TÌM KIẾM

Pháp Tu Cư Sĩ - Tứ Vô Lượng Tâm (Bài 4 - tiếp theo)

18/04/2020Admin

TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC

GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT


 

II.- PHÁP TU CƯ SĨ

TỨ VÔ LƯỢNG TÂM (Bài 4)

E.- TRAU DỒI TÂM XẢ VÔ LƯỢNG (bài 1/2)

Bây giờ chúng ta học đến Xả Vô Lượng. Xả vô lượng là gì? Xả là bỏ ra không dùng nữa, không chấp, không kể đến nữa, dẹp nó qua một bên. Xả tất cả mọi pháp tức là bỏ qua hết không còn lấy cái gì hết. Cho nên Phật dạy chúng ta còn ba y một bát, tức là xả bỏ hết. Xả nhiều lắm, không thể nào mà xả ít được. Xả vô lượng là bỏ tất cả không còn một vật gì, một đối tượng nào, một hoàn cảnh hay một chướng ngại nào còn sót trong tâm. Nghĩa là tâm xả sạch, quét sạch, không còn một chút nào ở trong đó hết thì mới gọi là xả vô lượng tâm.

Xả vô lượng tâm có nghĩa là từ bỏ, từ giã, xa lìa, viễn ly tất cả các pháp thế gian. Nghĩa là xa lìa hết tất cả các pháp thế gian, không còn để pháp nào trói buộc, dính mắc mình hết. Vậy các pháp thế gian là gì? Các pháp thế gian là những pháp trói buộc như mạng lưới chằng chịt, khó thoát ra. Đó là chúng ta chỉ ra mạng lưới chằng chịt, bây giờ hỏi các pháp thế gian là gì thì chúng ta nói sự ràng buộc, ràng rịt của nó rồi chúng ta mới nói cái tên của nó ra. Sự trói buộc của nó chặt như vậy đó, nó làm cho chúng ta khó mà vượt ra được, thì đó là các pháp thế gian. Đặc tánh của nó là trói buộc, xiết chặt, làm cho chúng ta khó thoát ra.

Rồi chúng ta mới kể tên họ các pháp này ra để chúng ta biết. Các pháp thế gian như là: sắc dục, tiền bạc, của cải, tài sản, vật chất lớn, vật chất nhỏ, nhà cửa, ruộng vườn, danh thơm, tiếng tốt, tiếng khen, tiếng chê, tiếng mắng, tiếng chửi, thức ăn ngon, thức ăn dở, ngủ nghỉ, anh em bầu bạn, cha mẹ vợ con, tình thân quyến thuộc, bà con xóm làng, bạn bè gần xa, chùa to tháp lớn, miếu đình, tế tự cúng bái, tụng kệ ca ngâm, hát xướng, ngâm vịnh, tủ giường bàn ghế, chén bát, máy móc xe cộ, ti vi, radio, tủ lạnh.v.v...; kinh sách, kiến thức học tập các pháp thế gian, thiên văn, địa lý, y học, kiến thức hội họa, toán học, khoa học, kỹ nghệ học, kinh tế chính trị học, quân sự, v.v…; dịch số, bói toán và các nghề nghiệp, buôn bán, làm ruộng, thợ mộc, thợ may, thợ dệt, đi săn, bắt cá, trồng trọt mọi thứ, làm thầy thuốc, thầy thông, thầy ký, thầy ngải thầy bùa, kế toán, thợ máy, thợ điện, v.v… Nói chung tất cả các nghề nghiệp sanh sống hiện giờ của con người là pháp thế gian.

Quý thầy thấy kể làm sao cho hết được các pháp thế gian, nó đủ các thứ, mà ai hễ dính vào là bị nó dính. Cái nào nó cũng dính hết, bứt ra rất khó. Cho nên một người đổi nghề cũng không phải dễ đổi. Và một cái ly, một cái chén, một bát ở trong nhà nó cũng dính mình. Đó là các pháp thế gian đó. Cho nên ở đây gọi là xả vô lượng pháp.

Đó,các pháp thế gian có cũng vô lượng chớ không phải kể một số như vậy là hết pháp thế gian đâu. Từ cái học thuật của chúng ta, từ kiến thức kim cổ, từ hiểu biết thế này thế kia đều là pháp thế gian hết. Nó làm cho chúng ta dính kẹt ở trong đó. Cho nên nó gọi là kiến chấp. Đó là những hiểu biết, học thuật của chúng ta, chấp cái này cái kia, chấp cái nọ làm chúng ta không giải thoát. Cho nên đó gọi là pháp thế gian, vì vậy mà xả là phải xả hết. Xả hết mới có giải thoát, mà xả không hết thì nó chấp kiến, chấp cái này đúng, cái này sai thì có tranh luận, có cãi cọ, có hơn thua thì bản ngã bộc lộ ra liền. Còn xả hết thì nó không có bản ngã.

Cho nên không phải là mình xả những vật chất bàn ghế, tủ, đồ đạc, của mình sống, mà còn xả những tri kiến ở trong đầu chúng ta, những tri kiến huân học từ hồi nào đến giờ cũng xả hết. Thậm chí như kinh sách của Phật cũng xả luôn. Chỉ biết thực hiện trau dồi cho tâm chúng ta xả sạch thì như vậy là giải thoát. Còn bây giờ chúng ta đã tu tập mà trong đầu chúng ta còn nhớ ông Phật nói vầy, ông Phật nói như thế khác thì đó là chưa xả, chưa xả pháp thế gian. Bởi vì cái này chỉ là mượn mà thôi cho nên Phật nói Phật pháp còn xả huống hồ là pháp thế gian. Cho nên ngay cả những lời Phật dạy chúng ta còn bỏ xuống, huống hồ là những pháp thế gian mà chúng ta cứ dính mắc hoài. Đó là cái xả vô lượng tâm. Bởi vì cái tâm của chúng ta đến với pháp nào thì nó dính pháp đó, vì vậy mà chúng ta phải xả vô lượng cái tâm này,phải xả sạch thì cái tâm không còn dính vô chỗ nào nữa, thì đó là giải thoát.

Cho nên tới cái chỗ này chúng ta mới thấy Tứ vô lượng tâm thật là rốt ráo. Muốn cho được cái rốt ráo này, muốn xả cho được vô lượng cái này thì chúng ta thấy trong Thất giác chi, tức là thất Bồ đề, là phải xả sạch. Ở đây chúng ta là những người mới trau dồi tâm xả chứ chưa phải là xả sạch. Chúng ta đoạn dứt từng chút, từng chút, cái nào trước và cái nào sau, chúng ta bớt đi phần nào tốt phần nấy. Lần lượt xả để chúng ta bước vào giai đoạn 2, lộ trình thứ 2 là xuất gia tu hành, khi đó chúng ta đã xả sạch rồi. Cho nên nếu không tu tập xả vô lượng tâm này mà bước vào con đường lộ trình thứ 2 của đạo giải thoát thì chắc chắn là chúng ta chẳng đi tới đâu hết. Cho nên Thầy giảng chỗ xả Tứ vô lượng tâm này rất là kỹ, nếu xả kỹ thì vô đó một tuần lễ, một tháng, hai ba tháng là chúng ta đã chứng đạo quả Bồ Đề. Bởi vì xả sạch rồi còn gì nữa mà không chứng quả Bồ Đề. Quý thầy thấy rất rõ ở đây mục đích của đạo Phật là đạo buông xả, mà xả vô lượng chứ không phải xả một thứ. Xả sạch hết. Như vậy mới biết đạo Phật là cái đạo rất siêu xuất, chứ không phải cái đạo bình thường. Bởi vì còn một chút là còn khổ đau, không thể nào giải thoát được.

Từ chỗ tập luyện trau dồi Từ vô lượng tâm, Bi vô lượng tâm rồi Hỷ vô lượng tâm, chúng ta chỉ mới thấy được an vui hòa mình trong vạn hữu mà thôi. Người ta tưởng như vậy là phản bổn hoàn nguyên, trở về với vạn hữu, sống một cách an lạc, đó là cái cuối cùng. Nhưng cái cuối cùng là cái xả hết, không còn để một vật gì hết, như vậy mới là giải thoát. Và đây là sự trang bị cho những người cư sĩ còn gia duyên trói buộc để chuẩn bị tinh thần của họ, để chuẩn bị sự sắp xếp của họ, để họ xả cho sạch, để họ bước vào con đường xuất gia tu hành trắng bạch như vỏ ốc mà Phật đã thường nhắc.

Khi bước chân vào xuất gia, trở thành một vị tỳ kheo, thì tâm hồn của họ trắng bạch như vỏ ốc, lúc bấy giờ họ thực hiện không còn bao lâu nữa mà thành tựu chứng quả Bồ Đề. Còn trái lại người cư sĩ không tự chuẩn bị cho mình xả sạch ở trong giai đoạn Tứ vô lượng tâm này thì khi bước vào lộ trình xuất gia mà tu tập theo các vị tỳ kheo thì khó có thể tu tập được. Không bao giờ có thể xả được. Vì ở đó chúng ta tiếp tục tu những hạnh và những việc làm khác hơn là người cư sĩ, không còn ngồi đó mà nghĩ bây giờ phải xả cái bàn, bỏ cái ly, bỏ cái tách, bỏ vợ hay bỏ con nữa, mà đi vào sự tập luyện ví dụ như Tứ niệm xứ, Bốn thiền, Bát chánh đạo, Tứ diệu đế… tất cả những pháp này chúng ta phải thực tập khi vào vai trò của người tu sĩ tỳ kheo. Còn vai trò của người cư sĩ thì phải thực tập pháp Tứ vô lượng tâm, trong đó pháp xả là pháp quan trọng nhất. Vì người cư sĩ không thấy nó quan trọng cho nên nó cứ trói buộc hoài. Mà trói buộc hoài thì làm sao bước qua lộ trình thứ 2 được. Bị trói buộc làm sao bước qua lộ trình thứ 2.

Cho nên ở đây nhìn chung quanh quý thầy thấy rõ, mình tu sĩ thật, mình xuất gia thọ tỳ kheo 5 năm 10 năm, hai chục năm mà mình có xả được không? Vậy thì xả vô lượng chỗ nào? Tâm mình còn dính, dù lớn dù nhỏ, dù ít dù nhiều, cho nên nó không có xả. Vì vậy mà Thầy phải làm cái gương hạnh là ẩn bóng để xả cho sạch, để làm gương cho người khác thấy rằng Thầy xả cả chùa, tu viện, cả đệ tử, tất cả đều xả sạch hết. Như vậy mới gọi là xả vô lượng tâm. Còn bây giờ Thầy ở đây thì Thầy có xả được đâu. Chùa cũng của mình, rồi ăn uống cũng không xả. Rồi đệ tử cũng không xả. Như vậy thì có xả gì đâu. Thầy làm lợi ích cho chúng sanh thì ở đâu lại làm lợi ích không được. Cần gì phải ngồi ở đây để làm trụ trì mới là độ chúng sanh, chỗ nào có người tu thì Thầy đến đó độ cho họ, tu xong rồi thì đi chỗ khác, có gì mà không xả. Cho nên đời sống du tăng khất sĩ là đời sống tuyệt vời, xả sạch.

Đến đây quý thầy mới thấy được cái tâm xả vô lượng này của đạo Phật nó thật tuyệt vời. Nếu một người tu sĩ mà không thực hiện được tâm xả này, người ta nhìn thấy biết được người đó không phải là tu sĩ của đạo Phật. Bởi vì xả tâm vô lượng, vô lượng cái xả chứ đâu phải là một. Nhìn thấy như vậy chúng ta mới biết được con đường tu của đạo Phật, người tu chơn hay là người tu giả. Người tu chơn thì phải xả hết, người tu giả thì xả nửa chừng hoặc xả ít ít, để cho có chừng đó mà thôi. Người tu cũng xả, mà chỉ xả cái phần thế gian, còn phần chùa miếu thì không dám xả, sợ nó mất đi, cái đó chưa phải là xả sạch, phải xả sạch hết.

Hôm nay Thầy nhắc lại cho quý thầy thấy được cái chỗ tâm xả vô lượng để chúng ta tiếp tục tu tập xả cho hết. Nãy giờ Thầy nhắc lại những pháp thế gian để cho quý thầy thấy đó là các pháp thế gian mà người cư sĩ cần phải xả. Tất cả những nghề nghiệp cuộc sống gì, tất cả, chúng ta phải tính toán sắp xếp, vì đời người có thân là khó, mà được pháp chân chánh như vầy là khó lắm. Muốn chấm dứt sanh tử luân hồi đâu phải là chuyện dễ. Còn nếu không thì mãi mãi muôn kiếp trôi lăn trong lục đạo không thể nào thoát ra khỏi. Kiếp này cũng khổ, kiếp khác cũng khổ.

Nói chung quý vị cư sĩ trước tiên cần phải xả bỏ 5 thứ dục lạc. Bây giờ chúng ta phải xả cái gì trước. Đó, nói chung chung thì các pháp thế gian có nhiều như vậy nhưng lần lượt chúng ta xả cái gì, chứ không phải bây giờ chúng ta xả một lần, cả thế gian này chúng ta xả xuống được liền. Cho nên chúng ta phải tuần tự. Vậy thì tuần tự chúng ta xả cái gì đây? - Chúng ta phải xả 5 thứ dục lạc. Đó là những cái gần gũi chúng ta nhất. Quý thầy nhớ chưa? Ở trên tuy rằng nói chung chung là các pháp như vậy, nhưng ở đây trước tiên là chúng ta phải tu tập xả tâm 5 thứ dục lạc gần gũi nhất của chúng ta:

1. Sắc dục
2. Tiền bạc
3. Danh tiếng
4. Ăn
5. Ngủ

Chúng ta phải xả 5 cái thứ này đi. Vậy thì phải xả như thế nào?

Sắc dục: Chúng ta phải tránh xa sắc dục, đừng có lại gần người khác phái. Đó là cái thứ nhất.

Tiền bạc: Cái thứ 2, tiền bạc châu báu đừng có cất giữ, chúng ta xả nó đi, đừng cất giữ các thứ đó. Đó là rắn độc, nó sai khiến chúng ta trở thành nô lệ nó đó. Hễ cái tâm chúng ta khởi muốn, có tiền là chúng ta mua sắm liền. Cho nên chúng ta xa lánh. Vì vậy trong giới luật của Phật dạy người tu sĩ không cất giữ tiền bạc. Dù mình muốn mà mình không có tiền bạc thì chịu thôi, cho nên tiền bạc không sai khiến mình được. Tiền bạc là dục lạc đó.

Danh tiếng: Chúng ta cũng phải xả. Nếu nghe người ta khen mình tụng kinh hay, tiếng tốt hoặc là thuyết pháp giỏi, thì thôi thôi mình tránh xa đi. Nghe người ta khen mình tụng kinh hay thì thôi thôi mình đừng có tụng nữa, tức là mình tránh nó, tức là mình xả nó đó. Còn nghe người ta khen mình tụng kinh hay, bắt đầu mình mở máy thu băng vô để tụng cho mọi người nghe đó là cầu danh. Đó là mình chạy theo danh. Còn khi nghe người ta khen mình thuyết pháp hay thì ráng thuyết ngày này qua ngày khác để người ta khen mình nữa, đó là danh. Cho nên Thầy mới nói Thầy thuyết pháp cho các con kỳ này thôi, Thầy không thuyết nữa. Tại sao vậy? Tại vì đó là danh. Nói hoài lảm nhảm cũng như hát cho mấy con nghe chứ có làm gì. Đó là chạy theo những cái danh. Đó là dục lạc.

Ăn: Ăn cũng phải xả. Ăn ngày một bữa, ăn để sống chứ đừng thích ăn ngon. Đó là xả đó, ly nó ra. Ăn coi như là thứ thuốc để trị bệnh đói của chúng ta, chớ không phải ăn mà ngon ngọt gì. Đó toàn là thứ bất tịnh. Do đó chúng ta mới ly những cái này ra. Xả cái này ra đi. Cái này là những cái gần gũi nhất ở trong thân chúng ta đây. Nó làm đau khổ chúng ta nhiều nhất. Xả được cái ăn này mới xả được những cái kia. Mà năm thứ dục lạc này mà xả không được thì coi như tiền bạc, của cải, tài sản, vợ con không bao giờ xả được đâu. Nghĩa là chúng ta không xả được năm thứ dục lạc này thì không bao giờ chúng ta xả được cái gì nữa hết.

Ngủ: Ngủ chúng ta cũng phải xả đi. Không phải buồn ngủ là leo lên ngủ, như vậy thì không có được. Xả nó xuống đi, bỏ nó xuống đi. Chừng nào suốt đêm mà chúng ta nằm tỉnh thức không ngủ, đó là chúng ta đã xả ngủ rồi. Chúng ta còn ngủ là chưa xả, xả ngủ chưa được đâu. Phải nhớ như vậy để chúng ta xa lìa, chúng ta xả sạch.

Xả vô lượng năm thứ dục lạc này đi. Bởi vì 5 thứ dục lạc này nó biến ra vô lượng cái để chúng ta dính mắc nó. Hôm nay chúng ta đã biết được 5 điều cơ bản mà chúng ta cần xả trước. Nghĩa là xả được 5 thứ dục lạc này rồi, bây giờ xả tiếp sắc dục, mình tránh xa sắc dục rồi, tâm mình thấy không còn ham sắc dục nữa. Như vậy, sắc dục không ham, tiền bạc không cần dùng, danh tiếng cũng không ham nữa. Ăn thì mình ngày một bữa để sống thôi. Ngủ thì mình thấy tỉnh thức rồi. Sau khi xả xong năm thứ này, mình mới tu tới. Chớ chưa xả được 5 cái này mà mình tu tới nữa thì nó trói luôn chứ nó không có xả ra được đâu.

Các thầy phải nhớ kỹ con đường đạo Phật phải tu cái trước này cho được rồi mới tu cái kế. Còn tu cái này chưa được, như ăn thì còn ba bốn bữa, ngủ thì lúc nào cũng muốn ngủ, tiền bạc thì còn cất cả túi, nghe người ta khen thì nở mũi mừng, thấy con gái thì nhìn. Như vậy, tới tu tập xả 6 pháp dục lạc nữa của thế gian thì chúng ta xả không nổi. Bởi vì 6 pháp dục lạc của thế gian nó hơn 5 cái này nữa. Cho nên khi xả được 5 cái này rồi thì chúng ta mới tiếp tục xả tiếp vô lượng 6 pháp dục lạc thế gian nữa.

Vậy thì 6 pháp dục lạc thế gian này là gì? Là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Đó, bây giờ chúng ta mới thấy 6 pháp này là đối tượng, đó là hình sắc, tiếng, hương vị của các pháp thế gian. Sáu pháp này cám dỗ chúng ta vô cùng. 6 pháp này là các đối tượng của tâm chúng ta. Nó luôn luôn cám dỗ, thu hút chúng ta để trở về phục vụ cho 5 thứ dục lạc ở trên. Chúng ta phải thấy được rõ đường đi của nó. Nó tiếp xúc với sắc, thanh hương, vị, xúc, pháp. Sắc ở đây không phải là sắc dục như ngũ dục lạc ở trên, là sắc dục tình ái,mà đây là hình ảnh, sắc tướng. Còn 5 pháp kia là cuộc sống của chúng ta.

Thấy một cái máy cassette, thấy một cái ca, thấy một cái bàn đó là cái sắc. Cái sắc đó nó làm chúng ta ham thích, nó gợi cho chúng ta thích thú nó, thì đó là chúng ta bị sắc cám dỗ. Thinh là âm thanh. Hương là hương thơm. Vị là mùi vị mặn ngọt cay đắng. Xúc là va chạm. Pháp ở đây là những kiến chấp ở trong đầu chúng ta, những sự hiểu biết ở trong đầu chúng ta gọi là pháp. Chớ không phải bàn ghế tủ là pháp đâu. Chữ pháp ở đây phải hiểu là những hiểu biết ở trong đầu chúng ta, hiểu biết cái này nọ kia đó là pháp. Cho nên chúng ta phải xả cái đó ra, xả ly pháp đó ra. Đời sống chúng ta kể từ khi được hiểu biết thì chúng ta huân biết bao sự hiểu biết. Phong tục tập quán này kia nó dính mắc. Cũng như bây giờ mình ở trong chùa, đến ngày kỵ giỗ gì đó của hòa thượng này hòa thượng kia mà không cúng thì bà con rầy rà vô cùng. Hoặc ngày tư ngày tết mà không cúng bái thì người ta đến chùa mình kiếm chuyện này chuyện kia đủ thứ hết. Đó là những pháp bắt buộc chúng ta, trói buộc chúng ta làm nô lệ cho phong tục tập quán đó. Cho nên chúng ta phải bứt nó ra, vì vậy chúng ta phải xả bỏ nó đi. Mặc mấy ông muốn nói gì thì nói. Tôi làm thầy tôi phải giữ đúng cái hạnh của tôi, tôi đâu có làm mấy chuyện mê tín như vậy. Như vậy là chúng ta đã phá những cái pháp đó.

Phải hiểu những cái gì là pháp thế gian, những cái gì là pháp xuất thế gian, chứ nếu hiểu một cách cạn cợt, không phân biệt pháp nào là thế gian, pháp nào là xuất thế gian thì cái này không đúng. Phải biết chỗ dùng chữ pháp nó ở vị trí nào để gọi nó là dục lạc. Ở đây Thầy giải thích như vậy để chúng ta biết được, chúng ta xả bỏ nó. Còn nếu không biết được thì chúng ta lấy gì mà xả bỏ nó được.

Bây giờ phải hiểu rõ 6 pháp dục lạc thế gian là sắc, thanh, hương, vị, xúc, người ta bỏ pháp.

Vậy sắc là gì? Người ta thường nói có 5 thứ dục lạc này: sắc, thanh, hương, vị, xúc, người ta bỏ pháp. Người ta quên mất đi đối tượng của pháp là ý của chúng ta. Người ta chỉ nói đối tượng của xúc là thân của chúng ta. Đối tượng của vị là lưỡi của chúng ta. Đối tượng của hương là mũi của chúng ta. Đối tượng của âm là lỗ tai của chúng ta. Đối tượng của sắc là mắt của chúng ta. Rõ ràng phải là 6 thứ chứ, tại sao họ lại bỏ pháp ra. Họ cứ nói là có ngũ dục lạc thì ngũ dục lạc là 5 cái ở trên, chứ 6 dục lạc ở dưới này là đối tượng để cho 6 căn của chúng ta tiếp xúc mà sanh ra tâm ham muốn. Như vậy chúng ta mới thấy nó sinh ra cái thọ. Rồi thọ mới có ái chứ. Đó là trong thập nhị nhân duyên, Phật đã chỉ cho chúng ta thấy từ cái duyên này nó mới sinh ra duyên kia. Do đó chúng ta mới hiểu là 6 pháp dục lạc dưới này, chứ không phải 5 pháp dục lạc trên kia. Bởi vì hầu hết dựa vào sự hiểu biết không có thực hành cho nên ngắt bỏ cái pháp này đi, mà chỉ gọi sắc thanh hương vị xúc là dục. Các pháp không dục sao? Không dục sao còn chấp? Không thích nó sao lại chấp để tranh luận với nhau? Mình cho pháp mình đúng, tức là kiến chấp pháp đó. Khi người ta nói mình sai thì mình phùng mang trợn mắt lên mình cãi, thì không phải là mình thích nó sao. Đó là những cái mà chúng ta bị nó lôi cuốn ở trong chỗ thích thú, làm cho chúng ta bị dính mắc ở trong đó.

Mình đã học xả tâm vô lượng. Mà thầy đã giải thích xả là gì rồi. Bây giờ đã tới chỗ mình phải xả, kế tiếp quý vị phải xả bỏ sáu pháp dục lạc của thế gian. Đó là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Đến đây Thầy giải thích từng phần.

1.- Sắc là mọi hình ảnh của các pháp, các hình ảnh này có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho tâm chúng ta thích thú; hình ảnh đó gợi trong tâm chúng ta khả ái, khả lạc, khả hỷ. Nghĩa là cái vật gì ở trong thế gian này có hình ảnh của nó, thì đó gọi là sắc. Bởi vì khi xả cái tâm vô lượng này, ở chỗ sắc thì chúng ta phải thấy cái đối tượng của nó với cái tâm của chúng ta là gì. Bởi vì cái tâm vô lượng thì phải xả hình ảnh sắc trước. Mà xả cái hình ảnh sắc trước, thì đó là cái đối tượng tâm của chúng ta để gợi lên sự thích thú, sự khả ái, khả lạc, khả hỷ. Chúng ta thích nó nên chúng ta mới chạy theo nó. Cho nên muốn xả cái tâm vô lượng này thì phải xả như thế nào để chúng ta thấy cái ái đó, cái lạc đó, cái hỷ đó đúng hay là không đúng. Đó là cách thức chúng ta phải biết so sánh để chúng ta biết mà xả. Còn nếu không biết thì chúng ta lấy gì mà chúng ta xả?

Có nhiều người hiểu cái sắc này là sắc dục đó. Hiểu như vậy là hiểu sai. Nó làm cho chúng ta thích nó nên nó khả ái, khả lạc, khả hỷ. Những hình sắc của mọi vật đều có sự ham thích như vậy.

2.- Thinh là âm thanh của các pháp có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho ta dễ chịu, ưa thích, gợi lên khả ái, khả lạc, khả hỷ, khiến ta thích thú, say mê. Những âm thanh đó làm cho họ bỏ rất phí thời gian cuộc đời của họ. Một người nghe nhạc rồi họ thích lắm, họ gật gù gật gù theo điệu nhạc. Rồi họ thích thú họ nhảy nhảy tùm lum tà la, họ nhảy đầm.... Đó là vì họ thích âm thanh đó lắm, cho nên nó gây nơi họ những cảm giác khả ái, khả lạc.

3.- Hương là mùi thơm của các pháp có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho ta dễ chịu ưa thích, gợi lên khả ái, khả lạc, khả hỷ, khiến ta thích thú say mê. Những điều này quý thầy không thể chối cãi được. Nghĩa là chúng ta có nghe cái mùi thơm: chà cái bông này hôm nay thơm quá. Thì đó là đã khả hỷ, khả ái rồi, đã thích thú rồi. Mình chỉ khen nó như vậy là đủ biết cái tâm của mình nó đã bị gợi lên những cái khả ái, khả lạc của nó rồi.

4.- Vị là mùi vị ngon ngọt, cay đắng, chua mặn của các pháp có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta làm cho ta dễ chịu, ưa thích, gợi lên khả ái, khả lạc, khả hỷ, khiến cho ta thích thú, say mê, khó quên. Cách nay đã một tháng rồi mà: "Trời, ăn cái bánh đó ngon quá". Nghĩa ăn rồi mà còn nhớ cái bánh đó, còn nhớ cái ngon ngọt của nó, thì đó là khó quên chứ sao. Cho nên vị làm cho chúng ta thích thú, say mê cái miếng ăn của chúng ta. Mà ăn rồi, nuốt vô khỏi cổ rồi thì còn ngọt ngon gì nữa đâu mà quên nó thì không quên, nhớ hoài. Mai mốt ba có đi chợ, đi thành phố mua cho con cái bánh đó, con ăn thấy ngon quá. Mà ăn cách nay cả tháng rồi, vẫn còn nhắc ông già đi mua cho mình ăn nữa. Thì đó là khó quên đó.

5.- Xúc là sự va chạm vào các pháp sinh ra cảm thọ êm ấm, nóng, mát, lạnh đau nhức, nhẹ nhàng, khinh an, hỷ lạc, lâng lâng, say say, cảm giác khoái lạc, cảm giác sung sướng, cảm giác mừng vui, cảm giác buồn khổ, v.v... Đó là xúc. Nói tóm lại thì các cảm giác của chúng ta gồm có 3:

- Thứ nhất Phật gọi là thọ lạc,
- Thứ hai Phật gọi là thọ khổ,
- Thứ ba Phật gọi thọ bất lạc bất khổ.

Chớ không có gì khác hơn hết. Vì có sự xúc chạm mà nó mới sinh ra những cái thọ này. Đó là thọ lạc, thọ khổ và thọ bất lạc bất khổ. Đó là, những cảm giác Phật chia làm ba phần để chúng ta nhận xét ba cái thọ đó, để chúng ta biết rằng dù chúng ta rơi vào cái thọ lạc thì cũng đừng thích thú. Mà rơi vào cái thọ khổ thì chúng ta cũng đừng có sợ hãi. Mà rơi vào cái thọ bất lạc bất khổ thì cũng đừng cho đó là thanh tịnh hoặc là thiền định. Vì còn cảm thọ mà biết nó thọ bất lạc, bất khổ thì đó cũng là một cái trạng thái sai trong sự tu hành của chúng ta. Đừng cho đó là Niết bàn, cũng đừng cho đó là một cái gì cả hết, vì đó là thọ bất lạc bất khổ. Hầu hết số người tu hành thiền định mà rơi vào trạng thái này tưởng là mình đã nhập định. Cho nên đó là cái sai phải nhận xét. Vì nói đến xúc là sự va chạm mới sinh ra thọ. Mà sanh ra thọ thì chúng ta phải xét qua ba cái trạng thái thọ để chúng ta biết cái thọ đúng, cái thọ sai. Trên con đường tu tập, chúng ta gặp rất nhiều những cảm thọ này. Nghĩa là ba cái cảm thọ này chúng ta luôn luôn gặp rất nhiều. Vì vậy mà ở đây phải giảng chỗ này để chúng ta thấy rõ mà tránh nó. Vì con đường nhập định của Phật không lọt vào ba cái cảm thọ này. Khi có ba cảm thọ này thì con đường đó gọi là tà thiền, tà định chứ không phải là chánh định, chánh định của Phật. Chúng ta thấy những cảm giác mà người tu thiền chúng ta đều gặp. Toàn là thứ không đúng đắn, thứ sai lạc, những thứ làm cho chúng ta thích thú, say mê. Nó gợi lên cho chúng ta những điều không hay trên con đường tu tập. Cho nên ngồi tu mà có cái trạng thái nào đó thì biết đó là xúc tưởng hỷ lạc sanh ra chứ không cái gì khác hơn hết. Vì vậy mà chẳng để tâm theo nó làm gì.

Ở đây Thầy giải thích để quý thầy hiểu rõ chỗ tu thiền của quý thầy sai, tưởng là chỗ thọ bất lạc bất khổ ở đây, cho đó là đúng. Nhưng sự thật đó là sai. Bởi vì lạc và khổ thì quý thầy hiểu rồi, nhưng thọ bất lạc bất khổ mà cho nó là đúng. Cái đó sai. Chúng ta trong khi tu thiền, có sự vận dụng, có sự điều khiển chớ không phải ngồi đó mà hưởng thọ bất lạc bất khổ. Cho nên người tu thiền mà không biết, tưởng cái chỗ thọ bất lạc bất khổ là tu đúng, cho chỗ này là định. Đó là hiểu sai.

Người tu thiền là phải đi đến chỗ làm chủ sinh tử, làm chủ cái sống chết. Cho nên từng phút giây vận dụng để đi như thế nào để bắt đầu cái thân không thở, các hành ngưng mà không chết. Rồi chúng ta phục hồi nó sống bằng cách thở lại, hoạt động trở lại, rồi trở về hơi thở bình thường thì đó là chúng ta đã làm chủ được sự sống chết chứ không phải ngồi đó mà thọ hưởng cái thọ bất lạc bất khổ.

Bởi vậy có bao giờ người tu thiền mà người ta vô trong đó để tìm cái lạc ở trong đó đâu. Cơ thể người ta mệt nhọc quá sức, vì cơ thể người ta ngày càng suy yếu người ta buộc lòng phải hồi phục nó, cho nên người ta mới ngồi lại người ta vận dụng để cho cơ thể được nghỉ ngơi, cho cơ thể được thư giãn, được quân bình, không rối trật tự ở trong đó. Để rồi lấy lại sức qua ngày hôm sau làm việc. Còn quý thầy được hỷ lạc thì vô ngồi để đi tìm cái dục lạc, thì tâm còn bị cái khả hỷ, khả ái, khả lạc, gợi lên những sự mê thích say mê trong thiền định. Tu hành như vậy là tu hành không đúng.

Ở đây Thầy giải thích như vậy để quý thầy thấy 5 cái dục lạc này rõ ràng và không còn chạy theo nó nữa. Vì chạy theo nó nó khởi lên khả ái, khả lạc, khả hỷ khiến cho quý thầy thích thú. Cho nên khi ngồi thiền quý thầy thấy có trạng thái khinh an hỷ lạc, say say, lâng lâng, nó làm cho mình thích thú, cảm giác khoái lạc ở trong đó, do đó mình cứ ngồi hoài, ngồi hoài. Nhưng đó là cái hang quỷ của quý thầy đó, không bao giờ quý thầy thoát ra khỏi cái hang này đâu nếu quý thầy cứ thích thú nó. Nó gợi cho quý thầy thích thú nó để chạy theo cái thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ. Thọ lạc thì nó lâng lâng, mà thọ khổ thì nó đau, nó nhức, nó lạnh, nó nóng, nó nặng. Thọ bất lạc bất khổ thì quý thầy ngồi thiền nghe không lạc không khổ gì hết tưởng là nó đúng nhưng mà quý thầy thiếu vận dụng, thiếu chủ động thì quý thầy đang ở trong cái chỗ bất lạc, bất khổ. Tưởng là mình ngon lành, thiền định rồi nhưng mà cái đó là rơi vào cảm giác thọ bất lạc, bất khổ.

6.- Pháp ở đây chỉ cho tất cả những sự hiểu biết. Ở đây Thầy xác định chữ pháp đây. Pháp ở đây chỉ cho tất cả những sự hiểu biết cổ kim về triết học, văn học, sử học, địa lý học, thiên văn học, toán học. Toàn bộ kinh sách của các tôn giáo trên thế gian này đều gọi là pháp. Bởi chữ pháp ở đây là chỉ cho các môn học, các pháp. Thậm chí cả kinh sách Phật nữa, lời dạy của Phật cũng đều là pháp hết. Đây là pháp thật chứ không phải pháp là cái tượng trưng cho các vạn hữu xung quanh chúng ta. Hồi nãy Thầy nói vạn hữu là pháp (sắc pháp) đó là cái chỗ dùng. Bởi vì nhiều người hiểu rất lầm lạc. Tất cả các pháp này Phật dạy đó là kiến chấp của thế gian. Nó có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho ta ưa thích, xem đó là chánh pháp, là đúng pháp, ôm chặt khư khư, không muốn rời bỏ, cho đó là khuôn vàng thước ngọc, làm mẫu mực cho đời sống thường nhân hoặc tu hành. Các pháp này có sức lôi cuốn tâm ta, khiến ta ưa thích, gợi lên những sự hiểu biết này khả ái, khả lạc, khả hỷ, khiến ta dính mắc không buông xả được. Vì thế cho mới có tranh luận hơn thua. Đó, quý thầy thấy sự giải thích của Thầy ở đây, quý thầy thấy rất rõ. Do cái chỗ không thấy rõ các pháp như thế nào để rồi dính mắc ở trong đó, rồi mới có sự tranh luận hơn thua, mới chia ra pháp này, pháp kia, pháp nọ. Toàn là những kiến chấp mà thôi, không có gì giải thoát hết. Vì vậy mà một người học nhiều, biết nhiều, hiểu về kinh sách nhiều thì những người đó là những người bị Sở tri chướng. Và những người đó là những người bị kiến chấp. Một khi bị một kiến chấp rồi mà buông ra là một điều rất khó, chớ không phải dễ. Cho nên khi họ bị kiến chấp rồi mà họ sống lại cái đời sống của phạm hạnh, giới luật thì họ sống không được. Họ cho đó là bị mất tự tại, không còn vô ngại nữa, bị giới luật trói buộc người đó là chấp giới. Chớ họ không thấy rằng giới luật của Phật là một ông thầy để dẫn đường cho người đó rèn luyện thân tâm của họ đến chỗ giải thoát y như giới luật. Mới đầu người mới tu thì xem như bị ràng buộc, bị trói buộc cho nên họ thấy rằng không có vô ngại được, không có tự tại, như vậy là không có giải thoát. Vì cái kiến chấp, vì cái nông cạn mà họ không thấy xa của giới luật nó sẽ giải thoát như thế nào. Vì họ chưa từng sống trong giới luật cho nên họ chưa biết sự giải thoát của giới luật. Vì vậy mà cái kiến chấp đó làm cho họ mê mờ, họ tưởng rằng sống trong giới luật là khổ sở, không có tự tại, không có giải thoát, còn sống rời khỏi giới luật là có tự tại, có giải thoát rõ ràng cụ thể nhưng cuối cùng họ chết chìm ở trong ngũ dục lạc mà họ không hay biết.

Bây giờ muốn trau dồi tâm mình để xả vô lượng pháp thì mình phải trau dồi như thế nào. Chứ nãy giờ nghe Thầy nói mà không biết cách xả thì chắc chắn là không xả được. Nói là một lẽ, lý thuyết là một lẽ, nhưng để xả thì phải làm sao? Đây là cái mấu chốt của sự tu tập chúng ta khi muốn trau dồi tâm xả vô lượng các pháp thế gian.

Đây, quý thầy nhớ kỹ chỗ nầy. Cái này rất là quan trọng đây.

"Ta nên lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, hang đá, khe núi, bãi tha ma, lùm cây, bóng mát dưới tán cây, ngoài trời hoặc trong chòi lá".

Nhớ kỹ những nơi đó là nơi để chúng ta xả các pháp đó. Tìm những nơi đó mới xả được các pháp. Còn nếu không có những nơi đó thì khó mà xả được các pháp này lắm. Ở giữa chợ mà ngồi, giữa xe cộ chạy rần rần mà ngồi xả các pháp này thì xả không xong rồi. Vậy thì xả như thế nào đây mà phải tìm những nơi yên tịnh, thanh vắng như vậy để mà xả. Đây Thầy tiếp. "Sau khi ăn uống xong, đợi cơm và thực phẩm tiêu hóa khoảng 2 giờ, phải ăn vừa no chứ không nên ăn đói mà vô đó ngồi thiền. Đợi cơm tiêu hóa rồi, lúc bấy giờ cơ thể chúng ta rất thảnh thơi, không còn đói nữa. Chớ người đói thì ngồi chắc chắn là xả không được đâu. Bởi vì xả cái đói mà không được thì làm sao mà xả các pháp được. Cho nên phải ăn cơm xong rồi bắt đầu nghỉ một chút, khoảng sau 2 giờ, chúng ta mới bắt đầu "ngồi kiết già, lưng thẳng". Muốn xả các pháp đâu phải là chuyện dễ, nó dính cũng như là cái dây chằng, như lưới, nó bệnh ở trong thân tâm ta cũng trói chặt như là dây lòi tói rồi. Bây giờ muốn xả nó là phải ngồi cho vững vàng rồi mới bứt ra từng sợi chứ đâu có phải xả lơ mơđược. Đó thì thầy dạy cho các con thấy được cách thức xả.  

Ta hãy ngồi kiết già lưng thẳng tại chỗ nói trên, tức là tại chỗ mà mình tìm nơi vắng vẻ đó và an trú, "đặt niệm trước mặt". Đó bây giờ mới đặt niệm trước mặt. Vậy thì cái niệm gì trước mặt đây để mà xả được nó. Là một niệm trong năm niệm dục lạc của thế gian. Bây giờ thầy dạy quý thầy xả tâm vô lượng sắc dục thế gian phải đặt niệm như thế nào để xả ly cho được. Đó là cách thức hành pháp. Hồi nãy ở trên thì Thầy giảng về sắc. Đó là lý pháp chớ không phải hành pháp.

Về chúng tôi

Giới thiệu

Chính sách bảo mật

Chính sách và thoả thuận bản quyền

Thông tin liên hệ
Liên kết