ để trau dồi cái ý. Trau dồi cái ý rất quan trọng. Nếu cái ý trau dồi được thì trau dồi các hành động thân, khẩu của quý vị không khó nữa, không có khó khăn. Quý vị nhớ ngồi quan sát mọi vật đó là trao dồi ý của chúng ta. Từ đó chúng ta mới tỏa ra sự thương yêu chân thật trong sự tư duy của nó. Như vậy quý thầy đã biết trau dồi cái ý qua lòng từ.
Nội có một cái hành động Từ mà nãy giờ đã chiếm chúng ta nhiều thời gian quá nhiều, mà bốn cái Từ Bi Hỷ Xả này thì Thầy thấy chắc còn một phần nữa, chớ không thể nào ngày hôm nay chúng ta có thể chấm dứt được trau dồi bốn cái vô lượng tâm này được. Mà chỉ đi từng phần để nhắc nhở kỹ, vì đây là lời nói sau cùng của Thầy. Thầy không còn thuyết giảng nữa. Do đó, Thầy nhắc đi nhắc lại nhiều để cho quý thầy nhớ mà thực tập. Đừng quên vì đó là con đường giải thoát chân thật của đức Phật đã dạy: Tứ vô lượng tâm.