TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC
GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT
II.- GIAI ĐOẠN XUẤT GIA
(Tỳ khưu Từ Quang biên tập lời Trưởng Lão giảng trong mùa an cư 1997, được ghi âm ở 61 cassette 90)
Bài đọc thêm 12:
TRẢ LỜI CHO THẦY THIỆN THUẬN
Thầy Thiện Thuận có hỏi Thầy trong vấn đề tu tập và Thầy thấy nó rất quan trọng cho nên cần nói rõ để các con tu đừng sai lệch. Thầy Thiện Thuận hỏi Thầy như vầy:
Bạch Thầy, cho con xin hỏi thêm về cách phá âm thanh, nếu ám thị bằng câu trạch pháp như trên thì con phải ám thị ra lệnh lúc ngồi thiền khi còn thở hơi thở 5 giây, hay 10 giây, hoặc 20 giây hay là ám thị cùng một lúc với ra lệnh cho các hành ngưng và hơi thở ngưng. Xin Thầy chỉ thêm.
Đó là điều rất quan trọng.
Hầu hết số người dùng pháp hướng chưa đúng cách ở trên chỗ hơi thở đó. Khi chưa đúng trạng thái mà hướng tâm bảo ngưng hơi thở hoặc là bảo phá âm thanh, hay thế này thế khác. Chúng ta phải biết tâm chúng ta ở trong một định nào đó thì chúng ta mới phá được âm thanh hoặc là phá cái thọ, chứ khi chúng ta chưa ở trong định đó mà vội hướng tâm phá âm thanh thì coi như chúng ta chỉ là một người bình thường như vầy mà bảo đừng nghe âm thanh thì chắc chắn là vẫn nghe chứ không bao giờ hết nghe được.
Ở đây thầy Thiện Thuận hỏi khi ngồi thiền, hơi thở còn ở trong 5 giây, hay 10 giây, hoặc 20 giây, nghĩa là hơi thở bình thường là 5 giây, rồi bây giờ thở chậm trong 10 giây, hay hoặc là 20 giây rồi mới ám thị, hay là cùng một lúc mình ám thị, nghĩa là vừa kéo chân lên là ám thị nó, nhắc nó đừng nghe âm thanh, hoặc là các hành phải ngưng đồng thời một lượt?
Thầy sẽ trả lời, và khi xả ra phải ám thị bằng những câu nào, như thế nào. Đó là những điều rất quan trọng.
Kế thì thầy Thiện Thuận có báo cáo trạng thái đang tu của mình
"Bạch Thầy, con dùng câu pháp hướng phá âm thanh của Thầy chỉ, kết quả qua những lần đau gót chân nay đã không còn đau nữa mà âm thanh vẫn còn nghe, không giảm tí nào và hiện giờ ngồi thiền thì chân nó cứ bung ra hoài. Vừa kéo chân lên xong, con mới ám thị chưa được nửa câu thì chân đã bung ra rồi. Xin thầy chỉ thêm".
Đó là những điều kiện rất là quan trọng khi chúng ta biết dùng pháp hướng. Nếu không biết dùng pháp hướng thì không làm sao làm cho pháp hướng có hiệu quả được. Nó phải đúng trạng thái nào thì mới dùng.
Muốn dùng pháp hướng phá âm thanh thì khi nào xét thấy 6 thức bám chặt và nằm yên trên tụ điểm. Nghĩa là để đừng nghe âm thanh bên ngoài tác động thì chúng ta phải nhận xét sáu thức.
Khi chúng ta kéo chân lên ngồi thì chắc chắn chúng ta phải điều thân cho vững vàng, rồi tới điều tâm, tức là điều sáu thức cho nó nằm yên trên tụ điểm. Khi sáu thức đã bám chặt, đã nằm yên trên tụ điểm rồi thì có một trạng thái yên lặng trong thân và ngoài thân.
Quý thầy lưu ý phần này rất quan trọng. Nếu khi chưa có sự yên lặng, mới kéo chân lên mà vội hướng tâm thì không kết quả đâu. Khi hơi thở còn ở 5 giây tức là còn ở trong dạng của hơi thở bình thường, lúc bấy giờ chúng ta ở trong định nào? Khi đã li dục li ác pháp được, chúng ta biết rằng chúng ta có một cái tâm thanh thản. Tâm thanh thản đó chính là tâm li dục li ác pháp. Lúc đó luôn luôn có tầm tứ nhưng tầm tứ đó đều là thiện pháp chứ không phải ác pháp nữa, bởi chúng ta đã li dục li ác pháp rồi thì đâu còn ác pháp nữa, cho nên tầm tứ đó đều toàn là thiện, nhưng chúng ta phải tiến tới một giai đoạn nữa là thay vì hơi thở 5 giây bình thường của trạng thái thanh thản Sơ thiền, mà chúng ta đã biết chúng ta li dục li ác pháp rồi, tâm thanh thản đó là tâm đang ở trong trạng thái của Sơ thiền, nhưng không có nghĩa là đang ở trong Sơ thiền mà phá âm thanh được. Cho nên khi hơi thở đang ở 3 giây hay 5 giây này, dù tâm ở trạng thái Sơ thiền mà hướng tâm bảo nhĩ thức đừng nghe âm thanh nữa thì chắc chắn không kết quả đâu. Do đó chúng ta phải thở chậm nhẹ nữa để diệt tầm còn tứ. Diệt tầm còn tứ là một cái định, bởi vì Sơ thiền thì có tầm có tứ, chúng ta diệt tầm mà còn tứ, như Minh Tông nói diệt tầm còn tứ thì luôn luôn mình còn pháp hướng nhắc tâm của mình cho tầm hoàn toàn không còn có nữa, chứ không phải hướng phá âm thanh. Hướng là tác ý ra phá tầm.
Bây giờ tầm tứ đã diệt hết rồi, không còn gì nữa mà hơi thở đó khoảng 5 giây hay 10 giây, hoặc là 20 giây, khi chúng ta không còn nhận ra hơi thở nữa vì hơi thở quá nhẹ, nhưng thời gian của hơi thở thì khoảng là 5 giây, hay hoặc là 10 giây, 20 giây, nhưng lúc bấy giờ chúng ta không thấy hơi thở tức là chúng ta không có niệm hởi thở nữa. Do đó chúng ta biết rằng tầm tứ đã diệt tức là chúng ta đã nhập Nhị thiền, nhưng chúng ta đâu có ở trong trạng thái của Nhị thiền, vì còn biết hơi thở ra và hơi thở vô. Chúng ta phải nằm trên hơi thở ra vô đó,nênchúng ta biết rằng đó không phải là Nhị thiền, có cái niệm là để chúng ta ở trạng thái đó để phá các loại tưởng, vì ở trạng thái của Nhị thiền bước qua Tam thiền là có những trạng thái tưởng xẩy ra, như hào quang, ánh sáng, hoặc là thân bay bổng, hoặc thân cảm giác khinh an hỉ lạc, hay trạng thái này, trạng thái kia xãy đến trong thân và tâm của chúng ta. Bởi tầm tứ diệt thì xem như chúng ta là một người đang ngủ, xem như thân chúng ta đang ngủ, vì thế mà giấc chiêm bao nó thực hiện. Nhưng ở đây giấc chiêm bao không phải là như người nằm ngủ mộng chiêm bao mà do chúng ta diệt tầm tứ, làm cho ý thức ngưng nên không có tầm không có tứ. Mà không tầm không tứ thì tưởng thức phải thể hiện. Đoạn đường này chúng ta phải bám hơi thở, nếu không bám hơi thở thì các trạng thái của tưởng sẽ xuất hiện, không bám hơi thở thì như người đang chiêm bao, đang mộng.
Hiểu rõ như vậy thì chúng ta muốn phá âm thanh thì phải ở chỗ nào? Hiện bây giờ chúng ta chưa phá được âm thanh mà đang phá các loại tưởng. Chúng ta biết rằng phải phá các loại tưởng vì vậy mà tâm chúng ta nằm trên hơi thở diệt tầm tứ này. Tâm ở trong trạng thái không có tầm tứ này thì có một trạng thái yên lặng chứ chưa phải là vắng lặng. Do nằm trên trạng thái yên lặng này thì 6 thức phải bám chặt trên tụ điểm, chúng ta không cho chúng di chuyển khỏi tụ điểm và chúng ta phải thấy hơi thở tại tụ điểm đó. Từ tụ điểm đó hơi thở xuất phát đi ra và từ tụ điểm đó xuất phát hơi thở đi vô chứ không phải thấy hơi thở từ ngoài đi vô mũi và từ trong mũi hơi thở đi ranhư cái biết của chúng ta bám tại nhân trung biết hơi thở đi ra đi vô như vậy. Không phải thấy như vậy. Cái đó là cái thấy sai, cái biết sai. Cái mà quý thầy phải nhận ra là từ tụ điểm đó quý thầy phải thấy nếu hít vô thì hơi thở xuất phát từ tụ điểm đó đi vô trong mũi, nếu thở ra thì quý thầy phải thấy từ tụ điểm đó có hơi thở thở đi ra chứ không phải từ ở trong phổi thở ra. Đó là 6 cái thức của quý thầy bám chặt trên tụ điểm, nằm yên trên tụ điểm nó mới thấy hơi thở ra vô như vậy. Vì vậy nó không xẩy ra cho quý thầy một trạng thái hỉ lạc khinh an hoặc cảm giác ở chỗ này hay chỗ khác của thân, như nhức đầu hay nặng đầu hay có những cái có thế xẩy đến cho quý thầy. Càng đi xa hơn thì có những thần thông đặc biệt hơn trong thời gian kéo dài ra này.
Ở trong trạng thái này, quý thầy luôn luôn lúc nào cũng cảnh giác hướng tâm ám thị phá các tưởng chớ không phải phá âm thanh. Chừng nào quý thầy thấy sức tỉnh của mình ngủ mà không còn chiêm bao nữa thì lúc đó quý thầy phá âm thanh mới có kết quả, và khi nào muốn nhập được Tam thiền thì phải li hỉ toàn bộ, không còn trạng thái hỉ xẩy ra cho tâm quý thầy vui mừng nữa, lúc đó là lúc quý thầy ở trên trạng thái yên lặng của Tam thiền mới phá âm thanh và phá thọ, cho nên Phật gọi là XẢ LẠC, XẢ KHỔ, XẢ NIỆM THANH TỊNH. Chỗ này là chỗ buông sạch hết tất cả những âm thanh, sắc tướng, tất cả những cái thọ, cái đau đớn, tất cả mọi cái đều buông xuống hết.
Muốn buông xuống hết như vậy thì phải ở trên hơi thở của Tam thiền chứ không phải ở trên hơi thở của Nhị thiền. Và khi đã ở trên hơi thở của Tam thiền thì đầu tiên là quý thầy nhận ra được quý thầy đã li được các hỉ rồi, chiêm bao cũng đã li hết rồi (vì đã li hỉ) cho nên thân quý thầy thì nằm ngủ mà tâm thì tỉnh thức. Vì vậy quý thầy phải cố gắng tu tập tỉnh thức trong giấc ngủ để cho cái tâm tỉnh, không còn mê mới không còn chiêm bao. Khi không còn chiêm bao, quý thầy mới li các trạng thái hỉ, từ đó hơi thở của quý thầy mới đương nhiên ở trong Tam thiền. Còn hơi thở là còn cái niệm thì còn đường đi để tiến tới Tứ thiền. Do vậy quý thầy phải giữ tâm của quý thầy ở chỗ trạng thái của hơi thở Tam thiền, ở trạng thái yên lặng đó thì quý thầy mới hướng tâm phá âm thanh. Nhờ pháp hướng có hiệu quả làm cho quý thầy không còn nghe âm thanh nữa.
Khi hơi thở của quý thầy đang ở Nhị thiền, chỉ mới diệt tầm tứ, chiêm bao còn mà quý thầy vội phá âm thanh thì phá chưa được đâu, bởi vì các trạng thái tưởng chưa li thì làm sao quý thầy đi tới nữa được, không tiến tới được.
Phải phân biệt được cái yên lặng của Nhị thiền khác với cái yên lặng của Tam thiền. Khi 6 cái thức nằm yên lặng trên trạng thái của Nhị thiền, nghĩa là 6 thức bám chặt tụ điểm, lúc đó quý thầy hướng tâm ám thị để phá HỈ. Do vậy quý thầy phải tập tỉnh thức trong giấc ngủ. Trước khi ngủ quý thầy phải đặt niệm hơi thở trước mặt, biết hơi thở ra, biết hơi thở vô để giữ tâm tỉnh thức trong 5 hay 10 phút rồi mới ngủ. Sau đó quý thầy tăng dần, tăng dần cho đến khi mặc dù thân nằm ngủ mà tâm hoàn toàn tỉnh thức. Khi đạt được trạng thái này (thân ngủ, tâm vẫn tỉnh) thì quý thầy biết đã vượt qua trạng thái hỉ rồi cho nên thân ngủ mà không mê man, vẫn biết được hơi thở, gọi là BẶT NIỆM HƠI THỞ, tỉnh thức trong giấc ngủ. Quý thầy không mệt nhọc vì mất ngủ mà trái lại rất khỏe, rất tỉnh táo, sức tỉnh thức rất cao. Vì vậy khi ở mức độ yên lặng của Tam thiền thì sức tỉnh thức của Tam thiền hơn sức tỉnh thức của Nhị thiền. Do đó, muốn phá âm thanh thì tâm quý thầy phải đến trạng thái của Tam thiền. Ở trạng thái yên lặng của Tam thiển mới hướng tâm phá âm thanh để phá sạch cả lạc, cả khổ, cả niệm thanh tịnh đó. Khi đã xả hết rồi, không còn nghe âm thanh, thọ không còn tác động trong thân, không còn cảm giác nào, lúc bấy giờ chỉ còn trạng thái vắng lặng của không gian và thời gian, lúc bấy giờ rất là vắng lặng (không còn trạng thái yên lặng nữa). Đó là trạng thái của định Tứ thiền.
Khi quý thầy đến trạng thái đó sẽ biết được trạng thái vắng lặng. Như Minh Tông có nói rằng "con đã nhận ra được cái trạng thái của Tứ thiền" tức là Minh Tông đã nhận ra trạng thái vắng lặng không có âm thanh nào tác động. Nhưng trạng thái đó không kéo dài, còn bị bung ra. Muốn thiện xảo an trú kéo dài trạng thái vắng lặng đó nhưng không được, không kéo dài lâu được. Minh Tông chỉ thấy được bóng dáng của Tứ thiền nhưng chưa ở được trong đó.
Thấy được bóng dáng vắng lặng đó, nhưng vì chưa trọn vẹn nhập Tam thiền, chiêm bao chưa phá sạch, hỉ chưa li hết, cho nên chúng ta chỉ thấy được bóng dáng của Tứ thiền một chút thôi, chứ chưa được nhập vào Tứ thiền. Khi nhập vào Tứ thiền thì cả không gian vũ trụ này không còn một tiếng động nào hết và cả thọ thân của chúng ta, cái mỏi mệt, ngứa ngáy, đau đớn, không còn. Không còn gì tác động được chúng ta. Như vậy mới gọi là trạng thái của Tứ thiền.
Muốn biết được chúng ta dùng pháp hướng có hiệu quả hay không thì phải đúng trạng thái yên lặng của Tứ thiền mà dùng pháp hướng phá âm thanh, phá thọ, phá các loại tưởng. Một người chưa diệt tầm được mà cũng hướng phá âm thanh thì Thầy thấy tầm chưa hết thì làm sao phá âm thanh cho được, vậy phải diệt tầm trước.
Muốn diệt tầm, muốn cho hết tầm tức đừng cho có vọng tưởng, thì phải bắt buộc ý thức bám chặt hơi thở, phải luôn luôn tác ý "Ý thức phải bám chặt hơi thở, không được quên"; cứ một lát thì tác ý "Ý thức phải bám chặt hơi thở, không được quên", nhắc nó vậy rồi chúng ta giữ trạng thái của tâm chúng ta kéo dài ra chừng 1 phút hay 2 phút không có tầm gì hết, chúng ta lại tác ý câu đó nữa. Cứ như vậy chúng ta nhập được một cái định gọi là vô tầm hữu tứ.
Sau đó chúng ta xả hết pháp hướng mà chúng ta vẫn thấy không có tầm khởi ra, tầm không tác động được, lúc đó chúng ta đã diệt được tầm, chỉ còn tứ.
Muốn diệt tứ, chúng ta chỉ hướng tâm nhắc một lần "Tứ không nên tác động ra nữa". Rồi không dùng pháp hướng đó nữa, chúng ta chỉ còn nhắc "Hơi thở phải nhẹ xuống, nhẹ xuống nữa, ý thức không được nhận ra hơi thở nữa" nên hơi thở mất đi, không còn.
Hơi thở không còn làm đối tượng của ý thức nữa mà chúng ta vẫn không tầm không tứ. Lúc đó tầm tứ đã diệt. Đó là lúc chúng ta nhập cái định gọi là định diệt tầm diệt tứ, tức là tương đương với Nhị thiền. Lúc ở trong trạng thái yên lặng đó chúng ta biết nó như thế nào rồi, đã vô đó nên chúng ta biết nó như thế nào, nhưng chúng ta phải ra để biết hơi thở, chứ để mất hơi thở thì ý thức mất đối tượng. Tâm chúng ta ở trong trạng thái định chứ tâm của chúng ta còn niệm (niệm hơi thở),cho nên chúng ta phải ra niệm hơi thở. Nhờ niệm hơi thở ra hơi thở vô, chúng ta mới li các trạng thái hỉ để nhập Tam thiền, chứ nếu không có hơi thở thì chúng ta cứ nằm trong Nhị thiền, dù chúng ta khéo léo nằm trong đó thời gian bao lâu thì cũng vẫn ở trong Nhị thiền, chứ không lên Tam thiền được.
Cho nên quý thầy phải lấy hơi thở. Trong một bài kinh đức Phật nói để nhập Sơ thiền thì chúng ta cũng nương vào hơi thở ra hơi thở vô và khéo tác ý. Để nhập Nhị thiền thì chúng ta cũng nương hơi thở ra hơi thở vô và khéo tác ý, thì chúng ta nhập Nhị thiền. Để nhập Tam thiền cũng vậy. Để nhập Tứ thiền cũng vậy. Cho đến nhập Diệt Thọ Tưởng Định thì đức Phật cũng bảo chúng ta phải nương vào hơi thở ra hơi thở vô và khéo tác ý để nhập được Diệt Thọ Tưởng Định. Đức Phật dạy cho chúng ta qua bài pháp này rất là tuyệt vời. Lộ trình hơi thở rất là hay để đi quảng đường nhập định này cụ thể và rõ ràng.
Hơi thở phải càng chậm và nhẹ cho đến mức độ nào nó mới ngưng, chứ bây giờ hơi thở đang ở 3 giây hay 5 giây làm sao nó ngưng được? Chúng ta thấy quá cụ thể.
Thầy Thiện Thuận phải nhớ là trạng thái tâm phải nằm yên trên tụ điểm. Vì vậy việc quan trọng trong quá trình tu về 4 thiền định này là phải tạo cho có tụ điểm. Tụ điểm giống như cái cọc chúng ta phải đóng cho chắc, mới cột 6 cái thức của chúng ta. Chúng ta xem 6 cái thức như 6 con vật bị cột chặt vào cái cọctụ điểm đó, chúng không lôi cọc tụ điểm đi được, không làm cho cái cọc tụ điểm theo nó. Khi chúng lôi làm cho cái cọc tụ điểm khi thì văng qua hướng này, khi thì văng qua hướng khác theo các con vật đó thì chúng chẳng nằm yên được. Chúng ta nói là tụ điểm nhưng thật ra nó là cái cọc để cột 6 cái thức nằm ở trên đó. Vì vậy mà phải tập cho có tụ điểm, nếu không có tụ điểm thì như một người có 6 con vật không cột vào cái cọc, mỗi con vật đều muốn đi theo hướng riêng của nó chứ không chịu đi chung một hướng đâu. Vì vậy chúng ta làm sao phải cột chặt chúng vào tụ điểm. Nếu không có tụ điểm thì không làm sao phá âm thanh được, không làm sao phá tưởng được, không làm sao diệt tác ý được. Tụ điểm rất quan trọng trong thiền định, phải làm cho có tụ điểm.
Khi dùng pháp hướng cũng phải thiện xảo, nghĩa là khi đã nằm đúng trên sự yên lặng của nội thân, của ngoại thân, chúng ta biết được trạng thái đó rồi, thì dùng pháp hướng phải thiện xảo, phải khéo léo. Nếu tác ý thô quá thì trạng thái yên lặng bị mất, mà sợ quá không dám hướng tâm cho mạnh thì không đủ sức tinh thần, thì cũng chẳng phá được. Cho nên phải thiện xảo khéo léo, biết mức độ nào mà có thể phá âm thanh được, hướng tâm phải ở mức độ nào mà không bị sốc sự yên lặng của trạng thái chúng ta đang nằm ở đó.
Vì vậy đức Phật nói thiện xảo an trú trong định để nó không bung ra làm cho không phá âm thanh được, và trạng thái yên lặng của thân và tâm không bị mất. Nghĩa là mình hướng tâm nhắc câu đó mà pháp hướng quá thô đã không phá được âm thanh mà trạng thái yên lặng của định bị mất, thì ngay liền đó tụ điểm của 6 thức cũng bung ra. Nghĩa là khi mình hướng tâm quá mạnh, 6 cái thức không còn nằm tại tụ điểm nữa, chúng chạy ra khỏi tụ điểm, khi thì cái thức ở tai, khi ở mắt,... bởi vậy phải thiện xảo khéo léo dùng pháp hướng phá âm thanh mới có kết quả. Và trạch pháp ra câu pháp hướng cũng phải đúng tên đúng họ của nó nữa. Nếu dùng câu trạch pháp sai tên, sai họ thì dù mình gọi nó, nó chẳng biết đâu để vâng lời mình. Cho nên dùng pháp hướng phải đúng cách và dùng pháp hướng phải đúng tên của nó. Mình phải suy nghiệm kinh nghiệm của mình như thế nào để trạch pháp ra cho đúng để làm câu nhắc cho nó trở thành cái lực, như vậy mới có kết quả.
Lưu ý: Khi kéo chân ngồi kiết già thì lưng phải thẳng và đợi cho toàn thân thật yên tĩnh, nghĩa là khi mình mới tréo chân ngồi kiết già đừng vội lo hít thở, đừng vội điều khiển ám thị này kia, là không đúng. Người tu là phải cẩn thận và hết sức ý tứ, chúng ta không phải là người tu vội vàng hay nông nổi, mà khi tréo chân ngồi thì phải ngồi cho vững vàng và nghe trạng thái của toàn bộ thân đã yên lặng, không nghe còn cấn hay khó chịu chỗ này chỗ kia, hay còn cảm giác nóng nực hay lạnh, hay cảm giác tức lói chỗ này chỗ khác, hay cảm giác mõi tay mõi chân mõi khớp, thì đừng vội hướng tâm gì hết mà chờ cho toàn thân của chúng ta ở trong trạng thái của sự yên lặng. Khi thân đã yên lặng, chúng ta mới điều khiển cho 6 cái thức nằm yên vào tụ điểm để tâm được yên lặng theo. Quý thầy phải nhớ như vậy. Chúng ta lần lượt điều khiển phần thân trước rồi kế mới đến phần tâm. Đừng vội vàng làm một lượt cả thân và tâm, rồi lo hít thở để đừng có vọng tưởng. Ở đây thân phải yên lặng tức thân phải định, và tâm cũng phải định chứ không được vội vàng để cho hết vọng tưởng, mà phải làm cho toàn bộ thân và tâm phải yên lặng trong sự yên lặng của nó.
Cho nên lưu ý khi kéo chân lên ngồi kiết già, lưng thẳng và đợi cho toàn bộ thân yên tĩnh, nghĩa là không còn một cảm giác nào khó chịu trong thân thì mới dùng pháp hướng nhắc 6 thức nằm yên và bám chặt vào tụ điểm, rồi hít thở coi cái tâm của mình hay 6 cái thức có nằm trên tụ điểm chưa, có nghĩa là chúng gom tại tụ điểm chưa. Nếu 6 cái thức gom tại đó, nằm chặt tại đó thì chúng ta mới nương hơi thở ra và hơi thở vào tại tụ điểm nhẹ nhàng cho đến khi tất cả 6 cái thức nằm yên lặng, nghĩa là chúng ta thấy từ tụ điểm xuất phát hơi thở ra và hơi thở vô là biết rằng 6 cái thức đang nằm trên tụ điểm và đang theo dõi hơi thở hít vô thở ra ở đó. Lúc bấy giờ toàn thể thân tâm ta hiện ra một trạng thái rất yên lặng rõ ràng, nghĩa là khi chúng ta không còn vận dụng các cơ để hít vô thở ra, chúng ta quan sát thấy hơi thở ra vô tự nhiên từ chỗ tụ điểm đó (từ tụ điểm đó thở đi ra và cũng từ tụ điểm đó hơi thở đi vô),vì vậy chúng ta biết 6 thức đang nằm yên lặng tại tụ điểm, nghĩa là toàn bộ nội tâm và ngoại cảnh đều đặt trên tụ điểm đó, không còn bị động nữa, 6 thức nằm yên tại tụ điểm thì ngoại cảnh không tác động chúng ta được và thân chúng ta cũng đang ở trên sự yên lặng của toàn thân. Lúc đó chúng ta phải tác ý như thế nào để sự yên lặng nội tâm không bị động, và chúng ta phải tác ý như thế nào để sự yên lặng của nội tâm và ngoại cảnh không còn tác động chúng ta nữa. Nếu ở trong đó, chúng ta tác ý thô quá thì coi chừng sự yên lặng đó sẽ bị mất đi vì vậy mà nên có một sự tác ý rất nhẹ nhàng. Như vậy sẽ không mất lực của pháp hướng, mà không mất lực của pháp hướng thì nó làm cho câu pháp hướng đạt được hiệu quả, tức là chúng ta muốn đạt cái gì thì sẽ đạt được cái đó.
Thí dụ chúng ta muốn hướng tâm phá âm thanh thì mỗi lần nhắc hướng tâm "Đừng nghe âm thanh nữa" thì sự nghe âm thanh bên ngoài được giảm bớt, chớ không phải nhắc đến 5, 10 lần mà âm thanh vẫn còn nghe như lúc chưa hướng tâm. Khi chúng ta hướng tâm mà không làm mất trạng thái yên lặng của tâm thì không còn nghe âm thanh nữa, nó vắng liền. Như trong sự yên lặng của tâm, khi nghe một tiếng nói thì chúng ta hướng tâm rất nhẹ, đừng để tác động đến trạng thái đang yên lặng của tâm. Chúng ta vừa thoáng qua cái ý đừng nghe âm thanh (đó là hướng tâm đúng),thì 6 cái thức, nhất là nhĩ thức lại nằm yên hơn nữa, làm như nó lặn sâu xuống nữa, nó không còn nghe bên ngoài nữa. Đó là kết quả mà chúng ta biết được 6 thức đang nằm trên trạng thái yên lặng, mà 6 thức đang nằm trên sự yên lặng thì sự yên lặng lại sâu hơn nữa, đi sâu hơn nữa. Âm thanh đó nghe đang lớn thì dường như chúng ta nghe nó ở đâu xa, chỉ nghe văng vẳng chứ không còn lớn nữa. Và trong thời gian nghe văng vẳng đó chúng ta lại thoáng qua tác ý hướng tâm của mình một lần nữa thì cái âm thanh vắng luôn, không còn nghe nữa. Như vậy chính 6 thức của chúng ta nằm trên tụ điểm mà chúng ta hướng tâm để phá đi âm thanh.
Hoặc khi cái chân đang đau hoặc nhức, muốn tâm chúng ta đừng bị giao động ở chỗ đau nhức đó thì tâm (6 thức) phải nằm chặt trên tụ điểm, mặc dù chúng ta có cảm giác đang đau chân nhưng cảm giác đau đó không lung, bởi vì khi tâm nằm ở tụ điểm thì cảm giác đau rất là thường. Trái lại khi tâm chúng ta chạy xuống nằm ngay chỗ đau thì chúng ta thấy đau chịu không nổi. Khi 6 thức bám chặt tụ điểm thì chúng ta hướng tâm "Thọ hãy đi đi, không được ở đây. Thân thức phải bám cho chặt hơi thở ở tụ điểm". Khi hướng tâm như vậy thì chúng ta nghe dường như toàn thân không nghe cảm giác gì nữa. Lúc đó là pháp hướng của chúng ta rất hiệu quả. Chúng ta chỉ nhắc một hoặc hai lần ở trên trạng thái yên lặng đó là có kết quả ngay liền.
Như bây giờ cái đầu của Thầy nhức thì tâm của Thầy chỉ cần lặn ở trên trạng thái yên lặng đó và nhắc "Cái nhức đầu này không được nhức nữa. Cái thọ hãy đi đi" thì ngay đó Thầy nghe cái đầu hoàn toàn không nhức nữa là tại vì 6 cái thức do tác ý buộc nó nằm ở tụ điểm, lìa cái thọ gây ra sự đau khổ, nó không bám vào cái thọ đau đầu đó nữa, cho nên Thầy không còn thấy đau đầu nữa.
Như vậy khi chúng ta tu tập là phải biết được trạng thái tâm của mình, mình phải giữ gìn nó lúc đó như thế nào, mặc dù tâm chỉ ở yên trong sự yên lặng đó 5 phút hay 10 phút thì nó bung ra, nhưng chúng ta biết dùng thêm pháp hướng thì có thể kéo dài gấp đôi thời gian lên, thành 10 hay 20 phút, như Phật nói: thiện xảo cho tâm an trú trong (sự yên lặng) đó. Nếu chúng ta không khéo thiện xảo an trú thì nó sẽ bị bung ra. Cho nên Phật nói thiện xảo nhập định, thiện xảo an trú trong định, thiện xảo sống trong cảnh giới định, thiện xảo xuất định. Cái thiện xảo là cái chúng ta đừng có làm động sự yên lặng của tâm, bởi làm động thì sao gọi là thiện xảo được. Khi tác ý thô là chúng ta làm động tâm mất rồi. Quý thầy phải nắm chỗ khéo tác ý đó thì quý thầy sẽ đạt được kết quả. Cho nên Thầy dạy thì đúng mà khi quý thầy áp dụng tu thì quá thô nên thời gian qua quý thầy tu không có kết quả.
Phá âm thanh không phải dễ đâu, bởi vì đó là ngoại cảnh. Người ta nói "Đạt thân mà khó đạt cảnh", đạt ở trong thân của mình chứ cảnh bên ngoài khó đạt. Làm cho ngoại cảnh trở nên yên lặng, nếu không thiện xảo thì ngoại cảnh khó yên lặng.
Vậy đừng vội vàng vừa kéo chân lên là hướng tâm liền, làm như vậy là không kết quả, mà hướng tâm liên tục cũng không kết quả, hướng tâm thưa quá cũng không kết quả. Khi hướng tâm rồi thì tâm quý thầy nằm yên trên tụ điểm, trong sự yên lặng đó, nhưng lâu quá không hướng lại thì lại mất cái hiệu lực của câu hướng tâm đi, do vậy nó xen vào những trạng thái khác làm mất trạng thái yên lặng đi, nó bung ra. Khi nó bung ra thì đã mất trạng thái yên lặng rồi, quý thầy có hướng tâm lại thì pháp hướng đâu còn hiệu quả. Cho nên thưa quá cũng không được mà nhặt quá cũng không có kết quả.
Khi dùng pháp hướng thì phải biết tâm đang còn nằm trên trạng thái yên lặng, nhờ đó hướng tâm có kết quả. Nếu khi tâm đã bị bung ra rồi thì phải gom tâm trở lại cho nó nằm yên lặng trên tụ điểm, rồi mới hướng tâm thì nó mới có kết quả. Khi nó đang yên lặng, muốn kéo dài sự yên lặng đó thì phải biết khoảng cách thời gian bao lâu để dùng pháp hướng lại cho sự yên lặng đó kéo dài ra, và phải khéo léo thiện xảo như thế nào để không mất trạng thái yên lặng đó. Do vậy người tu phải hết sức khéo léo, chứ vụng thì mất định ngay liền.
Đừng vội vàng vừa kéo chân lên là hướng tâm liền, như vậy là không kết quả, hướng tâm liên tục cũng không kết quả, hướng tâm thưa quá cũng không kết quả. Thiện xảo như thế nào mà mỗi lần hướng tâm thì rất hiệu quả, nghĩa là âm thanh giảm cho đến không còn nghe nữa, toàn trong thân và ngoại thân vắng lặng, tức là không gian và thời gian cô đọng lại, vắng lặng phủ trùm.
Khi chúng ta hướng mà thấy được sự vắng lặng phủ trùm cả toàn thân của mình và cả vũ trụ là do:
1./ Chọn pháp hướng đúng cách.
2./ Hướng đúng ở trạng thái đang yên lặng.
3./ Khoảng cách thời gian hướng phải đúng, không thưa mà cũng không nhặt, tùy ở trạng thái yên lặng của tâm lúc 6 thức nằm yên tại tụ điểm.
4./ Khi xả ra phải biết cách hướng đúng cách, đúng pháp, đúng thời gian.
- Khi xả thiền ra thì phải biết trạng thái của hơi thở chậm và nhẹ đó đang ở mức độ nào, ở Nhị thiền hay Tam thiền hay Tứ thiền để chúng ta hướng tâm đúng với mức định đó mà xả thiền ra. Khi xả thiền là phải xả sạch, chứ nếu xả ra không sạch thì nằm xuống nghĩ hay ngồi nghỉ mà còn cảm nhận trạng thái lâng lâng trong tâm hồn, đó là do xả không hết. Phải nhận xét thân tâm xả ra đã trở về trạng thái bình thường chưa. Nếu còn khinh an, còn lâng lâng, còn như say sóng thì đó là do xả chưa sạch, tâm chưa trở lại trạng thái bình thường. Phải xả cho thật đúng sạch chứ không thì sau này sẽ bị rối loạn cơ thể.
Xả ra, thân tâm có mệt hay không, nếu mệt nhọc thì đó là tu sai. Người tu thiền, xả ra cảm thấy an ổn, tỉnh táo, rất khỏe người, không bị mệt nhọc. Khi xả ra phải lưu ý cái thân của chúng ta để tránh những cái sai khi tu. Nếu vẫn cứ mang những cái sai này mà tu thì sau này sẽ trở thành bịnh tật cho thân mà không đạt được thiền định đúng cách đâu.
Khi xả phải xả cho thật sạch, nghĩa là phải trở về trạng thái của hơi thở bình thường. Các con lưu ý: bình thường chúng ta thở chậm hay nhẹ như thế nào thì các con tự biết, khi muốn xả ra nghỉ thì phải thở trở lại hơi thở bình thường đó. Khi trở về trạng thái rất bình thường rồi, chúng ta mới đi kinh hành hoặc là nghỉ, chứ chưa được bình thường mà ngồi nghỉ thì không tốt. Khi đi kinh hành là kinh hành thư giản, không được tập trung ở đâu hết, đi như một người vô sự.
Khi ở trong trạng thái yên lặng mà cảm nhận trạng thái như dồi sóng thì đó là trạng thái của tưởng, đó là trật. Vậy phải phá liền trạng thái tưởng đó, xả ra không được để.
Các con nên lưu ý: về đi kinh hành có nhiều cách đi kinh hành. Nếu đi kinh hành tu chánh niệm tỉnh thức thì khác, đi kinh hành tu tứ vô lượng tâm thì khác, đi kinh hành phá hôn trầm thì khác, đi kinh hành để thư giản thân tâm qua một thời gian công phu tu tập mệt mỏi thì khác. Cho nên đừng nghỉ rằng tất cả đi kinh hành đều giống nhau, như thế là chúng ta hiểu kinh hành chưa rành; người hiểu rành thì đi kinh hành cho mỗi mục đích đều có sự khác biệt nhau.
Nếu sau thời gian mình nhiếp tâm trong hơi thở hoặc tu định vô lậu mà đi kinh hành thì đó là đi kinh hành thư giản. Đi kinh hành thư giản không tập trung tâm vào chỗ nào hết, nghĩa là không tập trung tâm vào bước chân đi, phải đi như người vô sự, đi thanh thản không có gì trong tâm của mình.
Khi thấy thân tâm đã thư giản bình thường mà chúng ta ngồi tu, lại có cảm giác lâng lâng thì đó là do chúng ta xả thiền chưa sạch. Các vị thiền đức có nói có cảm giác lâng lâng hay nhẹ nhàng thì đó là tại vì quý vị đó xả chưa sạch, hoặc không biết cách xả cho nên nó còn mang trong thân của mình.
Muốn xả cho thật sạch thì chúng ta biết chúng ta từ hơi thở bình thường đi vào hơi thở chậm và nhẹ để nhập định nào đó, thì chúng ta cũng phải trở lại hơi thở bình thường này. Xả cho thật sạch, cho thật bình thường thì chúng ta nghe trong toàn thân không có trạng thái gì đặt biệt lạ lùng hết, trở về với dạng thức bình thường của nó, lúc đó chúng ta mới đi kinh hành. Đi kinh hành tức là chúng ta đi để thư giản vì hồi nãy chúng ta ngồi gò bó chân tay lại một chỗ, bây giờ chúng ta đi cho nó rản gân ra, cho nó thư giản ra hết.
Khi ngồi lại mà không nghe có cảm giác gì, như lâng lâng, nhẹ nhàng hay có cái gì khác như dồi sóng thì đó là đúng; mà ngồi lại còn cảm nhận có một trong các trạng thái lâng lâng, nhẹ nhàng hay có cái gì khác thì biết là chúng ta xảthiền chưa sạch. Vậy chúng ta phải xả cho thật sạch, đừng để có trạng thái gì hết.
- Đặt niệm để tu định vô lậu, thí dụ niệm thân, quán xét sự vô thường của cái thân thì nên suy tư tìm hiểu sự vô thường của cái thân, nghĩa là mình đặt niệm thân vô thường. Chữ thân và chữ vô thường là hai danh từ. Mình suy nghĩ cái thân vô thường là thân thay đổi như thế nào để nhận ra được sự thay đổi vô thường đó bằng cái thực sự, bằng hình ảnh để nhìn thấy rõ sự vô thường, chứ không bằng danh từ vô thường. Như quan sát mặt của mình từ lúc còn trẻ nhỏ thì không nhăn, bây giờ già thì nhăn; da lúc còn trẻ thì hồng hào bóng láng, bây giờ già thì nhăn nheo thô xấu, nổi gân xanh... đó là hình ảnh của sự vô thường, nhìn thấy sự thay đổi đó là sự vô thường. Nên quán xét khi tuổi còn trẻ nay về già sự vô thường xẩy ra như thế nào về các phần thân thể, như mắt, da, sức khỏe, sức lực... Còn như mình chỉ nói vô thường mà không xét sự thay đổi xẩy ra ở mỗi phần thân thể qua thời gian, thì tu định vô lậu không đạt sự vô lậu, không nói lên sự vô thường.
Giới thiệu Chính sách bảo mật Chính sách và thoả thuận bản quyềnVề chúng tôi
Thông tin liên hệ
Liên kết